Kẻ vô thần nói về chúa

Tháng bảy 24, 2024

https://www.statista.com/statistics/374704/share-of-global-population-by-religion/
Theo chuyên trang thống kê statista, trên quy mô toàn cầu, phần lớn nhân loại lựa chọn gửi gắm niềm tin của mình vào một cõi vô hình, siêu việt, “cao cao tại thượng”. Những kẻ vô thần, trong một thế giới phẳng, chính là “nhóm thiểu số”. `

Nguyên cớ

Tôi là một người vô thần. Vô thần, hay đúng hơn là không theo tôn giáo ở Việt Nam cũng chẳng phải chuyện gì lạ lùng, to tác. Nếu cứ sống bình dị, giản đơn trên mảnh đất này, có lẽ cả đời tôi sẽ chẳng cần phải bận tâm tới tôn giáo, tín ngưỡng, hay niềm tin. Thế nhưng số phận không đưa đẩy tôi đến một cuộc đời nhàn hạ như thế. Tôi chọn gắn phần còn lại của cuộc đời mình với viết lách.
Viết lách với tôi là sống, là mỗi lần tạo ra một nhân vật cũng là một lần hóa thân vào cuộc đời, vào tâm tư của họ. Cái tính cầu toàn trong văn chương của tôi khiến tôi không thể ngừng câu nói: “Nếu là X trong hoàn cảnh Y sẽ có hành động như thế nào?”. Theo công thức kinh điển trên, tôi bắt đầu lục lọi từng góc cạnh của tâm tư của mình, tìm kiếm những nguyên liệu để chế tác ra những nhân vật, những cuộc đời rất riêng. Và đó là lúc tôi nhận ra: “Tôi là một kẻ thiếu niềm tin”.
Tôi không hiểu được thế giới đã giận dữ, nghi ngờ, đau khổ như thế nào khi “ông râu chuột” nào đó tuyên bố: “Chúa đã chết!”. Tôi càng không thể hiểu tại sao có những con người tin rằng cái chết vì đạo sẽ được công nhận bởi thiên chúa (nói chung) và sẽ được ban tặng một cuộc sống hậu sinh vĩnh hằng, vui tươi. Tôi càng thấy khó hiểu hơn khi có một tác giả nào đó từ những năm 1960 đã tuyên bố rằng “Liên Bang Xô Viết chắc chắn sẽ sụp đổ, bởi vì đó là một quốc gia không có niềm tin vào thiên chúa!”… Tác giả không phải là vị thần sáng tạo, chứ chưa thể nói rằng là một đấng toàn tri.
Tôi đã đủ trưởng thành để nhận ra rằng tư duy lý tính chẳng thể giải thích được tất cả mọi thứ trên thế giới này. Do đó, với tâm thế của một người ham hiểu biết nói chung và một cây viết cầu toàn nói riêng, tôi đã có một hành trình cá nhân đi tìm hiểu niềm tin tôn giáo.

