Hà Nội: Thị xã Sơn Tây tập trung triển khai đầu tư các dự án trọng điểm
Hà Nội: Thị xã Sơn Tây tập trung triển khai đầu tư các dự án trọng điểm
(Xây dựng) – Với định hướng phát triển Sơn Tây là đô thị vệ tinh cửa ngõ phía Tây Bắc Thủ đô Hà Nội mang tính chất văn hóa, lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng, đô thị xanh với tiêu chí “Văn minh – Hiện đại” và “Xanh – Thông minh”, thị xã đã và đang triển khai nhiều dự án trọng điểm.
Các dự án sau khi hoàn thành sẽ tạo sự kết nối đồng bộ, đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và du lịch, dịch vụ, tạo nhiều cơ hội, tiềm năng phát triển đột phá cho thị xã Sơn Tây. |
Dự án xây dựng tuyến đường Ngô Quyền – Phùng Hưng
Dự án có tổng chiều dài 2.200m, điểm đầu tuyến tại nút giao ngã ba đường Nguyễn Thái Học và đường Phan Chu Trinh, điểm cuối tuyến giao với đường tránh Quốc lộ 32. Quy mô dự án mặt đường rộng 38m-45m, có hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, dự án có tổng mức đầu tư 522 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách thị xã Sơn Tây.
Dự án đường Ngô Quyền – Phùng Hưng sẽ làm thay đổi bộ mặt thị xã. |
Dự án có vai trò quan trọng trong hệ thống giao thông khung của thị xã. Tuyến đường giúp kết nối các tuyến đường trục chính, đường hạ tầng khung đã và đang được đầu tư, tạo thành mạng lưới giao thông thông suốt. Dự án sau khi hoàn thành sẽ góp thêm thế mạnh cho thị xã Sơn Tây để phát triển đồng bộ kinh tế, văn hóa, xã hội và du lịch. Việc đầu tư xây dựng các dự án có ý nghĩa quan trọng trong việc hoàn thiện và phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội trên địa bàn thị xã Sơn Tây, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, đóng góp vào sự phát triển chung của Thủ đô và đất nước.
Dự án bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị di tích lịch sử Thành cổ Sơn Tây (giai đoạn 1)
Thành cổ Sơn Tây là một trọng trấn của toàn bộ khu vực phía Tây thành Hà Nội, là nơi đặt trụ sở Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên để bảo vệ và giữ yên cả vùng rộng lớn Tây Bắc, Việt Bắc gồm 5 phủ, 24 huyện (gồm toàn bộ tỉnh Vĩnh Phúc, tỉnh Phú Thọ, một nửa tỉnh Hà Tây và huyện Sơn Dương của tỉnh Tuyên Quang ngày nay).
Dự án bảo tồn, phục dựng Thành cổ Sơn Tây đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế du lịch của thị xã. |
Quy mô dự án giai đoạn 1 bao gồm các hạng mục phục dựng khu Tổng đốc phủ, nhà binh và sân vườn; phục dựng cổng Đông Thành cổ Sơn Tây; xây mới cầu cổng Tây; Phục dựng Án sát phủ, Bố chánh phủ cùng sân vườn tổng thể và các hạng mục cảnh quan khác, có hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ theo quy hoạch; thời gian thực hiện được phân kỳ theo giai đoạn 2024-2027. Giai đoạn 2025-2028: Thực hiện đầu tư hạng mục Phục dựng Án sát phủ, Bố chánh phủ cùng sân vườn tổng thể và các hạng mục cảnh quan khác. Dự án có tổng mức đầu tư 218 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách Thành phố hỗ trợ, ngân sách thị xã Sơn Tây và các nguồn vốn hợp pháp khác. Thành Sơn Tây trong hệ thống tỉnh thành dưới triều Nguyễn thì thành Sơn Tây là một trong 4 tòa thành đẹp nhất ở vùng Bắc Kỳ. Chỉ cách trung tâm Hà Nội 40km về phía Tây, Thành cổ Sơn Tây như một bông hoa quý hiếm, một “lá phổi khổng lồ” tự nhiên ở ngay một trung tâm đô thị cổ đông vui và sầm uất, có tác dụng điều hòa, bảo vệ môi trường sinh thái cho toàn đô thị.
Việc đầu tư quy hoạch mở rộng và tu bổ, tôn tạo thành Sơn Tây là việc làm cấp bách nhằm trả lại cho di tích hình dáng và giá trị vốn có từ xưa. Nơi đây đang thiếu một quy hoạch tổng thể nên chưa phát huy được hết các giá trị trong đời sống xã hội hiện nay. Dự án được lập nhằm khôi phục, tu bổ, tôn tạo nên một di tích thật sự có giá trị cao về mặt kiến trúc, cảnh quan truyền thống, đáp ứng nhu cầu của nhân dân.
