GS-TS Võ Tòng Xuân gửi lại trần gian ngân hàng giống lúa
GS-TS Võ Tòng Xuân gửi lại trần gian ngân hàng giống lúa
Bắt đầu từ những bài tập
Có lần, chia sẻ với chúng tôi về ngân hàng giống lúa, GS-TS Võ Tòng Xuân không quên nhắc đến nội dung thư của GS-TS Nguyễn Duy Xuân, Viện trưởng Viện ĐH Cần Thơ (nay là Trường ĐH Cần Thơ), gửi cho GS Xuân khi ông đang làm việc ở Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI). Trong thư có đoạn: “ĐBSCL là vựa lúa gạo nên rất cần những nhà khoa học về nông nghiệp. Chiến tranh rồi sẽ có ngày hòa bình, cái ăn sẽ luôn luôn đi đầu, rất cần những người như anh”.
Những năm chiến tranh khốc liệt, miền Nam phải nhập khẩu trên 200.000 tấn gạo. Năm 1971, GS-TS Võ Tòng Xuân rời IRRI, về công tác tại Viện ĐH Cần Thơ. Ông dạy bộ môn cây lúa và quản lý nông trại vỏn vẹn 3.000 m2 cho sinh viên thực tập nghiên cứu ứng dụng về trồng lúa và thực hành các thao tác của nghề trồng lúa.
Tất cả sinh viên đều rất thích môn học này, bởi có lẽ đây là cây trồng chính của ĐBSCL và vì có người thầy trẻ từ Viện IRRI về dạy. Trong những sinh viên nông nghiệp khóa I, Nguyễn Thành Nghiệp biểu lộ đam mê với cây lúa thơm Chợ Đào (thuộc xã Mỹ Lệ, H.Cần Đước, Long An). Tuy nhiên, giống lúa này chỉ thơm khi trồng trên diện tích khoảng 500 ha, nơi giao thoa giữa dòng nước ngọt của sông Rạch Đào (từ sông Vàm Cỏ Đông) và dòng nước mặn của rạch Nha Ràm (từ sông Rạch Cát), năng suất chỉ từ 1,5 đến 2,5 tấn/ha.
GS-TS Võ Tòng Xuân kể: “Tôi đã ước ao tìm được trong số hàng trăm giống lúa cổ truyền của ĐBSCL một giống lúa ngon cơm nhất để phổ biến rộng rãi cho bà con nông dân, bù lại những ngày ăn gạo năng suất cao nhưng không ngon cơm của IRRI”.
Sau khi Việt Nam xuất khẩu gạo trở lại vào cuối năm 1989 với loại lúa năng suất cao nhất nhưng chất lượng gạo chỉ phù hợp túi tiền của người thu nhập thấp, giá rất rẻ… thì GS-TS Võ Tòng Xuân lại trăn trở “làm sao có lúa ngon cơm”. Vậy là ngân hàng lúa giống bắt đầu từ những bài tập về cây lúa. Mỗi sinh viên khi về quê ăn tết mang theo sứ mệnh sưu tầm 5 giống lúa, sau đó giao lại cho bộ môn. Cùng một số giống lúa mùa của đoàn chuyên gia nông nghiệp Đài Loan trước 1975, đến năm 1977, đã có cả ngàn giống lúa mùa địa phương.
Các giống Tàu Hương, Nàng Thơm, Châu Hạng Võ, Nanh Chồn, Huyết Rồng lấy từ ngân hàng giống lúa, phối hợp với vài gien lúa không quang kỳ, ngắn ngày và kháng rầy nâu nhập từ IRRI đã tạo ra giống mới. Công tác lai tạo bắt đầu từ 1980 tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển lúa ĐBSCL của Trường ĐH Cần Thơ. Hai giống ngon thơm và ngắn ngày là MTL233 và MTL250 ra đời, thúc đẩy quá trình tìm kiếm giống ngon cơm từ nhiều cơ quan nghiên cứu, chọn tạo giống lúa.
Kho trữ có một không hai ở ĐBSCL
PGS-TS Nguyễn Ngọc Đệ, PGS-TS Huỳnh Quang Tín… là những người rất tâm huyết trong việc bảo tồn giống lúa trong ngân hàng giống lúa của Trường ĐH Cần Thơ.
Theo PGS-TS Nguyễn Ngọc Đệ, kết quả chương trình điều tra giai đoạn 1 (1980), ĐBSCL có khoảng 1.000 giống lúa mùa địa phương được canh tác. Trong đó, có 85 giống lúa nổi, 80 giống lúa cấy 2 lần và 835 giống lúa cấy 1 lần. Bình quân, mỗi tỉnh có 150 – 200 giống lúa.
