Hành trình đuối sức của thể thao Việt Nam tại Olympic Paris 2024
Hành trình đuối sức của thể thao Việt Nam tại Olympic Paris 2024
Thể thao Việt Nam đến Olympic 2024 với 16 VĐV tranh tài ở 11 môn thể thao. Dày dặn kinh nghiệm nhất là VĐV Phạm Thị Huệ (34 tuổi) ở môn đua thuyền rowing và ít tuổi nhất là 2 VĐV Trần Thị Nhi Yến (điền kinh), Võ Thị Mỹ Tiên (bơi) đều 19 tuổi.
Đoàn thể thao Việt Nam đặt mục tiêu giành ít nhất 1 huy chương ở Paris với kỳ vọng lớn nhất đặt lên vai Trịnh Thu Vinh (bắn súng) nhưng cuối cùng, chúng ta vẫn ra về trắng tay. Thế nhưng, không phải là không có những điểm sáng để hy vọng khi nhìn vào chặng đường mà các VĐV trẻ đã đi qua ở kỳ Thế vận hội này.
Trịnh Thu Vinh (bắn súng)
Bắn súng cho đến nay vẫn là môn thể thao thành công nhất của Việt Nam ở đấu trường Olympic với tấm HCV và HCB của Hoàng Xuân Vinh ở Olympic Rio 2016. Đến với Olympic Paris, Trịnh Thu Vinh là niềm hy vọng số 1 của thể thao Việt Nam và thực tế là cô cũng đã ở rất gần với huy chương.
Nội dung chung kết đầu tiên mà Thu Vinh thi đấu là 10 m súng ngắn hơi nữ. Cô đã đeo bám rất sát các đối thủ mạnh đến từ Hàn Quốc và Ấn Độ để liên tục có mặt trong tốp 4, có thời điểm đứng đồng hạng 3 với xạ thủ người Ấn Độ Bhaker Manu. Tuy nhiên ở những loạt bắn cuối, theo chuyên gia Park Chung-gun, có vẻ Thu Vinh đã bị tác động về cảm xúc nên thiếu tập trung ở những đường đạn mang tính quyết định. Cô bắn trượt hồng tâm khá nhiều, chỉ đạt các điểm 9 và mất dần hy vọng để cuối cùng phải dừng bước ở vị trí thứ tư với tổng điểm là 198,6; thua xa đến 3 điểm so với đối thủ Ấn Độ hạng ba là 221,7 – vuột mất tấm HCĐ.
Sau đó 5 ngày, cô lọt vào chung kết nội dung thứ hai là 25 m súng ngắn thể thao nữ. Đây là nội dung với thể thức thi đấu rất khắc nghiệt, chỉ cần một lượt bắn thiếu tập trung cũng có thể khiến xạ thủ bị loại ngay lập tức. Thu Vinh đã nhập cuộc rất tốt khi khởi đầu loạt bắn 10 viên đầu với 7 lần bắn trúng, đứng thứ 2 chỉ sau Yang-jiin của Hàn Quốc (trúng 8 lần). Nhưng những loạt sau đó, cô không giữ được phong độ và chấp nhận dừng bước ở vị trí thứ 7.
Rời Olympic Paris mà không có huy chương, Thu Vinh đã gửi lời cảm ơn và xin lỗi tới lãnh đạo, người hâm mộ, báo chí và hứa sẽ trở lại mạnh mẽ hơn, trước mắt là ở các giải châu lục. Dù đáng tiếc nhưng không thể phủ nhận thành tích của Thu Vinh ở Olympic lần này là rất tích cực với một xạ thủ sinh năm 2000. Người hâm mộ thể thao Việt Nam chắc chắn sẽ còn tiếp tục dõi theo, ủng hộ và tiếp tục hy vọng vào một Thu Vinh tỏa sáng hơn nữa trong tương lai.
Lê Thị Mộng Tuyền (bắn súng)
Ở nội dung súng trường, Lê Thị Mộng Tuyền là đại diện duy nhất của Việt Nam tranh tài tại Olympic Paris. Tuy nhiên, cô đã không vượt qua được vòng loai nội dung 10 m súng trường hơi nữ khi xếp ở vị trí thứ 40/43 xạ thủ tham dự. Mộng Tuyền năm nay mới 21 tuổi và trải nghiệm đầu tiên ở đấu trường Olympic chắc chắn sẽ là bước đệm quý giá để cô tiếp tục chinh phục những thử thách tiếp theo trên chặng đường thể thao sắp tới của mình.
Trịnh Văn Vinh (cử tạ)
Chỉ khác cái tên lót, nếu Trịnh Thu Vinh là niềm hy vọng huy chương đầu tiên thì Trịnh Văn Vinh là niềm hy vọng huy chương cuối cùng của thể thao Việt Nam ở Olympic lần này.
Tối 7.8, đô cử sinh năm 1995 bước vào thi đấu cử tạ hạng cân dưới 61 kg nam tại Olympic Paris. Cử tạ không phải là môn thể thao thế mạnh của Việt Nam, đặc biệt khi Trịnh Văn Vinh phải đối mặt với các đối thủ rất mạnh như nhà vô địch thế giới và OlympicLi Fabin hay các đô cử đến từ Mỹ, Thái Lan, Malaysia,…
Trịnh Văn Vinh đăng ký mức cử giật là 128 kg nhưng cả 3 lần anh đều không thành công. Đáng tiếc khi ở những giải đấu khác, anh từng nhiều lần thực hiện thành công các mức tạ cao hơn nhưng gánh nặng tâm lý ở lần đầu dự Plympic đã khiến anh không thể vượt qua chính mình.
Nguyễn Thùy Linh (cầu lông)
Tay vợt nữ số 1 Việt Nam đến với Olympic Paris khi đang là VĐV nằm trong tốp 20 thế giới với phong độ ấn tượng ở các giải thuộc hệ thống BWF nhưng hy vọng giành huy chương của cô không thực sự quá sáng.
Ở trận ra quân, cô thắng chóng vánh tay vợt Tiffany Ho của Úc với tỷ số cách biệt 21-6 và 21-3. Tuy nhiên ở trận thứ hai – cũng là trận phân định ngôi nhất bảng, Thùy Linh không thể gây bất ngờ trước tay vợt đang xếp hạng 11 thế giới Beiwen Zhang (Mỹ). Cách đây 1 năm, cô từng gây sốc khi thắng Beiwen Zhang ở giải cầu lông Canada mở rộng và thực tế là ở lần tái đấu này, Thùy Linh cũng đã chơi rất sòng phẳng, ngang ngửa với Zhang nhưng chung cuộc để thua cả 2 ván với tỷ số sít sao, chia tay Olympic Paris 2024 trước ngưỡng cửa vòng 1/8. Đây có lẽ cũng là kỳ Olympic cuối cùng của tay vợt sinh năm 1997 này.
Lê Đức Phát (cầu lông)
Lê Đức Phát có chiều cao ấn tượng 1,8 m và lần đầu giành vé dự Olympic ở tuổi 26. Cũng như Thùy Linh, lê Đức Phát có trận ra quân ấn tượng khi giành chiến thắng với tỷ số 2-0 trước tay vợt đến từ Đức là Fabian Roth. Đây là tay vợt xếp dưới Đức Phát trên bảng xếp hạng thế giới (Fabian Roth – hạng 82).
Đến lượt trận thứ hai, Đức Phát (hạng 70 thế giới) đã gây bất ngờ khi giành chiến thắng ở ván 1 trước đối thủ xếp trên mình rất xa trên bảng xếp hạng là Prannoy (Ấn Độ, hạng 13 thế giới). Tuy nhiên, sau giờ nghỉ, tay vợt người Ấn Độ lấ lại tinh thần và tăng tốc, liên tiếp giành chiến thắng ở 2 ván sau để giành tấm vé duy nhất của bảng K để vào vòng đấu loại trực tiếp.
Đức Phát dừng bước ở vòng bảng Olympic trong lần đầu tham dự nhưng màn thể hiện của anh là rất đáng khen, rất đáng để kỳ vọng.
Trần Thị Nhi Yến (điền kinh)
Nhi Yến (19 tuổi) đến Olympic Paris với tấm vé đặc cách và mục tiêu của cô là được cọ xát chứ không phải huy chương bởi nội dung chạy “nữ hoàng” 100 m nữ chưa bao giờ là sở trường của các VĐV châu Á và Nhi Yến chưa có nhiều kinh nghiệm ở các đấu trường lớn.
Tại vòng sơ loại nội dung này, Nhi Yến tranh tài ở nhóm thứ hai. Chân chạy quê Long An có khởi đầu tốt, qua đó về nhất nhóm hai với thành tích 11 giây 81. Với kết quả này, Nhi Yến giành suất dự vòng loại thứ nhất. Thành tích của cô gái sinh năm 2005 đứng thứ 7/27 ở vòng sơ loại.
Tại vòng loại, VĐV điền kinh Việt Nam được xếp ở đợt chạy đầu tiên cùng với nhà vô địch thế giới Richardson Sha-carri (Mỹ). Mặc dù thành tích tốt hơn so với vòng sơ loại nhưng cô vẫn không thể giành quyền vào vòng tiếp theo, nói lời chia tay với Olympic đầu tiên trong sự nghiệp.
Võ Thị Mỹ Tiên (bơi)
Giống như Nhi Yến, VĐV nhận suất đặc cách còn lại của thể thao Việt Nam là Võ Thị Mỹ Tiên cũng không thể tạo nên bất ngờ. Cô thi đấu ở nhóm 2, vòng loại 200 m bơi hỗn hợp nữ. Cô xuất phát không ấn tượng trong 150 m đầu tiên khi chỉ xếp thứ 6 với thành tích 1 phút 44 giây 59.
Trong 50 m cuối cùng, cô nỗ lực bứt tốc để về thứ 4 với thành tích 2 phút 17 giây 18. Kết quả này chỉ giúp Mỹ Tiên đứng thứ 27 ở vòng loại.
Nguyễn Huy Hoàng (bơi)
Kình ngư số 1 của bơi lôi Việt Nam tới Olympic Paris sau khi vừa trải qua chấn thương tại ASIAD 19. Lần thứ hai góp mặt tại một kỳ thế vận hội, Huy Hoàng tranh tài ở 2 nội dung bơi dài sở trường là 800 m tự do và 1.500 m tự do.
Ở nội dung đầu tiên là 800 m tự do, kình ngư sinh năm 2000 chỉ xếp hạng 28/32 VĐV tham dự vòng loại và dừng bước sớm. Anh thừa nhận mình đã thi đấu không tốt, dù có sự chuẩn bị tâm lý và kinh nghiệm thi đấu quốc tế nhưng vẫn choáng ngợp khi bước ra so tài trước đối thủ rất mạnh.
Và ở nội dung 1.500 m tự do nam, Huy Hoàng kết thúc ở vị trí thứ 21/27 và dừng bước tại Olympic Paris mà không có nội dung nào lọt vào chung kết. Dẫu vậy, thành tích 2 lần giành vé đến Olympic đã là rất đáng ghi nhận với Huy Hoàng – ở bộ môn mà Việt Nam còn cách rất xa so với đẳng cấp thế giới.
Nguyễn Thị Thật (xe đạp)
Nhiều năm liền, Nguyễn Thị Thật là cua rơ số 1 của xe đạp Việt Nam. Cô cũng từng nhiều lần vô địch châu Á nhưng không thể tạo bất ngờ cho các đối thủ rất mạnh ở nội dung xe đạp đường trường nữ tại Olympic Paris 2024.
Cô cạnh tranh với 92 đối thủ, trong đó có đầy đủ các tay đua nữ mạnh nhất thế giới là Kopecky Lotte (Bỉ, hạng 1 thế giới), Vollering Demi (Hà Lan, hạng 2 thế giới), Wiebes Lorena (Hà Lan, hạng 3 thế giới), Longo Borghini Elisa (Ý, hạng 4 thế giới), Labous Juliette (Pháp, hạng 5 thế giới)… trong khi Nguyễn Thị Thật đang xếp hạng 90 thế giới. Cua rơ số 1 Việt Nam Nguyễn Thị Thật mạnh dạn tấn công, cùng 5 tay đua khác dẫn đầu đoàn đua, tạo cách biệt có lúc lên 6 phút so với tốp sau nhưng vẫn không thành công và về đích hạng 73 chung cuộc.
Hà Thị Linh, Võ Thị Kim Ánh (quyền anh)
Có 2 võ sĩ quyền anh Việt Nam giành vé dự Olympic Paris là Hà Thị Linh và Võ Thị Kim Ánh.
Hà Thị Linh là võ sĩ thành công nhất của Việt Nam ở Olympic lần này khi giành chiến thắng tuyệt đối 5-0 trước đối thủ người Tonga là Feofaaki Epenisa để vào vòng 16 hạng cân 60 kg nữ. Tuy nhiên, cô đã không thể tạo bất ngờ trước đối thủ rất mạnh Yang Wenlu (Trung Quốc) – đương kim vô địch ASIAD. Bà mẹ 2 con dừng bước.
Trong khi đó, ở nội dung 54kg nữ, Võ Thị Kim Ánh đã dừng bước sớm khi chạm trán đối thủ quá mạnh là Preeti Pawar (Ấn Độ) hiện – đương kim vô địch U.22 châu Á, HCĐ ASIAD 19 năm 2022.
Hoàng Thị Tình (judo)
Hoàng Thị Tình để thua trước đối thủ người Tunisia Oumaima Bedioui và dừng chân ở vòng đầu. Đây là kết quả không bất ngờ khi Hoàng Thị Tình bị đánh giá thấp hơn so với nhà đương kim vô địch châu Phi Oumaima Bedioui. Việc thoát khỏi trận thua bằng Ippon cũng là nỗ lực đáng khen với Hoàng Thị Tình.
Phạm Thị Huệ (rowing)
Sau 2 lần lỡ hẹn với Olympic Tokyo (2020) và Olympic Rio (2016), tay chèo Phạm Thị Huệ có lần đầu bước đến đấu trường thế giới ở môn chèo thuyền rowing ở tuổi 34. Phạm Thị Huệ đã xếp hạng 4 ở vòng loại đầu tiên, sau đó về nhì ở loạt đấu tranh vé vớt để giành quyền vào tứ kết Olympic Paris 2024.
Kết thúc tứ kết nội dung thuyền đơn nữ, Phạm Thị Huệ về đích ở vị trí cuối cùng (thứ 6), với thành tích 7 phút 56,96 giây. Tay chèo sinh năm 1990 đã nỗ lực cải thiện thông số đạt thành tích tốt nhất trong năm nay, nhưng không thể đi tiếp do đối thủ quá mạnh.
Ở cuộc thi chung cuộc thuyền rowing đơn nữ hạng nặng, Phạm Thị Huệ xếp thứ 5 ở nhóm D với thành tích còn tốt hơn trước là 7 phút 47 giây 84. Phạm Thị Huệ kết thúc Olympic với vị trí thứ 23/24 chung cuộc, nhưng xét về cá nhân cô đã vượt qua chính mình.
Lê Quốc Phong, Đỗ Thị Ánh Nguyệt (bắn cung)
Cung thủ Lê Quốc Phong thi đấu vòng 1/32 nội dung đơn nam 1 cung dây chạm trán nhà vô địch Cúp bắn cung thế giới 2023 Dan Olaru. Dù bị đánh giá thấp hơn nhưng Lê Quốc Phong đã thi đấu nỗ lực và thậm chí có thời điểm dẫn trước đối thủ nhưng anh không duy trì được sự ổn định và để đối thủ người Moldova lật ngược thế trận, giành chiến thắng chung cuộc với tỷ số 6-0.
Còn Đỗ Thị Ánh Nguyệt, ở lần thứ hai dự Olympic cũng đã dừng bước sớm trước đối thủ người Iran Mobina Falla. Ánh Nguyệt đã hai lần xuất sắc gỡ hòa điểm số khi bị cung thủ người Iran liên tục dẫn trước. Dù ở điểm quyết định có tính chất như bàn thắng vàng, Ánh Nguyệt thất bại nhưng vẫn rất đáng khen cho cung thủ Việt Nam. Với nụ cười rất tươi, Ánh Nguyệt cho biết tuy chưa thành công nhưng cô hài lòng với kết quả này vì đã đánh dấu sự tiến bộ của cô ở lần thứ hai đến với đấu trường Olympic.
Nguyễn Thị Hương (canoeing)
Nguyễn Thị Hương rẽ ngang sang đua thuyền canoeing từ môn vật. Ở tuổi 23, cô gây ngỡ ngàng khi giành vé đến Olympic. Thực tế, Nguyễn Thị Hương đến chiều 8.8 mới thi đấu nhưng hầu như không có hy vọng cô có thể mang về huy chương bởi khoảng cách trình độ giữa canoeing Việt Nam so với thế giới vẫn còn rất xa. Nguyễn Thị Hương đặt ra mục tiêu lớn, sẽ đấu hết khả năng để tiến sâu nhất có thể tại đấu trường cam go nhất hành tinh.
Bạn đang đọc Hành trình đuối sức của thể thao Việt Nam tại Olympic Paris 2024 tại website hungday.com