Khổng giáo và tôn giáo

Trong cuốn sách kinh điển “On China” (bàn về Trung Hoa) của mình, cựu ngoại trưởng mỹ Henry Kissinger đã viết một câu khiến tôi rất ấn tượng:Khổng giáo với người Trung Quốc có vai trò tương đương với một bản hiến pháp và một cuốn kinh thánh cộng lại“. Trong một số nguồn tài liệu phương Tây tôi đã tiếp cận, đôi khi người Hán được xếp vào nhóm có tôn giáo với tên tôn giáo là Khổng giáo. Henry Kissinger là một nhà chính trị nổi tiếng của trường phái thực dụng, việc cá nhân ông ta bóc tách khái niệm tôn giáo và gán nó cho Khổng giáo theo cá nhân tôi mang hàm ý chính trị nhiều hơn là một sự so sánh tương đương.
Khổng giáo có rất nhiều điểm chung với các tôn giáo hiện hành: một hệ thống lý luận chặt chẽ, địa điểm và các lễ nghi thể hiện sự mộ đạo của các tín đồ, hiện thân của đấng tối cao – thiên tử,… Nhưng Khổng giáo vẫn thiếu những yếu tố quyết định để trở thành một tôn giáo.
Đầu tiên là những phép màu – những thánh linh, thánh vật, những truyền thuyết về sự mặc khải, hiện thế của Đấng toàn năng. Đúng rằng Khổng Khâu cả đời ngắn với huyền thuyết về con kỳ lân, nhưng tính kỳ ảo và quan trọng nhất tính “được sắp xếp” không được cụ thể. Cùng thời với Khổng, Lão tử cũng có chuyện mang thai hơn sáu mươi năm mới hạ sinh. Chân vương, quý tướng mộng thấy vật lạ cũng là điều chẳng hiếm gặp. Đấng tối cao, nếu có, của đạo Khổng không chứng minh sự hiện diện và tồn tại của mình một cách rõ ràng. Các tín đồ hay các sứ giả của Đấng tối cao này cũng không sở hữu phép màu hô mưu gọi gió, rời sông lấp bể. Như vậy Khổng giáo thiếu tính “kỳ ảo” của các tôn giáo.
Thứ hai: Khổng giáo không phải bàn về thế giới sau cái chết. Trước khi tôn giáo xuất hiện, con người đã nghĩ về cõi sau cái chết. Những tưởng tượng đó hiện thực trong các câu chuyện dân gian, các truyền thuyết, thần thoại. Trong các tôn giáo, cõi sau cái chết là phần thưởng cũng là hình phạt cao nhất của những lời răn thánh thần. Khổng giáo, không sử dụng lời “đe dọa” mạnh mẽ như vậy với những người không tuân theo “luân thường đạo lý”. Thiếu vắng đi chốn an yên sau một đời cơ cực, Khổng giáo không thể làm tròn vai trò tinh thần như một tôn giáo đối với kiếp con người.
Thứ ba: Khổng giáo không có Đấng toàn năng. Đúng rằng trong đạo Khổng có nói đến “Thiên”, nhưng thay vì một vị Thần ban phát tình yêu thương, xây dựng thiên đường mộ đạo hậu sinh cho toàn thế tín đồ, “Thiên” của Khổng là một “Thiên” vô vi, tự tại, luân hoàn, biến chuyển tựa như tự nhiên. Hiện trạng của thế giới, thông qua lý luận của Khổng chỉ dừng ở mức thiên thời – một khái niệm mơ hồ chứ không phải là một ý chí có chủ đích của một hiện thân tối cao.
Tôi vần vèo một hồi như vậy với đạo Khổng và tôn giáo, bởi Việt Nam là một quốc gia chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi Nho giáo. Sâu sắc đến nỗi, người người của thế kỷ trước như nhà nghiên cứu Đào Duy Anh phải thốt lên rằng: “… một người ở xã hội Trung Quốc và xã hội Việt Nam suốt đời là thở trong không khí Nho giáo, bú sữa Nho giáo, ăn cơm Nho giáo, chó đến chết cũng ở trong vòng lễ nghi Nho giáo.”

“…một người rất nguy hiểm”

