Hà Nội gỡ khó cho đấu giá đất
Hà Nội gỡ khó cho đấu giá đất
Sau một thời gian tạm dừng ủy quyền định giá đất cho các địa phương, ngày 22-5-2024, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 2681/QĐ-UBND về việc ủy quyền quyết định giá đất cụ thể trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Với quyết định này, thị trường bất động sản Hà Nội, nhất là ở các khu vực ngoại thành sẽ có thêm nguồn đất đấu giá trong nửa cuối năm 2024, mang lại sự sôi động và cơ hội đầu tư mới cho các nhà đầu tư và người dân.
Khu đất đấu giá tại xã Đồng Thái (huyện Ba Vì). |
Đấu giá quyền sử dụng đất sôi động trở lại
Nếu như việc đấu giá quyền sử dụng đất (thường được gọi tắt là đấu giá đất) năm 2023 ế ẩm, nhiều phiên mở bán hồ sơ không có người tham gia thì những tháng đầu năm 2024, các phiên đấu giá đất trên địa bàn thành phố Hà Nội đã sôi động trở lại, thu hút đông đảo người dân quan tâm.
Theo Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Mê Linh Đinh Ngọc Thức, từ đầu năm 2024 đến nay, huyện Mê Linh tổ chức thành công 8 phiên đấu giá quyền sử dụng đất, thu hơn 780 tỷ đồng. Tại huyện Phúc Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Phúc Thọ Tô Quang Tuyến cho biết, từ đầu năm đến nay, trung tâm đã tổ chức đấu giá đất ở 9 khu, với tổng diện tích là 19.549,17m2 số tiền thu về 379,384 tỷ đồng.
Tuy nhiên, các vị trí đấu giá đất của các huyện, thị xã thời gian qua đều là “hàng tồn” của những năm 2022 và năm 2023, không phải là các dự án mới của năm 2024. Nguyên nhân là, ngày 5-2-2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 12/2024/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 44/2014/NĐ-CP ngày 15-5-2014 của Chính phủ quy định về giá đất và Nghị định số 10/2023/NĐ-CP ngày 3-4-2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai. Theo đó, các căn cứ trước đây về xác định giá khởi điểm đất đấu giá của UBND thành phố ủy quyền cho các quận, huyện, thị xã đều không còn hiệu lực nên các địa phương phải chờ hướng dẫn mới của thành phố để xác định giá khởi điểm.
Sớm tháo gỡ về vấn đề định giá khởi điểm
Trước thực trạng trên, ngày 22-5-2024, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 2681/QĐ-UBND về việc ủy quyền quyết định giá đất cụ thể trên địa bàn thành phố Hà Nội. Theo đó, kể từ ngày 22-5 đến hết ngày 31-5-2024, UBND thành phố ủy quyền cho UBND cấp huyện quyết định giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất đối với hộ gia đình, cá nhân…
Mặc dù thành phố đã có hướng dẫn phương pháp định giá đất và ủy quyền cho các địa phương, song quá trình triển khai lại phát sinh những vướng mắc, cần được tháo gỡ. Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Quốc Oai Đỗ Nhật Quang cho biết, với hệ số điều chỉnh giá đất là 2 như xã Sài Sơn, nếu nhân theo bảng giá của thành phố, thì có giá thấp hơn nhiều so với thị trường, khiến địa phương băn khoăn, do dự. Vì vậy, hiện tại Quốc Oai có 3 dự án đã làm xong hạ tầng, nhưng gặp vướng mắc này, nên chưa thể xác định được giá khởi điểm.
Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Phúc Thọ Tô Quang Tuyến cho hay, với bảng giá đất theo quy định của thành phố, thì vị trí đấu giá đất tại một số điểm của thị trấn Phúc Thọ chỉ có giá khởi điểm khoảng 7 triệu đồng/m2. Trong khi đó, từ đầu năm đến nay, giá đất tại các vị trí tương tự đã đấu giá thành công dao động từ 20 đến 30 triệu đồng/m2. Giữa giá khởi điểm đấu giá với giá thực tế có sự chênh lệch lớn so với thị trường nên huyện chưa áp dụng để xác định giá khởi điểm.
Các huyện: Đông Anh, Chương Mỹ, Phú Xuyên… cũng có nhiều dự án đất đấu giá đã làm xong hạ tầng, song chưa thể xác định được giá khởi điểm để đấu giá. Bởi, áp dụng phương pháp tính theo ủy quyền của thành phố, mức giá khởi điểm thấp hơn nhiều so với giá thị trường.
Hiện các địa phương rất mong thành phố sớm tháo gỡ vướng mắc để hoàn thành kế hoạch thu ngân sách từ đấu giá đất của năm 2024.
Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Phú Xuyên Đỗ Thành Công:
Sớm thành lập tổ công tác liên ngành Các khu đất đấu giá tại địa phương đều đã được quy hoạch và đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, kết nối với các trục giao thông chính, đáp ứng việc hình thành khu dân cư mới, hiện đại. Do vậy, khi UBND thành phố Hà Nội ủy quyền cho huyện quyết định giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất, là cú hích quan trọng giúp thị trường bất động sản ven đô trở nên khởi sắc và lành mạnh hơn. Tuy nhiên, thành phố cần sớm thành lập tổ công tác liên ngành sớm tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình định giá đất và đấu giá quyền sử dụng đất. Thành phố nên áp dụng công nghệ thông tin và hệ thống định giá đất tự động để nâng cao độ chính xác và giảm thời gian định giá đất. Hệ thống này có thể thu thập, phân tích dữ liệu thị trường bất động sản một cách liên tục và cập nhật thường xuyên. Ngoài ra, cần tổ chức các khóa đào tạo và bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ làm công tác định giá đất tại UBND cấp huyện, nhằm bảo đảm đội ngũ thực thi luôn cập nhật nhanh kiến thức và kỹ năng để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thường Tín Lê Tuấn Tú: Hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn Năm 2024, huyện Thường Tín được giao thu từ đất khoảng 700-800 tỷ đồng, nếu không quyết liệt tháo gỡ khó khăn về pháp lý để tổ chức đấu giá đất thì khó có thể hoàn thành nhiệm vụ. Chính vì vậy, ngay sau khi có hướng dẫn của thành phố, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thường Tín đã bắt tay ngay vào việc hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan để khi dự án nào đủ điều kiện, sẽ tổ chức đấu giá sớm nhất. Song, với phương pháp định giá đất theo hướng dẫn hiện nay, giá khởi điểm khá thấp so với thực tế của thị trường, khiến các đơn vị định giá băn khoăn. Để tháo gỡ khó khăn này, rất mong UBND thành phố Hà Nội và các sở, ngành liên quan có văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn về quy trình, thủ tục định giá đất và đấu giá quyền sử dụng đất. Các cơ quan, đơn vị cần xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai đầy đủ, cập nhật thường xuyên về giá đất, tình hình thị trường bất động sản và các yếu tố ảnh hưởng để hỗ trợ công tác định giá đất nhanh chóng và chính xác. Bà Trần Thị Phượng, phường Phú La, quận Hà Đông: Để người dân có thêm lựa chọn Việc thành phố trao quyền cho các địa phương xác định giá khởi điểm để đấu giá đất, giúp giá đất sát với tình hình thực tế của từng địa phương. Tuy nhiên, với tư cách là khách hàng tham gia đấu giá đất, tôi mong muốn các địa phương đưa ra giá khởi điểm hợp lý, tốt hơn mặt bằng chung để người dân có thêm sự lựa chọn và dễ dàng trả các bước giá trong quá trình đấu giá, tránh tình trạng tăng giá một cách vô lý. Thực tế, giá khởi điểm chỉ là điều kiện đầu tiên để khách hàng quyết định mua hồ sơ đấu giá đất hay không; còn giá thực sau khi đấu là do khách hàng trả giá bằng phiếu kín, đa phần sát với thị trường. Đặc biệt, cần tăng cường thông tin, tuyên truyền về các chính sách mới và các quy định liên quan đến định giá đất và đấu giá quyền sử dụng đất. Luật Đất đai (sửa đổi) cũng có nhiều chính sách mới và đột phá. Các quy định về giá đất bảo đảm nguyên tắc khách quan, minh bạch, điều hòa nguồn thu từ đất cho Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, tránh để giá đất biến động “nóng” và cân đối chi phí đầu vào cho các dự án đầu tư phát triển kinh tế – xã hội. Sơn Tùng ghi |
Bạn đang đọc Tin tức xây dựng trên website hungday.com