Im lặng là vàng? Nằm mơ đi

Tháng mười 2, 2024

Từ nhỏ đến lớn, không biết bao nhiêu lần chúng ta được thầy cô, cha mẹ dặn là phải im lặng, không được làm ồn, phải ngoan ngoãn. Những lúc như thế, họ thường nói với chúng ta một câu là: Im lặng là vàng. Trước đây khi chưa trải nhiệm nhiều, tôi cứ nghĩ câu đó là đúng, nhưng sau vô số những lần “Im lặng đau đớn”. Tôi nhận ra câu đó nó cũng đúng nhưng mà không đủ. Câu đủ nó phải là:
Im lặng đúng lúc mới là vàng

1. Lúc cần im lặng:

Đây là những lúc mà im lặng thực sự là vàng. Đối với tôi đó là những lúc mình không nên nói, không cần thiết phải nói hoặc không thích nói. Để tìm được những tình huống, chủ đề mà mình không cần nói hoặc không nên nói, mỗi người sẽ cần phải suy nghĩ về giá trị bản thân và đưa ra cho mình một tiêu chuẩn riêng. Còn đối với tôi thì:

a. Không nên nói:

Nói xấu người khác, dù trước mặt hay sau lưng
Nói xấu thì vui đấy nhưng nó như liều thuốc phiện, nói một lần nghiện là nói hoài. Rồi sau này đi đâu cũng nói, gặp ai cùng nói, vậy thì chính mình đang tự hủy hoại mình chứ không phải hủy hoại người bị nói xấu.
Chuyện cá nhân, chuyện riêng tự của người khác
Chuyện cá nhân (gia đình, lương lậu, tình cảm, các chủ đề nhạy cảm khác,…): tôi không hỏi người ta quá sâu về đời sống của họ, và nếu họ có kể với tôi, tôi cũng sẽ chỉ nghe để đó và chả kể với ai. Tôi không tò mò vì nếu họ muốn, họ sẽ chia sẻ với tôi. Tôi không nói trừ khi được họ cho phép bởi khi tôi nói, đôi lúc có vài người sẽ cảm thấy bị phản bội lòng tin, bởi những câu chuyện trong cuộc sống chưa chắc đã là chuyện vui chuyện tốt.
Những chuyện đã hứa không nói
Những gì mình đã hứa không nói (trừ các trường hợp bất khả kháng hoặc che giấu hành vi phạm pháp, gây mất trật tự xã hội) với người khác. Đôi lúc sẽ có những người tìm tới mình, kể cho mình những tâm tư giấu kín, những nỗi lo toan muộn phiền, những nông nổi trong quá khứ,… Họ cần được nói ra để nhẹ lòng mà sống tiếp. Với tư cách là người được nghe, được kể, tôi nghĩ mình cũng cần có lòng tự trọng của người được nghe và giữ được cái chữ Tín của mình trong lòng họ. Vì vậy khi tôi được nghe, tôi chỉ nghe chứ không nói.

b. Không cần nói:

Nói với người không hiểu
Nói với những người không hiểu, không thể hiểu và không muốn hiểu: Có những người tôi quen, cũng thân đấy nhưng mà nếu mà họ không hiểu được tôi, tính cách con người tôi, không trải qua những điều tôi đã trải qua thì tôi có kể những câu chuyện của mình ra, phát ra những thông điệp mà mình nghĩ thì họ cũng không hiểu được. Đôi lúc tôi còn gặp những người họ không muốn hiểu điều mình muốn nói, có thể vì họ ghét tôi, có thể vì họ thấy tôi đang ngụy biện cho chính bản thân mình hoặc có thể là họ muốn nói về bản thân họ mà không muốn quan tâm về vấn đề của ai khác. Dù gì thì:
Nghe cũng khó hơn là nói
Khi đã có người nói thì mình ngồi nghe
Có người nói phải có người nghe – đây là một câu nó mà một anh bạn của tôi đã nói với tôi. Khi mình nói thì mình cũng mong có người nghe mình, có người cố gắng hiểu mình. Vì vậy, khi đã có người nói rồi thì tôi sẽ im lặng nghe họ nói, không nói chen, nói leo, cắt lời hay cố gắng đưa ra ý kiến của bản thân, cố gắng hướng sự chú ý vào chính mình. Tôi sẽ nghe, quan tâm tới câu chuyện của họ như thế đó là câu chuyện của chính mình.

c. Không thích nói:

Cái này thì sẽ tùy thuộc vào từng người nhưng tôi nghĩ cái này là dễ phân biệt nhất, bởi thông thường khi mình cảm thấy không thích nói cái gì, trái tim của mình, bản năng của mình sẽ báo mình liền. Đó có thể là những câu chuyện mà tôi muốn giấu kín, những mảnh ký ức đau buồn, xấu hổ tôi không muốn nhớ lại hay gặp những con người mà tôi không thích, xung đột về tư tưởng hay chỉ đơn giản là ghét cay ghét đắng.