Chủ đề giữa niềm tin, và không niềm tin là một chủ đề tôi đã khai thác rất lâu trong đời viết của mình. Cõ lẽ bởi vì thứ nhất đó là một chủ đề thú vị, và thứ hai đó là chủ đề phản ánh chính mối đăm chiêu của tôi trong thời gian dài.
Và trong quãng thời gian dài “đứng trên chiến tuyến”, tôi luôn đứng về phe chống lại thánh thần. Tôi (hoặc ít nhất là tôi tự nghĩ thế) đã tự mình khiến mọi luận cứ về sự tồn tại của Đấng tối cao mà tôi biết trở nên mơ hồ, thiếu căn cứ. Cũng bởi lẽ đó, một trong những người bạn theo đạo của tôi phải bảo rằng: “… (Tôi) là một người rất nguy hiểm”.
Tôi rất thích một mệnh đề về sự toàn thiện của Đấng tối cao có nguồn gốc từ Hy Lạp cổ đại: “Nếu Chúa toàn thiện, tin vào Chúa là điều không cần thiết (vì Chúa sẽ cứu giúp tất cả, không phân biệt). Nếu Chúa không toàn thiện, tin vào Chúa là sự mù quáng. (Bởi Chúa là một kẻ thiên vị)”. Mấy câu trong dấu ngoặc đơn là tôi tự diễn giải thêm theo ý hiểu của mình. Công đức là thứ khái niệm vô cùng mơ hồ như chính sự luân hồi vô hạn. Tôi tự hỏi nếu bây giờ có một người hiến tế con của mình “vì sự tin tưởng tuyệt đối vào Đấng tối cao” như Abraham, thì người đó sẽ ngồi tù hay ngồi trên kiệu thuyết giáo?
Toàn tri cũng là một khái niệm không thể diễn giải rõ ràng. Nhiều kẻ sẽ huyễn hoặc người khác bằng câu từ như “một kế hoạch vĩ đại hơn”, hay “đừng lấy trí tuệ nhân loại ra để so sánh”. Bóc trần đi sự mỹ mạo của ngôn từ, tôi cho rằng những lập luận như vậy chẳng khác gì quy về lời khuyên: “Hãy yên thân làm bò cho … dắt!”
Nếu những người “hộ thánh” di chuyển sang sự hoàn hảo của tự nhiên, toán học và vật lý, tất nhiên tôi đã chuẩn bị sẵn cây búa với cái tên “nguyên lý vị nhân” chờ đợi đập tan pháo đài của họ.
Nói chung, tôi là một kẻ vô thần có lý luận, có bài bản, và chưa từng lung lạc với niềm tin vô thần của mình.

Vậy tôn giáo phải chăng cần thiết?

Dù tôi hoàn toàn chống lại sự tồn tại của khái niệm Đấng tối cao, nếu có bất cứ ai đó đặt cho tôi câu hỏi rằng: “Liệu tôn giáo phải chăng cần thiết?”. Câu trả lời của tôi ngày hôm nay sẽ đáp lại là: “Có!”.
“… Không phải là cá, sao biết cá vui vẻ như thế nào!” – Trang Tử (Nam Hoa Kinh)
Trong cuộc đời có rất nhiều tai nghiệt, nhưng đối với cá nhân tôi, “sống hộ” đời người khác là một trong những tội nghiệt khủng khiếp nhất. Con giun sẽ nguyền rủa bạn nếu bạn lôi nó ra khỏi mặt đất. Ngạn ngữ Anh có câu: “Bạn có thể dắt một con lừa đến bờ suối, nhưng không thể bắt nó uống nước.”. Điều cuộc đời tôi đã trải qua, đã nhào nặn, đã khiến thiết ra tầm mắt của tôi không có nghĩa sẽ là một ngày nắng xuân đẹp đẽ trong mắt mọi người khác. Cùng là một cây cầu qua sông, có kẻ đi trăm lần đều hanh thông, có người khác lạ vừa đặt được ba bước lên cầu thì cầu gãy, xác táng đáy sông. Quyền được hạnh phúc theo cách riêng của mình mà không ảnh hưởng tới hạnh phúc của kẻ khác, chính là quyền căn bản của con người. Vậy nên khi đức Tất Đạt Đa Cổ Đàm nói: “Nghe theo ta an nhàn thì nghe, không an nhàn đừng có nghe” – đó là đỉnh cao của minh triết.

Trong tác phẩm PK (tựa tiếng Việt là “ngây thơ”), với sự tham gia của diễn viên nổi tiếng Aamir Khan đã khai thác rất nhiều điều đề tài tôn giáo. Thế nhưng điều làm tôi ấn tượng mạnh nhất từ bộ phim không phải là sự méo mó và xấu xí của tôn giáo, mà là câu hỏi từ người cha của nữ chính (một người rất sùng đạo): “Có hàng triệu người trên thế giới này tin vào thần linh, coi đó là nguồn lực tinh thần lớn lao. Nếu cậu đánh đổ thần linh, cậu sẽ cho họ (hàng triệu kẻ mộ đạo) điều gì?”.
Báo chí Phương Tây “văn minh” khi ôn tập lại bài ca “kinh tế Trung Quốc sụp đổ” trong mấy tháng gần đây đã đưa luận cứ từ việc tăng chi tiêu cho các hoạt động chùa chiền của xứ tỷ dân để đi tới một kết luận rất cũ. Đó là một lập luận vô cùng thiếu căn cứ và logic, nhưng có lẽ Marx đã đúng khi nói: “Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân.”
Trong một cuốn sách được xuất bản những năm 1950 đã viết rằng: “Liên Bang Xô Viết rồi sẽ sụp đổ, vì đó là một đất nước không có niềm tin”. Thật khó để đánh giá rằng câu nói trên là một lời tiên tri hay là một sự ăn may ngẫu nhiên. Tuy nhiên, sau khi trải qua một 70 năm Xô Viết vô thần, nước Nga hiện đại có hơn 70% dân số có tôn giáo. Tôn giáo mà cụ thể ở đây là Chính Thống giáo Phương Đông có lịch sử rất đặc biệt đối với lịch sử của các quốc gia Slav. Với họ tôn giáo là nền tảng đạo đức, là truyền thống văn hóa, là sợi dây đoàn kết dân tộc và nhiều hơn thế. Dù “những người muốn Liên Bang Xô Viết sụp đổ là những kẻ không có trái tim”, nhưng một phần trái tim của họ thực sự luôn dành cho Đấng cứu thế.
Tôi luôn bảo rằng Pakistan là một đất nước kỳ lạ. Kỳ lạ bởi vì đất nước này từ chối CNXH của Liên Xô, cũng từ chối luôn nền Cộng Hòa, Dân chủ với mô hình của Mỹ. “Lực lượng kháng chiến thành công” tại Pakistan là những người theo đạo Hồi với quãng thời gian “kháng chiến” đủ dài để người ta dựng ra vô số mô típ điện ảnh cả chính cả thiện, cả tốt cả xấu, cả khai sáng cả “khai tối”,… Và tôi lại nói đùa: “Hóa ra ước mơ của mấy người này là một nền Cộng hòa Hồi giáo!”.

Dù truyền thông Phương Tây “văn minh” đã có một chuyến dịch dài hơi hàng chục năm để lan tỏa sự khinh thị và sợ hãi Hồi giáo với đại diện là những nhóm nhỏ cực đoan, nhưng bất cứ một học giả nghiêm túc nào cũng phải đồng ý rằng: nếu không có Hồi giáo, văn minh nhân loại sẽ bị thụt lùi hàng thế kỷ.
Nhà tiên tri Muhammad có lời rằng: “Mực của những giáo sỹ cũng linh thiêng như máu của những chiến binh”. Vì thế, đế chế Hồi giáo trung cổ có một nền giáo dục và nền tri thức vô cùng vượt trội. Số thư viện công cộng của đế chế Hồi giáo trung cổ đồ sộ đến mức khi người Mông Cổ chinh phục vùng đất này, mực từ những cuốn sách bị ném xuống sông đã nhuộm đen cả dòng sông.
Quay trở lại với các quốc gia Slav. Trước khi được rửa tội, người đàn ông Slav có thể có bao nhiêu vợ tùy thích, thậm chí giết vợ mà không hề chịu bất cứ hình phạt nào. Tuy nhiên, kinh thánh đã chấm dứt toàn bộ sự “man di mọi rợ” đó.
Những điều đúng đắn mà tôn giáo để lại, đó là những tài sản vô cùng quý giá của tri thức và tâm hồn nhân loại.

Kết

Dù đây là một bài viết (rất) dài, nhưng có lẽ thớt vẫn có thể viết nhiều hơn nữa về tôn giáo. Chỉ có điều nhiều chiều eo hẹp đã ngăn lại mạch viết đang chảy tuôn. Lời sau xin để lại ngày khác.

Anh chị cần mua bàn ghế ăn gia đình thì tham khảo trang này bên em với nhé này ạ. Xin cảm ơn.