Khoan bùn cải tạo vuông tôm không đúng cách gây ô nhiễm môi trường

Tháng mười 3, 2024

Khoan bùn cải tạo vuông tôm không đúng cách gây ô nhiễm môi trường

KHÔNG CON GÌ SỐNG NỔI

Ông Nguyễn Việt Khởi, có 6,7 ha diện tích nuôi tôm siêu thâm canh thuộc ấp Cây Giang, xã Long Điền, H.Đông Hải, bức xúc cho biết kể từ ngày 15.8 – 30.9.2024, H.Đông Hải thông báo đồng ý cho hàng ngàn hộ nuôi tôm quảng canh trong toàn huyện đồng loạt nạo vét, khoan bùn đất cải tạo vuông tôm cho mùa vụ mới. Việc nạo vét, khoan bùn dưới đáy ao bằng máy bơm phải có ao lắng, bờ bao trữ lượng bùn, nước ô nhiễm. Tuy nhiên theo ông Khởi, nhiều hộ dân khoan bùn thổi tràn ở các khu đất trống, không có bờ bao kiên cố. Do đó lượng bùn đất đen ngòm, hôi thối chảy tràn trực tiếp ra sông, kênh. Nhiều hộ dân ban đêm còn lén lút khoan bùn thổi thẳng ra sông, kênh gây ô nhiễm môi trường trầm trọng, tôm cá không con gì sống sót.

Khoan bùn cải tạo vuông tôm không đúng cách gây ô nhiễm môi trường- Ảnh 1.

Phương tiện khoan bùn cải tạo vuông tôm thiên nhiên ở xã Long Điền, H.Đông Hải

ẢNH: TRẦN THANH PHONG

Theo ông Khởi, khu vực ấp Cây Giang hiện có khoảng 10 hộ nuôi tôm siêu thâm canh, tuy nhiên hơn 1 tháng qua, kể từ khi huyện có thông báo cho các hộ nuôi tôm quảng canh cải tạo đất, thì không hộ nuôi tôm siêu thâm canh nào dám lấy nước từ kênh, sông để sử dụng. Bởi các tuyến kênh, sông hiện đã ô nhiễm trầm trọng, bùn đất, nước đen ngòm, hôi thối trầm trọng. Nhiều loài thủy sản lớn nhỏ, như: cua, tôm, cá ngát, ba khía, kể cả lịch dưới đáy kênh… cũng đều chết sạch. Riêng ông Khởi có hệ thống ao lắng, tận dụng nguồn nước cũ để xử lý tiếp tục thả tôm nuôi. Còn nhiều hộ dân, diện tích nuôi tôm siêu thâm canh ít, không có ao lắng thì cay đắng để treo ao, không dám mạo hiểm thả tôm nuôi.

Ông Trần Minh Sơn, ngụ ấp Thạnh An, xã Long Điền, H.Đông Hải, cho biết khu vực của ông có khoảng 15 hộ nuôi tôm siêu thâm canh đang “đứng ngồi không yên”, vì ao nuôi tôm thiếu nước nhưng không dám mạo hiểm bơm nước từ dưới kênh, sông. Theo ông Sơn, hơn 1 tháng qua, dọc theo các tuyến kênh, sông trong H.Đông Hải ngày nào cũng có hàng chục hộ dân cải tạo đất, khoan bùn thổi chảy tràn ra kênh, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng.

Khoan bùn cải tạo vuông tôm không đúng cách gây ô nhiễm môi trường- Ảnh 2.

Người dân ở xã Long Điền, H.Đông Hải khoan bùn cải tạo vuông tôm

ẢNH: TRẦN THANH PHONG

Theo ông Sơn việc làm này không chỉ tận diệt nguồn lợi thủy sản dưới kênh, sông mà lượng bùn, đất khá lớn sẽ bồi lắng nhanh, hằng năm địa phương phải bỏ ra số tiền khá lớn để nạo vét, khơi thông. Trong khi đó, do môi trường đất, nguồn nước bị ô nhiễm trầm trọng, sau thời gian cho người dân cải tạo đất đến cuối tháng 9.2024, thì khoảng 2 tháng sau nữa, khi môi trường khôi phục lại thì người dân nuôi tôm siêu thâm canh mới có thể an tâm bơm nước vào nuôi tôm.

CẦN THỰC HIỆN KHI ĐỦ ĐIỀU KIỆN

Ông Nguyễn Việt Khởi cho rằng việc địa phương thông báo đồng ý cho hàng ngàn hộ nuôi tôm quảng canh trong toàn H.Đông Hải đồng loạt nạo vét, khoan bùn cải tạo vuông tôm hiện nay không còn phù hợp. Bởi, trên địa bàn huyện có diện tích khá lớn nuôi tôm siêu thâm canh, nuôi quanh năm. Do đó việc nạo vét, khoan bùn ô nhiễm tràn ra kênh, sông sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các hộ nuôi tôm siêu thâm canh. Qua đó, ông Khởi kiến nghị đối với các hộ dân cải tạo đất, tuyệt đối phải có ao trữ bùn, nước thải chắc chắn, chống chảy tràn. Đến khi nước trong, không còn ô nhiễm nữa thì mới xả xuống kênh. Ông Khởi cũng đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp khoan bùn xả trực tiếp ra kênh, sông.

Khoan bùn cải tạo vuông tôm không đúng cách gây ô nhiễm môi trường- Ảnh 3.

Lượng bùn, nguồn nước đen ngòm chảy trực tiếp ra kênh ở xã Long Điền, H.Đông Hải

ẢNH: TRẦN THANH PHONG

Ông Nguyễn Văn Bình, Phó trưởng phòng NN-PTNT H.Đông Hải, cho biết hiện toàn huyện có khoảng 35.000 ha tôm nuôi quảng canh, 2.287 ha tôm – rừng và 1.160 ha tôm nuôi siêu thâm canh. Việc đồng ý để bà con nuôi tôm quảng canh đồng loạt nạo vét, khoan bùn để cải tạo vuông tôm cho mùa vụ mới là thực hiện theo Quyết định số 23, ngày 19.8.2022 của UBND tỉnh Bạc Liêu về việc bảo vệ môi trường trong hoạt động nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh. Theo đó, huyện thông báo cho bà con trong 45 ngày (từ ngày 15.8 – 30.9.2024) đồng loạt nạo vét, khoan bùn cải tạo vuông tôm thiên nhiên. Theo ông Bình thời gian này nước đã ngọt, vuông tôm quảng canh không còn tôm nữa. Theo quy định, các hộ dân khi cải tạo, nạo vét, khoan bùn phải có ao lắng, bờ bao đảm bảo, không để bùn đất, nước ô nhiễm chảy tràn ra kênh, sông. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều hộ nuôi tôm quảng canh không có ao lắng mà bơm bùn lên sân trước nhà, các khu đất trống để san lấp mặt bằng… Đối với các hộ dân trực tiếp khoan bùn ra sông, kênh, theo ông Bình từ đầu năm đến nay vẫn chưa lập biên bản, xử lý trường hợp nào. Huyện đã phân cấp cho các xã thời gian tới sẽ thành lập tổ công tác, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.