Kết luận số 80-KL/TW- “Kim chỉ nam” định hướng phát triển Thủ đô
Kết luận số 80-KL/TW- “Kim chỉ nam” định hướng phát triển Thủ đô
Nhiều chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, Kết luận số 80-KL/TW đã củng cố thêm sự tự tin, quyết tâm của cơ quan soạn thảo trong theo đuổi những tư tưởng đột phá cho Hà Nội.
Hồ Hoàn Kiếm – ‘lá phổi xanh’ giữa lòng Thủ đô Hà Nội. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN) |
Là Thủ đô, Hà Nội có lợi thế lớn là được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Trung ương và Chính phủ. Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 80-KL/TW về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; đặc biệt nhấn mạnh Kết luận là “kim chỉ nam” định hướng sự phát triển của Thủ đô trong giai đoạn tới, để hiện thực hóa khát vọng xây dựng Thủ đô “Văn hiến-Văn minh-Hiện đại.”
Nhiều chuyên gia, nhà khoa học cùng quan điểm cho rằng, Kết luận số 80-KL/TW đã củng cố thêm sự tự tin, quyết tâm của cơ quan soạn thảo trong theo đuổi những tư tưởng đột phá cho Hà Nội.
Bên cạnh đó, Kết luận cũng đặt ra nhiệm vụ rất lớn cho hai đồ án phải xứng tầm, điển hình như những vấn đề liên quan đến đột phá, tư duy mới, tầm nhìn, chiến lược phát triển Thủ đô trước mắt và lâu dài theo định hướng của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 15-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 06-NQ/TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Cụ thể, Kết luận số 80-KL/TW nêu rõ: Quy hoạch Thủ đô cần có “tầm nhìn mới – tư duy mới toàn cầu, tư duy Thủ đô và hành động Hà Nội”, tạo ra “cơ hội mới – giá trị mới” trong phát triển Thủ đô “Văn hiến-Văn minh-Hiện đại” cả trước mắt và lâu dài. Kiên định quan điểm “con người là trung tâm của sự phát triển,” “văn hóa và con người vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng, là động lực, nguồn lực quan trọng nhất để phát triển Thủ đô”; xác định giáo dục, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao và nhân tài là trụ cột mang tính nền tảng, nội dung cốt lõi trong chiến lược xây dựng và phát triển Thủ đô;…
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội cho rằng, Bộ Chính trị đặt ra yêu cầu về tư duy Thủ đô, chứ không phải tư duy của một tỉnh. Điều đó đồng nghĩa với yêu cầu về tư duy lập quy hoạch cho Thủ đô Hà Nội, cho cả quốc gia chứ không phải là quy hoạch cho một địa phương bất kỳ nào đó trong cả nước. Tất cả những gì tinh túy, cần phát triển nhất đều phải được thể hiện trong các định hướng phát triển Thủ đô, để Thủ đô trở thành hình ảnh đại diện cho sự phát triển thịnh vượng của một quốc gia.
Vì vậy, tư duy Thủ đô được thể hiện trong Quy hoạch Thủ đô là tính bao trùm, lan tỏa và quy tụ được những nét tinh hoa, tinh túy, là đại diện của tất cả các vùng miền đất nước cùng hội tụ về.
Nhấn mạnh “Hà Nội phải phát triển đột phá, mà muốn đột phá phải thay đổi tư duy,” Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Quốc Toản, Ủy viên Thường trực Chuyên trách Tổ Biên tập Văn kiện Đại hội lần thứ XIV của Đảng gợi mở: Con người, thể chế, công nghệ sẽ là cỗ xe tam mã đưa Hà Nội phát triển trong giai đoạn tới. Song song đó, Hà Nội cần phải giải quyết các vấn đề còn tồn đọng về quy hoạch “treo,” để tạo nguồn lực, sự thông thoáng cho Thủ đô phát triển bền vững trong giai đoạn tới.
Đáng chú ý, theo Kết luận số 80-KL/TW, Quy hoạch Thủ đô cần chú trọng nghiên cứu phương án phát triển trục sông Hồng để sông Hồng thực sự là trung tâm phát triển với sự phân bố hài hòa các không gian sinh thái, không gian văn hóa, lịch sử, không gian xanh, không gian đô thị hiện đại hai bên bờ sông Hồng, góp phần tạo diện mạo mới của Thủ đô “Văn hiến-Văn minh-Hiện đại,” với mục tiêu không gian phát triển sông Hồng sẽ là “biểu tượng phát triển mới” của Thủ đô.
Quy hoạch Thủ đô cũng cần nghiên cứu, bổ sung vào các quy hoạch và quyết định quy hoạch định hướng để sử dụng hiệu quả quỹ đất hai bên bờ sông Hồng, sông Đuống cho phát triển kinh tế, xã hội, nhất là cho phát triển du lịch, dịch vụ.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN) |
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho biết thêm, những nội dung trên đều là điểm nhấn quan trọng để thấy rằng hai đồ án quy hoạch phải tạo ra sự thay đổi căn bản, đột phá để Thủ đô sẽ đạt được mục tiêu, ngang tầm với thủ đô các nước trong khu vực; đến năm 2050 phải là một trong những thủ đô đứng đầu trong khu vực và ngang tầm với thủ đô các nước phát triển.
Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Quy hoạch Thủ đô đến năm 2030 có mục tiêu tổng quát: Hà Nội là thành phố “Văn hiến-Văn minh-Hiện đại,” xanh, thông minh, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa của cả nước và thế giới; trung tâm đi đầu trong nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao khoa học-công nghệ mới; trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng và vùng động lực phía Bắc; trung tâm kinh tế tài chính lớn, cực tăng trưởng có vai trò dẫn dắt kinh tế của đất nước, có tầm ảnh hưởng trong khu vực, dựa trên mô hình phát triển xanh và kinh tế tuần hoàn, kinh tế số và kinh tế chia sẻ; thực sự là trung tâm lớn, tiêu biểu, hàng đầu cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao, ngang tầm khu vực và quốc tế, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế…
Quy hoạch Thủ đô đặt ra tầm nhìn và khát vọng phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2050 có mức sống và chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa, tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới; là thành phố kết nối toàn cầu, xanh-thông minh-thanh bình-thịnh vượng; là nơi đáng đến, lưu lại, đáng sống và cống hiến.
Với chỉ đạo sát sao, cụ thể của Bộ Chính trị tại Kết luận số 80-KL/TW, cùng với sự đoàn kết, chung sức đồng lòng, vượt qua khó khăn, thách thức, tập trung cao độ của đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội sẽ nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đã đề ra, xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại./.
Bạn đang đọc Tin tức xây dựng trên website hungday.com