Karamzin viết gì đầu tiên trong “Lịch sử nhà nước Nga?” – tới suy ngẫm về giá trị của 1 nền độc lập

Tháng sáu 20, 2024

1/ Blah blah …

Đầu tiên thì nên giãi bày hoàn cảnh – có vẻ hơi lố bịch, nó có thể biến cả bài viết này thành 1 bài nhảm nhí – vì vấn đề này không phải là vấn đề to tát hay phổ biến gì, mà chỉ xuất phát từ một chút sự việc và cảm nhận cá nhân.
Nhưng chuyện là, khi bàn luận lịch sử linh tinh, có những lần bắt gặp ý kiến của vài người, đại ý rằng: các quốc gia độc lập nhưng nghèo yếu, hỗn loạn, thì nên từ bỏ nền độc lập ấy, chịu xin sáp nhập vào một quốc gia lớn mạnh hơn!
Cụ thể 1 trường hợp, để tránh nghĩ rằng tôi chém gió ra, thì 1 ý kiến cho rằng trong tranh chấp Biển Đông hiện nay giữa Philippines và Trung Quốc, thì Philippines là 1 quốc gia còn nghèo và yếu, không nên dựa theo Mỹ chống lại Trung Quốc làm gì, nên chấp nhận thua trong tranh chấp, hoặc thậm chí chấp nhận sáp nhập luôn!

Well, nghe qua thì quả này hơi dễ gây triggered với nhiều (thực ra là rất nhiều) người vì nhiều lý do. Nếu là fan Mỹ, ủng hộ Philippines đương nhiên dễ quặu. Những người cánh tả, cộng sản đã đọc sách của Lenin, thấm nhuần tư tưởng về vấn đề quyền dân tộc tự quyết cũng có thể quặu. Mà thậm chí không cần. Người bình thường, trong thời đại mà các quốc gia và thông lệ quốc tế đã xác lập đủ lâu như thế này thì chuyện 1 quốc gia biến mất hoặc sinh ra dù theo cách nào nó cũng đã là 1 điều khá cấm kỵ và thường không bao giờ yên ả. Bản thân tôi, nói trắng ra là cũng không ủng hộ tư tưởng khuyên các quốc gia từ bỏ độc lập này.
Ấy khoan đã, đúng là tôi phản đối, nhưng nếu bạn nghĩ bài viết này là để phản bác nó thì nhầm rồi! Bài viết này là 1 ý kiến “có vẻ” đồng tình ủng hộ ý trên!? Bởi vì tất nhiên, không ai có quyền áp đặt ý kiến của mình lên hàng tỷ người trên Trái Đất, sẽ luôn có những ý kiến trái chiều, kể cả về vấn đề nền độc lập của 1 quốc gia.
Như đã nói, là thời mà mà các quốc gia và thông lệ quốc tế đã xác lập đủ lâu, thì người ta nghĩ việc thay đổi nền độc lập của 1 quốc gia nó nhạy cảm và cấm kỵ như thế. Nhưng quay về 200 năm trước thì sao?
Ta xem sử gia vĩ đại Nga Nikolay Karamzin (đúng ra 2 năm nữa là tròn 200 năm ngày mất) khi viết tác phẩm quan trọng nhất cuộc đời là “Lịch sử nhà nước Nga” viết cái gì đầu tiên?

2/ Chút sơ lược về lịch sử

Phần này đáng ra không nên ở đây, nó nên trong 1 bài lịch sử thuần túy khác mà tôi nên viết. Nhưng vì sử Nga cổ đại tương đối xa lạ với mọi người, nên cũng xin dành dăm chục dòng ngắn gọn nhất để mọi người hình dung được.
Thì các bạn biết rằng, Nga là một nước lớn nhưng lịch sử không dài. Quốc gia này chỉ được coi là “có lịch sử” vào năm 862 – để so sánh thì với Việt Nam lúc này đã là gần cuối thời Bắc thuộc, họ Khúc của Khúc Thừa Dụ sắp gây nền tự chủ.
Mà sự kiện khởi đầu cho lịch sử Nga vào năm 862 là việc người dân các bộ tộc Slav nghênh đón một nhóm người nước ngoài – cụ thể là người Viking ở Bắc Âu – đứng đầu tên là Rurik tới làm vua nước mình. Từ đó, Rurik làm vua đầu tiên của Nga, triều đại Rurik của ông sẽ kéo dài 800 năm là cơ sở cho toàn bộ thời kỳ sơ kỳ và trung kỳ của nước Nga.
Bằng một cách nào đó – ít nhất là theo cách hiểu của Karamzin sẽ nói ở dưới – người ta coi đây là việc người Slav vứt bỏ nền độc lập của mình để giao nó cho một triều đại ngoại quốc.
Tranh vẽ Rurik tới Nga

Tranh vẽ Rurik tới Nga
Hình tượng vua Rurik trên tượng đài kỷ niệm 1000 năm lập nước Nga - có cơ hội sẽ viết bài riêng cho tượng đài này

Hình tượng vua Rurik trên tượng đài kỷ niệm 1000 năm lập nước Nga – có cơ hội sẽ viết bài riêng cho tượng đài này
Còn Karamzin nãy giờ tôi nói – là Nikolai Mikhailovich Karamzin – được coi là một trong những sử gia vĩ đại nhất nước Nga (vĩ đại thế nào thì không thể nhét vào bài này được). Mà tác phẩm quan trọng nhất cuộc đời ông và trong cả nền sử học Nga – là cuốn tên “Lịch sử nhà nước Nga”. Các bạn chỉ cần biết vậy là đủ!
Karamzin và cuốn "Lịch sử Nhà nước Nga"

Karamzin và cuốn “Lịch sử Nhà nước Nga”

3/ Karamzin đã viết gì đầu tiên?

