Hành trình đọc và viết – 5 năm nhìn lại
Tháng tám 28, 2024
Bắt đầu từ sở thích
Tôi quyết định nghiêm túc đọc và viết vào năm 2019, lúc đó tôi 27 tuổi.
Vì tôi rảnh. Sống một mình, công việc không quá bận, làm đủ tám tiếng rồi về, thật dễ thấy là tôi có nhiều thời gian rảnh. Cảm giác ‘chả lẽ cứ vậy hoài?’ của một đứa sắp 30 thôi thúc tôi phải tìm một việc gì đó, vừa để lấp thời gian trống, mà vừa giúp nâng cấp bản thân. Và tôi đã chọn ‘bắt đầu lại một sở thích cũ’ – đọc sách.
Không rõ từ lớp mấy, chỉ nhớ là tiểu học, tôi bắt đầu đọc truyện tranh. Truyện phải thuê, tốn tiền, nên đó là phần thưởng cho việc học hành và chỉ đến vào cuối tuần. Sau đó là truyện chữ, rồi thơ văn trong sách giáo khoa, vâng, mỗi năm khi nhận sách giáo khoa mới, tôi vội vàng tìm ngay cuốn Ngữ Văn để lật tới các mẩu truyện rồi đọc ngấu nghiến.
Mỗi sinh nhật, trước đó cả tuần tôi đã háo hức, rồi tới đúng ngày, bố chở tôi lên phố, mắt sáng rỡ khi thấy nhà sách từ xa, và tôi mải mê trong đó cả tiếng để chọn ‘một cuốn duy nhất’ cho ngày đặc biệt này. Dần dần, biết cắt xén từ tiền tiêu vặt, tôi tự mua thêm cho thoả cái sung sướng trong việc lật từng trang giấy. Thôi thì đủ thể loại, truyện tiếu lâm, trinh thám, phiêu lưu, huyền bí… sướng ơi là sướng. Cứ thế, cả quãng đời đi học của tôi chẳng khi nào thiếu truyện.
Rồi tự nhiên lên 18, tự nhiên phải vào Đại Học, tự nhiên bị lớn. Tới 27 tuổi, tôi mới nhận ra mình đã bỏ truyện được 9 năm. Quãng tuổi phải nhậu nhẹt, phải kết giao, phải làm thêm giờ, phải gây ấn tượng với đủ kiểu người… đã đốt hết thời gian rảnh rỗi của tôi. Và khi công việc dần ổn định, dư dả thời gian, tôi đã quyết định tìm về sở thích cũ.
Nghiêm túc xây dựng thói quen
Nhưng 27 tuổi đọc sách phải khác với 7 tuổi. Bắt đầu lại như một sở thích, nhưng tôi muốn tiếp tục nó như một thói quen lành mạnh. Ngoài mục đích giải trí, tôi còn muốn việc này phải giúp mình tốt lên. Tốt ở đây mang ý nghĩa là bổ sung cho bản thân các kỹ năng hữu ích, có thể phục vụ cho nhiều mục đích khác. Nên thay vì ‘có gì đọc nấy’ hay ‘mua cuốn bán chạy’ như hồi trước, tôi quan tâm tới việc ‘cuốn nào đáng đọc’ và ‘đọc xong được gì’.
‘Đọc xong được gì’ là điều tôi cho rằng cần phải quan tâm nếu muốn ‘đọc để tốt lên’. Vì nếu chỉ đọc xong là thôi, không dừng lại xác nhận kết quả, thì khả năng cao mọi thứ sẽ trôi tuột, nước đổ tai bèo.
Để xác nhận kết quả mỗi lần đọc, tôi viết. Có 2 thứ tôi muốn xác nhận, một là ‘tôi hiểu thế nào về những gì đã đọc’, và hai là ‘tôi liên hệ được gì với bản thân’. Nên tôi quyết định viết ra 2 thứ đó dưới dạng ‘review sách’.
Với tôi lúc đó, hình ảnh những người ‘chăm chỉ đọc sách và viết lách’ tạo ấn tượng rất mạnh về sự ‘khác biệt tri thức’, tôi muốn được như họ, nên đã đặt nhiều tâm sức để gây dựng hai thói quen này.
Từ nửa cuối 2019 đến hết năm 2020, tôi đã nuốt hơn 100 cuốn, tính riêng 2020 là 75 cuốn, và suốt thời gian đó, tôi viết trên 50 bài review, đăng công khai trên Spiderum hơn 40 bài. Thời điểm này nhìn lại, tuy tự thấy chất lượng không cao, nhưng đó là quá trình khiến tôi tự hào về sự nỗ lực.