Lúa mùa địa phương phân bố khắp ĐBSCL, từ đất phù sa ven sông, đất phèn, đất mặn, đất khô hạn vùng Bảy Núi (An Giang) đến vùng ngập lũ Đồng Tháp Mười (Tứ giác Long Xuyên), trong điều kiện thâm canh tốt vẫn có khả năng cho năng suất 4 – 5 tấn/ha. Đặc biệt, nhiều giống lúa có phẩm chất tốt, ngon cơm, gạo thơm, có giá trị xuất khẩu, tính chống chịu, thích nghi rất tốt, nhưng không có giống địa phương nào kháng rầy nâu.
Từ gợi mở của thầy Xuân và sức sáng tạo của cộng sự, kỹ sư Hồ Quang Cua đã âm thầm nghiên cứu cây lúa thơm, ngon cơm thích hợp vùng nhiễm mặn ĐBSCL. Một nhóm cơ hữu gồm kỹ sư Hồ Quang Cua, TS Trần Tấn Phương và ThS Nguyễn Thu Hương làm việc miệt mài trong suốt hơn 25 năm cho ra những dòng lúa ST mà giờ đây, thế giới biết tới Việt Nam với ST 24, ST 25 – gạo ngon nhất thế giới.
Hiện nay, ngân hàng lúa giống tại Trường ĐH Cần Thơ có hơn 3.000 mẫu lúa giống, được chia làm 3 bộ sưu tập chính gồm: lúa mùa, lúa rẫy, lúa cao sản. Trong đó, trên 1.988 mẫu giống lúa mùa, 700 mẫu giống lúa rẫy và khoảng 200 mẫu giống nhập ngoại.
Các giống lúa trong ngân hàng giống từ 5 – 7 năm sẽ mất sức nảy mầm, nếu không đem ra trẻ hóa lại hạt giống sẽ bị chết. Ông Lê Quốc Việt (sinh viên khóa 8, khoa Nông nghiệp, Trường ĐH Cần Thơ – ngụ H.Châu Thành, Kiên Giang) đã về trường cũ tìm tới nơi lưu giữ hàng ngàn giống lúa đang ngủ đông, đúng lúc ban quản lý kho cần đưa các giống lúa ra đồng để trẻ hóa.
Ông Việt chấp nhận bán đất, đầu tư hệ thống canh tác, trẻ hóa 30 giống lúa mùa địa phương gắn với mô hình GIAHS (Hệ thống di sản nông nghiệp quan trọng toàn cầu) và hướng tới Svalbard Global Seed Vault sau khi tham gia trẻ hóa giống lúa mùa từ ngân hàng lúa giống của Trường ĐH Cần Thơ.
Những người lưu giữ ngân hàng giống của Trường ĐH Cần Thơ vẫn ôm ấp ước mơ về một kho lưu trữ giống bản địa hiện đại mọc lên để bảo tồn di sản quý hiếm này.
Kho hạt giống lớn nhất thế giới nằm trên đảo Svalbard (Na Uy) đang lưu trữ hàng triệu hạt giống trên thế giới, bảo vệ đa dạng sinh học trước biến đổi khí hậu, chiến tranh, thảm họa tự nhiên hoặc do con người gây ra. Kho hạt giống Svalbard nằm sâu 120 m trong ngọn núi sa thạch, được khởi công năm 2006, khi Liên Hiệp Quốc đưa ra các quy tắc để chia sẻ và tiếp cận các vật liệu di truyền thực vật. Trung tâm nguồn gien Bắc Âu (NorGen), chính phủ Na Uy và Tổ chức Crop Trust trực tiếp bảo vệ kho giống lớn nhất hành tinh này.
Tại Hàn Quốc, Trung tâm bảo tồn hạt giống Vườn ươm quốc gia Baekdudaegan cũng bảo quản gần 100.000 hạt giống từ 4.751 loài thực vật được giữ ở nhiệt độ -20 độ Ϲ, kho thiết kế để chống lại động đất 6, 9 độ Richter, thậm chí là một vụ tấn công nguуên tử.
Những ngân hàng giống này đều “sinh sau đẻ muộn ” so với ý tưởng ngân hàng giống lúa của GS-TS Võ Tòng Xuân.
Bạn đang đọc GS-TS Võ Tòng Xuân gửi lại trần gian ngân hàng giống lúa tại website hungday.com