Dự án mở rộng khuôn viên Đền, Lăng Ngô Quyền
Di tích Đền và Lăng Ngô Quyền thuộc địa phận thôn Cam Lâm, nằm ở phía Nam – Tây Nam xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Thành phố Hà Nội. Di tích tọa lạc giữa một vùng cảnh quan tươi đẹp, trù phú với dòng sông Tích chạy quanh, những ao vũng và những quả đồi dạng bát úp hòa trong những thảm cây xanh lâu đời. Đền phía sau và Lăng phía trước, đều trông về hướng Đông – Nam. Trước Lăng có một đầm nước gọi là vũng Hùm. Bên hữu Đền và Lăng có rặng Duối cổ, tương truyền là nơi buộc voi, ngựa của vua Ngô Quyền.
Phát huy giá trị lịch sử của thị xã qua các dự án tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa quan trọng. |
Dự án được mở rộng với diện tích khoảng 8,5ha với quy mô: Tu bổ, tôn tạo các hạng mục: Nghi môn ngoại kiểu tứ trụ; Lăng Ngô Quyền, Gác chuông, Gác trống, nhà dịch vụ; Nhà bia diện tích khoảng 19,4m2; Nghi môn nội diện tích khoảng 55m2; Nhà Tả Mạc, Hữu Mạc diện tích khoảng 180m2; Nhà Đại Bái diện tích khoảng 94m2; nhà Hậu Cung diện tích khoảng 81m2; Miếu Ngô Vương diện tích khoảng 73m2; Bổ sung nội thất, đồ thờ các hạng mục và đầu tư xây dựng khuôn viên, cảnh quan, hệ thống cấp thoát nước, chiếu sáng tổng thể để bảo tồn tăng giá trị di tích,… với tổng mức đầu tư 154 tỷ đồng.
Dự án sau khi hoàn thành bảo đảm sự bền vững cũng như phát huy giá trị di tích là việc làm cần thiết không chỉ thể hiện sự trân trọng với quá khứ, với di sản của cha ông mà còn tôn vinh các giá trị lịch sử, kiến trúc nghệ thuật của vùng di sản văn hóa – làng cổ Đường Lâm, đảm bảo phát huy tổng thể giá trị khu di tích, có tính kết nối đồng bộ các khu di tích trong vùng. Ngoài ra hoàn thiện quy hoạch tổng thể chung về bảo tồn di tích và danh thắng trên địa bàn, góp phần phát triển văn hóa du lịch trên địa bàn thị xã và thành phố.
Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng Đền Và (giai đoạn 1)
Đền Và hay còn được gọi là Đông Cung (một trong số 4 cung thờ Thánh Tản – Sơn Tinh hiện còn nguyên vẹn). Nơi đây được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia vào năm 1964. Cách trung tâm Thành phố Hà Nội khoảng 50km, Đền Và tọa lạc ở thôn Vân Gia, phường Trung Hưng, thị xã Sơn Tây, Hà Nội.
Đền Và là một trong số các di tích lịch sử cấp quốc gia của thị xã Sơn Tây. |
Đền nằm trên đồi và được bao quanh bởi một rừng cây lim cổ thụ cùng những cánh đồng, có không khí trong lành và tươi mát quanh năm. Dự án có diện tích quy hoạch khoảng 7,5ha. Bao gồm các hạng mục: Khu đón tiếp, khu vực dịch vụ ki-ốt bán hàng, khu vực quảng trường, cây xanh cảnh quan, khu bãi đỗ xe. Đường giao thông và hạ tầng kỹ thuật. Hoàn chỉnh khu vực dựa trên nhu cầu về không gian đón tiếp, tổ chức sự kiện và lễ hội tạo cảnh quan phù hợp công năng sử dụng. Phát huy giá trị của di tích gắn với phát triển du lịch, hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ nhân dân thị xã Sơn Tây và du khách thập phương.
Kết hợp công tác bảo tồn với công tác tôn tạo di tích nhằm nâng cao giá trị thẩm mỹ, tính biểu cảm cho di tích. Mục đích chính là bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa dân tộc tại địa phương. Việc hoàn thành dự án sẽ góp phần quan trọng vào việc duy trì và phát triển văn hóa truyền thống của địa phương, từ đó góp phần tạo ra các giá trị kinh tế và xã hội đáng kể.
Về mặt kinh tế, dự án sẽ tạo ra một điểm đến có sức thu hút hơn đối với khách du lịch, qua đó tạo thêm các cơ hội tăng thu nhập cho cộng đồng địa phương thông qua phí tham quan và các dịch vụ du lịch khác. Ngoài ra, việc phục hồi và bảo tồn các di tích lịch sử còn tạo ra các công việc mới cho người dân địa phương và thu hút các nhà đầu tư vào khu vực.
Việc phục hồi và bảo tồn các di tích lịch sử và văn hóa mang lại giá trị văn hóa và giáo dục cho cộng đồng địa phương và du khách tham quan. Dự án sẽ giúp nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho người dân địa phương, đồng thời tạo ra cơ hội cho khách tham quan tìm hiểu về văn hóa và lịch sử của khu vực. Các dự án không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn tạo ra nhiều giá trị xã hội vượt trội như bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tạo điều kiện cho du lịch phát triển, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân địa phương và giáo dục cho cộng đồng.