Hội thảo khoa học “Ứng dụng công nghệ mới trong phát triển kinh tế rừng tại tỉnh Bình Định”

Tháng mười một 9, 2024

Hội thảo khoa học “Ứng dụng công nghệ mới trong phát triển kinh tế rừng tại tỉnh Bình Định”

(Xây dựng) – Ngày 8/11, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định), Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) tổ chức Hội thảo khoa học “Ứng dụng công nghệ mới trong phát triển kinh tế rừng tại tỉnh Bình Định”.

Hội thảo khoa học “Ứng dụng công nghệ mới trong phát triển kinh tế rừng tại tỉnh Bình Định”
Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Định Võ Cao Thị Mộng Hoài phát biểu khai mạc Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Định Võ Cao Thị Mộng Hoài nghệ cho biết: Hội thảo khoa học “Ứng dụng công nghệ mới trong phát triển kinh tế rừng tại tỉnh Bình Định” là cơ hội để cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực lâm nghiệp, các doanh nghiệp khai thác, chế biến lâm sản, các nhà khoa học trao đổi, chia sẻ những kết quả nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất lâm nghiệp, công nghiệp chế biến lâm sản; Công tác bảo vệ rừng và phát triển sản xuất lâm nghiệp; Giới thiệu một số giống cây và tiến bộ kỹ thuật về lâm nghiệp phù hợp với phát triển lâm nghiệp của tỉnh…

Theo thống kê, tỉnh Bình Định hiện có diện tích rừng và đất lâm nghiệp là hơn 415 nghìn ha. Diện tích đất có rừng hơn 348 nghìn ha (trong đó, rừng tự nhiên hơn 214 nghìn ha, rừng trồng gần 134 nghìn ha) và đất chưa có rừng hơn 67 nghìn ha. Bình Định có khoảng 300 doanh nghiệp chế biến gỗ, trong đó có khoảng 100 doanh nghiệp là thành viên của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định.

Xác định rừng không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn góp phần bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu, UBND tỉnh và cấp thẩm quyền đã quan tâm đầu tư, phân bổ kinh phí triển khai thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng thông qua các Đề án phát triển cây gỗ lớn trên địa bàn giai đoạn 2016 – 2025, định hướng đến năm 2035. Mục tiêu đến năm 2025, diện tích rừng trồng gỗ lớn tập trung đạt 10.000ha, đến năm 2035 đạt 30.000ha; Kế hoạch thực hiện Đề án “Bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030” trên địa bàn tỉnh Bình Định…

Hội thảo khoa học “Ứng dụng công nghệ mới trong phát triển kinh tế rừng tại tỉnh Bình Định”
Quang cảnh Hội thảo.

Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Định Võ Cao Thị Mộng Hoài mong muốn: Thông qua hội thảo này, các ngành, các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp tiếp tục quan tâm, thúc đẩy hiện đại hóa công nghiệp chế biến lâm sản, khuyến khích áp dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường trong sản xuất giống cây lâm nghiệp; các mô hình trồng rừng hiệu quả kinh tế cao; tăng cường năng lực theo dõi, giám sát, quản lý tài nguyên rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng…

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận các nghiên cứu, tư vấn khoa học thúc đẩy hiện đại hóa công nghiệp chế biến lâm sản, khuyến khích áp dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường trong sản xuất giống cây lâm nghiệp; các mô hình trồng rừng hiệu quả kinh tế cao; tăng cường năng lực theo dõi, giám sát, quản lý tài nguyên rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng… Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đã có nhiều bài tham luận và đề xuất những hướng đi phù hợp cho tỉnh Bình Định trong việc phát triển kinh tế rừng hiệu quả.