Hội thảo quốc tế lần thứ hai về khoa học sự sống nano: Công nghệ nano sinh học, lý sinh và tính toán

Tháng chín 26, 2024

Hội thảo quốc tế lần thứ hai về khoa học sự sống nano: Công nghệ nano sinh học, lý sinh và tính toán

(Xây dựng) – Hơn 100 chuyên gia, nhà khoa học, và nghiên cứu sinh từ 19 quốc gia trên thế giới đã tham dự Hội thảo quốc tế lần thứ hai về khoa học sự sống nano: Công nghệ nano sinh học, lý sinh và tính toán” (NanoBioCoM2024) diễn tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục Liên ngành (ICISE), thành phố Quy Nhơn (Bình Định). Hội thảo do Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam, Trung tâm ICISE, trường Đại học Phenikaa, Viện Nghiên cứu Khoa học Sự sống Nano thuộc Đại học Kanazawa (Nhật Bản) đồng tổ chức.

Hội thảo quốc tế lần thứ hai về khoa học sự sống nano: Công nghệ nano sinh học, lý sinh và tính toán
Giáo sư Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam, Giám đốc Trung tâm ICISE phát biểu tại Hội thảo.

Việt Nam hiện đang đẩy mạnh các chương trình nghiên cứu liên quan đến khoa học sự sống nano, bao gồm công nghệ sinh học nano (y học nano, HS-AFM, FM-AFM, SICM), vật lý sinh học (hệ thống nano phân tử sinh học, nanobiohybrid, cấu trúc sinh học nano, cảm biến sinh học dựa trên nano), cũng như các lĩnh vực tính toán và trí tuệ nhân tạo (AI) trong sinh học.

Tại “Hội thảo quốc tế lần thứ hai về khoa học sự sống nano: Công nghệ nano sinh học, lý sinh, tính toán” đã có gần 50 bài báo cáo tại phiên toàn thể và các phiên song song tập trung vào các nghiên cứu cơ bản và ứng dụng liên quan trong công nghệ sinh học nano, lý sinh và các phương pháp tính toán hiện đại nhằm giải quyết những vấn đề quan trọng trong lĩnh vực khoa học sự sống. Những nghiên cứu trình bày tại hội thảo không chỉ cung cấp các kỹ thuật tiên tiến mà còn mở ra những xu hướng mới, có tiềm năng ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực vật lý sinh học.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Giáo sư Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam, Giám đốc Trung tâm ICISE nhấn mạnh: Mục tiêu dài hạn của hội thảo là tạo ra một diễn đàn khoa học quốc tế do người Việt Nam tổ chức tại Việt Nam, nơi các nhà khoa học, đặc biệt là những người trẻ tuổi, có thể gặp gỡ, chia sẻ và thảo luận về những nghiên cứu mới nhất trong lĩnh vực vật lý sinh học, nhằm giải quyết các vấn đề liên ngành và thách thức hiện nay trong khoa học sự sống. Hội thảo cũng đặt nền tảng cho sự kết nối và duy trì mạng lưới hợp tác nghiên cứu liên ngành và xuyên ngành giữa các nhà khoa học trong và ngoài nước, dựa trên lĩnh vực khoa học sự sống nano.

Hội thảo quốc tế lần thứ hai về khoa học sự sống nano: Công nghệ nano sinh học, lý sinh và tính toán
PGS.TS Trần Quang Huy, trường Đại học Phenika chia sẻ tại Hội thảo.

Chia sẻ tại Hội thảo, PGS.TS Trần Quang Huy, trường Đại học Phenika hy vọng Hội thảo sẽ mang lại những ý tưởng đột phá và nhiều cơ hội để đổi mới và hợp tác, giúp giải quyết những thách thức cấp bách nhất trong y học, nông nghiệp và môi trường bền vững.

PGS.TS Trần Quang Huy mong muốn các nghiên cứu trẻ và sinh viên tích cực tham gia thảo luận với các nhà khoa học thâm niên, chia sẻ ý tưởng nghiên cứu và tạo cơ hội hợp tác xuyên lĩnh vực.

“Sự hội tụ nhiều lĩnh vực là chìa khóa để mở ra những giải pháp mới và thúc đẩy tiến bộ trong khoa học sự sống. Chúng ta có thể mở đường cho thế hệ đổi mới tiếp theo, định hình tương lai của khoa học sự sống nano”, PGS.TS Trần Quang Huy cho hay.

Hội thảo quốc tế lần thứ hai về khoa học sự sống nano: Công nghệ nano sinh học, lý sinh và tính toán
Quang cảnh Hội thảo.

Trước đó, vào tháng 9/2023, Hội thảo quốc tế lần thứ nhất về khoa học sự sống nano: Công nghệ nano: Sinh học, cảm biến sinh học, tính toán đã được diễn ra với sự tham dự của hơn 100 đại biểu đến từ 15 quốc gia trên thế giới.