Hoàn thiện hành lang pháp lý để quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai
Hoàn thiện hành lang pháp lý để quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai
Để triển khai Luật Đất đai năm 2024 và các văn bản liên quan, thành phố Hà Nội đang xây dựng 2 dự thảo quy định về công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn và quy định một số nội dung thuộc thẩm quyền của UBND thành phố về lĩnh vực đất đai.
Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với đồng chí Lê Thanh Nam, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội – Cơ quan chủ trì tham mưu xây dựng dự thảo.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Lê Thanh Nam. |
Khắc phục tình trạng đầu cơ, tích trữ đất đai
– Là cơ quan chủ trì tham mưu xây dựng dự thảo Quyết định của UBND thành phố quy định một số nội dung thuộc thẩm quyền của UBND thành phố về lĩnh vực đất đai trên địa bàn thành phố, đồng chí có thể chia sẻ về mục đích cũng như những nội dung chính của văn bản này?
– Đây là dự thảo quan trọng, nhằm cụ thể hóa và quy định chi tiết, hướng dẫn đầy đủ các điều, khoản, điểm mà Luật Đất đai năm 2024, Nghị định của Chính phủ liên quan và những nội dung đặc thù của thành phố. Dự thảo cũng hoàn thiện hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn Thủ đô. Đặc biệt, giải quyết hài hòa quyền và lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư; tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy các giao dịch về quyền sử dụng đất, phát triển thị trường bất động sản công khai, minh bạch, lành mạnh…
Dự thảo quyết định theo hướng cải cách thủ tục hành chính, tăng cường chuyển đổi số, nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai; bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền lợi của người sử dụng đất; giải quyết hiệu quả tình trạng lãng phí, thất thoát, khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai.
– Theo đồng chí, đâu là những điểm nhấn đáng chú ý trong dự thảo này?
– Điểm nhấn đáng chú ý là dự thảo quyết định tập trung rà soát, công bố công khai, lập danh mục các thửa đất nhỏ hẹp hoặc nằm xen kẹt, không có đường giao thông kết nối và việc giao đất, cho thuê đất đối với các trường hợp này. Hay việc sử dụng đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế – xã hội thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất. Điều kiện, tiêu chí, quy mô, tỷ lệ để tách thành dự án độc lập đối với trường hợp sử dụng đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế – xã hội thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất mà khu vực thực hiện dự án có diện tích đất do cơ quan, tổ chức của Nhà nước quản lý.
Ngoài ra, dự thảo cũng quy định nội dung đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất; hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân; hạn mức giao đất ở cho cá nhân tại đô thị và nông thôn… Điều kiện, diện tích tối thiểu của việc tách thửa đất, hợp thửa đất; xử lý các trường hợp không đủ điều kiện tồn tại khi Nhà nước thu hồi đất phát triển kinh tế – xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng và mục đích quốc phòng, an ninh.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, trên cơ sở đặc thù công tác quy hoạch của Thủ đô, dự thảo quyết định cũng điều chỉnh quy định về tỷ lệ để tách thành dự án độc lập đối với dự án thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất mà khu vực thực hiện dự án có diện tích đất do cơ quan, tổ chức của Nhà nước quản lý từ 10% lên 20%. Thành phố ưu tiên sử dụng quỹ đất đáp ứng các điều kiện quy định tại Khoản 3, Điều 126, Luật Đất đai để đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất và hạn chế việc tách riêng các ô đất quy hoạch nhằm không làm ảnh hưởng đến điều kiện, tiêu chí của quỹ đất còn lại khi thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
– Khi quyết định được ban hành và có hiệu lực, người dân, doanh nghiệp cũng như các tổ chức được hưởng lợi gì, thưa đồng chí?
– Quyết định này sẽ giúp người dân và doanh nghiệp dễ tiếp thu, các quy định có tính ổn định trên địa bàn thành phố và chỉ phải nghiên cứu một số ít quy định mới của Luật Đất đai năm 2024… Đặc biệt, sẽ khắc phục tình trạng đầu cơ, tích trữ đất đai; xây dựng các khu đô thị, nhà ở theo hướng văn minh, hiện đại, đồng bộ với việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị và hạ tầng xã hội; lựa chọn được các nhà đầu tư bảo đảm năng lực, kinh nghiệm tham gia đấu giá.
