Hà Nội: Chợ tự phát “xâm lấn” lòng lề đường
Hà Nội: Chợ tự phát “xâm lấn” lòng lề đường
(Xây dựng) – Thành phố Hà Nội đang phải đối mặt với một vấn nạn nhức nhối khi chợ cóc, chợ tự phát lấn chiếm lòng lề đường ngày càng tràn lan, khiến nhiều tuyến phố trở nên mất mỹ quan, gây cản trở giao thông. Điều này không chỉ gây bức xúc cho người dân, mà còn ảnh hưởng đến hình ảnh của một thành phố văn minh, hiện đại.
Mặc dù có biển “Cấm họp chợ”, nhưng khu vực chợ đêm vẫn hoạt động nhộn nhịp trước trụ sở Đảng uỷ – UBND phường Vĩnh Hưng (quận Hoàng Mai, Hà Nội). |
Đi dọc các con phố ở Hà Nội, đặc biệt là ở khu vực trung tâm và các quận nội thành, có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh những chiếc xe đẩy, những sạp bán hàng rong bày la liệt hàng hóa trên vỉa hè, dưới lòng đường. Từ quần áo, giày dép, đồ gia dụng đến thực phẩm tươi sống, tất cả đều được bày bán một cách tùy tiện.
Có thể nói, chợ tự phát hình thành và tồn tại do nhu cầu mua bán nhanh của cả người bán lẫn người tiêu dùng. Thực tế cho thấy, vào đầu giờ sáng, giữa trưa hay cuối buổi chiều, tại những khu chợ tự phát, hàng hoá ngổn ngang cùng với lượng xe đông, người mua đỗ tràn lan hai bên đường khiến giao thông trở nên khó khăn, gây ách tắc trong những khung giờ cao điểm.
Các hoạt động giết mổ gia cầm, sơ chế tôm cá, nhặt rau… được tiểu thương ngang nhiên thực hiện ngay tại chỗ. Nước thải phục vụ cho việc sơ chế bị thải trực tiếp xuống vỉa hè và lòng đường, bốc mùi và gây ô nhiễm.
Khung cảnh ngổn ngang của một sạp bán rau tại một khu chợ cóc ven đường. |
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do nhiều yếu tố. Trước hết, nhu cầu sinh kế của một bộ phận người dân, đặc biệt là những người lao động bằng kinh doanh nhỏ lẻ, khiến họ tìm đến việc buôn bán tự phát để mưu sinh. Bên cạnh đó, sự thiếu sót trong công tác quản lý đô thị, việc xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe khiến cho tình trạng này vẫn tái diễn. Cuối cùng, ý thức của một số người dân về việc giữ gìn trật tự đô thị còn hạn chế.
Chị L.T.H, một tiểu thương bán hàng tại chợ cóc chia sẻ, dù biết rằng không được phép buôn bán tự phát như vậy, bởi đã được Công an và Đội Quản lý trật tự xây dựng và đô thị đã nhiều lần nhắc nhở. “Nhưng để vào hẳn những khu chợ chính bán với đủ các chi phí thì không đủ trang trải cuộc sống cho gia đình”, chị L.T.H bày tỏ.
Những người dân sinh sống lâu năm tại khu vực Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy, Hà Nội) không biết chợ cóc hình thành từ khi nào. Trong chợ có cả những hộ dân tự kinh doanh và các tiểu thương từ nơi khác đến bày bán. Mỗi người một mặt hàng từ rau, cá, hoa… rồi dần dần thành chợ tạm. Mỗi khi có lực lượng chức năng xuất hiện, người bán hàng mới nhốn nháo chất hàng lên xe phóng đi. Đến khi lực lượng chức năng đã đi xa, hàng hoá lại được bày tràn lan lên vỉa hè, mọi việc đâu lại vào đấy.
Ông N.M. Quang, người dân sinh sống tại khu phố Nghĩa Tân từ năm 1999 cho biết, vào buổi sáng, cũng có một vài tiểu thương bày sạp bán hàng trước cửa nhà ông, chủ yếu là bán trái cây. “Họ bày sạp nhỏ cũng không chiếm diện tích cửa nhà và cũng quét sạch sau khi dọn hàng nên tôi vẫn để họ buôn bán suốt mấy năm nay”, ông N.M. Quang cho biết.
Chợ tự phát trước cổng trường Mầm non tại khu Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy, Hà Nội). |
Ngoài những vấn đề liên quan đến trật tự an toàn giao thông, mỹ quan đô thị, các chợ tự phát, chợ cóc còn là nơi báo động về tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm khi người bán không đảm bảo được chất lượng của sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Sau mỗi buổi họp chợ, rác thải chất thành đống, nước thải lênh láng trên đường gây ô nhiễm môi trường.
Việc xử lý chợ tạm, chợ tự phát, chợ cóc là bài toán nan giải đối với các cấp chính quyền, cơ quan chức năng để có thể giải quyết thực trạng nhưng vẫn đảm bảo kế sinh nhai cho người dân. Mặt khác, người tiêu dùng cũng cần thay đổi thói quen mua bán, đến những cơ sở thương mại có địa chỉ rõ ràng, đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm.