Kinh Kim Cương: Hành trình từ lý thuyết đến thực hành
Tháng mười 1, 2024
Mở Đầu:
Kinh Kim Cương là một trong những bộ kinh quan trọng của Phật giáo Đại thừa, thuộc hệ thống Bát Nhã, được xem là nền tảng của triết lý “tính không”. Kinh văn không chỉ phá bỏ mọi khái niệm cố định về thực tại, mà còn dẫn dắt chúng ta buông bỏ chấp trước, bao gồm cả những định kiến về bản ngã và thế giới. Với nhiều người, Kinh Kim Cương mang lại sự khai sáng thâm sâu, nhưng để thực sự hiểu được điều đó, cần có sự kiên nhẫn và cởi mở trong tư duy.
Vì vậy, tôi muốn cùng bạn đọc tìm hiểu Kinh Kim Cương không chỉ qua lý thuyết mà còn để khám phá giá trị sâu sắc mà bộ kinh này có thể mang lại. Tuy nhiên, hành trình của tôi bắt đầu với nhiều hoài nghi và phản biện, chủ yếu xuất phát từ cách nhìn nhận thế giới mà tôi đã học được khi còn là sinh viên- Tôi mạnh dạng chọn vào chuyên ngành Triết học của trường HCM.USSH (giờ nghĩ lại còn thấy sợ bản thân mình). Khi lần đầu tiếp cận Kinh Kim Cương trong thời sinh viên, tôi cảm thấy khó hiểu và mơ hồ về những gì kinh văn truyền tải thậm chí nhân vật trong kinh là tôn giả Tu Bồ Đề sau khi được Phật giảng xong thì vẫn còn nghi ngờ và lo lắng:
“nếu có người nghe đến bộ kinh này, thì họ có khả năng tin tưởng, tiếp nhận, và hiểu được không?”.
Lúc đó, tư duy của tôi bị chi phối bởi triết học phương Tây. Tôi sử dụng tư tưởng phương Tây làm “công cụ” để chỉ trích triết học Phật giáo, vì tôi coi nó là một hệ tư tưởng cổ đại với nhiều hạn chế. Với cái nhìn đơn giản, tôi cho rằng những gì cổ xưa thường lỗi thời và thiếu thực tiễn. Cách tiếp cận của tôi về Phật giáo dựa trên quan điểm “cải tạo thế giới khách quan”, trong đó mọi thứ đều được đánh giá qua lăng kính đúng – sai.
Bị ảnh hưởng bởi tư tưởng phương Tây, tôi cho rằng tư duy nhị nguyên là công cụ tối ưu để hiểu và cải tạo thế giới. Quan niệm rằng “cái này là chính nó, chẳng phải thứ gì khác” củng cố ý tưởng rằng con người phải cải tạo thế giới bên ngoài theo ý mình.
Theo triết học Marx, trong Hệ tư tưởng Đức: “lao động là yếu tố cơ bản của sự phát triển xã hội, và tư duy nhị nguyên là nền tảng cho lao động. Nó giúp con người phân biệt giữa chủ thể và đối tượng, hiểu mối quan hệ nhân quả, và phân biệt rõ ràng giữa mục tiêu và phương tiện. Điều này giúp nâng cao hiệu quả và phát triển xã hội.”
Tuy nhiên, khi thực tại thay đổi và không theo ý muốn, cảm giác bất lực trước vô thường dễ dẫn đến đau khổ. Phật giáo đề xuất giải pháp thông qua việc thực hành vô phân biệt và buông bỏ chấp thủ, nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào tư duy nhị nguyên, vốn là nguyên nhân dẫn đến khổ đau trước những thay đổi của thế giới. Đây chính là điều tôi sẽ làm sáng tỏ qua việc cùng bạn đọc tìm hiểu Kinh Kim Cương.
Nội dung :
1. Trước tiên nói về bối cảnh, các khái niệm và Logic của Kinh kim cương:
Dưới bối cảnh của Kinh Kim Cương, Tu Bồ Đề hỏi Phật về cách mà những người tu tại gia có thể đạt được hạnh Bồ Tát. Trong khi Phật thường dạy dỗ các vị xuất gia để đạt đến chứng quả, Tu Bồ Đề thắc mắc liệu những người sống trong đời thường, không xuất gia, sẽ sử dụng phương tiện gì để đi theo con đường lý tưởng của Bồ Tát chân chính. Sẽ rất khó hiểu nếu tôi dùng: lý tưởng và phương tiện trong phật giáo như thế này. Nhưng nếu tôi ví dụ theo học thuyết Marx vì chắc chắn sinh viên phải học triết học Marx nên có lẽ sẽ dễ hiểu hơn:
-Lý tưởng: Lý tưởng trong Kinh Kim Cương là đạt đến trí tuệ Bát-nhã và giác ngộ vô thượng. Đó là trạng thái hoàn toàn giải thoát khỏi mọi chấp ngã, vô minh và đau khổ. Giống như chủ nghĩa xã hội trong hệ thống tư tưởng của Marx, giác ngộ là trạng thái lý tưởng mà mọi người tu hành muốn đạt tới.
Phương Tiện: Phương tiện để đạt được lý tưởng giác ngộ trong Kinh Kim Cương là sự buông bỏ chấp ngã và thực hành Bồ Tát Đạo. Điều này tương đương với “cách mạng xã hội” trong hệ thống của Marx và Lenin, nghĩa là Bồ Tát phải hành động không dính mắc vào hình tướng hay kết quả, không phân biệt giữa “tôi”, “người khác”, “chúng sinh” hay “thọ giả”.
Như Lai được nói đến trong Kinh:
Trong Kinh Kim Cương và nhiều kinh điển Phật giáo khác, Đức Phật Cồ Đàm Tất Đạt Đa không tự xưng là “ta” hay “tôi,” mà thường sử dụng đại từ “Như Lai.” Điều này có lý do sâu xa trong tư tưởng Phật giáo. Nếu hiểu “Như Lai” như một danh hiệu cố định của một con người hay một vị thánh, giống như cách Ngô Thừa n diễn tả “Phật Tổ Như Lai” ngụ tại Lôi Âm Tự (雷音寺) trong Tây Du Ký, thì ta sẽ dễ hiểu sai ý nghĩa thật sự của Phật khi Ngài dùng từ này, vì:
“Nhược dĩ sắc kiến ngã, dĩ âm thanh cầu ngã, thị nhân hành tà đạo, bất năng kiến Như Lai”- Nếu lấy sắc mà thấy Ta, lấy âm mà cầu Ta, thì người ấy hành tà đạo, không thể thấy Như Lai.
Nói vậy không để “chê trách” nhà văn, mà để nhấn mạnh rằng nếu cố định Như Lai là một con người hữu hình, ta sẽ bỏ lỡ ý nghĩa thật sự mà Như Lai muốn chỉ dạy – vốn vượt ngoài hình tướng và âm thanh.
Trong thực tế, Phật xưng “Như Lai” không phải để ám chỉ một thực thể cố định hay một cá nhân cụ thể, mà có hai cách hiểu chính:
1. Như Lai là biểu tượng cho bản chất giác ngộ: “Như Lai” không chỉ đơn thuần là danh xưng của Đức Phật, mà nó ám chỉ đến chân lý tối thượng, bản chất thực tại, không bị ràng buộc bởi hình tướng, khái niệm hay thời gian. Điều này giúp người nghe tránh việc bám víu vào hình ảnh cá nhân của Phật như một con người cụ thể, mà thay vào đó, họ tập trung vào bản chất vô ngã và giác ngộ.
2. Như Lai là sự hiện thân của sự thật không biến đổi: “Như” có nghĩa là như thế, không thay đổi, và “Lai” có nghĩa là đến. Khi Phật xưng “Như Lai,” Ngài không chỉ đề cập đến chính Ngài, mà còn nói về sự đến đi của chân lý bất biến, vượt lên trên mọi khái niệm và hình tướng của thế giới.
Do đó, khi Đức Phật sử dụng đại từ “Như Lai,” Ngài muốn dẫn dắt chúng sinh đến sự hiểu biết về thực tại tối thượng, không bám víu vào ý niệm về bản ngã hay một cá nhân cố định. Vì vậy cho nên trong kinh có câu:
“Như Lai giả, vô sở tùng lai diệc vô sở khứ, cố danh Như Lai”- Như lai không từ đâu đến, cũng không đi về đâu vì vậy mới là Như Lai.
Các khái niệm trong kinh:
Khái niệm quan trọng nhất: Trong Kinh Kim Cang, khái niệm “Tướng” và “Hình tướng” được đề cập như những biểu hiện của vạn vật trong thế gian, bao gồm hình dạng, âm thanh, cảm giác, suy nghĩ, và các hiện tượng. “Tướng” là những gì có thể nhận thức được qua giác quan hoặc tâm trí, nhưng chúng chỉ là những biểu hiện bề ngoài, không phải bản chất thật sự của sự vật hay con người.
Kinh Kim Cang nhấn mạnh rằng chấp vào “Tướng” là sai lầm, vì điều đó dẫn đến sự phân biệt, bám víu và không thấy được bản chất vô tướng của mọi hiện tượng “Phàm hữu tướng giai thị hư vọng”- Cái gì có tướng, hình tướng đều là hư ảo, lừa dối. Không có nghĩa rằng bất cứ thứ gì có hình tướng đều là không tồn tại. Dĩ nhiên, một người có thể đẹp hay xấu, sóng biển có thể cao hay thấp, tất cả những điều đó vẫn hiện diện trước mắt chúng ta. Vì vậy, ta không thể phủ nhận sự tồn tại của chúng. Điều đang “lừa dối” ở đây chính là vẻ bề ngoài; những khái niệm như “đẹp – xấu”, “cao – thấp”, “tốt – xấu” chỉ mang lại cho ta cảm giác sai lệch về bản chất thật sự của sự hiện hữu.
Ps: Nếu có thời gian khi tôi viết về diễn giải kinh Pháp Hoa tư tưởng về Tướng này sẽ được làm rõ hơn qua chương “HOA NGHIÊM KIM SƯ TỬ” hoặc các bạn cũng thể đọc sách: “Con sư tử vàng của thầy Pháp Tạng” do thầy Nhất Hạnh dịch và diễn giải- bạn sẽ thấy cũng có những cái giống giống kinh kim cương.
Các khái niệm về “4 chướng ngại” hay “4 hình tướng” mà chúng ta hay bị vướng mắc:
-Tướng ngã: Đây là sự chấp trước vào bản thân, tin rằng có một cái “tôi” riêng biệt, bất biến. Khi ta hành động với suy nghĩ rằng “tôi” là quan trọng nhất, ta dễ bị mắc kẹt trong ngã chấp, dẫn đến tham lam, kiêu ngạo, và đau khổ. Ví dụ, khi ta cảm thấy bị xúc phạm hoặc tổn thương vì lời nói hay hành động của người khác, đó là dấu hiệu của chấp ngã.
-Tướng nhân : Đây là sự chấp trước vào sự khác biệt giữa bản thân và người khác, cho rằng có một “người” tồn tại độc lập với ta. Khi ta nghĩ rằng có sự phân biệt rõ ràng giữa “tôi” và “người khác,” ta dễ dàng rơi vào các cảm xúc như ganh ghét, so sánh, hoặc kỳ thị. Ví dụ, khi ta cảm thấy mình hơn người khác hoặc ngược lại, tự ti về bản thân, đó là khi ta bị kẹt vào chướng ngại này. Nếu nói một cách triệt để hơn, khi ta chấp vào bất cứ điều gì thuộc về con người là quý giá nhất, cho rằng mọi thứ khác hoặc các loài vật khác chỉ tồn tại để phục vụ con người, đó chính là chấp vào tướng nhân – tức là sự phân biệt giữa con người và các loài khác như những thực thể tách biệt.
-Tướng chúng sinh: Chấp trước vào sự tồn tại của một nhóm sinh thể, cho rằng các chúng sinh tồn tại vĩnh viễn, không thay đổi. Điều này dẫn đến việc chấp vào việc phân biệt giữa người và loài, tạo ra sự chia rẽ hoặc phân biệt đối xử. Ví dụ, như ta phân biệt yêu con chó ta nuôi và ghét con chó hàng xóm hoặc con mèo thì biết đau còn cục đá thì không. Nhưng “làm sao em biết bia đá không đau ?”
-Tướng thọ giả: Đây là sự chấp trước vào thời gian tồn tại, tin rằng có một “sinh mệnh” tồn tại từ quá khứ, hiện tại đến tương lai một cách bất biến. Khi ta chấp vào thọ giả, ta bị ám ảnh bởi sự sống chết, lo sợ về già nua, bệnh tật, hoặc cái chết. Ví dụ, khi ta lo lắng về việc mất đi tuổi trẻ hoặc sự sống, đó là dấu hiệu ta đang bị kẹt vào tướng thọ giả.
Tóm lại: Để phá sự chấp trước vào 4 tướng (ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả), bạn có thể thực hành theo các bước sau:
Quán chiếu vô ngã: Nhận ra rằng không có cái “tôi” cố định và mọi thứ chỉ là sự kết hợp tạm thời của các duyên.
Thực hành từ bi vô phân biệt: Không phân biệt giữa người thân, người lạ hay kẻ thù.
Chánh niệm về vô thường: Nhận ra mọi hiện tượng đều thay đổi và không tồn tại vĩnh viễn.
Buông bỏ dính mắc: Tập buông bỏ sự dính mắc vào thân thể, danh lợi và các hình tướng khác
Các khái niệm biểu thị kết quảt trong kinh:
– Công đức là kết quả tích cực từ những hành động thiện lành, mang lại lợi ích cho bản thân và người khác. Công đức có được nhờ thực hiện 6 hạnh nguyện gọi là Lục Độ hay Hạnh nguyện Ba-la-mật gồm: 1.Bố Thí, 2.Trì Giới, 3.Nhẫn Nhục, 4.Tinh Tấn, 5.Thiền Định, 6.Trí Huệ- trong đó Bố thí là hạnh nguyện cao thượng và quan trọng nhất còn Trí Tuệ là kết quả có được sau khi thực hiện 5 cái trước nó. Còn Vô lượng công đức là công đức không thể đo đếm, phát sinh khi hành động thiện không bị dính mắc vào “ngã” (cái tôi), không chấp trước vào kết quả hay phần thưởng, và xuất phát từ tâm từ bi và trí tuệ vô điều kiện. Phước báo: Là những kết quả tích cực từ hành động thiện lành, thường mang lại sự sung túc, an vui trong đời sống hiện tại và tương lai.
– Bố thí là hành động cho đi, trong kinh đề cập 3 loại bố thí:
Tài thí: Bố thí bằng vật chất (tiền bạc, thức ăn, quần áo…). Đây là hình thức dễ thấy nhất và thường giúp người khác giải quyết nhu cầu vật chất cấp thiết.
Vô úy thí: Bố thí sự không sợ hãi, giúp người khác vượt qua sự lo âu, sợ hãi. Ví dụ, an ủi, bảo vệ người khác trong lúc họ gặp khó khăn, nguy hiểm.
Pháp thí: Bố thí bằng cách chia sẻ kiến thức về Phật pháp, giảng giải những chân lý giúp người khác giác ngộ, hiểu sâu về cuộc sống và giải thoát khỏi khổ đau.
-Bồ Tát là người đã đạt được trí tuệ và lòng từ bi nhưng chọn ở lại cõi đời để giúp chúng sinh thoát khỏi đau khổ và luân hồi. Bồ Tát Đạo là con đường tu hành của một Bồ Tát qua thực hành Lục độ “không chướng ngại” để giúp tất cả chúng sinh thoát khỏi khổ đau và đạt đến giác ngộ.
-Niết Bàn là trạng thái giải thoát hoàn toàn khỏi sinh tử luân hồi và mọi khổ đau tức là đạt được giác ngộ.
Logic nghịch lý trong Phật giáo – công cụ của tư duy để mở khoá ý nghĩa trong kinh
Trong Kinh Kim Cương, logic nổi bật được thể hiện qua câu nói: “Cái không phải là nó mới thực sự là nó”. Đây là một dạng logic nghịch lý, trong đó một sự vật chỉ có thể được hiểu đúng khi ta nhận ra rằng nó không có bản chất cố định và không tồn tại độc lập. Trong cái A được tạo thành từ những cái không phải A (phi A) thì mới chân thật là A.
“Sở ngôn – tức phi – thị danh” trong Kinh Kim Cương, ta có thể hiểu theo cách dễ hiểu và rõ ràng hơn như sau:
Sở ngôn: Đây là cái “danh”, cái tên gọi hay khái niệm mà chúng ta sử dụng để chỉ một sự vật, hiện tượng. Ví dụ, khi chúng ta nói đến “con cá”, thì “con cá” chỉ là một tên gọi được gán cho một sự vật nhất định.
Tức phi: Ở đây, Kinh Kim Cương nhắc đến việc phủ định bản chất cố định của sự vật. Nghĩa là, con cá mà chúng ta gọi không phải là một thực thể độc lập, không thể tự nó tồn tại. Các bộ phận như vây, mang, đuôi… không phải là toàn bộ con cá, và việc kết hợp các yếu tố này cũng không tạo ra một “con cá” cố định hay vĩnh viễn. Tất cả những gì ta gọi là “con cá” chỉ là một khái niệm, không phải là bản chất thật sự.
Thị danh: Tuy nhiên, mặc dù chúng ta phủ định bản chất cố định của con cá, nó vẫn có sự tồn tại trong thế giới hiện tượng như một sự kết hợp tạm thời của các yếu tố. Con cá chỉ tồn tại khi các yếu tố như vây, mang, đuôi… kết hợp với nhau trong một thời điểm nhất định, và khi các yếu tố này thay đổi hoặc tan vỡ, cái mà ta gọi là “con cá” cũng không còn. Điều này nhấn mạnh rằng sự tồn tại của mọi thứ là “giả danh” (tạm gọi), không có thực thể độc lập, cố định, mà chỉ là kết quả của những yếu tố duyên sinh và phụ thuộc lẫn nhau.
Cách hiểu dễ hơn:
“Con cá” chỉ là một tên gọi tạm thời: Cái mà chúng ta gọi là “con cá” thực ra không phải là một thực thể độc lập hay bất biến. Nếu chỉ nhìn vào vây, mang, hay đuôi, chúng ta không thể nói đó là toàn bộ con cá. Mỗi bộ phận chỉ là một phần, không phải là toàn bộ. Sự kết hợp tạm thời của các yếu tố này mới tạo nên cái chúng ta tạm gọi là “con cá” trong một khoảnh khắc nhất định.
Không có bản chất cố định: Con cá không tồn tại vĩnh viễn. Các yếu tố như vây, mang sẽ thay đổi, và khi chúng thay đổi hoặc không còn, thì cái “con cá” cũng không còn nữa. Điều này cho thấy mọi thứ đều là sự kết hợp của nhiều yếu tố, và không có yếu tố nào tự nó tồn tại độc lập.
Giả danh và vô thường: Danh xưng “con cá” chỉ là một cách gọi, một khái niệm do con người tạo ra để thuận tiện cho giao tiếp. Trong thực tế, không có một con cá cố định nào tồn tại mãi mãi. Mọi thứ đều biến đổi và phụ thuộc vào các yếu tố xung quanh.
Logic “Sở ngôn – tức phi – thị danh” giúp chúng ta nhận ra rằng mọi sự vật đều là tạm thời, không có bản chất cố định và chỉ tồn tại dựa vào mối liên hệ của các yếu tố khác. Điều này không chỉ giúp ta hiểu sâu hơn về bản chất vô thường của vạn vật mà còn giúp chúng ta giảm bớt sự chấp trước vào danh xưng, khái niệm hay hình tướng mà ta thường gán cho sự vật trong cuộc sống. Nó hơi khác với chương Nội Hàm và Ngoại diên trong môn Logic học đại cương của chúng ta rất nhiều. Tôi lấy ví dụ con cá tại trong giáo trình Logic Đại Cương của thầy Phạm Đình Nghiệm cũng hay lấy con cá làm ví dụ cho nội hàm-ngoại diên. Tin tôi đi, nếu giải thích thêm Logic học Trung Luận hoặc Minh Nhân học của Phật giáo thì bạn sẽ còn “nổ não” dài dài…….
PS: Nếu có thời gian tôi sẽ diễn giải cái tư tưởng Giả danh của Phật giáo trong Di Lan Đà Vấn Đạo của luận sư Na Tiên và TK thứ I-II TCN.
So sánh với logic nhị nguyên của Aristoteles và phương Tây:
Để dễ dàng cho các bạn tham chiếu nhất tôi so sánh với Logic của Aristoteles cái mà chúng ta sẽ phải học và PHẢI THI trong môn Logic học đại cương thời sinh viên”
Logic nhị nguyên của Aristoteles: Dựa trên nguyên lý “luật đồng nhất” (A = A), nghĩa là một sự vật là chính nó và không phải là thứ gì khác. Đây là logic rõ ràng và có tính rạch ròi, giúp phân biệt các sự vật thông qua danh tính và bản chất cố định của chúng. Theo cách hiểu này, “con cá là con cá”: một sự vật phải là chính nó, có bản chất độc lập và không thể là thứ khác.
Logic trong Kinh Kim Cương: Ngược lại, Kinh Kim Cương lại nhấn mạnh sự vô thường và tính không của mọi sự vật, nghĩa là không có gì tồn tại cố định. “Con cá không phải là con cá, nhưng nó lại là con cá”. Cách tư duy này phủ nhận bản chất cố định của mọi sự vật và cho rằng chúng chỉ tồn tại trong mối quan hệ phụ thuộc và tương duyên. Cá không tồn tại như một thực thể độc lập, nó chỉ được tạo ra từ những yếu tố không phải cá, và khi nhận ra điều đó, chúng ta mới hiểu rõ cái gọi là “cá”.
Điểm khác biệt chính:
Tư duy nhị nguyên: Phương Tây nhấn mạnh tính cố định, độc lập của sự vật, nghĩa là sự vật luôn giữ bản chất không thay đổi.
Tư duy vô ngã, vô tướng: Trong Kinh Kim Cương, mọi sự vật đều không có tự tánh cố định, chỉ khi hiểu rằng sự vật không phải là nó (tức không có bản chất cố định), ta mới thấy được bản chất thực sự của nó.
Kinh Kim Cương sử dụng logic nghịch lý để chỉ ra rằng mọi sự vật không có bản chất cố định, và chỉ khi ta không chấp vào tướng của sự vật, ta mới hiểu được bản chất thật của chúng. Điều này hoàn toàn khác với logic nhị nguyên của Aristoteles và phương Tây, nơi sự vật được xác định rõ ràng và không thay đổi bản chất.
Sau khi làm rõ các khái niệm và logic của Kinh Kim Cương, đặc biệt là về tướng và vô tướng, ta có thể thấy rằng triết lý này không chỉ dừng lại ở việc phân tích sự vật hay hiện tượng. Tinh thần thực sự của Kinh Kim Cương nằm ở sự thực hành, giúp con người buông bỏ chấp trước và vượt qua khổ đau. Để hiểu rõ hơn về cách thực hành này, chúng ta sẽ đi sâu vào hai yếu tố cốt lõi của Kinh: Vô ngã duyên sinh và từ bi vô phân biệt.
2. Tinh thần của kinh kim cương:
Những thông điệp triết lý trong Kinh Kim Cương rất phong phú và sâu sắc, nhưng tôi xin tóm gọn lại hai ý chính để chúng ta dễ hiểu và dễ thực hành nhất, đó là Vô Ngã duyên sinh và Từ bi vô phân biệt. Tất nhiên, các vị đại sư và học giả như Thầy Nhất Hạnh hay GS. Nguyễn Đăng Dung có những kiến giải cao thâm và sâu sắc hơn rất nhiều so với bài viết của tôi, bởi họ có sự trải nghiệm vượt trội hơn. Tuy nhiên, mục đích của tôi là đơn giản muốn truyền tải những gì tôi đã hiểu và đang cố gắng thực hành theo cách riêng của mình.
– Tinh thần Vô Ngã – Duyên Sinh – Tính không:
Trong Kinh Kim Cương, ba tư tưởng cốt lõi là Vô ngã, Duyên sinh, và Tính không giúp người tu học thấu hiểu bản chất của thế giới và con đường thoát khỏi khổ đau. Cả 3 đều phải được hiểu một cách có hệ thống vì vô ngã nên vô thường- tất cả đều do nhân duyên mà sinh khởi nên nó là không có tự tính.
Vô ngã là khái niệm cho rằng không có cái “tôi” hay bản ngã nào thực sự tồn tại độc lập và vĩnh cửu. Thay vì có một cái ngã cố định, con người chỉ là sự kết hợp của năm uẩn: sắc (thân thể), thọ (cảm giác), tưởng (tưởng tượng), hành (hành động), và thức (nhận thức). Những uẩn này luôn thay đổi, không ngừng biến động, do đó, bản ngã chỉ là ảo tưởng. Khi chúng ta chấp ngã, nghĩa là tin rằng mình có một cái tôi cố định, ta dễ dàng bị dính mắc vào những nhu cầu, mong muốn, và sợ hãi cá nhân. Chẳng hạn, ta luôn muốn bảo vệ bản thân, tìm kiếm hạnh phúc, và né tránh khổ đau. Tuy nhiên, do bản chất vô thường của cuộc sống, mọi thứ luôn thay đổi và không theo ý muốn, dẫn đến sự thất vọng và khổ đau.