Trong quyết định cũng tăng một số chỉ tiêu nhằm tăng điều kiện sống tối thiểu của người dân; hạn chế trường hợp xây dựng cơi nới, tăng diện tích sàn sử dụng, dẫn đến tăng nguy cơ cháy nổ và tăng diện tích đất tái định cư tối thiểu lên 50m² để có lợi hơn cho người có đất bị thu hồi…
Khu nhà tái định cư phục vụ công tác giải phóng mặt bằng Dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội tại huyện Mê Linh đang được xây dựng. Ảnh: Quang Thái |
Nâng mức hỗ trợ khi thu hồi đất
– Dự thảo Quyết định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố cũng thu hút sự quan tâm rất lớn của cộng đồng. Đồng chí có thể chia sẻ về nội dung này?
– Đúng vậy! Đây là nội dung được người dân và cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt quan tâm. Dự thảo quyết định có 6 chương, 30 điều. Dự thảo quyết định này có tăng cường các nội dung phân cấp cho UBND cấp huyện, nhằm thực hiện nhanh, gọn, có hiệu quả thủ tục hành chính trong lĩnh vực bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Công khai, minh bạch các chế độ, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, tạo điều kiện cho các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, người dân thực hiện và giám sát quá trình thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Dự thảo quyết định cũng tạo ra sự chủ động trong việc bố trí nguồn lực thực hiện và đẩy nhanh công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, sớm đưa đất, công trình vào sử dụng.
– Chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là điểm nghẽn trong thu hồi đất, giải phóng mặt bằng trong thời gian qua. Đồng chí có thể nói rõ hơn về vấn đề này trong dự thảo quyết định mới?
– Dự thảo quyết định mới có những quy định cụ thể, chi tiết, như: Bồi thường bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi hoặc bằng nhà ở khi Nhà nước thu hồi đất; UBND cấp tỉnh căn cứ quỹ đất, quỹ nhà và tình hình thực tế tại địa phương quy định tỷ lệ quy đổi, điều kiện bồi thường bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi hoặc bằng nhà ở để bồi thường cho người có đất thu hồi.
Trên địa bàn thành phố hiện nay, quỹ đất ở chưa đáp ứng nhu cầu về bồi thường cho người bị thu hồi đất ở; quỹ đất khác chưa có kế hoạch và nguồn lực để tạo lập. Do đó, căn cứ vào quỹ đất hiện có, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đưa vào dự thảo nội dung sau: “Trong trường hợp cần thiết, UBND thành phố xem xét, quyết định bồi thường bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi hoặc bằng nhà ở khi Nhà nước thu hồi đất đối với từng dự án cụ thể”.
Hay như bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất ở: Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ở, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài đang sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất tại Việt Nam có đủ điều kiện được bồi thường mà không còn đất ở, nhà ở nào khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất ở thu hồi, thì được bồi thường bằng đất ở (trên địa bàn các huyện và đối với các quận có đủ quỹ đất) hoặc nhà ở (đối với các quận không bố trí được quỹ đất). Bên cạnh đó, dự thảo cũng quy định nhiều nội dung về bồi thường, như: Bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại; bồi thường thiệt hại về nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất khi Nhà nước thu hồi đất…
Về tái định cư, dự thảo quyết định quy định rõ: Giao đất, bán căn hộ chung cư đối với hộ gia đình có nhiều thế hệ, nhiều cặp vợ chồng cùng chung sống trên một thửa đất ở bị thu hồi; suất tái định cư tối thiểu và hỗ trợ tái định cư; hỗ trợ tự lo tái định cư…
– Vậy, khi dự thảo quyết định này có hiệu lực sẽ tác động như thế nào đến đời sống dân sinh, thưa đồng chí?
– Dự thảo quy định mức bồi thường, hỗ trợ cao nhất tại khung chính sách của luật và nghị định để áp dụng trên địa bàn thành phố; xây dựng chính sách có lợi nhất cho người bị thu hồi đất, tạo sự đồng thuận và chấp hành quyết định thu hồi đất, đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn thành phố. Đồng thời, tạo điều kiện cho người bị thu hồi đất có kế hoạch chuyển đổi nghề nghiệp, di chuyển chỗ ở và tài sản, sớm ổn định đời sống, sản xuất; nâng mức hỗ trợ về nhà ở đối với trường hợp bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất (hỗ trợ suất tái định cư tối thiểu, hỗ trợ tự lo tái định cư…) để người bị thu hồi đất có cơ hội tạo lập nhà ở mới, phù hợp với điều kiện của thành phố.
– Trân trọng cảm ơn đồng chí!
Bạn đang đọc Tin tức xây dựng trên website hungday.com