Số sách tôi đọc năm 2020, ghi lại trên Goodread:
Các bài viết trên Spiderum của tôi:
…
Nhưng sau đó tôi ngừng viết.
Điều chỉnh cách tiếp cận
Việc ép bản thân mỗi 5 ngày phải xong 1 cuốn sách, và mỗi 2 cuốn phải viết 1 bài, khiến tôi mệt mỏi. Nhất là khi gặp phải cuốn sách không hợp, nhưng phải cố đọc hết, rồi cố thêm cả việc viết ra vài bình luận dù chẳng có hứng thú gì. Xuất phát từ sở thích, rồi gây dựng thói quen, rồi cuối cùng lại thành gánh nặng, với tâm lý ‘làm thì chán, mà dừng thì nhục’. Nên sau khi lết tới hết năm 2020, tổng kết xong xuôi, rồi tự thấy như vậy không ổn, và phải thay đổi.
Đầu tiên là ngừng viết, vì nó khiến tôi mệt nhất. Viết ra những thứ máy móc, rập khuôn, làm tôi không hứng thú nổi, nên dừng hẳn việc viết review, dù khoảng 1 phần 3 số bài tôi đã viết thực sự khiến tôi tự hào.
Tiếp theo là ngừng việc cố đọc cho hết một cuốn sách tự thấy không hợp. Sách hay còn nhiều, đọc cả đời không hết, nên tôi tự cho phép mình bỏ qua các cuốn khiến mình mệt mỏi hay chán chường. Tôi cũng không đặt mục tiêu khắt khe nữa, mà chỉ đơn giản là tuần nào cũng phải có ngày đọc sách. Đọc bao lâu mới xong không quan trọng, thay vào đó, là đọc đủ chậm để hiểu, để thấy hay, và để thưởng thức.
Với thay đổi như vậy, tưởng rằng tôi sẽ đọc ít phân nửa, nhưng không, thay vì bị thúc đẩy bởi chỉ tiêu số lượng, thì sự lắt léo của các con chữ và sự đa tầng của các lớp nghĩa – thứ chỉ có thể nhận ra khi đọc chậm – đã kéo tôi đi. Năm 2021, tôi đọc được hơn 40 cuốn, ít hơn, nhưng chất lượng hơn.
Việc đọc coi như đã được giải quyết, nhưng còn việc viết.
Mở rộng hoạt động
Bố tôi thích làm thơ, ông viết từ hồi còn thanh niên, đến nay đã ngoài 70, vẫn làm thơ. Đó là một chỉ dấu của sự lãng mạn, của nhạc tính, của sự nhạy cảm và của tình cảm. Tôi quyết định học theo bố tôi, không viết máy móc nữa, tôi thử làm thơ.
Làm thơ cần những gì? Cần vốn từ, tôi có. Tích luỹ từ việc đọc sách, tôi chẳng cần đi đâu cũng thành thạo từ vựng 3 miền, nhiều từ Hán Việt nhờ các cuốn sách. Cần gieo vần, cái này dễ. Quy tắc các thể thơ không nhiều, tôi nhớ được, chỉ cần đủ từ vựng nữa là xong. Cần ý thơ, tôi cũng không thiếu. Mọi thứ xung quanh đều có thể thành ý thơ, chạy xe đi làm, ngước nhìn mây nhìn lá, tôi làm một bài thơ. Xung quanh không đủ thì lại lấy ý từ sách, Đông Tây Kim Cổ không thiếu chuyện gì, việc đọc đã giúp tôi rất nhiều.
Việc kết hợp đọc sách, làm thơ, viết tản mạn đều đặn giúp tôi dễ dàng đưa bản thân vào trạng thái tận hưởng. Liên tục thu thập các đầu sách chất lượng về trữ sẵn trong nhà, đảm bảo cho tôi một giới hạn rất xa về thử thách trong việc đọc. Và vì quá nhiều lĩnh vực và độ sâu tôi chưa khám phá tới, nên đụng tới một điều gì đó chưa biết, sẽ dẫn tới việc phải tìm hiểu bổ sung thông tin để cải thiện kiến thức. Thật may khi ở thời đại này, Internet và AI đã giúp tôi rất nhiều, việc tra cứu tiện lợi giúp tôi nhanh chóng bù đắp kỹ năng để về lại trạng thái trơn tru tiến triển. Những kết quả từ việc đọc ngay lập tức bổ sung thêm kiến thức để tôi giải quyết được các thử thách cao hơn trong việc viết. Khi năng lượng tinh thần bị dùng quá nhiều, thì tôi chậm lại, thong thả làm thơ với các ý tưởng hay cảm xúc mới nảy sinh trong khi đọc.
