Hãy cẩn thận với Phật giáo – Kỳ 2: Dẫn nhập
Tháng năm 30, 2024
Hầu hết các hành giả online khi nói về Phật giáo đều rất háo hức nhảy ùm xuống hồ bơi của các triết lý, trích dẫn, rồi quay cuồng trong đó, dance like nobody is watching, thậm chí không quan tâm người đọc có hiểu hay không, mà bỏ qua một thủ tục hết sức quan trọng:
Trước một chủ đề phức tạp và bị phân mảnh qua hàng ngàn năm, bạn phải thống nhất các khái niệm, để đảm bảo rằng bạn và độc giả cùng suy nghĩ về một thứ, chứ không phải hai, hay ba thứ khác nhau, và giới hạn phạm vi nội dung.
Vì vậy, tôi muốn thống nhất như sau:
Đức Phật
Đức Phật của toàn bộ series là người sáng lập ra Phật giáo và xã hội của series là xã hội cổ, khi Phật giáo được khai sinh. Do đó, khi nhắc đến Đức Phật, tôi không nói đến Di Đà hay Di Lặc, hay hình tượng nào đó có hàng trăm cánh tay, mà là một người được sinh ra trước Công Nguyên, ở vùng đất ngày nay là Nepal. Người đó được cho là Siddhartha Gautama (Tất đạt đa Cồ đàm), thuộc họ tộc Shakya, nên ông còn được gọi là Shakyamuni (Thích Ca Mâu Ni) – Nhà hiền triết của họ tộc Shakya.
Do đó, tôi sẽ thống nhất dùng từ Shakyamuni, thay vì Đức Phật, để tránh nhầm lẫn với các hình tượng khác trong đầu bạn.
Văn bản sử dụng
Phật giáo có 3 trường phái chính:
Theravada (The Way of the Elders – Trường phái của các Bậc trưởng lão, còn được biết đến dưới cái tên Phật giáo Nguyên thủy)
Mahayana (Great Vehicle – Cỗ xe Lớn)
Vajrayana (Diamond Vehicle – Cỗ xe Kim cương)
Mahayana (Great Vehicle – Cỗ xe Lớn)
Vajrayana (Diamond Vehicle – Cỗ xe Kim cương)
Mặc dù tôi cũng không đề cập đến kinh sách nhiều, nhưng nếu có bất kỳ trích dẫn nào, tôi sẽ thống nhất trích trong các Nikayas của trường phái Theravada, văn bản mà tôi quen thuộc nhất.
Khá giống một tập truyện cổ tích hay ngụ ngôn, các Nikayas có cách tiếp cận gần gũi và dễ hiểu, với nội dung mô tả về thời đại của Shakyamuni như xã hội, con người và các đối đáp. Điều quan trọng nhất, ở một số đoạn, Nikayas chỉ rõ phần nào dành cho dân chúng và phần nào dành cho những kẻ xuất gia, thành viên tăng đoàn. Đây là chi tiết hết sức quan trọng mà bạn sẽ dần cảm nhận được ý nghĩa của nó khi đọc series.
Phạm vi của series
Để bám sát mục tiêu ban đầu, đồng thời giữ cho mọi thứ luôn dễ hiểu, dễ tiếp cận, nội dung của series là những ghi chép của tôi trong thời kỳ tiếp cận Phật giáo cách đây đã lâu và những sai lầm tôi mắc trong giai đoạn này. Có nghĩa là bạn ở một vùng chồng chập giữa trạng thái vô tôn giáo và Phật giáo, một vùng mà hầu hết mọi người đang ở – một trại “tị nạn” ở bên ngoài thế giới Phật giáo theo cách tưởng tượng của tôi.
Đối tượng bạn đọc
Một cách thô tục, và không chính xác, nhưng dễ hiểu và phù hợp với số đông: Nếu bạn có thể ngồi đọc bài viết này vào 12h đêm, hoặc lúc 10h sáng khi vẫn đang nằm trương thây trên giường, bạn thuộc giai đoạn căn bản và series này dành cho bạn.
Còn nếu bạn muốn tôi giải thích về cái người lạ mặt cứ hiện ra trước mặt, nói thứ ngôn ngữ khó hiểu gì đó với bạn mỗi khi bạn ngồi xếp bằng và nhắm mắt được vài tiếng đồng hồ, thì không. Tôi không biết, không nên và cũng không nghĩ rằng mình có khả năng trả lời.
Giờ bạn đã có Shakyamuni, có các Nikayas, biết phạm vi nội dung, biết rõ mình nên đọc hay không,
bạn đã sẵn sàng rồi đấy!
Cảm ơn bạn đã dùng 3 phút của đời mình để dành cho tôi. Tôi biết trong trường hợp bạn không thích ý tưởng này đi chăng nữa, thì cũng chẳng lấy lại được 3 phút của đời mình. Tôi rất tiếc nhưng cuộc sống luôn là như vậy.
Bài viết này thuộc series nếu các bạn muốn xem nhiều hơn.