Hậu quả của việc xem phim “quên trời quên đất” khiến bạn khóc thét
Có lẽ sau khi đọc bài viết này bạn sẽ muốn thay đổi thói quen xem phim của mình đấy!
Tác hại khi bạn “cày” phim liên tục
Phim dài tập, đặc biệt là phim Hàn Quốc làm bạn rất “ngứa ngáy chân tay” vì phải đợi chờ mòn mỏi từ những tập đầu tiên cho tới tập cuối cùng.
Vì thế không ít bạn trẻ thường đợi tới khi phim chiếu hết toàn bộ rồi mới xem một thể trong vòng… hai ngày cuối tuần. Việc này nghe có vẻ cực kì thư giãn và thoải mái nhưng có lẽ sau khi đọc bài viết này, bạn sẽ muốn thay đổi thói quen xem phim của mình.
Cảm giác xem phim liền tù tì rất là thích.
Vì sao chúng ta sẵn sàng “bất chấp hết xem phim đi”?
Không thể phủ nhận một điều rằng cảm giác xem phim liền tù tì rất… sướng. Đó cũng chính là một trong những lý do khiến nhiều người bất chấp hết để “cày” một bộ phim dài hàng chục tập chỉ trong vài ngày.
Nhưng không chỉ vậy, các nhà khoa học đã đưa ra nhiều dẫn chứng về việc bằng cách nào những bộ phim dài tập có thể dễ dàng “nhấn chìm” chúng ta vào thế giới điện ảnh. Trước tiên, đó là khả năng chi phối tâm lý người xem của các bộ phim.
Người xem thường đồng cảm và phản ứng giống với những nhân vật trong phim nhờ có những tế bào “gương” trong não. Từ đó làm cho người xem nhập tâm vào câu chuyện, đồng cảm với nhân vật và bị “dắt mũi” từ đầu đến cuối phim.
Ngoài ra, những giả thuyết khác do các nhà khoa học đưa ra còn bao gồm bản năng thích được kích thích, trêu đùa của bộ não; tính không liên tục của phim khi chỉ chiếu một số tập nhất định trong tuần và những lời bàn ra tán vào xung quanh bộ phim gợi không ít tò mò cho người xem.
Những tác hại “không tưởng” khi xem phim liền tù tì
Chính vì phim dài tập rất có sức hút lớn như vậy nên nhiều người đã không chịu nổi “nhiệt” mà quyết định xem liền tù tì nhiều tập cho thỏa “cơn khát”. Nhưng việc xem quá nhiều phim một lúc gây ra hậu quả khôn lường cho sức khỏe.
Phim dài tập có sức hút rất lớn đối với nhiều người.
Để nghiên cứu về ảnh hưởng của việc xem phim quá độ tới sức khỏe người xem, những nhà khoa học thuộc trường ĐH Texas (Mỹ) đã thực hiện một cuộc khảo sát trên mạng với hơn 300 thanh niên có độ tuổi từ 18 – 29.
Và kết quả của cuộc điều tra này đáng để chúng ta phải suy nghĩ lại về thói quen xem phim của mình.
Đầu tiên, kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những người xem phim quá độ có xu hướng trở nên cô đơn và trầm cảm. Theo các chuyên gia: “Ngoài sự ám ảnh, quá khích và đắm chìm do xem phim quá độ gây ra, người xem còn có thể hình thành những cảm xúc tiêu cực, từ đó dẫn đến cảm giác cô đơn, trầm cảm”.
Cụ thể, những ứng viên tham gia khảo sát sẽ cho biết số tập phim họ xem trong một lần và tần suất cảm thấy cô đơn hoặc buồn bã của họ. Kết quả cho thấy, những người có xu hướng xem phim quá độ thường là những người cảm thấy cô đơn và tuyệt vọng hơn.
Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng cho thấy những người này gặp phải vấn đề về khả năng kiểm soát bản thân. Cụ thể, họ không thể “dứt áo ra đi” khi đang xem phim, ngay cả khi đang rất buồn ngủ hoặc có việc quan trọng khác cần làm, chẳng hạn như bài tập hoặc công việc.
Và cuối cùng, chúng ta khi xem phim đều có cảm giác rất “buồn mồm”, do đó thường tìm đến các đồ ăn vặt như bỏng ngô, thịt bò khô, bim bim…
Khi xem phim thường có cảm giác “buồn mồm” nên bạn sẽ ăn rất nhiều đồ ăn vặt.
Thế nhưng, xem phim là một hoạt động thụ động nên bạn sẽ chỉ ngồi một chỗ hoặc nằm và “ngốn” thêm một lượng lớn calories.
Hệ quả tất yếu của chuyện này đó là nguy cơ mắc bệnh béo phì, tiểu đường, bệnh tim và các vấn đề về sức khỏe khác sẽ tăng cao. Đồng thời, việc xem phim quá độ cũng có thể trở thành một thói quen gây nghiện như dùng chất kích thích, bởi nó kích hoạt trung khu tưởng thưởng trong não bộ, khiến chúng ta không thể dứt ra.
Thêm vào đó, việc ngồi lâu trước ánh sáng của màn hình tivi hoặc máy tính cũng gây ảnh hưởng đến não cũng như đau đầu, mỏi mắt, mất ngủ, rối loạn nội tiết tố.
Ngồi lâu trước màn hình tivi sẽ khiến bạn đau đầu, rối loạn nội tiết tố.
Tạm kết
Dù thế nào, các nhà khoa học cũng phải công nhận rằng xem phim có thể là một phương tiện kết nối người xem với bạn bè và những người có chung sở thích.
Tuy nhiên, điều này chỉ có ích khi và chỉ khi các bạn có một cách xem phim phù hợp, không gây ảnh hưởng tới sức khỏe, công việc hay việc học của bản thân mà thôi.