Hội An nói gì về thông tin mất ‘đĩa cổ’ trên mái chùa Cầu sau trùng tu?
Hội An nói gì về thông tin mất ‘đĩa cổ’ trên mái chùa Cầu sau trùng tu?
Mới đây, trên mạng xã hội Facebook lan truyền thông tin nghi vấn về việc trên mái chùa Cầu có quá nhiều đĩa mới.
Một tài khoản Facebook còn đặt nghi vấn “mất cắp khi bảo tồn” đối với các đĩa trang trí trên mái chùa Cầu, kèm theo đó là hình ảnh chùa Cầu trước và sau khi trùng tu để so sánh.
Trao đổi với PV Thanh Niên về vấn đề này, ông Phạm Phú Ngọc, Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An (TP.Hội An, Quảng Nam), khẳng định nội dung mất đĩa cổ trên mái chùa Cầu sau khi trùng tu được đăng tải trên mạng xã hội là thông tin xuyên tạc, vu khống.
“Toàn bộ đĩa mặt tiền diềm mái phần cầu được đánh số và tận dụng trở lại như vị trí cũ đến 80%. Hai đầu cầu chỉ thay một số vị trí đĩa đã mất hoàn toàn. Bờ nóc, bờ chảy các đĩa gốc bị nứt nhẹ đã được xử lý và trả lại. Chi tiết cụ thể các phần này có hình ảnh hiện trạng đã chụp, ghi chép và hoàn thành thực tế”, ông Ngọc khẳng định.
Ông Ngọc cũng thông tin lại rằng, giải pháp tổ chức thi công trùng tu di tích chùa Cầu được thực hiện với cách thức mẫu mực, áp dụng đầy đủ các quy trình, giải pháp thi công bài bản, khoa học, phù hợp các quy trình tu bổ, bảo quản các di tích gỗ đã được đánh giá, chắt lọc, đúc kết từ thực tiễn.
Quá trình trùng tu di tích chùa Cầu có sự tham gia của rất nhiều chuyên gia, kiến trúc sư, kỹ sư, khảo cổ học hàng đầu Việt Nam…
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP.Hội An, cho hay hình ảnh trên mạng có ác ý, không chính xác. Đĩa lắp trên chùa Cầu sau khi trùng tu hầu hết sử dụng lại đĩa cũ. Ngoài ra, đây cũng không phải đĩa cổ mà từ đợt trùng tu năm 1986 mới xuất hiện.
Ông Sơn cho hay, rêu mốc là “kẻ thù của di tích”, nguyên tắc bảo tồn thì sau khi trùng tu phải quét vôi bảo quản, mà quét vôi là phải quét màu nguyên gốc của nó, thời gian nó sẽ phai màu, bạc màu như xưa, nếu quét màu rêu phong là làm giả.
Ngoài ra, vôi quét xong khoảng một mùa là bạc hết. Nguyên tắc trùng tu thì phải quét màu nguyên gốc chứ quét màu sẫm, màu qua thời gian là màu giả, không đúng bản chất.
Như Thanh Niên đã thông tin, diện mạo mới của chùa Cầu sau cuộc đại trùng tu đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận. Trong đó, nhiều người cho rằng việc trùng tu, đặc biệt màu sơn, đã khiến chùa Cầu “bớt cổ kính“, di tích trở nên lạ lẫm so với trước đây. Tuy nhiên, cũng có nhiều người khen công trình sau trùng tu vẫn giữ được vẻ nguyên bản, riêng về “sự cổ kính” thì theo thời gian sẽ lại có màu rêu phong.
Sau khi tiếp thu ý kiến từ người dân và du khách, TP.Hội An quyết định xử lý lại một số chi tiết nhỏ ở đà gỗ và chỗ vị trí dầm trắng dưới lan can chùa Cầu bằng cách quét vôi có nước lót màu trắng để màu sẫm hơn so với màu trắng hiện tại. Còn về màu sắc của chùa Cầu sẽ không có gì thay đổi.
Bạn đang đọc Hội An nói gì về thông tin mất ‘đĩa cổ’ trên mái chùa Cầu sau trùng tu? tại website hungday.com