Justin Bieber, bé Pam và “lại là văn hoá thần tượng”

Tháng chín 27, 2024

Tôi vốn là một người khá trung thành và ít chịu thay đổi một khi đã thích hay quen dùng với một đồ vật hay nơi chốn, kiểu đã thích món đó, quán đó, dịch vụ đó thì dùng hoài, rất hiếm khi thay đổi dù vẫn biết sẽ có những lựa chọn tốt hơn. Chính vậy, nên nếu đã “lỡ” sa vào con đường thần tượng một ai, tôi sẽ rất dễ đắm đuối và chìm sâu vào việc đưa họ lên đỉnh nóc kịch trần, họ sẽ là Zeus ngự trị trên đỉnh Olympia của riêng tôi.
Thời may từ nhỏ đến lớn, tôi hiếm xem ai là thần tượng, nếu kể ra chắc là có dàn diễn viên phim Hoàn Châu Cách Cách và anh Đan Trường thời tiểu học, trung học thì là ca sỹ Quang Dũng, đại học thì là chú diễn viên Lê Diệu Tường của Hồng Kông và chú Park Shin Yang của Hàn, đến lớn thì tự dưng tịt ngòi, chỉ có thích nghe, thích xem, và lẳng lặng theo dõi chứ không thần tượng ai như hồi trẻ.
Tâm lý yêu thích tuyệt đối một người, một hình ảnh hay một nhân vật hư cấu là một tâm lý vô cùng bình thường của một con người, với phái nữ thì việc này lại càng dễ hiểu hơn vì từ xưa khi sinh hoạt trong hang hốc làng mạc thay vì ra ngoài kiếm cái ăn như cánh đàn ông, phụ nữ thường phải tự tạo cho mình niềm vui qua những câu chuyện, những hình dung về một thế giới nào đó ngoài kia mà họ không biết, lâu dần, trí tưởng tượng (và thêu dệt) của chúng tôi phát triển vượt bậc theo năm tháng, và theo thế hệ. Chính với hiện tượng tâm lý rất đỗi con người này, ngành công nghiệp giải trí, truyền thông mới phát triển vũ bão và vẫn còn chiếm lĩnh thế giới văn hoá đại chúng như ngày nay.
Qua 2 sự kiện nổi bật gần đây về “mặt trái của idol” hay hệ luỵ của công nghiệp giải trí, một là trong nước với buổi “fan meeting” của idol nhí bé Pam và idol cỡ bự Justin Bieber, tự dưng tôi lại ngẫm nghĩ về việc sao chúng ta có thể đủ quyền lực để tạo nên một thần tượng, rồi mê mệt đắm đuối thầm lặng mỗi ngày gầy dựng nên sự nghiệp, sự giàu có của một hình tượng mà ta luôn nghĩ là xứng đáng, có thật, để rồi tự ta cũng cho phép hình tượng đó tác động trực tiếp đến cảm xúc, suy nghĩ và thậm chí nhân sinh quan của chính bản thân mình – và, sự cộng hưởng của “nhiều người như ta” có thể huỷ hoại một con người có thật bên trong cái hình tượng mà ta tạo dựng.
Bi kịch của Justin hiện tại, là do lỗi của ai? Thoáng qua, rõ ràng và dễ nhận thấy nhất, ta thấy dư luận đổ lỗi cho những bên sau, ba mẹ của Justin, ông trùm Diddy, công ty quản lý, ngành công nghiệp giải trí Hollywood, và một số ý kiến trung lập là chính Justin. Trong đó ý cuối nghe có vẻ bất nhẫn và khó chấp nhận vì anh đang được dư luận xem là nạn nhân, luồn ý kiến đều cho rằng khi đó, anh đủ tuổi và đủ nhận thức để có cho mình quyền lựa chọn, nếu những lời tường thuật qua các kênh là đúng, thì tôi nghi ngờ sự sáng suốt của một đứa trẻ 17 tuổi dưới tác động của bia rượu, thuốc kích thích trong một không gian tiệc tùng đầy những người lớn quyền lực, nên tôi cũng không ủng hộ quan điểm này.
Tôi nghĩ, có thêm 1 phần lỗi lớn khác, là chính chúng ta, các cá nhân “no body” “no face no name no number” nhưng khi tập hợp lại dưới một danh nghĩ chung, là fan hâm mộ hoặc “đám đông”, thì lại có sức mạnh to lớn khủng khiếp không kém cơn bão Yagi, tập thể này, có thể huỷ hoại một hoặc nhiều cuộc đời bằng những công cụ khả dĩ và dễ dàng nhất trong thời đại số, nhưng sâu xa hơn, ta có sức mạnh đến từ nỗi thất vọng, sự chán chường khi nhìn thấy thần tượng của mình không đáp ứng đúng như những gì chúng ta mong chờ, sự mong chờ ấy không phải đến từ 1 ngày hay một giờ, nó tích tụ và nuôi dưỡng từ những ngày mong ngóng, những tháng chờ đợi và từ nguồn năng lượng bất tận ta dành ra cho chính kì vọng của mình. Ví von cho nguồn năng lượng đó có thể miêu tả như trong bọn giám ngục trong Harry Potter – bọn chuyên hút lấy sinh khí vui vẻ của con người, không thể kiềm chế trước cơn sóng cảm xúc của hàng triệu đứa trẻ đang tuổi lớn đang hoà mình vào trận Quidditch ở sân vận động.
Chính vậy, không phải chỉ là tiền bạc, thời gian, mà là tâm tư, tình cảm, sự kì vọng của chính chúng ta, fan hâm mộ mới là nguồn cơn để nuôi sống của các thần tượng. Còn nhớ khi Justin Bieber khi bước vào Era mới trong sự nghiệp âm nhạc, một làn sóng phản đối dữ dội đã nổ ra, ai cũng đòi trả lại hình ảnh một chàng trai mới lớn ngây thơ, mặt non nớt mới vào đời trong sáng thủa nào trong khi anh chàng đã bước qua tuổi đôi mươi (và ừ, giờ chúng ta mới biết, đang phải trải qua những dư chấn khủng khiếp từ việc bị lạm dụng). Ai cũng cảm thấy mình có quyền tiếp tục được nhìn thấy, yêu mến một hình ảnh mà mình đã trót yêu quí, nhớ thương và mong chờ hình ảnh đó tồn tại mãi mãi, miễn là mình còn cho phép….
Tôi trộm nghĩ, “next phase” của bé Pam sẽ như thế nào, tức là, khi bé vào tiểu học, hình ảnh truyền thông, con đường sự nghiệp làm một thần tượng nhí của bé, sẽ ra sao? Liệu ngày mai, tuần sau, có bài báo nào đưa tin rằng bé “Pam” giải nghệ ở ẩn không, hay là một chiến dịch truyền thông khác tiếp tục để “sửa chữa” cho buổi fan meeting không thành công lắm vừa rồi, những buổi fan meeting khác quy mô nhỏ hơn? Chuẩn bị, training cho bé “dạn dĩ” hơn, trước đám đông? Trước hằng trăm ống kính điện thoại, máy chụp, máy quay chĩa vào bé? Nếu Justin Bieber 17 tuổi đã bị quy chụp là được chọn, thì đứa trẻ 4 tuổi chưa nói sõi một câu hoàn chỉnh, bé được chọn điều gì ngoài việc khóc ré lên để tìm cách thoát ra khỏi hoàn cảnh khó chịu bé đang phải trải qua? Trách nhiệm hoàn toàn thuộc về bố mẹ của bé – người bảo hộ trên pháp luật lẫn cuộc sống của bé, không sai, nhưng một đám người lớn trưởng thành đầy đủ chức năng về nhận thức và hành động, khi nhìn thấy một đứa trẻ hoảng loạn khóc lóc mà vẫn không dừng lại, vẫn tiếp tục cư xử để “có một miếng”, không phải để mang về như sau khi đi giỗ, mà để có content để chia sẻ, để đáng với công sức tâm tư mình đã bỏ ra bấy lâu nay, hoặc, trong hôm nay.
Justin Bieber đang được sự ủng hộ tuyệt đối từ dư luận, với hình ảnh nạn nhân nhưng mạnh mẽ vượt qua để vẫn sống sót và hoạt động trong nghề, vẫn tiếp tục làm chồng, làm cha, vẫn cố gắng “làm một người bình thường”. Không biết xem động thái của ba mẹ bé Pam, họ sẽ làm gì sau đợt khủng hoảng truyền thông này, nhưng tôi mong rằng họ cũng sẽ sáng suốt và đủ dũng cảm để chọn lựa lại như Justin, làm một-ba-mẹ-bình-thường, và làm tốt nhất có thể vai trò đó, vì, một ba mẹ bình thường sẽ luôn ưu tiên đặt sự vui vẻ, thoải mái, an toàn, hạnh phúc của con mình lên hàng đầu, thậm chí có thể hy sinh vì những điều đó, chứ không phải ngược lại.
Nhắc lại chuyện thần tượng của chính tôi, khi chị Cẩm Ly bắt đầu sự nghiệp và như những chiến lược gia trong lĩnh vực giải trí khác, quản lý của chị & anh thời đó đã xây dựng cho 2 anh chị hát song ca với nhau, và dĩ nhiên hình ảnh 2 anh chị “là một đôi” nghiễm nhiên được xây dựng trong lòng fan hâm mộ, nhưng một bộ phận, trong đó có tôi, ghét điều đó, tôi ghét chị Cẩm Ly lúc đó vì chị ấy “cướp” đi anh Đan Trường của tôi. Với một đứa trẻ 12 tuổi thì việc ghét một ai đó thật là một gánh nặng mệt mỏi, tôi còn nhớ lúc đó tôi phải ép mình tua nhanh cuộn băng cát-sét mỗi khi đến bài song ca của 2 anh chị, rồi bày chuyện nói xấu chị với chúng bạn, một thời gian thì tôi bỏ cuộc, và có lẽ đó là một cột mốc lớn trong sự trưởng thành bên trong của chính tôi, tôi nhớ mình đã thoải mái nhẹ nhàng vui sướng như thế nào lúc ấy, khi tôi nghe nhạc của chị, hay các bài của cả 2, một cách trọn vẹn, lúc đó, tôi đâu biết rằng tôi đã gạt bỏ được cái kỳ vọng bé mọn của bản thân, nghe nhạc chỉ vì đó là bài nhạc, nghe ca sỹ vì họ là người truyền tải tác phẩm âm nhạc, chứ không phải vì họ đang “match” với một hình ảnh hay một kỳ vọng trong đầu mình.
Thay lời kết, tôi muốn mượn lại ý tứ của một bạn nữ người Việt trên Tiktok từng chia sẻ quan điểm của bạn ấy về văn hoá thần tượng sau scandal của lễ hội thời trang MET gala, rằng, (bỏ qua việc chúng ta đang tẩy chay giới nghệ sĩ, người nổi tiếng vì sự thờ ơ của họ với những biến động xã hội và họ sống xa hoa trong khi thế giới vẫn đang chiến tranh, người ta vẫn đang chết đi hằng ngày vì đói) chúng ta nên “chuyển đổi” năng lượng, tâm tư thay vì vào việc gầy dựng và tôn vinh một (những) hình tượng từ những người xa lạ, thành việc chúng ta dành thời gian cho chính chúng ta, cho những gia đình, cho người thân, cho những người mình thương và họ cũng thương mình, dành thời gian đi dạo với họ, ăn cùng họ, trò chuyện cùng họ – thay vì ta nuôi dưỡng và đầu tư vào một người, một mối quan hệ mỏng manh gần như không có thật (dù rất sống động, thực tế trong đầu ta) thì, việc chuyển hướng đầu tư này, đâu đó, tôi nghĩ người được lợi trước nhất là bản thân mình, là sự hạnh phúc của chính mình, ta tránh được những thất vọng, cảm xúc tiêu cực đến từ xúc tác bên ngoài (ví dụ như vì sao Pam không vui, vì sao ngành công nghiệp giải trí có thể tàn bạo đến vậy…) – và lâu dài hơn, biết đâu đấy hành động này, từ nhiều người, sẽ góp phần điều chỉnh ngành đào tạo ra những thần tượng cho các thế hệ tiếp theo, sẽ nhân đạo hơn, đạo đức hơn, và con người hơn một chút, tôi hy vọng vậy.

Nguồn ảnh: Google