Hô biến rác thải thành thực phẩm sạch – Kỳ 3: Chứa các chất phân hủy độc hại, vi khuẩn và nấm bệnh
Hô biến rác thải thành thực phẩm sạch – Kỳ 3: Chứa các chất phân hủy độc hại, vi khuẩn và nấm bệnh
Ngày 29.10, ông Phan Anh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý an toàn thực phẩm và môi trường chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn đã có cuộc trao đổi với PV Báo Thanh Niên về quy trình thu gom xử lý rác thải tại chợ Hóc Môn cũng như thực trạng người dân đến nhặt rác ở bên trong và ngoài chợ này để bán lại.
Đã cấm từ lâu
Theo ông Tuấn, trung bình mỗi ngày, hàng hóa nhập về chợ Hóc Môn khoảng 2.300 tấn, lượng rác thải ra mỗi ngày trên dưới 50 tấn/ngày. Để đảm bảo công tác vệ sinh môi trường, chợ ký hợp đồng với hai đơn vị để tiến hành thu gom rác thải tại chợ.
Theo đó, bên trong chợ được bố trí nhiều thùng rác và có khu chứa rác thải. Chợ cũng có tổ kiểm tra, quản lý thu gom rác. Hằng ngày, đội vệ sinh làm việc liên tục như quét dọn, thu gom rác trong chợ. Các loại rác thải khi thu gom sẽ được vận chuyển về khu vực tập trung rồi được xe ép rác chuyên dụng vận chuyển về khu xử lý chất thải ở H.Củ Chi theo đúng quy trình. Do đó, việc vệ sinh môi trường bên trong chợ luôn được đảm bảo.
Nói về việc người dân đến chợ nhặt rác thải rau củ, quả phế phẩm bị bỏ đi đem về bán lại, ông Tuấn cho biết, chợ đã cấm việc này từ lâu. Khi phát hiện có người đến nhặt rác tại chợ sẽ nhắc nhở, không cho lượm.
Ông Tuấn khẳng định rau củ, quả phế phẩm các tiểu thương trong chợ đem đi đổ bỏ đã là hàng kém chất lượng, không thể sử dụng được. Nếu người dân lượm về làm thức ăn chăn nuôi thì không có vấn đề gì nhưng đem bán lại thì không bảo đảm sức khỏe, bởi đây là hàng hóa bỏ đi.
Ngoài ra, theo ông Tuấn, cũng có trường hợp người dân đến nhặt rau, củ quả phế phẩm tại chợ. Tuy nhiên, các trường hợp này nhặt về nhằm mục đích chăn nuôi, nhặt với số lượng lớn và có đăng ký với ban quản lý chợ.
Riêng về tình trạng bán hàng rong và rác thải hiện trên đường số 4 bên hông chợ Hóc Môn, ông Tuấn cho biết, khu vực này thuộc sự quản lý của địa phương. Trước đây, chợ có hỗ trợ thu gom rác thải khu vực này nhưng hiện thì không còn. Việc người dân đến nhặt rác tại khu vực này cũng không thuộc thẩm quyền “nhắc nhở” của chợ.
Trước đó, tại chương trình Dân hỏi – Chính quyền trả lời, chủ đề An toàn thực phẩm – Sức khỏe cộng đồng do HĐND TP.HCM phối hợp Sở TT-TT và Đài truyền hình TP.HCM tổ chức sáng 6.10.
Trả lời vấn đề quản lý hoạt động buôn bán tự phát quanh chợ đầu mối Hóc Môn, bà Huỳnh Thị Xuân Mai, Phó chủ tịch UBND H.Hóc Môn, cho biết huyện có thành lập tổ công tác lập chốt trực 24/24 giờ/ngày tại khu vực chợ. Bên cạnh đó, huyện cũng tập trung công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân cũng như tổ chức thực hiện các đợt ra quân xử lý cao điểm, lắp đặt các hệ thống loa thông báo, hệ thống camera giám sát và phối hợp Đội 4 của Sở An toàn thực phẩm TP.HCM tiến hành kiểm tra các hộ buôn bán xung quanh khu vực chợ.
Cũng theo vị lãnh đạo này, từ đầu năm đến nay, tổ công tác đã thường xuyên kiểm tra, xử lý và xử phạt hơn 1.000 trường hợp vi phạm về trật tự đô thị, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm. Do vị trí chợ đầu mối Hóc Môn nằm đan xen trong khu dân cư và khu vực này có nhiều hộ dân sinh sống kết hợp kinh doanh và lực lượng tổ công tác còn mỏng nên vẫn chưa giải quyết dứt điểm.
Thời gian tới, UBND H.Hóc Môn sẽ phối hợp TP.HCM tiến hành điều chỉnh, bổ sung quy hoạch và xúc tiến đầu tư, di dời chợ đầu mối Hóc Môn sang vị trí khác thuộc xã Tân Hiệp, nằm biệt lập với khu dân cư nhằm giải quyết triệt để vấn đề phát sinh tại khu vực chợ hiện nay.
Ảnh hưởng sức khoẻ
Bác sĩ CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp, Phó chủ tịch Hội dinh dưỡng Việt Nam, cho biết đối với các loại rau củ, quả về mặt cảm quan không đủ tiêu chuẩn sử dụng như bị dập, héo, úa, nhũn và có thay đổi kết cấu bên ngoài hư hỏng là những thực phẩm đã cũ và giảm độ tươi thì không nên sử dụng.
Vì thứ nhất, chất lượng dinh dưỡng bên trong của rau củ, quả bỏ đi này đã giảm đi nhiều. Tùy theo mức độ nguy hại của thực phẩm này mà giá trị dinh dưỡng thực phẩm giảm đi 10 – 30%, thậm chí hơn (PV – tùy mỗi loại rau củ, quả). Thứ hai, bản thân thực phẩm khi hư hỏng tiềm ẩn các yếu tố nguy cơ do thoái biến của các chất dinh dưỡng, có thể tạo ra các chất không có lợi cho sức khỏe.
Điều này dẫn đến 2 nguy cơ sức khỏe. Nguy cơ đầu tiên là bản thân thực phẩm này ít chất dinh dưỡng hơn mà vẫn cứ ăn thì lâu dài thiếu cung cấp chất dinh dưỡng cho cơ thể. Thứ hai, chất chuyển hóa do chính bản thân thực phẩm không còn đạt tiêu chí cơ bản sử dụng nữa và gây hại cho sức khỏe vì cơ thể buộc phải vận dụng mọi quá trình chuyển hóa tích cực hơn để thải chất không mong muốn đó ra. Chất không mong muốn này có thể tác dụng xấu đến các cơ quan chuyển hóa như gan, thận, hệ tiêu hóa. Mặt khác, những thực phẩm để lâu thì bản thân nó có nguy cơ cao bị ô nhiễm các vi sinh vật, dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Vì vậy bác sĩ khuyến cáo không nên sử dụng các loại thực phẩm này để sử dụng vào việc chế biến thức ăn, không có lợi cho sức khỏe.
Theo bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, ở nước ngoài tại các chợ đầu mối, khi các rau củ, quả hư hỏng bị bỏ đi người ta sẽ cho cắt vụn chúng ra trước khi đem đi xử lý, tránh tình trạng tận dụng chúng vào việc khác có thể như nhặt đem bán lại…
Trong khi đó, PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, cho biết sử dụng rau củ quả dập nát, hư hỏng đương nhiên là không tốt cho sức khỏe, nhất là khi không nấu chín. Các rau củ hư hỏng tùy loại không còn dinh dưỡng, chứa các chất phân hủy độc hại, các vi khuẩn và nấm bệnh… có thể gây rối loạn tiêu hóa, nôn mửa, tiêu chảy… và tích tụ về lâu dài gây ảnh hưởng sức khoẻ.
Sở An toàn thực phẩm và các đoàn kiểm tra quận huyện vẫn thường xuyên kiểm tra các quán ăn (kể cả quán chay) về nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu và xử lý vi phạm. Đối với công nhân thì chúng tôi tuyên truyền để không mua hàng trôi nổi (dù rất khó vì công nhân thu nhập còn thấp, cuộc sống rất khó khăn). Nếu lỡ mua thì phải sơ chế kỹ, loại bỏ các phần hư, rửa sạch và nấu chín để bớt độc hại.