Hé lộ sự tinh vi trong vụ máy nhắn tin nổ hàng loạt ở Li Băng
Hé lộ sự tinh vi trong vụ máy nhắn tin nổ hàng loạt ở Li Băng
Hết sức tinh vi
Theo CNN dẫn lời hai quan chức an ninh Li Băng, công nghệ này hiện đại đến mức hầu như không thể phát hiện được, nhưng không giải thích thêm về cách thức thông hành loại thiết bị này vào Li Băng. Hiện giới chức Li Băng cùng các công ty liên quan vẫn tiếp tục được điều tra làm rõ.
Các vụ nổ loạt thiết bị bộ đàm và máy nhắn tin ở Li Băng trong hai ngày 17 – 18.9 đã khiến ít nhất 37 người thiệt mạng và hơn 3.000 người khác bị thương. Hezbollah và chính phủ Li Băng đã cáo buộc Israel gây ra các vụ nổ liên hoàn, trong khi Israel đến nay vẫn chưa lên tiếng về vụ việc.
Một quan chức an ninh Li Băng không nêu tên cho biết ông đã kiểm tra một trong những máy nhắn tin và quan sát vụ nổ có kiểm soát. Ông nói với CNN rằng vật liệu nổ được gắn bên trong pin lithium của máy nhắn tin và hầu như không thể phát hiện được.
Một thiết bị nổ tự chế có 5 thành phần chính gồm nguồn điện, bộ khởi động, kíp nổ, thuốc nổ và hộp chứa thiết bị. Cựu sĩ quan quân đội Anh Sean Moorhouse cho biết chỉ cần kíp nổ và thuốc nổ là có thể biến máy nhắn tin thành vũ khí. Ông Moorhouse cho biết cách để khiến thuốc nổ bên trong máy nhắn tin trở nên “vô hình” là sửa đổi pin – cấy một kíp nổ điện tử và một lượng thuốc nổ nhỏ bên trong vỏ kim loại của pin. Bằng cách này, thuốc nổ khó thể phát hiện bằng hình ảnh.
CNN dẫn đánh giá của nhiều chuyên gia đã xem lại cảnh quay vụ nổ cũng cho biết các thiết bị nổ dường như đã được giấu trong máy nhắn tin, cho thấy đây là một cuộc tấn công chuỗi cung ứng tinh vi có sự tham gia của một tác nhân nhà nước. Nhận định trên cũng phù hợp với đánh giá ban đầu của chính quyền Li Băng.
Trong một lá thư gửi tới Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc vào ngày 19.9, phái đoàn Li Băng tại Liên Hiệp Quốc cho biết các thiết bị máy nhắn tin đã được cài cắm thuốc nổ trước khi đến nước này, đồng thời bị can thiệp “một cách chuyên nghiệp” bởi “các thực thể nước ngoài”. Theo CNN dẫn lại bức thư, chính phủ Li Băng xác định rằng các thiết bị này đã được kích nổ bằng cách gửi tin nhắn điện tử đến các thiết bị. Trong thư, phái đoàn của Lebanon khẳng định Israel chịu trách nhiệm lên kế hoạch và thực hiện các cuộc tấn công này.
Chuỗi cung ứng
Tờ The New York Times trích dẫn các quan chức Mỹ đưa tin rằng Israel có thể đã cài chất nổ vào một lô hàng máy nhắn tin từ công ty Gold Apollo của Đài Loan. Trong khi hình ảnh máy bộ đàm phát nổ cho thấy nhãn hiệu có dòng chữ “ICOM” và “made in Japan” (sản xuất tại Nhật Bản). Chính phủ Li Băng cho biết các thiết bị được sử dụng trong các cuộc tấn công là máy nhắn tin Gold Apollo Rugged Pager AR-924 và máy bộ đàm ICOM IC-V82. Cả Gold Apollo và ICOM đều đang tiến hành điều tra làm rõ vụ việc.
Phía ICOM cho biết mẫu IC-V82 đã ngừng sản xuất cách đây một thập niên và hầu hết các mẫu được lưu hành hiện nay trên thị trường đều là hàng giả. Bộ Truyền thông Li Băng tuyên bố các mẫu bộ đàm IC-V82 phát nổ được cung cấp bởi cơ sở không chính thức, không có giấy phép và chưa được các cơ quan an ninh kiểm tra. Tờ The New York Times dẫn lời của ba sĩ quan tình báo Israel cho rằng Tel Aviv đã thành lập ít nhất 3 công ty vỏ bọc để che giấu danh tính của những người sản xuất máy nhắn tin.