Duyên sinh là nguyên lý cho rằng mọi sự vật, hiện tượng trong vũ trụ đều phụ thuộc lẫn nhau mà tồn tại. Không có gì tồn tại một mình, độc lập. Chẳng hạn, một cái cây chỉ mọc lên khi có đất, nước, ánh sáng và nhiều yếu tố khác kết hợp lại. Nếu thiếu một trong những yếu tố này, cây sẽ không thể tồn tại. Tương tự, bản thân chúng ta cũng tồn tại nhờ vào nhiều yếu tố xung quanh như môi trường, thức ăn, nước uống và các mối quan hệ xã hội. Hiểu được Duyên sinh, ta sẽ thấy rằng không có gì tồn tại vĩnh cửu hay độc lập, và ngay cả bản thân ta cũng là sự phụ thuộc vào các yếu tố khác.
Khi hiểu rõ tư tưởng Duyên sinh, chúng ta đi đến nhận thức về Tính không. Tính không không có nghĩa là sự không tồn tại, mà là không có một thực thể hay bản chất riêng biệt và cố định. Mọi vật, dù là con người, sự vật hay hiện tượng, đều do duyên sinh mà có. Khi các duyên đủ, sự vật hiện hữu; khi các duyên tan rã, sự vật cũng không còn. Ví dụ, một ngôi nhà tồn tại nhờ vào vật liệu xây dựng, người xây dựng và thời gian. Khi các yếu tố này không còn, ngôi nhà sẽ không còn tồn tại. Do đó, tất cả sự vật đều “không” về bản chất, tức là không có tự tính độc lập.
Nếu chúng ta không hiểu được Vô ngã, Duyên sinh, và Tính không, chúng ta sẽ rơi vào cái bẫy của sự chấp. Chấp ngã là tin rằng bản thân có một cái tôi cố định, từ đó dễ bị tổn thương bởi những mất mát hay thất bại. Ví dụ, khi ta bị mất một thứ quý giá, nếu còn chấp vào bản ngã, ta sẽ đau khổ vì nghĩ rằng thứ đó thuộc về “tôi”. Chấp nhân là sự dính mắc vào người khác, tạo ra sự so sánh, ganh ghét và thù hận. Ví dụ, khi nhìn người khác thành công hơn mình, ta có thể sinh lòng đố kỵ. Chấp chúng sinh khiến chúng ta phân biệt, chia rẽ, dẫn đến mâu thuẫn, chiến tranh. Chấp thọ giả làm ta gắn bó quá mức với cuộc sống, sợ hãi cái chết, không chấp nhận sự vô thường của mọi thứ.
Nếu ta có thể quan sát mọi vật ở cấp độ vô ngã duyên sinh và tính không, tức là ta đã chạm đến trạng thái giác ngộ của Như Lai. Bởi vì như lời dạy:
“Nhược kiến chư tướng tất kiến Như Lai” – nghĩa là khi thấy rõ được bản chất của tất cả các tướng, không còn chấp trước vào sự khác biệt và hình tướng bề ngoài, thì cũng là lúc ta thấy được chân lý của Như Lai, nhận ra bản chất thực sự của mọi hiện hữu.
Sự chấp trước này khiến con người sống trong khổ đau, bởi vì họ không nhìn ra được bản chất vô ngã và vô thường của vạn vật. Khi còn chấp ngã, ta sẽ dễ bị tác động bởi sự thay đổi của thế giới bên ngoài, luôn lo lắng, sợ hãi mất mát, và bị ràng buộc bởi những cảm xúc tiêu cực. Tuy nhiên, nếu chúng ta hiểu được ba tư tưởng Vô ngã, Duyên sinh, và Tính không, ta sẽ buông bỏ được sự dính mắc vào bản ngã, không còn bị ràng buộc bởi những ảo tưởng về sự tồn tại cố định của con người và vạn vật. Điều này giúp ta sống an nhiên, không còn lo lắng trước sự thay đổi và mất mát, từ đó đạt đến sự giải thoát khỏi khổ đau.
Tóm lại, Kinh Kim Cương chỉ ra rằng khổ đau sinh ra từ sự chấp trước vào ngã, nhân, chúng sinh, và thọ giả. Khi chúng ta nhận ra rằng mọi thứ đều là vô thường, vô ngã và không có thực thể độc lập, chúng ta sẽ không còn bị ràng buộc bởi những dính mắc thế gian. Điều này dẫn đến sự giải thoát thực sự, giúp ta sống một cuộc sống tự do, bình an và hạnh phúc.
-Tinh thần từ bi “vô phân biệt”:
Trong Kinh Kim Cương, tư tưởng từ bi vô chướng ngại là một khái niệm sâu sắc về lòng từ bi, không bị ràng buộc hay giới hạn bởi bất kỳ chướng ngại nào, từ lòng vị kỷ cho đến sự phân biệt đối xử. Để hiểu rõ điều này, chúng ta cần làm sáng tỏ hai yếu tố cốt lõi: phát tâm bình đẳng không dựa vào tướng và trụ tâm không dựa vào cái ngã thông qua câu “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”.
Muốn hiểu được tinh thần này thì phải quay trở về câu hỏi lúc đầu của tôn giả Tu Bồ Đề: “Bạch đức Thế-Tôn! Trang thiện-nam, người thiện-nữ, phát tâm Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác, thời phải trụ tâm như thế nào, nên hàng phục tâm mình như thế nào?” phát tâm – trụ tâm và hàng phục tâm như thế nào ?
Trong đó ta cũng phải hiểu 3 khái niệm biện chứng khi phát tâm:
-Người cho: trong bối cảnh Phật giáo không chỉ đơn giản là một người thực hiện hành động bố thí mà còn là người đang thực hành Bồ Tát Đạo. Tuy nhiên, Đức Phật dạy rằng người thực hành bố thí không nên chấp vào ý tưởng rằng “tôi là người cho”, tức là không nên bám vào bản ngã hay ý niệm về hành động của mình. Khi chúng ta nghĩ “tôi là người cho”, chúng ta tự tạo ra một ngã – bản ngã của chính mình, và từ đó sinh ra sự tự hào, mong cầu sự đáp lại, hoặc chấp vào công đức của mình. Điều này đi ngược lại với tinh thần của Kinh Kim Cương, nơi mà Đức Phật nhấn mạnh rằng hành động bố thí phải được thực hiện mà không dính mắc vào ý tưởng về “người cho”.
– Người nhận: Tương tự, người được cho cũng không có thực thể cố định. Đức Phật dạy rằng người được cho chỉ là một phần của chuỗi duyên sinh, không có tự tánh độc lập. Người nhận không phải là một cá nhân cố định mà chỉ là một hiện tượng tạm thời trong dòng chảy của cuộc sống. Nếu chúng ta nghĩ “người này nhận của tôi”, chúng ta đã tạo ra sự phân biệt giữa người cho và người nhận, dẫn đến sự chấp trước và mong đợi sự đáp trả. Trong Kinh Kim Cương, Đức Phật khuyên rằng hành động bố thí phải không dính mắc vào người cho, người nhận, và cả vật được cho.
– Vật được cho : Vật được cho cũng là một khái niệm không nên chấp vào. Vật cho đi chỉ là phương tiện để thực hành lòng từ bi và bố thí, nhưng nếu chúng ta chấp vào giá trị hay ý nghĩa của vật đó, hành động bố thí sẽ trở thành một sự ràng buộc, không còn thanh tịnh.
Trong Kinh, Đức Phật dạy rằng Bồ Tát phải thực hành bố thí mà không dính mắc vào vật được cho, bởi vì tất cả các pháp đều là không, không có bản chất cố định.
1. Phát tâm bình đẳng không dựa vào tướng ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả:
“Phát tâm” trong Phật giáo là khởi tâm, là sự phát sinh ý nguyện làm điều tốt lành, có lợi ích cho chúng sinh. “Bình đẳng” ở đây nghĩa là không có sự phân biệt giữa người này với người khác, không phân biệt giàu nghèo, sắc tộc, tôn giáo, hay bất kỳ đặc điểm ngoại hình, tâm lý nào khác.
Khi nói “không dựa vào tướng”, Đức Phật muốn dạy rằng khi phát tâm từ bi, chúng ta không nên dựa vào những biểu hiện bề ngoài (tướng), không phân biệt người đó là ai, có địa vị gì, hay thuộc giai tầng nào trong xã hội. Tâm từ bi phải xuất phát từ ý niệm bình đẳng giữa tất cả chúng sinh, không dính mắc vào những khác biệt ngoại hình hay bất kỳ đặc tính nào.
Ví dụ: Khi bạn giúp đỡ một người, nếu bạn chỉ giúp đỡ vì họ là người thân của bạn hoặc vì họ giàu có, có quyền thế, thì đó không phải là từ bi vô chướng ngại. Từ bi chân chính phải là giúp đỡ bất kỳ ai, không phân biệt giàu nghèo, đẹp xấu, bạn bè hay người lạ. Đó chính là phát tâm bình đẳng không dựa vào tướng.
2. Trụ tâm không dựa vào cái ngã (ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm):
Câu “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” trong Kinh Kim Cương có nghĩa là: “Tâm không nên trụ vào bất kỳ đâu-tức là không trụ nơi cái ngã của ta, không trụ nơi cái ngã của người khác hoặc của sự vật hiện tượng nào” .
Đây là lời dạy rất quan trọng, nhắc nhở chúng ta rằng khi phát tâm từ bi, tâm chúng ta không nên bám víu, chấp trước vào bất cứ thứ gì, kể cả bản ngã (cái “tôi”). Phật Hoàng Trần Nhân Tông, người sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, là một trong những vị vua lớn của Việt Nam, nhưng sau đó ông đã từ bỏ ngai vàng để tu hành. Trong tác phẩm “Thiền học Chỉ Nam”, ngài nhấn mạnh sự giác ngộ của mình khi nghe câu “Ưng vô sở trụ, nhi sanh kỳ tâm” từ Kinh Kim Cương. Ngài nhận ra rằng giác ngộ không đến từ việc cố tìm kiếm ở đâu đó, mà từ việc không trụ vào bất kỳ điều gì – không trụ vào ý niệm, cảm xúc, hình tướng, hay sự phân biệt.
Trần Thánh Tông, trong lúc giận dỗi trước áp lực từ triều đình và người chú Trần Thủ Độ, đã rời cung lên chùa để tìm sự bình yên. Tuy nhiên, Trần Thủ Độ không để yên, mang cả triều đình lên núi ép vua trở về. Khi trở lại cung, Trần Thánh Tông không còn đau khổ như trước, vì tâm ông không còn trụ nơi triều đình hay người chú. Thay vào đó, ông tìm được sự an lạc từ nội tâm, khiến dù ở cung hay chùa, ông vẫn giữ được bình yên trong lòng. Vì Tâm của Phật không trụ nơi chùa hay rừng cây, tâm ngài trụ nơi chính thực tại của ngài.
Trụ tâm không dựa vào cái ngã nghĩa là khi chúng ta thực hành từ bi, chúng ta không nên nghĩ rằng “tôi đang giúp đỡ người khác”, “tôi đang làm việc thiện”, bởi vì khi chúng ta chấp vào cái “tôi”, tâm từ bi sẽ bị giới hạn bởi lòng vị kỷ, và từ đó, chúng ta dễ sinh ra những suy nghĩ mong cầu nhận lại sự đền đáp hoặc cảm giác kiêu hãnh về việc mình làm.
Ví dụ: Nếu bạn giúp đỡ người khác nhưng trong lòng luôn nghĩ rằng “Tôi đang làm việc tốt”, “Tôi là người từ bi”, thì lòng từ bi của bạn đã bị giới hạn bởi cái ngã. Trong trường hợp này, bạn sẽ cảm thấy thất vọng hoặc buồn bã nếu không nhận lại được sự cảm ơn hay đánh giá cao từ người khác. Đó là vì bạn đã “trụ tâm” vào cái ngã, dính mắc vào ý nghĩ rằng mình phải nhận lại điều gì đó.
3. Hàng phục tâm: có nghĩa là chế ngự những suy nghĩ, cảm xúc tiêu cực như tham, sân, si – những thứ thường khiến chúng ta rơi vào sự dính mắc và đau khổ. Trong quá trình phát tâm từ bi, nếu ta không hàng phục được tâm mình, dễ bị chi phối bởi những cảm xúc tiêu cực như ganh tị, đố kỵ, hoặc mong cầu sự đền đáp, thì lòng từ bi của chúng ta sẽ bị chướng ngại. Để lòng từ bi không bị cản trở. Khi chúng ta hành bố thí, nếu không hàng phục được tâm, ta dễ rơi vào những cạm bẫy tâm lý dẫn đến việc bỏ cuộc hoặc làm mất đi ý nghĩa của hành động từ bi.
Ví dụ: Khi ta thực hành tài thí (bố thí vật chất), đôi khi gặp phải những chỉ trích, công kích, hoặc bị vu khống một cách vô căn cứ. Những lời vu khống này có thể đến từ bất cứ lý do nào, khiến ta sinh lòng sân hận, cảm thấy bất công và dẫn đến việc từ bỏ hành động bố thí. Tuy nhiên, người được ta bố thí thực ra không phải là người làm ta sân giận, và những người sắp được ta bố thí cũng không có liên quan gì đến những chỉ trích đó. Nếu ta không hàng phục được tâm mình, ta sẽ dễ bỏ cuộc trên con đường tinh tấn, chỉ vì những cảm xúc tiêu cực nhất thời.
Một ví dụ khác minh họa rõ ràng sự thiếu hàng phục tâm là trường hợp của vua Lương Vũ Đế. Khi ông thực hành bố thí, cúng dường, ông đã mắc kẹt trong sự chấp vào phước đức và công đức của mình, chấp vào sự “vĩ đại” mà ông đã tạo ra thông qua những hành động thiện lành. Ông tin rằng mình đã đạt được những công đức to lớn từ việc bố thí và mong nhận lại sự tán dương, kính phục. Tuy nhiên, khi gặp Tổ Đạt Ma, người đã thẳng thừng trả lời rằng “vô công vô đức”, vua Lương Vũ Đế đã sinh lòng sân hận và đuổi Tổ đi. Đây là một biểu hiện của việc phát tâm và trụ tâm mà thiếu sự hàng phục tâm. Chính vì không hàng phục được lòng kiêu mạn, chấp vào công đức của mình, vua đã phản ứng tiêu cực khi không nhận được sự công nhận như mong đợi.
Tư tưởng từ bi vô chướng ngại trong Kinh Kim Cương không chỉ giúp chúng ta sống một cách nhân từ, mà còn mang lại sự giải thoát khỏi khổ đau, vì chúng ta không còn bị chi phối bởi cảm xúc tiêu cực hay sự dính mắc vào bản ngã. Bằng cách phát tâm bình đẳng, trụ tâm không chấp trước, và hàng phục những cảm xúc tiêu cực, chúng ta sẽ đạt đến trạng thái an lạc và tự tại trong mọi hành động.
Sau khi khám phá cách áp dụng các tư tưởng của Kinh Kim Cương vào đời sống, chúng ta nhận ra rằng việc thực hành không chỉ giúp giải quyết các vấn đề cá nhân mà còn mang lại sự an lạc lâu dài. Chính sự hiểu biết sâu sắc về vô ngã và duyên sinh sẽ dẫn chúng ta đến con đường giải thoát khỏi khổ đau. Phần kết luận dưới đây sẽ tóm gọn lại những ý tưởng chính và giá trị thực tiễn mà Kinh Kim Cương mang lại cho cuộc sống của chúng ta.
3. Sự thực hành kinh kim cương trong cuộc sống:
Khi đối mặt với thất bại, điều quan trọng là không nên gán hết trách nhiệm lên bản thân mình. Chúng ta thường có xu hướng tự trách: “Tôi thất bại vì tôi quyết định sai. Tất cả là lỗi của tôi,” rồi từ đó mà dằn vặt và đau khổ. Nhưng thực ra, nếu hiểu theo tinh thần của Kinh Kim Cương, không có một cái “tôi” cố định, bất biến nào chịu trách nhiệm cho tất cả mọi thứ. Mọi sự kiện, mọi hành động đều là kết quả của nhiều yếu tố tác động lẫn nhau – từ môi trường sống, hoàn cảnh cho đến những trải nghiệm, nhận thức của chúng ta vào thời điểm đó.
Cái “tôi” mà ta nghĩ là chính mình, thật ra chỉ là một sự tập hợp tạm thời của nhiều yếu tố thay đổi không ngừng theo thời gian. Hiểu được điều này, chúng ta sẽ thấy nhẹ lòng hơn, bớt đi sự dằn vặt. Ta nhận ra rằng thất bại không phải là cái gì đó bám chặt lấy mình, mà nó cũng chỉ là một phần trong chuỗi nhân duyên sinh diệt liên tục. Khi buông bỏ được ý niệm về bản ngã cố định, ta có thể thoát khỏi đau khổ và mở lòng ra đón nhận cuộc sống một cách tự do hơn.
Tương tự, khi ai đó làm tổn thương mình, ta thường tức giận, thậm chí nghĩ rằng người đó đáng bị trừng phạt. Nhưng khi tiếp tục thực hành theo Kinh Kim Cương, ta sẽ thấy rằng chẳng có ai thực sự cố tình làm ta đau khổ cả. Họ cũng chỉ là sản phẩm của các yếu tố, hoàn cảnh tác động vào họ. Quyết định của họ, dù tốt hay xấu, đều phụ thuộc vào những gì họ đã học, đã cảm nhận từ trước đó – điều mà họ không thể hoàn toàn kiểm soát.
Thực tế là, trong mọi sự tổn thương mà ai đó gây ra cho ta, ta cũng đóng vai trò là một trong những điều kiện tạo nên hành động của họ, dù có thể ta không hề cố ý. Và nếu chúng ta cũng không cố ý gây ra điều gì, thì có lẽ những điều kiện khác trong họ cũng không cố ý – tất cả đều là nhân duyên tác động lẫn nhau mà thôi.
Hiểu được điều này sẽ giúp ta không còn chấp vào thù hận hay mong muốn trừng phạt, mà thay vào đó là sự thông cảm và bao dung. Từ đó, chúng ta không chỉ giải thoát bản thân khỏi khổ đau mà còn mở ra một con đường sống tràn đầy từ bi, không phân biệt, không trách móc.
Để dễ hiểu hơn tôi có 3 trường hợp:
Vô ngã khi đối mặt với thất bại trong công việc:
Giả sử bạn là người quản lý dự án trong một công ty lớn và vừa trải qua một thất bại lớn trong một dự án quan trọng. Thay vì rơi vào cảm giác dằn vặt và tự trách móc, bạn có thể áp dụng tư tưởng vô ngã từ Kinh Kim Cương. Trong cuộc sống, chúng ta thường cảm thấy bản thân chịu trách nhiệm hoàn toàn cho mọi sự thất bại và thành công, và điều này dẫn đến khổ đau.
Kinh Kim Cương dạy rằng: “Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng”, tức là những gì chúng ta nhìn thấy và cảm nhận, nếu bị bám víu, đều là ảo tưởng. Sự thất bại của dự án không phải là điều gì cố định, mà chỉ là kết quả của một loạt các yếu tố khách quan và chủ quan tác động lẫn nhau.
Bạn có thể hiểu rằng sự thất bại không chỉ do quyết định của bạn mà còn bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác như thị trường, điều kiện tài chính, và sự hợp tác của đội ngũ. Khi buông bỏ sự chấp trước vào “cái tôi” và không để bản ngã kiểm soát suy nghĩ, bạn sẽ không bị đau khổ vì thất bại, mà có thể rút kinh nghiệm và tiếp tục tiến lên.
Duyên sinh trong gia đình:
Trong một gia đình, nếu một thành viên thường xuyên có những hành động tiêu cực, như một người con tỏ ra cáu kỉnh và không tôn trọng cha mẹ, thì thay vì chấp ngã và nổi giận, bạn có thể áp dụng tư tưởng duyên sinh để thấu hiểu vấn đề. Trong Kinh Kim Cương, Phật dạy rằng mọi hiện tượng đều là kết quả của nhân duyên tương sinh:
“Như Lai giả, vô sở tùng lai, diệc vô sở khứ” – Như Lai không từ đâu đến và cũng không đi về đâu, nhấn mạnh tính chất duyên khởi của vạn vật.
Cơn giận dữ và thái độ tiêu cực của người con không phải tự nhiên mà có, mà là kết quả của nhiều yếu tố: áp lực học tập, bạn bè, môi trường sống, hay cả việc thiếu đi sự thấu hiểu từ cha mẹ. Thay vì nổi giận và chỉ trích, cha mẹ có thể nhận ra rằng sự cáu kỉnh này chỉ là biểu hiện của những nhân duyên phức tạp và cần được giải quyết bằng tình thương và sự thấu hiểu.
Nhờ tư tưởng duyên sinh, bạn có thể đặt mình vào vị trí của người con để nhìn nhận tình huống từ một góc độ khác, từ đó cải thiện mối quan hệ gia đình, thay vì để cho sự tức giận phá vỡ tình cảm.
Từ bi vô phân biệt trong hành động xã hội
Một trong những ứng dụng lớn nhất của tư tưởng từ bi vô phân biệt từ Kinh Kim Cương là khi làm việc từ thiện hoặc giúp đỡ người khác. Trong Kinh, Phật dạy rằng: “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”, tức là khi phát tâm từ bi, đừng dựa vào bất kỳ điều kiện hay hình tướng nào để sinh tâm.
Ví dụ, khi bạn tham gia một hoạt động từ thiện, thay vì chỉ giúp đỡ những người mà bạn thấy quen thuộc hoặc cảm thấy gần gũi, bạn nên giúp tất cả mọi người không phân biệt giai cấp, màu da, hay địa vị xã hội. Nếu một ngày bạn gặp một người vô gia cư trên phố, thay vì suy nghĩ rằng “người này không liên quan đến tôi” hay “họ phải chịu trách nhiệm cho cuộc sống của họ,” bạn hãy nhớ rằng lòng từ bi chân chính là vô điều kiện.
Khi thực hành từ bi theo Kinh Kim Cương, chúng ta không dính mắc vào những gì mà chúng ta “nhìn thấy” hoặc “biết về” người khác. Ta hành động vì lòng từ bi tự nhiên, không mong cầu sự đền đáp hay sự tôn vinh. Điều này giúp giải thoát chính mình khỏi những giới hạn của bản ngã và đồng thời giúp người khác trong cuộc sống.
Kinh Kim Cương không yêu cầu ta phải tụng niệm hay thực hành phức tạp, mà chỉ cần nhận thức rõ ràng về vô ngã và duyên sinh trong từng khoảnh khắc của đời sống. Đây là chìa khóa để chúng ta giảm thiểu nỗi đau, thất vọng và thù hận trong cuộc sống.
Phần kết luận
Kinh Kim Cương không chỉ đơn thuần là một bản kinh về triết lý mà còn là hướng dẫn thực hành sâu sắc, giúp con người nhận ra bản chất vô ngã và duyên sinh của vạn vật. Thông qua việc hiểu và áp dụng những tư tưởng như vô ngã, duyên sinh, và tính không, chúng ta có thể buông bỏ những chấp trước và định kiến về bản thân và thế giới xung quanh. Điều này giúp ta không còn mắc kẹt trong những thất bại hay khổ đau, bởi chúng ta nhận thức rằng mọi sự vật và hiện tượng chỉ là kết quả của nhiều yếu tố tương duyên mà thành.
Tinh thần từ bi vô phân biệt trong Kinh Kim Cương cũng nhắc nhở chúng ta rằng lòng nhân ái không nên bị giới hạn bởi bất kỳ rào cản nào, từ cảm xúc cá nhân đến sự khác biệt ngoại hình hay địa vị. Từ bi thật sự chỉ xuất phát từ lòng bao dung và sự hiểu biết sâu sắc về tính vô thường và duyên sinh.
Ai cũng có thể trở thành một vị Bồ Tát, bởi Bồ Tát không phải là một thực thể xa vời, mà là người có hạnh nguyện lớn lao, vô phân biệt, hướng đến việc giúp đỡ chúng sinh. Mỗi chúng ta có thể thực hành những hạnh nguyện ấy mỗi ngày, qua các hành động từ bi, khoan dung và vô điều kiện. Nếu ai cũng sống với tinh thần Bồ Tát, thì xã hội sẽ trở thành một cõi Niết Bàn ngay trong thực tế, một nơi an lạc và hạnh phúc hiện hữu ngay trước mắt chúng ta.
Kết lại, Kinh Kim Cương mở ra con đường giải thoát khỏi khổ đau không phải bằng cách tụng niệm hay lễ nghi, mà bằng việc nhận thức rõ ràng và áp dụng những nguyên lý cơ bản vào đời sống hàng ngày. Nhờ đó, chúng ta không chỉ có thể sống một cuộc đời an nhiên và tự tại, mà còn giúp lan tỏa lòng từ bi và sự bình an đến với mọi người xung quanh.
Tôi mong là: Bài viết của tôi cũng sẽ giống như bút danh Trung Nghĩa “Diệt thị Trung đạo nghĩa” muốn nhấn mạnh rằng việc đạt đến trạng thái đoạn diệt khổ đau (niết bàn) chính là con đường Trung đạo không chấp vào bất kỳ cực đoan nào, không bị vướng mắc vào lời văn và khái niệm bên ngoài.