Hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU khởi sắc ấn tượng
Hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU khởi sắc ấn tượng
(Xây dựng) – Hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Liên minh châu Âu (EU) khởi sắc trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch đạt 24,5 tỷ USD, xuất siêu tăng ấn tượng 18,5% so với cùng kỳ, đạt 17 tỷ USD.
Hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Liên minh châu Âu (EU) khởi sắc trong 6 tháng đầu năm. |
Xuất khẩu sang thị trường EU khởi sắc
EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4 (sau Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc) và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 (sau Trung Quốc, Hoa Kỳ), thị trường nhập khẩu lớn thứ 5 (sau Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) của Việt Nam.
Tổng cục Hải quan cho biết, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và EU 6 tháng 2024 đạt 32 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 24,5 tỷ USD, tăng 14,1%, nhập khẩu từ EU đạt 7,5 tỷ USD, tăng 5,2%.
Chính việc xuất khẩu khởi sắc so với cùng kỳ năm ngoái đã góp phần cải thiện cán cân thương mại với mức xuất siêu 17 tỷ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ.
Lý do xuất khẩu sang EU khởi sắc là nhờ sự phục hồi đáng kể của những nhóm hàng thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ, chủ lực như: điện thoại, máy tính, hàng dệt may, giày dép, …
Xuất khẩu sang EU khởi sắc là nhờ sự phục hồi đáng kể của những nhóm hàng chủ lực như điện thoại, máy tính, hàng dệt may… |
Đáng chú ý, tăng mạnh nhất là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt kim ngạch xấp xỉ 4,1 tỷ USD, tăng gần 50% so với cùng kỳ, máy móc thiết bị và phụ tùng đạt 3,95 tỷ USD, tăng hơn 22%, giày dép gần 3 tỷ USD, tăng 11,3%…
Xuất khẩu thủy sản từ Việt Nam sang EU đạt 513 triệu USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đặc biệt, đơn hàng xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ đã khiến máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện sang EU tăng kỷ lục, mới hết 6 tháng nhưng chỉ kém thực hiện của cả năm ngoái 1,5 tỷ USD.
Bộ Công Thương phân tích, xuất khẩu của nước ta tới hầu hết các thị trường, đối tác thương mại lớn nửa đầu năm 2024 đều có sự phục hồi tốt và đạt mức tăng trưởng cao ở mức hai con số, trong đó EU có mức tăng cao chỉ sau Mỹ (22,1%), cao hơn mức tăng tại ASEAN (12,3%), Hàn Quốc (10,4%), Nhật Bản (1,8%), Trung Quốc (5,3%)…
Nếu tiếp tục duy trì được đà phục hồi như giai đoạn đầu năm, nửa cuối năm nay, xuất khẩu sang EU có thể đạt 50 – 52 tỷ USD.
Hỗ trợ đáng kể cho sự phục hồi của thương mại hàng hóa là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đi vào thực thi sắp tròn 4 năm (ngày bắt đầu có hiệu lực 1/8/2020), với cam kết ưu đãi thuế quan cho nhiều mặt hàng xuất khẩu.
Tổng kim ngạch xuất khẩu sử dụng C/O ưu đãi theo mẫu EUR.1 trong năm ngoái đạt 14,3 tỷ USD, tương đương 35,17% kim ngạch xuất khẩu sang EU.
Theo số liệu thống kê của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương, một số nhóm hàng có tỷ lệ sử dụng ưu đãi C/O mẫu EUR.1 rất tốt như thủy sản (89,2%), rau quả (88,3%).
Giày dép – một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường EU với kim ngạch xuất khẩu 4,8 tỷ USD có tỷ lệ cấp C/O ưu đãi EUR.1 lên tới gần 100%.
“Xanh” – Xu thế chung của toàn thế giới
Tại Hội thảo hoàn thiện khuôn khổ pháp lý phát triển tín dụng xanh, trái phiếu xanh: Vấn đề cấp bách vào tháng 4/2024, các chuyên gia kinh tế cho rằng, để đảm bảo tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu, đồng thời với việc tận dụng các cơ hội từ các FTA thì thách thức đối với hàng Việt hiện nay là chính sách thuế carbon do Liên minh châu Âu (EU) áp dụng.
Cụ thể, các nhà nhập khẩu vào châu Âu có nghĩa vụ phải báo cáo lượng phát thải khí nhà kính từ hàng hóa, nhằm chuẩn bị cho lộ trình đánh thuế carbon từ năm 2026. CBAM sẽ áp dụng cho hàng hóa nhập khẩu trong 6 lĩnh vực: Thép, xi măng, phân bón, nhôm, điện và hydro.
Vấn đề đầu tiên của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là làm thế nào tập trung hoạt động theo nhu cầu của thị trường. |
Bà Sirpa Jarvenpaa, Giám đốc Chương trình Đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á (ETP) chia sẻ, CBAM yêu cầu các nhà nhập khẩu hàng hóa vào EU phải đáp ứng một mức thuế phát thải carbon tương ứng như các nhà sản xuất của EU bị áp, căn cứ vào lượng khí thải carbon trong quá trình sản xuất. Cơ chế này nhằm giữ thị trường cạnh tranh công bằng và đảm bảo lộ trình giảm phát thải của EU.
Theo EU, từ năm 2026, việc chi trả sẽ được thực hiện và sẽ phải có bên thứ 3 là đơn vị thẩm định với những quy tắc nghiêm ngặt. Kinh nghiệm từ các dự án thẩm định tín chí carbon hiện nay cho thấy, quá trình xác minh dữ liệu và khảo sát hiện trường thường mất từ 3 – 6 tháng. Nếu Việt Nam có quy định về định giá carbon, một phần tiền thuế doanh nghiệp xuất khẩu đáng lẽ phải trả cho EU sẽ được giữ lại ở Việt Nam.
Bàn về vấn đề này, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, vấn đề đầu tiên của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là làm thế nào tập trung hoạt động theo nhu cầu của thị trường. Trong đó, thị trường đang đặt ra vấn đề xanh là số 1, chất lượng là số 2, giá cả là số 3. Lâu nay doanh nghiệp chú ý nhiều đến vấn đề chất lượng, cạnh tranh về chất lượng và giá cả. Bây giờ nếu không “xanh” thì chất lượng và giá cả không giải quyết được vấn đề thị trường.
Cũng theo TS. Lê Xuân Nghĩa, châu Âu bắt đầu quy định từ năm 2026 tất cả các hàng hóa xuất khẩu vào Châu Âu đều phải báo cáo chất thải khí nhà kính. Doanh nghiệp không có báo cáo thì không thể xuất khẩu sang thị trường này. Như vậy, toàn bộ hệ thống sản xuất của doanh nghiệp xuất khẩu sang Châu Âu gắn liền với chất lượng, tiết kiệm chi phí nếu không có báo cáo về chất thải khí nhà kính sẽ trở nên vô nghĩa vì không thể xuất khẩu. Việc phục hồi lại thiên nhiên, bảo vệ sức khỏe con người là xu thế của toàn thế giới chứ không riêng Việt Nam.
Bạn đang đọc Tin tức xây dựng trên website hungday.com
Anh chị bên phía chủ đầu tư cần tham khảo đơn vị làm nội thất gia đình thì xem tại website này nha Kệ gỗ đựng đồ. Xin cảm ơn.