I’m a Creep

Lần trước, khi em tới đây

Em đẹp tựa như một thiên thần

Em thướt tha như một bóng hồng

Tôi ước rằng tôi đặc biệt

Nhưng tôi là một kẻ quái đản

Tôi đang làm cái quái gì ở đây?

Tôi không quan tâm nếu tôi phải chịu đau

Tôi muốn một cơ thể đẹp

Tôi muốn em nhận ra sự thiếu vắng

Em rất đặc biệt

Nhưng tôi là một kẻ quái đản

Tôi đang làm cái quái gì ở đây đây?

Cô ấy đang chạy xa khỏi tôi kìa

Em cứ làm điều giúp em được hạnh phúc

Em quả thực rất đặc biệt

Nhưng tôi là một kẻ quái đản

Tôi đang làm cái quái gì ở đây đây?

Tôi không thuộc về nơi này.

Mặc dù bản dịch phiên phiến của mình đưa ra ngữ cảnh về một người yêu đơn phương một người, nhưng nó vẫn hoàn toàn có thể được hiểu trong ngữ cảnh của một người luôn cảm thấy lạc lõng giữa những người xung quanh. Đó là lý do mà lần đầu khi nghe Creep của Radio Head, mình đã rất ấn tượng và để chế độ Nghe lại suốt cả tuần liền.

Từ bé tới hết cấp 1 thì mình rất ngoan, đúng kiểu con cưng của bố mẹ vì bảo gì nghe nấy, không dám làm khác, cũng không có nhu cầu làm khác. Tới cấp hai, mình bắt đầu có những ý kiến làm mẹ mình bắt đầu nói những câu kiểu như “Mày bị điên à!”. Kí ức rõ ràng nhất mình còn nhớ là khi mình đã quá chán với việc suốt ngày ốm yếu và bị cả nhà xếp vào dạng công tử bột vì lúc nào cũng phải nâng như nâng trứng. Khi đó mình học lớp 6. Với thành tích nhiều năm học sinh giỏi và luôn đứng đầu lớp thì việc mùa hè năm ấy, thằng công tử bột xin mẹ cho đi học võ ở cung văn hóa để tăng cường sức khỏe đã bị mẹ gạt đi nhanh chóng. Bên cạnh việc thời điểm đó, tức là tầm 2003, 2004, ít nhà nghĩ tới việc cho con đi học cái gì khác ngoài những môn trên trường, thì mẹ mình còn có lí do là “Mày như con bọ gậy thế này. Đi học mấy cái đấy để mà gãy chân gãy tay ra à! Thời gian rảnh ở nhà lôi sách nâng cao ra mà học đi!”.

Tới lúc lên ĐH, và cả khi đi làm, nhận thức rõ được sự nổi trội của những người hướng ngoại, mình càng cảm thấy mình khác biệt hơn bao giờ hết. Trước đây cứ nghĩ xã hội ưu ái sự hướng ngoại, nhưng sau này ngẫm lại thì đó không phải là ưu ái, đó là công bằng. Rõ ràng bạn hướng ngoại, bạn đi giao tiếp nhiều hơn, nhiều người biết mặt bạn, nhớ tên bạn hơn, nhờ vậy mà cơ hội đến với bạn nhiều hơn. Khi mà trình độ của mình không xuất chúng tới mức vượt trội hẳn lên so với số đông, thì cái sự hướng nội này sẽ không đem lại nhiều lợi ích cho mình.

Trong cuộc sống hằng ngày, mình cũng không khác là mấy. Mạng lưới quan hệ xã giao đã ít, số lượng bạn bè thân thiết còn ít hơn. Nếu bọn nó không chủ động rủ thì cả tháng có khi cũng chả gặp nhau lấy một lần, chủ yếu liên lạc qua tin nhắn. Ngay cả khi về quê thăm gia đình, sau bữa ăn ấm cúng với những người thân, những suy nghĩ, những cảm giác về sự đơn độc vẫn cứ len lỏi vào trong tâm trí. Không thường xuyên, nhưng nó luôn ở đó. Mà đấy là mình đã học cách chia sẻ tâm tư của mình nhiều hơn rồi đấy.

“Thôi, số nó đã vậy thì đành chấp nhận vậy.”

Đấy là người khác sẽ nói thế. Còn mình thì không. Đành rằng đó là một phần tính cách làm nên con người mình, nhưng mình sẽ kiểm soát nó, và làm chủ nó.

Mình không để nó dẫn mình tới những suy nghĩ tiêu cực như “mình quái đản”, “không ai thèm yêu mến mình”, “cả thế giới này quay lưng với mình” v..v… Mình hiểu rõ, mình chỉ đơn giản là muốn ở một mình, có thế giới nội tâm của riêng mình, và chẳng có gì là sai hay bất ổn với điều đó cả. Ngoài kia vẫn có gia đình, bạn bè, những người yêu thương mình, luôn ở bên mình, và sẵn sàng chào đón mình khi mình muốn chạy tới với họ. Ngay cả khi mình ở một mình, mình vẫn biết rõ, mình đang được bao bọc bởi tình yêu.

Mình cũng không dùng nó làm kim bài để bắt mọi người bước vào một mối quan hệ một chiều với mình. Nếu mình mong mọi người hiểu và chiều mình, thì mình biết mình cũng phải hiểu cho họ, và chiều họ. Vì vậy, mình cũng cố gắng chủ động giao tiếp nhiều hơn (so với nhu cầu của bản thân). Tự đặt lịch để nhắn tin hỏi thăm người này người kia, vừa để đỡ quên, vừa để ép bản thân phải làm. Tự đặt ra mục tiêu một tháng phải chủ động rủ đứa bạn đi cà phê ít nhất 1 lần. Rồi chăm chỉ học các kĩ năng giao tiếp để chí ít có được những cuộc trò chuyện xã giao vui vẻ với những người khác. Đại khái phải biết dung hòa giữa nhu cầu của bản thân và nhu cầu của mọi người.

SO WHAT?

Related Posts

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *