[Kết nối sâu/ Sự cô đơn]
Tháng tám 15, 2024
Cô đơn là cảm giác quen thuộc đối với con người. Kể cả những người hướng ngoại, tưởng chừng sẽ không bao giờ cảm thấy cô đơn vì luôn có bạn bè xung quanh nhưng rồi cũng đến lúc nào đó, chúng ta đều phải trải qua cảm giác cô đơn. Tớ đã vô hình cảm thấy cô đơn từ hồi lớp 8 lớp 9, nhưng đó là một nỗi buồn man mác không tên mà mãi đến khi lên cấp 3 tớ mới biết nỗi buồn đấy xuất phát từ sự cô đơn.
Có lẽ vì tớ nếm trải nỗi cô đơn sâu sắc trong tuổi chập chững lớn nên bây giờ tớ rất tò mò về nỗi cô đơn chung của loài người chúng mình. Thế rồi tớ bắt gặp video này của chị An Lê, chị nói rất hay và nhẹ nhàng, bản thân tớ nghĩ những góc nhìn chị đưa ra đáng để chúng mình suy ngẫm và liên hệ với nỗi cô đơn của chính mình.
Con người là một sinh vật xã hội nhưng không phải là sinh vật xã hội từ khi mới sinh ra. Thuở còn đỏ hỏn, chúng ta là sinh vật tự nhiên. Sau một thời gian, chúng ta tham gia vào quá trình xã hội hóa đầu tiên trong môi trường gia đình, khi đó chúng ta mới trở thành sinh vật xã hội. Một sinh vật xã hội cần phải có sự kết nối với xã hội, dù cho ta có cố gắng tách biệt và đề cao sự độc lập đến thế nào đi nữa. Chúng ta không thể sống tách biệt như một ốc đảo, nằm trơ trọi một mình một cõi được.
Carl Jung – một nhà tâm lý học nổi tiếng, có đưa ra thuật ngữ gọi là “Tâm thức tập thể” (hay “Vô thức tập thể”), nói về việc con người chúng ta bị ảnh hưởng trong vô thức bởi những niềm tin, thói quen, suy nghĩ của tổ tiên chúng ta. Nỗi sợ bóng tối là một ví dụ điển hình. Thời xa xưa, tổ tiên của loài người luôn phải sống trong tình trạng có thể bị tấn công bất kỳ lúc nào bởi các loài động vật săn mồi sống về đêm, nên từ đó con người hình thành một sự nhạy cảm đặc biệt đối với bóng tối.
Tương tự vậy, có thể giải thích khao khát muốn kết nối của con người xuất phát từ “Tâm thức tập thể”. Thử hỏi nếu ở vào thời săn bắt hái lượm mà con người lại đề cao sự độc lập thì sẽ như thế nào? Tình huống tồi tệ nhất có thể là không còn con người nào tồn tại đến bây giờ. Suốt một thời gian dài con người luôn sống trong một cộng đồng làng xã gắn bó mật thiết với nhau. Cho đến nay vẫn vậy, ta có thể thấy rõ sự gắn bó này ở những vùng làng quê, nơi mà “hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau”.
Cho đến khi cách mạng công nghiệp xuất hiện, cuộc sống ngày càng trở nên hiện đại hơn, có ngày càng nhiều người bỏ xứ để tìm đến một nơi chốn mới tìm “hy vọng”. Con người dần dần tách biệt, một cộng đồng những người với các đặc điểm khác biệt, thậm chí trái ngược nhau cùng chung sống tao nên sự kết nối vô cùng hời hợt. Tại sao chúng ta có rất nhiều bạn bè, rất nhiều người xung quanh nhưng vẫn cảm thấy cô đơn?
Đúng thật chúng ta cần phải có kết nối với xã hội, nhưng không phải bất kì mối quan hệ nào cũng giúp gia tăng sự kết nối này mà thực chất thứ chúng ta cần là những mối quan hệ chất lượng – những mối quan hệ sâu sắc, có sự tin tưởng và tình yêu thương. Những câu chuyện phiếm chỉ giúp chúng ta vui vẻ nhất thời thường không làm vơi đi được nỗi cô đơn trong chúng ta.
Khi mạng xã hội ra đời, những tưởng con người sẽ có nhiều cơ hội hơn để làm giảm sự cô đơn, tìm kiếm thêm các mối quan hệ và được chia sẻ nhiều hơn. Nhưng những con số đã chứng mình điều ngược lại. Theo một cuộc khảo sát toàn cầu của Meta-Gallup, có đến gần ¼ người trưởng thành có cảm giác khá cô đơn đến rất cô đơn. Thật ra cũng dễ hiểu. Mạng xã hội chính xác là nơi mà chúng ta có thể nhìn rõ được điểm khác biệt giữa mình và thiên hạ mà không cần phải mất quá nhiều thời gian để làm quen và tìm hiểu đối phương. Điều này góp phần tạo nên tâm lý đề phòng khi chúng ta chia sẻ quan điểm của bản thân.
Vậy lối thoát nào cho sự cô đơn này? Tớ nghĩ đó là: Tập mở lòng và không đặt kì vọng. Khi ta mở lòng thì những kết nối sâu hơn mới có cơ hội xuất hiện. Như hai dòng nước vừa luân chuyển phần mình vừa có thể hòa hợp với dòng nước khác, sự kết nối trở nên sâu sắc hơn khi chúng ta mềm dẻo hơn. Tuy nhiên cũng có lúc dòng nước đi qua những cục đá, những cục đá cứng ngắc khó có thể hòa mình được vào dòng chảy của nước để đi đến kết nối sâu hơn, vậy nên đừng đặt kì vọng. Dòng nước chỉ cần chảy mãi, chảy mãi thì cuối cùng cũng sẽ gặp được dòng nước khác hòa hợp với mình.