Kinh doanh online có phải đóng thuế không?
Kinh doanh online có phải đóng thuế không?
“Thời của kinh doanh online”
Chị Vũ Thị Hải Oanh (32 tuổi), làm việc tại 49 Phạm Ngọc Thạch, Q.3, TP.HCM, cho biết bản thân có kinh doanh online hơn 2 năm qua. Chị chuyên bán các mặt hàng gia dụng. Và tại công ty đang làm việc hầu như ai cũng kinh doanh online như lời chị kể. Mặc dù vậy, chị thừa nhận chưa từng đóng thuế, dù việc kinh doanh online đã góp phần tạo ra nguồn thu nhập đáng kể.
Một số người trẻ khác hiện nay cho biết hiện nay là “thời của kinh doanh online”. “Nếu nói người người, nhà nhà kinh doanh online cũng không có gì quá lời. Vì dễ thấy, cả người nổi tiếng, giới ca sĩ, người mẫu… đều cũng livestream bán hàng. Hay những người làm kinh doanh các ngành nghề khác nhau cũng có thêm nghề “tay trái” là bán hàng trên các nền tảng trực tuyến… Lý do là nhằm tăng thu nhập”, Hồ Minh Hiếu (29 tuổi), đang kinh doanh online trên các sàn thương mại điện tử nói.
Tuy nhiên, tất cả đều thừa nhận không biết khi bán hàng online thì tiền thuế được pháp luật quy định cụ thể như thế nào. Có nhiều ý kiến khẳng định kinh doanh online thì không cần đóng thuế.
Đặng Ngọc Hà (28 tuổi), làm việc tại một công ty trên đường Nhiêu Tứ, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, chia sẻ: “Cũng kinh doanh online một thời gian. Nhưng quả thật không biết về vấn đề thuế“.
Hà thắc mắc: “Chưa rõ kinh doanh online có phải đóng thuế hay không? Trường hợp nào thì phải đóng thuế? Tiền thuế được tính như thế nào?”…
Kinh doanh online phải đóng thuế, khi…
Theo luật sư Nguyễn Minh Hậu, Đoàn luật sư tỉnh Khánh Hòa, cho biết Điều 4, Thông tư 40/2021/TT-BTC có quy định về nguyên tắc tính thuế thì hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng trở xuống thuộc trường hợp không phải đóng thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thu nhập cá nhân (TNCN).
Trường hợp người kinh doanh online có doanh thu bán hàng từ 100 triệu đồng/năm trở lên thì phải có nghĩa vụ đóng thuế GTGT và TNCN.
Khi kinh doanh online, thuế TNCN được tính như thế nào? Luật sư Hậu cho biết dựa theo khoản 3, Điều 10, Thông tư 40/2021/TT-BTC, số thuế TNCN phải đóng được xác định bằng doanh thu tính thuế TNCN, nhân với tỷ lệ thuế TNCN (số thuế TNCN phải đóng = doanh thu tính thuế TNCN x tỷ lệ thuế TNCN).
Tương tự, số thuế GTGT phải đóng được xác định bằng doanh thu tính thuế GTGT, nhân với tỷ lệ thuế GTGT (số thuế GTGT phải đóng = doanh thu tính thuế GTGT x tỷ lệ thuế GTGT).
Trong đó, tỷ lệ thuế TNCN là 0,5% và tỷ lệ GTGT là 1%. Doanh thu tính thuế TNCN và GTGT là doanh thu bao gồm thuế của toàn bộ tiền bán hàng, công, hoa hồng và tiền cung ứng dịch vụ phát sinh trong kỳ thuế từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ…
“Người kinh doanh online phải có trách nhiệm khai thuế đầy đủ, chính xác và trung thực. Cũng như nộp hồ sơ khai thuế đúng hạn, đồng thời chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đầy đủ, chính xác và trung thực của hồ sơ thuế theo quy định”, luật sư Hậu nói thêm.
Ngoài ra, theo luật sư Hậu, trong trường hợp người kinh doanh online phớt lờ nghĩa vụ đóng thuế hoặc đóng thuế muộn cũng sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Cụ thể, nếu nộp hồ sơ khai thuế chậm, tùy mức độ sẽ bị phạt từ cảnh cáo đến 25 triệu đồng.
Còn theo khoản 2, Điều 59, luật Quản lý thuế năm 2019, mức tính tiền đóng chậm bằng 0.03% ngày tính trên số thuế chậm nộp và thời gian tính tiền chậm đóng sẽ được tính liên tục từ ngày tiếp theo ngày phát sinh tiền chậm đóng thuế đến ngày liền kề trước ngày người đóng thuế chuyển tiền đóng chậm vào ngân sách nhà nước.
Về việc kê khai thuế, luật sư Hậu thông tin có thể dựa vào 2 phương pháp kê khai, đóng thuế thu nhập cá nhân phổ biến là phương pháp tổ chức khai thuế, đóng thuế thay cho cá nhân (thường đối với các trường hợp kinh doanh online qua các sàn giao dịch thương mại điện tử) và phương pháp khoán (đối với các trường hợp kinh doanh online còn lại, tức không bán hàng qua các sàn thương mại điện tử).
Bạn đang đọc Kinh doanh online có phải đóng thuế không? tại website hungday.com