Kiểm soát các quy định về thông tin, truyền thông

Tháng mười một 12, 2024

Kiểm soát các quy định về thông tin, truyền thông

(Xây dựng) – Ngày 12/11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về nhóm vấn đề thứ 3 thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông (TT&TT).

Báo chí nên coi mạng xã hội là đối tượng hợp tác nhiều hơn là cạnh tranh
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn của ĐBQH liên quan đến lĩnh vực thông tin, truyền thông. (Ảnh: Quốc hội)

Phát triển nền tảng số dùng chung để chuyển đổi số báo chí

Trả lời câu hỏi của đại biểu Phạm Nam Tiến, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông về nguồn lực tài chính và nguồn lực con người để có thể thực hiện thành công công cuộc chuyển đổi số báo chí, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, về nhân lực phục vụ chuyển đổi số, nếu không đủ, có thể thuê đơn vị bên ngoài, nhất là đối với những cơ quan báo chí nhỏ. Còn những cơ quan báo chí lớn có nguồn lực, có thể tự làm, nhưng cơ bản các cơ quan báo chí nên thuê, vì chi phí nhỏ hơn và không cần người để vận hành các hệ thống.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ TT&TT đang cho phát triển nền tảng số dùng chung để chuyển đổi số các cơ quan báo chí nhỏ, đặc biệt là các tạp chí, để hỗ trợ miễn phí cho các cơ quan báo chí.

Liên quan đến vấn đề tài chính, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, hiện nay nguồn lực của Nhà nước sẽ tập trung vào 6 cơ quan báo chí chủ lực. Đối với những cơ quan báo chí khác, các cơ quan chủ quản phải có trách nhiệm đầu tư nguồn lực để đảm bảo cho cơ quan báo chí của mình có đủ năng lực cạnh tranh.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược chuyển đổi số báo chí, coi không gian này là mặt trận chính của báo chí. Nhiều cơ quan báo chí đã nỗ lực nghiên cứu xây dựng đề án chuyển đổi số với mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại, tiếp cận được với đông đảo công chúng.

Đặc biệt, báo chí cách mạng Việt Nam đã có những bước phát triển về nội dung, đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng. Thông tin tuyên truyền đã phát huy vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, tạo sự đồng thuận và niềm tin xã hội, khơi dậy khát vọng Việt Nam và biến nó thành sức mạnh tinh thần to lớn, góp phần quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

“Muốn bền vững, muốn chuyển đổi số bắt buộc chúng ta phải làm chủ công nghệ, bắt buộc chúng ta phải làm chủ các nền tảng, không có con đường nào khác và người Việt Nam hoàn toàn có thể làm chủ các ứng dụng và tự làm chủ ứng dụng để chuyển sang làm chủ công nghệ”, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Báo chí nên coi mạng xã hội là đối tượng hợp tác nhiều hơn là cạnh tranh
Quang cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn lĩnh vực thông tin, truyền thông. (Ảnh: Quốc hội)

Xử lý các tin giả, tin sai sự thật

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Duy Thanh, Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau liên quan đến tình trạng tin giả, tin sai sự thật gây nhiễu loạn, tạo hệ lụy bức xúc trong xã hội và vai trò của cơ quan quản lý, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, đây là vấn đề không chỉ của Việt Nam mà mang tính toàn cầu, đã được bàn và nói rất nhiều.

Về một số giải pháp, Bộ trưởng Bộ TT&TT cho biết, đầu tiên là vấn đề hoàn thiện thể chế. Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, các nền tảng xã hội phải có trách nhiệm rà quét, tự động gỡ bỏ các thông tin sai sự thật, thông tin xấu độc. Bên cạnh đó, tiếp tục truyền thông để mọi người có kỹ năng số, biết sử dụng các nền tảng số, có khả năng đề kháng cho không gian số, đào tạo cho cả thế hệ tương lai (học sinh, sinh viên) là rất cần thiết.

Hiện, Bộ TT&TT và các địa phương đã thành lập và đưa vào vận hành Trung tâm xử lý tin giả, thông tin xấu độc để khi người dân bị ảnh hưởng bởi thông tin sai, tin xấu độc, có nơi để họ phản ánh, có nơi đề nghị giúp đỡ.

Đề cập đến giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm quyền riêng tư, đại biểu Trần Quốc Tuấn, Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh cho biết, hiện nay tình trạng quảng cáo trực tuyến thường dựa vào những dữ liệu người dùng, đôi khi vi phạm quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân. Điều này gây ra lo ngại về bảo mật thông tin cá nhân của người tiêu dùng khi sử dụng các dịch vụ hoặc truy cập vào các trang web. Theo thống kê cho thấy, số lượng thông tin cá nhân, quyền riêng tư của người dùng bị đánh cắp trong 6 tháng đầu năm 2024 đã tăng 50% so với 6 tháng đầu năm 2023, gây bức xúc cho xã hội. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ TT&TT làm rõ các giải pháp để chủ động phối hợp phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả tình trạng nêu trên.

Đối với tình trạng lừa đảo trực tuyến gia tăng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, có tình trạng “nhà nhà thu thập thông tin cá nhân”, mà không biết rằng thu thập thông tin cần xin phép, khi thu thập thông tin phải có hệ thống an toàn để bảo vệ thông tin không bị tấn công…

Để giải quyết tình trạng này, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, việc phổ biến Luật An toàn thông tin, Luật An ninh mạng, trách nhiệm của người thu thập thông tin bảo vệ dữ liệu, sử dụng đúng quy định của pháp luật… là câu chuyện lớn.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thông tin, năm 2023 và 2024, Bộ TT&TT coi đây là trọng điểm, tổ chức nhiều Đoàn thanh tra, kiểm tra tại các đơn vị dễ để xảy ra lộ lọt thông tin cá nhân. Bộ đã công bố những sai sót của các doanh nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng, để nhắc nhở các doanh nghiệp tuân thủ đúng quy định của pháp luật…

Bộ trưởng cho biết, Bộ sẽ tổ chức tập huấn cho cơ quan thanh tra, kiểm tra, Bộ, ngành địa phương liên quan đến quảng cáo trên môi trường số. Bộ trưởng nhấn mạnh, giải pháp chính để hạn chế quảng cáo sai sự thật là cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các Bộ ngành, địa phương, đơn vị, cá nhân quản lý gì trong đời thực thì cũng quản lý cái đó trên không gian mạng. Bộ Y tế phải vào cuộc trong vấn đề quảng cáo sai sự thật đối với thuốc, thực phẩm chức năng. Bộ Công Thương phải vào cuộc để kiểm soát quảng cáo, hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng.