Hiểu được 8 cơ chế này, bạn sẽ bất ngờ về khả năng ghi nhớ của mình.
Tháng chín 15, 2024
Mình đã dành 43 phút để xem về cơ chế của trí nhớ từ Benjamin Keep – tiến sĩ ngành Learning Sciences tại đại học Stanford. Và đây là 8 “cơ chế” sẽ giúp chúng ta ghi nhớ lâu và sâu
P/S: như mọi bài, mình sẽ kết hợp cả kiến thức trong video và kiến thức sẵn có của mình, chứ không chỉ đơn thuần viết y nguyên những gì trong video nhắc đến.
1. Ý nghĩa (Meaning)
Để hiểu cơ chế này, ta cần nắm hai khái niệm: “Deep Processing” và “Shallow Processing”.
Về cơ bản, Deep Processing là quá trình học thông qua mặt nghĩa của thông tin mình tiếp thu; khác với Shallow Processing – chỉ học thông qua mặt chữ hay âm thanh mà không hiểu ý nghĩa đằng sau, hay nói cách khác là học vẹt (Craik and Lockhart, 1972).
Theo nghiên cứu (và chắc bạn cũng tự hiểu), Deep processing là phương cách giúp chúng ta nhớ thông tin lâu hơn.
Áp dụng vào học tập: Khi học, nếu muốn ghi nhớ một thông tin nào đó, đừng chỉ đọc đi đọc lại với hy vọng bạn sẽ in sâu nó vào trong đầu. Thay vào đó, hãy nghĩ cách khiến thông tin đó trở nên có ý nghĩa hơn với bạn.
Ví dụ, gần đây mình có học về hai trường phái nghiên cứu là Positivism và Intepretivism. Nếu chỉ học vẹt bằng cách học thuộc tên và định nghĩa thì có lẽ đến bây giờ mình đã quên rồi. Thay vào đó, mình cố hiểu sâu hai khái niệm này hơn, bằng cách tạo một so sánh tương đồng (analogy).
Theo mình hiểu, Positivism là một trường phái xem thế giới như một bức hình được chụp bằng máy ảnh, còn Intepretivism là trường phái xem thế giới như bức tranh vẽ. Tức là, đối với bức hình chụp thì mọi chi tiết đều là khách quan, không có chỗ cho góc nhìn cá nhân.
Qua Analogy trên, ta hiểu được rằng Positivism là trường phái nghiên cứu cho rằng mọi hiện tượng trên thế giới đều xảy ra khách quan, mọi sự thật đều có thể được tìm ra thông qua thực nghiệm khoa học (như cách ta tìm ra quy luật của tự nhiên thông qua vật lý). Những nghiên cứu trong trường phái này thường sử dụng các phương pháp nghiên cứu định lượng (quantitative method).
Ngược lại, Intepretivism cho rằng thực tế của mỗi người là khác nhau, và để hiểu được sự thật thì chúng ta cần phải đào sâu vào hoàn cảnh, câu chuyện của họ. Cùng một cảnh trí, nhưng các họa sĩ sẽ có cách vẽ khác nhau, nếu trong lòng họ buồn thì bức tranh cũng sẽ đượm màu ảm đạm, trái lại cũng vậy. Những nghiên cứu trong trường phái này thường sử dụng các phương pháp nghiên cứu định tính (qualitative method).
Sử dụng analogy như vậy sẽ giúp mình nhớ kiến thức lâu và sâu hơn.
…
Ngoài ra, khi bắt gặp một dạng kiến thức mới, mình cũng thường tự hỏi 3 câu sau:
– Tại sao thông tin này lại quan trọng?
– Có thể liên kết thông tin này với một thông tin khác mình đã học không?
– Làm thế nào để áp dụng điều này vào đời sống thực?
3 câu hỏi này giúp ta áp dụng “deep processing” với kiến thức đã học, thay vì chỉ học ở bề mặt.
2. Sự nỗ lực nhận thức (Cognitive effort)
Trong khoa học về học tập, có một thuật ngữ gọi là “Desirable difficulties”, nhằm để chỉ những nỗ lực nhận thức cần thiết trong học tập, được nghiên cứu bởi hai vợ chồng Robert và Elizabeth Bjork.
Trong chương 5 của cuốn “Psychology and the real world” hai vợ chồng nhà Bjork đã liệt kê và so sánh những kỹ thuật học tập được khoa học chứng minh là hiệu quả, so với những kỹ thuật được “nhầm tưởng” là hiệu quả; chúng bao gồm:
– Học ngắt quãng (spacing) so với học nhồi (Massing)
– Học đan xen các kỹ năng (Interleaving) so với học từng kỹ năng cố định (Blocking).
– Tự kiểm tra bản thân (testing) và chủ động gợi nhớ kiến thức (generation) so với chỉ tiếp xúc thông tin đơn thuần
Những phương pháp như Spacing, Interleaving hay Testing thường mất nhiều thời gian để luyện tập, và cũng đòi hỏi ta tư duy nhiều hơn. Nhưng chính những khó khăn này lại khiến chúng ta ghi nhớ thông tin lâu và sâu hơn.
Bởi lẽ, giữa vô vàn thông tin mà não bộ phải tiếp nhận mỗi ngày, sự chủ động tư duy của chúng ta đóng vai trò là tín hiệu để não bộ nhận thấy rằng “à, thông tin này không phải thông tin rác, mà cần được tiếp thu”.
Đáng buồn thay, đa số chúng ta có xu hướng nghĩ rằng những phương pháp học khiến ta “đau đầu suy nghĩ”, mất nhiều thời gian là không hiệu quả; và ta thường ưu tiên những phương pháp học “chill hơn”, như đọc đi đọc lại một cuốn sách và highlight (phù hợp để quay timelapse :)).
Xu hướng này có một tên gọi khá kêu, là “Misintepreted-effort hypothesis” (Kirk-Johnson, Galla and Fraundorf, 2019).
Mình sẽ viết chi tiết hơn về “Desirable Difficulties” trong các bài viết tiếp theo, trong bài này, bạn chỉ cần nhớ rằng “phương pháp học tốt thường sẽ đòi hỏi nỗ lực tư duy”, muốn học dốt thì ngược lại.
Cơ mà, cũng có “undesirable difficulties”. Có nhiều dạng khó khăn không đến từ chính tư duy của bạn, mà đến từ môi trường bên ngoài, như slide bài giảng xấu đọc không ra, hay môi trường quá ồn ào không tập trung được. Những dạng khó khăn này nên được tránh bằng mọi giá.
3. Giải thích một số cơ chế khác trong video
Hai cơ chế trên là hai cơ chế chính mà mình thấy bao hàm trong hầu hết mọi phương pháp học hiệu quả. Ngoài ra, Benjamin Keep còn nhắc đến một số cơ chế sau:
3.1 Creating a Variety of Memory Traces (Tạo nhiều dấu vết ghi nhớ):
Trong video, Benjamin Keep chứng minh luận điểm thông qua một nghiên cứu so sánh hiệu quả ghi nhớ giữa việc viết và vẽ ra thông tin (Fernandes, Wammes and Meade, 2018). Trong tất cả mọi trường hợp, vẽ ra thông tin luôn chiến thắng; bởi khi vẽ ra, ngoài ghi nhớ mặt chữ bạn còn ghi nhớ được cả hình ảnh nữa.
Tương tự, khi ghi nhớ một cụm từ (throwing a ball), việc diễn tả nó bằng hành động (ném quả bóng) sẽ giúp bạn dễ ghi nhớ thông tin hơn là chỉ đọc lại từ đó, bởi vì cơ thể bạn không chỉ ghi nhớ dấu vết âm thanh (sound trace), mà còn cả dấu vết cử động của bạn (movement trace).
Túm lại, khi ghi nhớ điều gì, đừng chỉ đọc vẹt mà hãy cố gắng tích hợp càng nhiều dấu vết (hình ảnh, chuyển động, mùi hương) càng tốt.
Về căn bản, những gì ông ấy nói là không sai, duy mình vẫn hơi bối rối về khái niệm “memory trace”, bởi mình đang hiểu nó theo nghĩa là thay đổi trực tiếp trong não bộ (kiểu tìm ra memory trace trong ảnh MRI của não) hơn là cách ta thu nạp kiến thức. Cơ mà khái niệm này cũng không quá quan trọng, miễn ta vẫn hiểu cách học hiệu quả Benjamin Keep nhắc đến là được.
3.2 Frameworks (trình tự)
Chúng ta dễ nhớ một chuỗi thông tin hơn nếu nó được trình bày theo trình tự thời gian, theo một câu chuyện có đầu cuối, hoặc theo trình tự không gian (đây là cơ chế của phương pháp ghi nhớ Memory Palace nổi tiếng).
3.3 Distinctiveness (sự nổi bật/ khác biệt)
Ý nghĩa của sự nổi bật với khả năng ghi nhớ thì chắc ai cũng biết rồi. Nhưng hầu hết chúng ta đều phải học những thông tin nhàm chán và khô khan.
Lúc này, các bạn có thể quay trở lại phần 1 để đọc thêm về 3 câu hỏi có thể dùng để khiến thông tin này nổi bật hơn trong tâm trí bạn.
Ngoài ra, tạo nhiều Memory Traces (chưa tìm được thuật ngữ tốt hơn), đặc biệt là hình ảnh (vẽ, tìm ảnh/mô hình trên internet), cũng là một cách tốt.
3.4 Value (Giá trị)
Chúng ta thường dễ nhớ thông tin mà chúng ta cho là quan trọng hoặc hữu ích trong cuộc sống của mình. Đó là lý do mỗi khi học một thông tin mới, mình luôn cố gắng nghĩ đến tầm quan trọng của nó, cũng như cách mình có thể áp dụng nó trong đời sống
3.5 Integration (sự liên kết).
Chúng ta thường dễ ghi nhớ một đơn vị kiến thức hơn nếu nó được liên kết với một đơn vị kiến thức khác, hoặc một bức tranh tổng thể. Ví dụ, để ghi nhớ sinh nhật bạn mình (21/10), mình chỉ cần nhớ nó sau ngày phụ nữ Việt Nam (20/10) là xong.
Thực chất, với cá nhân mình, sự liên kết cũng là một trong những mấu chốt quan trọng nhất của ghi nhớ nói riêng và học tập nói chung. Cơ mà mình chưa có thời gian để viết kỹ nó ra trong bài này, hẹn các bạn ở một bài viết sau.
3.6 Transfer-Appropriate Processing (Xử lý thông tin theo cách bạn sẽ dùng nó sau này).
Trong học tập, sẽ rất tối ưu nếu bạn có thể thu nạp thông tin theo cách bạn sẽ sử dụng thông tin đó sau này. Ví dụ, nếu bạn học toán để làm bài kiểm tra toán, một trong những cách học tốt nhất sẽ là học vừa đủ kiến thức nền, sau đó thực hành ngay những dạng bài kiểm tra tương tự với dạng bạn sẽ được kiểm tra sau này.
Về căn bản, cơ chế này đóng vai trò như một la bàn để chúng ta có thể định vị giữa vô vàn phương pháp ghi nhớ thông tin. Trong đa số trường hợp, các cơ chế mình viết ở trên sẽ giúp bạn ghi nhớ thông tin lâu và sâu hơn. Nhưng, nếu người ta kiểm tra các bạn theo một cách khác; ví dụ, hỏi bạn xem từ nào vần với từ Eagle, thì việc nhớ theo vần sẽ dễ hơn là hiểu sâu ý nghĩa của nó.
Vậy nên, sau khi đọc bài này, các bạn cần phải tiếp tục một quá trình thử và sai, để xem phương pháp ghi nhớ nào hợp với hoàn cảnh cố định nào. Không có một giải pháp nào phù hợp cho mọi loại thử thách.
Kết
Bài viết này của mình sẽ không thể tổng kết toàn bộ 40 phút trong video của Benjamin Keep. Nên mình thực sự khuyên các bạn nên tự xem video này nếu có thời gian, đây đúng là một trong những video đầy đủ và dễ hiểu nhất về trí nhớ mình xem được.
Ngoài ra, các bạn không nên chỉ đọc qua, thử một vài phương pháp trong lần học tiếp theo, thấy không hợp thì thôi. Hãy chọn ra một phương pháp bạn cảm thấy phù hợp với mình nhất, dành nguyên một tháng tiếp theo để thử + so sánh hiệu quả.
Mình tin rằng nếu kiên trì một cách có chiến lược, bạn sẽ cải thiện được khả năng học tập của mình một cách đáng kể, mà chính bạn cũng không thể ngờ.
Be curious,
Triet
Nguồn tham khảo
Benjamin Keep (2024). What makes something memorable? [online] YouTube. Available at: [Accessed 13 Sep. 2024].
Craik, F.I.M. and Lockhart, R.S. (1972). Levels of processing: A framework for memory research. Journal of Verbal Learning and Verbal Behavior, 11(6), pp.671–684. doi:.
Fernandes, M.A., Wammes, J.D. and Meade, M.E. (2018). The Surprisingly Powerful Influence of Drawing on Memory. Current Directions in Psychological Science, 27(5), pp.302–308. doi:.
Kirk-Johnson, A., Galla, B.M. and Fraundorf, S.H. (2019). Perceiving effort as poor learning: The misinterpreted-effort hypothesis of how experienced effort and perceived learning relate to study strategy choice. Cognitive Psychology, 115, p.101237. doi:.
Morton Ann Gernsbacher and Pomerantz, J.R. (2015). Psychology and the real world : essays illustrating fundamental contributions to society. New York, Ny: Worth Publishers.