Ông Hứa Khánh Quang, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Gold Apollo (Đài Loan) đã bị các công tố viên Đài Loan thẩm vấn vào ngày 18.9. Ông Hứa khẳng định các máy nhắn tin phát nổ ở Li Băng không phải do công ty này sản xuất. Các thiết bị này do một công ty tên BAC Consulting có đăng ký tại Budapest (Hungary) có giấy phép sử dụng thương hiệu của Gold Apollo xuất xưởng.
Hai quan chức Đài Loan chia sẻ với CNN rằng không có hồ sơ nào cho thấy Gold Apollo sản xuất bất kỳ máy nhắn tin AR-924 nào tại hòn đảo này. Các quan chức này cũng xác nhận rằng Gold Apollo chỉ sản xuất máy nhắn tin bằng pin AA tại Đài Loan, không phải pin lithium như các thiết bị phát nổ ở Li Băng.
Theo CNN dẫn hồ sơ hải quan Đài Loan cho thấy Gold Apollo đã vận chuyển hơn 20.000 máy nhắn tin từ Đài Loan đến Mỹ trong 8 tháng đầu năm 2024. Hơn 5.000 máy nhắn tin đã được vận chuyển đến Hồng Kông, trong khi hơn 3.000 máy nhắn tin đã được vận chuyển đến Úc. Giới chức Đài Loan cho biết họ cũng đã kiểm tra lịch sử đặt hàng và nguồn linh kiện thô cho máy nhắn tin Gold Apollo, đồng thời cho biết thêm hoạt động sản xuất máy nhắn tin được kiểm soát chặt chẽ và thường xuyên tại hòn đảo này.
Trong một tuyên bố vào ngày 19.9, văn phòng công tố viên Đài Loan cho biết: “Cho đến nay vẫn chưa tìm thấy bằng chứng nào cho thấy có sự liên quan của công dân Đài Loan trong vụ loạt máy nhắn tin phát nổ”.
Các cuộc điều tra về chuỗi cung ứng thiết bị máy nhắn tin và bộ đàm phát nổ cũng đang được tiến hành ở châu Âu, nơi các nhà chức trách đang điều tra công ty BAC Consulting và một công ty khác có liên hệ với Bulgaria và Na Uy. Trước đó, bà Cristiana Barsony-Arcidiacono, Giám đốc điều hành của BAC Consulting khẳng định: “Tôi không sản xuất máy nhắn tin. Tôi chỉ là đơn vị trung gian”. Hai quan chức Đài Loan cho biết vào năm 2022, công ty Gold Apollo đã xuất khẩu khoảng 200 máy nhắn tin sang Hungary.
Chính quyền Bulgaria cho hay họ đang điều tra công ty Norta Global sau khi truyền thông Hungary đưa tin công ty này có liên quan tới quá trình điều phối bán máy nhắn tin cho Hezbollah.
Trong bài phát biểu hôm 19.9, thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah cho biết họ đã thành lập nhiều ủy ban điều tra nội bộ để tìm hiểu tận gốc rễ sự việc đã xảy ra, đồng thời tuyên bố sẽ “trừng phạt” những người chịu trách nhiệm.
Ông Nasrallah nói thêm rằng mặc dù mục tiêu rõ ràng của cuộc tấn công là hạ càng nhiều thành viên cấp cao của Hezbollah càng tốt, nhưng phần lớn giới lãnh đạo không bị ảnh hưởng vì họ mang theo những mẫu máy nhắn tin cũ.
“Những cuộc tấn công này đại diện cho một sự phát triển mới trong các cuộc xung đột, nơi các công cụ truyền thông trở thành vũ khí, đồng thời phát nổ trên khắp các khu chợ, góc phố và trong các ngôi nhà khi cuộc sống hàng ngày diễn ra”, người đứng đầu cơ quan nhân quyền của Liên Hiệp Quốc Volker Turk phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc vào ngày 20.9.
Đại diện Iran tại Liên Hiệp Quốc chỉ trích Israel đã có ý định tiêu diệt ít nhất 5.000 thường dân. Đại diện này cho rằng Israel đã một lần nữa “vượt qua ranh giới đỏ”, đồng thời lưu ý đại sứ Iran tại Li Băng nằm trong số những người bị thương.
Các quan chức cấp cao của Liên Hiệp Quốc cảnh báo rằng cuộc tấn công bằng thiết bị này đánh dấu một bước ngoặt, kêu gọi giảm leo thang và ngừng bắn ở Gaza trước khi chiến tranh nhấn chìm toàn bộ Trung Đông.