2. Lúc không cần im lặng:

Ở trên tôi nói nhiều về lúc cần im lặng và lắng nghe rồi, giờ tôi sẽ bàn về việc nói. Trong cuộc sống, giao tiếp là một trong những chìa khóa quan trọng để giúp cuộc sống tốt hơn. Theo tôi, ngoại trừ những lúc mình cần im lặng ở trên thì mình có thể nói bất cứ lúc nào. Những câu chuyện làm ăn trong công việc, những câu chuyện phiếm vui vẻ ở bàn cà phê,… đều là những gia vị trong cuộc sống. Phần này tôi tin mỗi người cần tìm ra cho mình một phong cách nói chuyện riêng, những chủ đề yêu thích riêng để có thể chia sẻ, từ đó hoàn thiện bản thân.

Ngoài ra tôi sẽ liệt kê một số trường hợp mà tôi thấy người ta thường im lặng dù họ có thể không cần làm như vậy:

a. Khi nói về thành tựu, kỹ năng, kinh nghiệm của bản thân:

Đây là phần dễ bị lẫn lộn với khoe khoang, bởi chúng đều nói về những gì mà chúng ta đã đạt được. Theo tôi, khoe khoang là khi chúng ta nói về điều chúng ta không có hoặc thổi phồng những điều chúng ta có với thái độ “Cậu ông trời”. Còn về việc nói về thành tựu bản thân, về kỹ năng và kinh nghiệm mà tôi đã tốn công sức để đạt được, tôi nghĩ là điều cần thiết, bởi như vậy người ta mới biết tôi đã làm được những điều gì, giá trị của tôi ra sao, từ đó biết được tôi đã cố gắng như thế nào và hiểu rằng tôi có thể giúp được cho họ trong lĩnh vực mà tôi nắm chắc. Điều này cũng góp phần tăng cơ hội tôi có thể nhận được trong tương lai.

b. Khi chia sẻ về bản thân (hoàn cảnh, trải nghiệm, ký ức,…):

Tôi thấy đây là phần khó nhất trong tất cả các phần, bởi để mà thực sự chia se được thì thứ nhất tôi phải tin tưởng người kia lắm, thứ hai tôi phải dũng cảm lắm mới dám nói.
Bởi ai trong chúng ta cũng sợ bị phán xét, sợ mình đang là người than khổ trong mắt người khác. Điều này tôi không phủ nhận, bởi không phải ai cũng giỏi lắng nghe. Nhưng nếu tìm được người sẵn sàng ngồi nghe ta nói thì chắc chắn việc kể về bản thân sẽ là một liều thuốc tích cực cho bạn, thậm chí với một số người họ còn có thể cố gắng tìm cách giúp chúng ta hoặc ít nhất là an ủi chúng ta trong những thời khắc tăm tối của cuộc đời.

c. Khi chia sẻ về quan điểm cá nhân:

Với những bạn nào còn mới chập chững bước chân vào thị trường lao động, các bạn sẽ thấy việc phát biểu là một trong những hình thức “Tra tấn” đáng sợ nhất. Nhưng khi bạn đi làm được một khoảng thời gian, bạn sẽ thấy phát biểu mới là thứ giúp mình phát triển. Bởi nếu bạn không nói, giống như một gói quà không mở, không ai biết trong đó chứa gì, còn nếu bạn đã mở gói quà, người khác sẽ biết bạn có gì, từ đó góp ý, đưa ra nhận xét và thậm chí là trân trọng những giá trị của bạn.

Trong những buổi nói chuyện bạn bè cũng vậy, chỉ khi bạn nói về quan điểm cá nhân thì bạn bè của bạn mới có thể hiểu về bạn, có thể san sẻ với bạn. Với gia đình, khi họ hiểu được quan điểm của bạn cũng sẽ cố gắng hỗ trợ bạn từ phía sau. Chủ yếu quan trọng là:
Muốn được hiểu thì phải nói

3. Lúc không được im lặng:

Nếu có những lúc bạn không được nói thì sẽ có những lúc bạn không được im lặng, bởi gần như chắc chắn rằng việc im lặng sẽ tình huống xấu đi, dần tiêu cực và có thể khiến bạn ân hận mãi về sau.

a. Khi xảy ra xung đột:

Trong cuộc sống không ít lần chúng ta phải đối diện với những cuộc cãi vã nảy lửa, giữa những bạn bè, người thân, người yêu,… những mỗi quan hệ.
Ngày xưa, trong những lúc như vậy thì tôi thường im lặng. Tôi nghĩ rằng mình cứ im lặng cho chuyện nó qua, nó dần lắng xuống, cả 2 người bình tĩnh thì mới giải quyết được vấn đề. Nhưng hỡi ơi tôi đâu biết, khi ta im lặng thì với đối phương điều này chỉ có thể mang hai ý nghĩa: Hoặc là chúng ta thừa nhận rằng mình sai hoặc chúng ta muốn ám chỉ rằng giải quyết với họ là điều phiền phức, không cần thiết.
Dù là hướng nào thì nó đều để lại một cảm xúc bực bội, khó chịu cho người còn lại, gieo vào lòng họ những hạt giống của sự tiêu cực, nó như một cái gai khiến họ khó chịu và từ đó nếu gặp chuyện giống hoặc tương tự như vậy, họ sẽ dễ dàng nổi giận dù thực sự chuyện chẳng là gì.

Thâm chí theo quan sát của tôi, những trường hợp im lặng xảy ra với phụ nữ sẽ còn có kết quả tồi tệ hơn khi xảy ra với đàn ông bởi phụ nữ là những cá thể sống thiên về cảm xúc. Điều này đồng nghĩa với việc cảm xúc ở phụ nữ có thể dễ bị ảnh hưởng hơn nam giới (cường độ tùy theo mỗi người) và có thể bị phóng đại dù đó là cảm xúc tích cực hay tiêu cực.
Khi những trường hợp “silent treatments” xảy ra, phụ nữ sẽ xuất hiện những suy nghĩ nghi ngờ về bản thân họ “không đủ tốt”, từ đó dẫn đến những lựa chọn không sáng xuốt và dễ xa đà vào các mỗi quan hệ không tích cực. (Lưu ý ở đây tôi không bảo vệ phụ nữ hay đề cao sự yếu đuối của phụ nữ, những điều trên được dựa vào tâm lý học hành vi và lấy dữ liệu phân tích trên nền tảng khoa học sinh học, đây không nên là lý do để bao biện hoặc sử dụng cho mục đính xấu dưới mọi hình thức).
Có thể kết luận rằng trong những trường hợp có sự xung đột, cãi vã, bất đồng quan điểm thì im lặng không phải là vàng mà là “thuốc độc” giết chết một mối quan hệ.

Vậy trong trường hợp này chúng ta cần làm gì, theo tôi chúng ta cần phải nói, phải giải quyết dựa trên tinh thần:
Bình Đẳng – Tôn Trọng – Thấu Hiểu
Bình đẳng là 2 bên có quyền lợi và trách nhiệm như nhau, đều phải cùng nhau giải quyết mâu thuẫn chứ không cố gắng hạ thấp nhau khi có cãi vã.
Tôn trọng là 2 bên quý mến lẫn nhau, dù có cãi nhau như thế nào cũng không miệt thị nhau, chửi rủa lẫn nhau
Thấu hiểu là 2 bên cố gắng hiểu cho nhau, cho tình huống, trải nhiệm, cảm xúc của nhau, dù khó mà hiểu được cũng nên cố gắng hiểu

Ps: Đây vốn là phương châm của tôi khi hành nghề nhân sự (HR), vì vậy có thể nó hơi hàn lâm so với những đoạn văn trước. Sau này khi quan sát tôi nhận ra nó cũng có thể dùng trong nhiều mối quan hệ của mình không chỉ trong công việc mà trong cả cuộc sống hằng ngày.

b. Khi quyền lợi của bản thân bị ảnh hưởng:

Trong cuộc sống, sẽ có những lúc mà chúng ta cần đứng lên, cất tiếng nói để bảo vệ quyền lợi không chỉ của bản thân chúng ta mà còn là vì quyền lợi của gia đình, của người thân, của những người mà chúng ta yêu mến. Điều này có thể xảy ra khi chúng ta đi làm, đi học thậm chí là đi chơi.

Tôi thấy nhiều người (trong đó có cả tôi) khi gặp những trường hợp như vậy chỉ biết im lặng, nhân nhượng và cam chịu. Có thể vì ta sợ “mất lòng” sợ bị người khác “đánh giá”,… Nhưng như chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống pháp đã từng nói:
Chúng ta càng nhân nhượng thì thực dân pháp càng lần tới
Điều này nói lên rằng nhân nhượng chưa bao giờ là biện pháp giành lại quyền lợi của chúng ta. Và nếu mà vị chủ tịch đáng kính của chúng ta cũng im lặng và cam chịu trước thực dân pháp thì đã không có một Việt Nam như bây giờ.

Vì vậy trong những tình huống như vậy, càng khó nhăn, càng trắc trở thì chúng ta càng phải cố gắng để cất tiếng nói, không cam chịu im lặng để không chỉ bảo vệ bản thân mà còn là bảo vệ những người xung quanh.
Ps: bài viết cũng đã khác dài nên tôi cũng chỉ xin chia sẻ thêm một số điều. Những gì tôi viết trên đây có nhiều thứ mà bản thân tôi chưa làm được hoặc làm chưa tốt, nhưng tôi vẫn cố gắng.
Tỷ như việc cố gắng ngồi im lắng nghe, tôi cũng phải học dần bởi theo kết quả bài test DISC, tôi là người thuộc nhóm D và I (đại diện cho việc tôi dễ bị tăng động và khó lắng nghe, tiếp thu ý kiến từ người khác) nhưng tôi vẫn cố gắng. Hay đấu tranh cho quyền lợi của bản thân, nhiều lúc tôi vẫn còn sợ, hay suy nghĩ vẫn vơ nhưng tôi vẫn cố gắng hít một hơi, tìm lại cho mình sự dũng cảm để bước tiếp.
Vì bài viết được đưa ra trên sự đúc kết kinh nghiệm cá nhân nên chỉ mang yếu tố tham khảo, người viết rất mong sẽ những ý kiến góp ý của các bạn