Hiện thực hóa khát vọng xây dựng Thủ đô “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”

Tháng tám 1, 2024

Hiện thực hóa khát vọng xây dựng Thủ đô “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”

Đúng ngày này 16 năm trước, 1-8-2008, Nghị quyết số 15/2008/QH12 (ngày 29-5-2008) của Quốc hội khóa XII về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan có hiệu lực.

16 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã triển khai có hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội, đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Đời sống kinh tế của người dân từ ngoại thành đến nội thành no ấm và hạnh phúc hơn. Hà Nội đang từng bước hiện thực hóa khát vọng xây dựng Thủ đô “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”…

Hiện thực hóa khát vọng xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại
Thủ đô Hà Nội ngày càng phát triển văn minh, hiện đại. Ảnh: Đỗ Tâm

Bước phát triển vượt bậc

Nghị quyết số 15/2008/QH12 quy định hợp nhất toàn bộ diện tích tự nhiên của tỉnh Hà Tây (cũ), chuyển huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình) vào thành phố Hà Nội. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng thể hiện sự quan tâm, tin tưởng và kỳ vọng đặc biệt mà Đảng, Nhà nước và đồng bào, chiến sĩ cả nước dành cho Thủ đô Hà Nội; là tiền đề để phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại cho Thủ đô – trái tim của cả nước.

Sau 16 năm điều chỉnh địa giới hành chính, kinh tế – xã hội Thủ đô đã có bước phát triển vượt bậc. Tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2008-2010 (theo quy mô chưa thay đổi) đạt 9,68%/năm; giai đoạn 2011-2022 (theo quy mô điều chỉnh), GRDP tăng bình quân 6,67%/năm; năm 2023, GRDP tăng 6,27% so với năm trước; 6 tháng đầu năm 2024, GRDP tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023.

Điểm sáng kinh tế Thủ đô còn thể hiện rõ nét trong lĩnh vực quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị. Hai quy hoạch lớn của thành phố là Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã được hoàn thành, trình Quốc hội khóa XV xem xét tại kỳ họp thứ bảy. Hệ thống hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ, nhiều công trình quan trọng đã hoàn thành, đưa vào khai thác hoặc khởi công như Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội; đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông; đường Vành đai 2 trên cao; cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2…, tạo động lực mạnh mẽ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển Thủ đô bền vững.

Lĩnh vực văn hóa – xã hội tiếp tục phát triển toàn diện; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân Thủ đô không ngừng được cải thiện. Đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo còn 0,03%, đã có 18/30 quận, huyện, thị xã không còn hộ nghèo. Công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh, đồng bộ giữa cải cách thủ tục và cải cách bộ máy, thể chế và xây dựng hạ tầng số, phát triển kinh tế số, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, công tác quốc phòng, an ninh được bảo đảm…

Để đạt được những kết quả như trên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cho rằng, sự quyết liệt, thống nhất trong quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ; sự phối hợp trách nhiệm của các bộ, ngành trung ương đã tạo nên sự đoàn kết thống nhất trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân và dư luận xã hội với nhiệm vụ phát triển Thủ đô.

Ngay sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 15/2008/QH12, thành phố triển khai tích cực công tác tuyên truyền thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về việc mở rộng địa giới hành chính thành phố Hà Nội, tạo ra sức mạnh mới, đoàn kết, đồng tâm hợp lực giải quyết những khó khăn trước mắt, thực hiện tốt các yêu cầu, nhiệm vụ của Thủ đô trong tình hình mới, tạo không khí phấn khởi của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô.

Đặc biệt, sự gương mẫu chấp hành sự phân công, bố trí sắp xếp lại của các đồng chí lãnh đạo và cán bộ, công chức, viên chức đã tạo nên không khí phấn khởi, đoàn kết, tin tưởng cùng nhau vượt qua khó khăn, thách thức để tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết. Đảng bộ thành phố đã tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong Đảng, trong hệ thống cơ quan hành chính của thành phố và toàn xã hội, tạo nên sức mạnh tập thể thống nhất, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết.

Hiện thực hóa khát vọng xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại
Diện mạo nông thôn mới khang trang tại xã Lại Yên (huyện Hoài Đức). Ảnh: Nguyễn Quang

Triển khai hiệu quả cơ chế, chính sách mới

Tại kỳ họp thứ bảy vừa qua, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Thủ đô năm 2024 với 7 Chương, 54 Điều, gồm 9 nhóm cơ chế, chính sách lớn rất đặc thù cho Thủ đô trên cơ sở thể chế hóa Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; đồng thời kế thừa, phát triển Luật Thủ đô năm 2012.

Tại kỳ họp, Quốc hội đã cho ý kiến vào Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 làm cơ sở để Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Các đại biểu Quốc hội nhận định, các đồ án được xây dựng công phu, khối lượng thông tin phong phú, đa dạng và phức tạp, cơ bản bám sát theo quy định của Luật Quy hoạch và Luật Quy hoạch đô thị, thể hiện được tầm nhìn, khát vọng xây dựng Thủ đô phát triển “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”.

Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng, là động lực mới để Thủ đô có thêm nhiều cơ hội bứt phá, phát triển kinh tế – xã hội trong thời gian tới, xứng đáng với không gian phát triển được mở rộng cách đây 16 năm – bên cạnh những nhiệm vụ lớn mà Hà Nội đang triển khai; tập trung để hoàn thành các chỉ tiêu chính trị, kinh tế – xã hội, an ninh, quốc phòng của nhiệm kỳ 2020-2025 cũng như kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024).

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, về tổng thể, khi triển khai Luật Thủ đô năm 2024, trước hết thành phố tập trung vào công tác tuyên truyền, phổ biến và quán triệt luật. Thành phố đã xây dựng kế hoạch phổ biến sâu rộng Luật Thủ đô tới mọi tầng lớp dân cư cũng như các doanh nghiệp, doanh nhân và địa phương. Các cấp, các ngành tập trung quán triệt, tuyên truyền để đạt sự thống nhất cao trong nhận thức về vai trò, vị trí và trách nhiệm của Thủ đô, trung tâm đầu não chính trị – hành chính quốc gia; là trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước; trung tâm, động lực phát triển của Vùng Thủ đô, vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước. Từ đó, khơi dậy và phát huy cao độ truyền thống của Thủ đô ngàn năm văn hiến, anh hùng, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển, xây dựng Thủ đô trở thành thành phố đáng sống của cả nước, khu vực và thế giới, thành phố kết nối toàn cầu, thành phố sáng tạo.

Về xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và quy định theo thẩm quyền được giao trong Luật Thủ đô, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh cho rằng, đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng nhưng cũng rất khó khăn. Luật giao ban hành văn bản để triển khai thực hiện 96 nhiệm vụ, trong đó 74 nhiệm vụ phải ban hành văn bản quy phạm pháp luật; 22 nhiệm vụ ban hành văn bản cá biệt. Trước mắt, thành phố sẽ phối hợp cùng các cơ quan trung ương xây dựng và trình Chính phủ 3 nội dung; thành phố xây dựng và ban hành văn bản triển khai 39 nội dung thuộc thẩm quyền, hoàn thành trước ngày 1-1-2025 để bảo đảm hiệu lực thi hành Luật Thủ đô.

Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, nhằm tiếp tục kế thừa, phát huy những thành tựu đã đạt được và truyền thống hơn 94 năm của Đảng bộ Thủ đô, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ và cả hệ thống chính trị Thủ đô sẽ nỗ lực thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố, nhiệm kỳ 2020-2025, chung tay cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và sớm triển khai Luật Thủ đô năm 2024 đạt hiệu quả cao nhất, góp phần xây dựng, phát triển Thủ đô “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”.

Bạn đang đọc Tin tức xây dựng trên website hungday.com