Gần đây, tôi bổ sung thêm việc ‘luyện chữ đẹp’ vào nhóm hoạt động này. Tôi mê tiếng ngòi bút cà vào giấy sột soạt, mê những lọ mực lấp lánh đủ màu, mê những nét chữ nghiêng nghiêng đều tăm tắp. Tự mình nắn nót viết lên giấy các câu thơ của chính mình, vẫn các con chứ đấy, nhưng trong một cách biểu hiện khác, trong hình thái của thủ công và mỹ thuật, đã giúp tôi thêm cho mình một cách để thưởng thức cuộc sống.
Nhìn lại, và…
Thế quái nào mà tôi duy trì được nhịp đọc và viết như vậy trong những vài năm? Khi đọc tới cuốn Flow của Mihaly Csikszentmihalyi, có lẽ tôi đã tìm được lý do. Đó là vì tôi đã vô tình tạo ra được dòng chảy, và biết cách duy trì nó.
Tôi sẽ không giải thích về trạng thái dòng chảy này, nhưng tôi có thể khẳng định, đây là một cuốn sách cần đọc cho ai muốn thiết kế các thói quen giúp bản thân luôn phát triển trong trạng thái tận hưởng vui vẻ.
…
Cứ thế, các hoạt động này lặp đi lặp lại, và tôi tự tốt lên mỗi ngày. Việc di chuyển qua lại giữa các hoạt động đó, giống như trôi từ dòng chảy này qua dòng chảy kia. Một mặt, nó giúp tôi có nhiều sự lựa chọn cho việc tự thưởng thức, ví dụ khi một dòng chảy gặp vấn đề, tôi vẫn còn lựa chọn khác để khiến mình luôn ‘trôi chảy’. Mặt khác, chúng không phải các dòng chảy tách biệt, mà cùng nằm trong một dòng chảy lớn, dòng chảy của chữ nghĩa, mỗi dòng chảy con là một hình thái con chữ khác nhau. Chữ của người khác, chữ của bản thân, chữ có nhịp điệu, chữ có hình dạng, chữ có màu sắc… Các dòng chảy bổ sung và hỗ trợ cho nhau, và cùng lúc, các kỹ năng tương ứng cũng phát triển đều đặn.
Tôi không biết có nhóm hoạt động nào khác có thể tương hỗ nhau tốt như đọc, viết, làm thơ, luyện chữ này không. Tôi chưa thử, những nếu tiếp tục xây dựng thói quen mới, tôi sẽ cố gắng tìm các hoạt động có tính liên kết, dễ dàng thực hiện một mình, đòi hỏi kỹ năng, cần sự tập trung, và bản thân việc thực hiện đã là sự thưởng thức. Tất cả là để hướng tới sự ‘trôi chảy’, trải nghiệm tối ưu của cuộc sống.
Tôi có gì chưa hài lòng về các dòng chảy hiện tại không? Tôi hài lòng, nhưng tôi không muốn dừng lại ở đây. Hệ thống dòng chảy hiện tại của tôi mang tính cá nhân, chúng giúp tôi dễ dàng thưởng thức và phát triển khi thực hiện một mình. Nhưng, trong 24 giờ mỗi ngày, tôi còn có 8 giờ làm việc cùng đồng nghiệp nữa, nên, mục tiêu tiếp theo của tôi là cố gắng thiết lập các dòng chảy trong công việc.
Điều này khó, rất khó, do có thêm nhiều yếu tố mà bản thân tôi không thể tự kiểm soát, như cá tính, mục tiêu của các đồng nghiệp, chiến lược, quy trình của công ty, nhu cầu, tiêu chuẩn của khách hàng… Lúc này, không còn là cuộc chơi cá nhân nữa, mà là thử thách của tập thể. Nhưng nếu làm được, thì tất cả sẽ cùng tốt lên, hẳn sự thưởng thức này cũng sẽ ở một tầm mới. Quả là một viễn cảnh đánh trông chờ.
Từ một vũng nước, tôi đã tự tìm được vài con suối nhỏ, kết nối chúng vào một dòng sông, tiếp theo, tôi muốn hoà vào biển lớn.
Tôi sẽ luôn ‘trôi chảy’.