Thì nếu bỏ qua vài chương lời nói đầu của Karamzin và một số thông tin ngoài lề về sử liệu, văn hóa, chủng tộc cổ đại,… dĩ nhiên một quyển sử Nga phải bắt đầu bằng việc Rurik tới Nga năm 862. Nhưng trước ập thẳng vào viết sự kiện này – vốn là cách viết của thể Biên niên trong sử học – Karamzin với tư cách là 1 nhà tổng hợp sử thay vì chép, trước hết đã đưa ra 1 nhận xét ngay về 1 sự kiện mà tự cho là vô tiền khoáng hậu trong lịch sử: khi người Slav (aka Nga cũng được) vứt bỏ độc lập để mời người Viking cai trị! Từ đây, ta nhận thấy rằng tư tưởng của Karamzin có phần mềm mỏng – cho rằng một dân tộc có thể từ bỏ nền độc lập của mình vì những mục đích mà họ cho là lớn lao và cần thiết hơn!
Đoạn dưới đây là của Karamzin nhận xét, lưu ý rằng có những chỗ ngoặc vuông [] là người dịch thêm vào để có thể hiểu được, còn những đoạn ngoặc tròn () là chú thích sẵn của Karamzin
——
“Sự khởi đầu của Lịch sử Nga cho chúng ta thấy một trường hợp đáng kinh ngạc và gần như chưa từng có trong Lịch sử. Người Slav tự nguyện vứt bỏ quyền cai trị cổ xưa của họ, và yêu cầu sự cai trị từ người Varangian [aka người Viking Bắc Âu], kẻ thù trước đây của họ.
Ở khắp mọi nơi trên thế giới, [sự thiết lập quyền cai trị] đều in dấu lưỡi gươm của kẻ chinh phục, hay những lời lẽ xảo quyệt của Chế độ chuyên quyền đầy tham vọng được đưa đến (vì người dân muốn có luật pháp, nhưng cũng sợ bị nô lệ bởi kẻ khác).
Nhưng ở nước Nga này, nó [nền cai trị của người Viking] được thành lập với sự đồng ý chung của người dân – đây là cách Biên niên sử của chúng ta kể – và từ đó các bộ lạc Slav rải rác đã thành lập một Nhà nước, mà hiện nay giáp với Dacia cổ đại lẫn vùng đất Bắc Mỹ, với Thụy Điển lẫn Trung Quốc, kết nối ba phần của thế giới trong biên giới của mình.
Các quốc gia vĩ đại, giống như những vĩ nhân, đều có tuổi thơ ấu và không nên xấu hổ về điều đó: quê hương Nga của chúng ta, yếu đuối, bị chia thành các vùng nhỏ cho đến năm 862, theo niên đại của Nestor Nhà chép sử, có được sự vĩ đại của nó là nhờ sự vui lòng tiếp nhận quyền lực Quân chủ [từ người Viking]
Muốn giải thích sự việc quan trọng này theo một cách nào đó hợp lý, tôi nghĩ rằng người Varangian, những người đã chiếm được vùng đất của người Chud và người Slav vài năm trước thời điểm đó, đã cai trị họ mà không có áp bức và bạo lực, khiến họ cống nạp nhẹ nhàng và tuân thủ công lý.
Người Viking thống trị các vùng biển, có quan hệ với Nam và Tây Âu vào thế kỷ thứ 9, nơi các Quốc gia mới được thành lập trên tàn tích của Đế chế khổng lồ La Mã đã sụp đổ – và là nơi dấu vết đẫm máu của những kẻ man di, đã bị kiềm chế bởi tinh thần hướng thiện của Cơ đốc giáo, được xóa bỏ một phần.
Bị thuyết phục bởi những niềm vui hạnh phúc của công việc lao động [thay cho cướp bóc] và đời sống dân sự – những người Varangian hay Norman này vốn đã được giáo dục nhiều hơn những người Slav và Phần Lan, thấy rằng mình không nên bị giam cầm ở những vùng hoang dã phía Bắc; có thể họ biết một số lợi ích công nghiệp và thương mại mới sẽ có lợi cho người dân của mình.
Trong khi đó, các chàng trai Slav tổ tiên chúng ta, không hài lòng với sức mạnh của những kẻ chinh phục đã hủy diệt chính họ, có lẽ đã từng xúc phạm những người [Viking] này, đã chống lại họ nhân danh nền độc lập trước đây của mình, trang bị vũ khí chống lại người Norman và đuổi họ ra biển.
Nhưng xung đột nội bộ đã biến tự do thành bất hạnh, họ không khôi phục được luật lệ cổ xưa và đẩy tổ quốc xuống vực thẳm nội chiến. Sau đó, có lẽ người dân đã nhớ đến sự cai trị có lợi và điềm tĩnh của người Norman: nhu cầu sống tốt hơn và yên bình mách bảo họ hãy quên đi niềm tự hào của người dân độc lập, và người Slav, đã bị thuyết phục – như truyền thuyết nói – bởi lời khuyên của trưởng lão ở Novgorod tên Gostomysl, người lãnh đạo dân Slav đã mời gọi những người Varangian.
Biên niên sử cổ đại không đề cập đến vị cố vấn khôn ngoan này , nhưng nếu truyền thuyết là có thật, thì Gostomysl xứng đáng được coi là bất tử và vinh quang trong Lịch sử của chúng ta”
Đoạn ngay sau đó là đoạn Rurik tới Nga, khởi đầu lịch sử nước này. Tôi không viết trong bài này, nhưng có thể nó sẽ có trong những bài khác.
Để đọc “Lịch sử Nhà nước Nga”, có thể tham khảo ở web này: