Hỗ trợ cho các địa phương bị bão lũ: Cần có cơ chế, chính sách đặc thù
Hỗ trợ cho các địa phương bị bão lũ: Cần có cơ chế, chính sách đặc thù
(Xây dựng) – Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về Đánh kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2025. Trong đó, liên quan đến bão số 3, với sức tàn phá nặng nề, đã để lại hậu quả lớn cho nhiều tỉnh miền Bắc, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị tiếp tục có các cơ chế đặc cách, đặc thù để bổ sung thêm nguồn lực hỗ trợ cho các địa phương bị ảnh hưởng, đồng thời cho phép thực hiện các thủ tục rút gọn để triển khai nguồn lực hỗ trợ đến với bà con vùng bị thiệt hại do bão, lũ.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu. |
Theo báo cáo của Chính phủ về Đánh kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2025 trong 9 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế đạt 6,82%, thu ngân sách ước tăng trên 10%… Đây là con số rất ấn tượng, thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là tinh thần vượt khó, đoàn kết, chung sức, đồng lòng của nhân dân cả nước. Tinh thần này cũng được thể hiện rõ nét trong công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả cơn bão số 3 gây ra tháng 9 vừa qua.
Với tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, các tổ chức, cá nhân đã ủng hộ trên 2.000 tỷ đồng và hàng nghìn tấn vật tư, nhu yếu phẩm để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi bão, lũ.
Thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, liên quan đến cơn bão số 3, đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn cho biết, đã hơn một tháng kể từ khi cơn bão số 3 đi qua với sức tàn phá nặng nề, bão đã để lại hậu quả lớn cho nhiều tỉnh miền Bắc. Với sự quyết liệt lo cho dân của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và cả hệ thống chính trị cùng những nghĩa cử cao đẹp, chứa chan tình đồng chí, đồng bào đã làm vơi đi nhiều nỗi đau, mất mát sau bão.
Để tiếp tục chuẩn bị tốt hơn nữa để phòng tránh, ứng phó thiên tai, đại biểu Nguyễn Thị Thủy đề nghị, tiếp tục có các cơ chế đặc cách, đặc thù để bổ sung thêm nguồn lực hỗ trợ cho các địa phương bị ảnh hưởng, nhất là các địa phương miền núi. Cùng với đó, Quốc hội, Chính phủ cần cho phép thực hiện các thủ tục rút gọn để triển khai nguồn lực hỗ trợ đến với bà con, để tấm lòng của Đảng, Nhà nước sớm đến với bà con vùng bị thiệt hại do bão lũ.
Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về Đánh kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2025. |
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Yến, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho rằng, cần có chính sách đặc thù giúp người dân vùng ảnh hưởng của bão ổn định cuộc sống.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Yến, trong những tháng cuối năm, nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã chịu thiệt hại nặng nề từ cơn bão số 3 và số 6, Chính phủ đã nhanh chóng chỉ đạo công tác phòng, tránh, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và của.
Chính phủ cũng cần có những cơ chế, chính sách đặc thù, tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm giúp các địa phương, người dân khôi phục sinh kế, ổn định cuộc sống và tái thiết vùng bị ảnh hưởng, đảm bảo tăng trưởng…
Quan tâm đến những thiệt hại nặng nề do mưa lũ gây ra, nhất là ảnh hưởng của cơn bão số 3, gây thiệt hại rất lớn đối với các địa phương khu vực Bắc Bộ và các tỉnh miền núi phía Bắc, đại biểu Bế Minh Đức, Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng cho biết, thiệt hại cơn bão số 3 hết sức to lớn, đối với các tỉnh miền núi phía Bắc còn nhiều khó khăn nay càng khó khăn hơn. Do vậy, đại biểu Bế Minh Đức đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét nghiên cứu có gói phục hồi kinh tế sau cơn bão số 3 cho các địa phương bị ảnh hưởng từ nguồn tăng thu.
Ngoài việc bố trí nguồn lực cho các dự án trọng điểm quốc gia, cần ưu tiên bố trí nguồn lực phục hồi kinh tế cho các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề sau cơn bão số 3, nhất là các tỉnh biên giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Bên cạnh đó, nhiều ĐBQH đề nghị Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo rà soát, xây dựng một chương trình tổng thể về công tác cảnh báo, phòng, chống thiên tai, bão lũ, công tác cứu hộ, cứu nạn để giảm thiểu thiệt hại khi thiên tai, bão lũ xảy ra; tăng cường chỉ đạo các cơ quan chức năng kịp thời xử lý nghiêm đối với những cá nhân và tổ chức lợi dụng tình hình khẩn cấp để trục lợi.
Sẽ ban hành 2 nghị định hỗ trợ bà con bị thiệt hại
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Quảng Ninh là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi bão số 3 diễn ra trong tháng 9 vừa qua. (Ảnh: T/L) |
Bộ trưởng chia sẻ với những thiệt hại, mất mát về người và tài sản của chính quyền địa phương và người dân từ cơn bão số 3.
Bộ trưởng nhận định, qua cơn bão này cho thấy biến đổi khí hậu đang ngày càng diễn biến phức tạp, qua đó cần hoàn thiện công tác phòng chống thiên tai thích ứng với biến đổi khí hậu ở mức cao hơn.
Theo Bộ trưởng, cần phải nâng cấp từ tư duy nhìn về thảm họa thiên tai đến xử lý những tình huống; nâng cao hơn tiêu chuẩn, quy chuẩn trong quy hoạch không gian các địa phương ven biển và các địa phương có không gian bị chia cắt như vùng miền núi và Trung du phía Bắc…
Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang cấu trúc lại toàn bộ hệ thống theo thích ứng và bền vững với những hình thái sản xuất chống chịu được cấp độ giông bão cao hơn. Trong nuôi trồng thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi… phải được ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn mới để thích ứng.
Cùng với đó, cần hoàn thiện thể chế, nguồn nhân lực chuyên nghiệp hơn trong phóng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu…
Về giải pháp hỗ trợ bà con bị thiệt hại, Bộ trưởng cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình Thủ tướng Chính phủ 2 dự thảo Nghị định. Một là nghị định về hỗ trợ sản xuất nông nghiệp bị tổn thất do thiên tai, thiệt hại đối với thực vật, một Nghị định hỗ trợ sản xuất nông nghiệp bị tổn thất do thiên tai, thiệt hại đối với động vật.
Dự thảo Nghị định được xây dựng với cách tiếp cận là có thể không đền bù được hoàn toàn được thiệt hại, mất mát của bà con nhưng cũng không để khoảng cách quá xa giữa đền bù và thực tế thiệt hại.
Chính sách được thiết kế làm sao vừa không để bị lợi dụng, trục lợi chính sách, vừa không làm cho những người thiệt hại khó khăn tiếp cận.
Trong điều kiện nguồn lực có hạn, chính sách thiết kế theo hướng, một là nâng mức mà hỗ trợ lên, hai là cho phép các chính quyền địa phương thông qua HĐND có thể hỗ trợ nhiều lần, hỗ trợ thêm để các địa phương có điều kiện thể có thể hỗ trợ cho bà con một cách kịp thời…