Không uống ai đổ vào mồm, và tại sao điện thoại còn tệ hơn cả cồn

Tháng mười một 14, 2024

Dù thường đứng một bên trong các cuộc nhậu, mình cũng quan sát và thấy tình trạng “ép rượu” vẫn khá phổ biến. Ép rượu không nhất thiết phải là việc trực tiếp dùng những câu nhắm vào đối phương như “uống đê”, “sao chưa hết thế kia”, “uống nước lọc thì đi về”, “chú không uống là không nể anh” … Nó có thể đến từ những hành động ít trực diện hơn như: cô lập người không uống, mỉa mai gián tiếp,… Cực đoan hơn, có những người chỉ bàn chuyện công việc, hay những chuyện nghiêm túc cần đến sự tỉnh táo và lý trí, trên bàn nhậu.

Tại sao điện thoại còn tệ hơn cả cồn

Tác hại của rượu bia và áp lực từ việc ép uổng nhau “đổ vào mồm” thì có lẽ mọi người đã quá rõ. Nhưng, có một thứ cũng có tác hại và áp lực còn lớn hơn, được chúng ta sử dụng còn nhiều hơn gấp nhiều lần, đó chính là chiếc điện thoại của mình. Cụ thể hơn, trong khuôn khổ bài viết này, mình muốn đề cập đến các ứng dụng nhắn tin và mạng xã hội.

Trước đây, mình luôn cố gắng để trả lời tin nhắn của người khác một cách nhanh nhất có thể, dù có là tin nhắn công việc qua Slack, hay tin nhắn của bạn bè qua Messenger, Zalo, thì mình cũng sẽ trả lời ngay khi nhìn thấy. Mình tin rằng việc giao tiếp ít độ trễ sẽ khiến công việc trôi chảy hơn, hoặc các mối quan hệ cũng sẽ được cải thiện.

Mình từng thấy những người vừa đi đường vừa nhắn tin, mình không hiểu có một tác động nào đó khiến cho họ trở nên như vậy, ai ép họ phải trả lời trong khi đang tham gia giao thông, bắt họ đánh đổi sự an toàn của bản thân.

Một người bạn của mình kể rằng, đã có lần sau khi tan làm, bạn đi xe bus về trọ, ngay khi chuẩn bị về đến nơi thì nhận được email ‘gấp’ của sếp, và rồi bạn phải bắt xe ngược trở lại công ty để giải quyết công việc.

Hóa ra là có ‘người’ đã ‘ép’ mình thật. Những tính năng như SeenLast Active, và Typing Bubble tạo ra áp lực không cần thiết, khiến người dùng cảm thấy phải trả lời ngay để giữ mối quan hệ và tránh hiểu lầm. Nỗi sợ bỏ lỡ (FOMO) và kỳ vọng phản hồi nhanh chóng đã trở thành một ‘chuẩn mực ngầm’ trong giao tiếp hiện đại.

Slack có một tính năng rất toxic (mà thú thật là mình cũng từng dùng), đó là “notify anyway”, tức là ngay cả khi đối phương đã tắt thông báo thì mình vẫn sẽ gửi thông báo đến họ. WHAT?Kiểu như họ đã nói là không uống rồi nhưng vẫn rót và bảo rằng “cầm lên uống đi”.

Và rồi mình nhận ra:

Dần dà, chúng ta trở nên quen thuộc, và đòi hỏi việc tin nhắn cần được trả lời gần như ngay lập tức.

hmm, ứ hiểu

hmm, ứ hiểu

Cảm giác bị thúc ép phải online, phải trả lời tin nhắn còn kinh khủng hơn cảm giác khi bị ép rượu. Tệ hơn nữa: chúng ta chấp nhận việc đó. Sự thúc ép này len lỏi vào tất cả khoảnh khắc trong cuộc sống: kể cả với những người nghiện nhậu (hoặc bị ép phải tham gia nhiều cuộc nhậu), thì tần suất sử dụng rượu bia của họ cũng khó mà nhiều bằng tần suất sử dụng điện thoại, để nhắn tin, để ‘lướt’ được.

Trong cuốn sách The Anxious Generation, có một đoạn như sau:“When a conversation partner pulls out a phone, or when a phone is merely visible, (not even your own phone), the quality and intimacy of a social interaction is reduced,” – tạm dịch: Khi người đối diện lấy điện thoại ra, hoặc đơn giản là khi điện thoại xuất hiện trong tầm nhìn (thậm chí còn chẳng phải điện thoại của bạn), chất lượng và mức độ thân mật của tương tác xã hội sẽ giảm đi.

Giải pháp duy nhất cho vấn đề này, theo mình, đó là xóa, tắt thông báo, trạng thái của tất cả các ứng dụng nhắn tin (hoặc càng nhiều càng tốt).

Với các tin nhắn đến, mình cũng không vội mà check ngay, vì rất có thể, vấn đề sẽ được giải quyết ngay cả khi không có mình. Ví dụ họ tag một nhóm người, hoặc những tin nhắn FYI (for your information, dạng tin nhắn cung cấp thông tin mà không yêu cầu hành động ngay lập tức). Nếu việc nào thật sự cần được mình giải quyết thì nó sẽ có đường tìm đến mình mà thôi.

Và, tin mình đi, họ cũng sẽ quen thôi, chẳng ai đánh giá một người tệ vì họ “rep chậm”. Nếu có ai đó như thế thật thì bạn nên “đánh bài chuồn, rồi sau đó cũng hạn chế gặp họ luôn.”

Giờ, bỏ cái điện thoại xuống, hay bạn không nể tôi?