Kinh nghiệm đàm phán giảm giá với chủ nhà khi đi mua bất động sản
Kinh nghiệm đàm phán giảm giá với chủ nhà khi đi mua bất động sản
(Xây dựng) – Thông thường, người mua bất động sản sẵn sàng trả giá cao để sở hữu bất động sản vì sợ lỡ cơ hội. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của những người mua bất động sản chuyên nghiệp, thì họ sẽ kiên nhẫn hơn và có chiến lược để sở hữu được với mức giá phù hợp nhất.
Theo Realtor – một trang về bất động sản tại Mỹ, có 5 kinh nghiệm giúp bạn đàm phán một cách chuyên nghiệp để được giá “hời” khi mua bất động sản. |
Nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi đàm phán
Cần phải biết mình đang ở đâu và giới hạn tài chính là bao nhiêu trước khi bắt đầu đàm phán. Khi xác định được mức tài chính có thể chấp nhận được, bạn sẽ tự tin đàm phán cũng như rút lui khi cần thiết.
Bạn có thể nhờ tới các ngân hàng hoặc đơn vị tư vấn nếu không am hiểu về tài chính. Những đơn vị này sẽ dễ dàng giúp bạn biết được mức ngân sách phù hợp từ những thông tin thu nhập, dòng tiền, lãi vay hay các tài sản khác.
Ngoài việc hiểu về tài chính cá nhân, bạn cũng cần so sánh giá của các sản phẩm tương tự trong khu vực. Khi có nguồn số liệu, bạn sẽ có cơ sở để đàm phán dựa trên yếu tố vị trí, diện tích, số phòng, quy hoạch, cơ sở hạ tầng, tiện ích thương mại, tình trạng của tòa nhà. Nếu căn nhà đã xuống cấp và cần sửa chữa thì bạn cần lưu ý để đàm phán giá.
Đàm phán theo chiều hướng đi lên
Sau khi đã nghiên cứu kỹ thông tin ở bước 1, bạn đã có thể đưa ra mức giá tự bạn thấy đã phù hợp. Tất nhiên phía người bán sẽ không dễ dàng đồng ý ngay từ đầu. Để cuộc đàm phán không đi vào ngõ cụt, bạn hãy nâng dần mức giá có thể chấp nhận được.
Nếu chủ nhà quá cứng nhắc không chịu hạ giá thì bạn có thể đàm phán các chi phí về thủ tục hành chính.
Tìm hiểu thông tin về người bán
Nếu bạn hiểu được hoàn cảnh cũng như động cơ của người bán thì sẽ dễ hơn trong đàm phán. Tuy nhiên, điều này không phải là dễ dàng. Bạn có thể tìm hiểu thêm thông qua các môi giới hoặc hàng xóm lâu năm sống cạnh người bán. Trong trường hợp người bán cần tiền gấp để trả nợ, bạn có thể ép giá nếu họ cần tiền ngay.
Không được để cảm xúc chi phối
Nhiều người dễ bị cuốn vào cảm xúc khi đứng trước quyết định mua một tài sản lớn như bất động sản. Những nhà đầu tư có kinh nghiệm khuyên bạn không thể hiện cảm xúc ngay cả khi rất hài lòng về nó.
Khi người bán nhận ra, họ sẽ không chịu nhượng bộ trong cuộc đàm phán. Vì vậy, ngay cả khi đã hoàn toàn ưng ý thì bạn cũng nên tìm cách để tìm ra điểm chưa ổn của ngôi nhà.
Tuy nhiên, bạn cũng cần lưu ý việc chê là con dao 2 lưỡi. Nếu bạn chê thái quá, người bán sẽ không muốn tiếp tục giao dịch với bạn. Vì vậy, bạn cần quan sát phản ứng của người bán để biết nên chê đến đâu là vừa đủ.
Nghiên cứu bối cảnh thị trường
Một yếu tố quan trọng giúp người mua đàm phán thành công là bối cảnh môi trường kinh tế. Thị trường bất động sản có chu kỳ và sẽ có giai đoạn lợi thế thuộc về người mua. Giá của bất động sản cũng có sự khác nhau giữa các khu vực. Chính vì vậy, bạn cần nghiên cứu về xu hướng giao dịch bất động sản trong thời gian gần nhất. Nếu giá có xu hướng giảm, bạn sẽ có lợi thế để đàm phán.
Một chi tiết khác người mua nên kiểm tra là thời gian rao bán của những bất động sản tương tự trong khu vực. Nếu các căn nhà khác dễ dàng giao dịch trong thời gian ngắn thì có thể sẽ có nhu cầu đang tăng cao và ngược lại.
Bạn đang đọc Tin tức xây dựng trên website hungday.com