Kinh nghiệm setup góc làm việc
Tháng tám 4, 2024
Một số chia sẻ của cá nhân về kinh nghiệm setup góc làm việc. Hy vọng giúp ích cho các bạn nào có cùng đam mê và đang thử nghiệm setup cho riêng mình.
A. Góc nào trong nhà
1.Ưu tiên: có cửa sổ
Sẽ có 3 cách setup bàn bên cửa sổ,
1.1.Thứ nhất ngay tại cửa sổ đặt bàn -> yêu thích bởi những cửa sổ có view thiên nhiên đẹp, thư giãn, nếu không có nắng chiếu trực tiếp qua cửa sổ vào (do hướng nhà) hoặc do có mái che thì màu xanh thiên nhiên mát mắt vừa giúp thư giãn vừa làm nền cho màn hình làm việc rất tuyệt vời. Nhưng lưu ý, nếu background sáng hơn màn hình (do ánh sáng từ ngoài cửa sổ vào nhiều) sẽ khiến mắt phải điều tiết nhiều hơn để nhìn các nội dung trong màn hình máy tính dẫn đến mỏi mắt nhanh, do đó không phù hợp trong thực tế người thực sự làm việc với máy tính thay vì ngồi ngắm cảnh.
1.2.Thứ hai, setup bên hông là cửa sổ, tức là đặt bàn bên trái hoặc bên phải tường có cửa sổ. Một cách tự nhiên, ánh sáng bên ngoài chiếu vào qua cửa sổ có thể tăng sáng cho màn hình (không nên trực tiếp quá và nhiều sáng quá có thể gây chói, trường hợp bị chói/bóng màn hình có thể xử lý bằng rèm mỏng hoặc màn chống chói). Khi mắt nhìn vào màn hình sẽ được trợ sáng nhờ ánh sáng tự nhiên. Khi muốn nghỉ ngơi cho mắt khỏi nhìn màn hình, ta có cửa sổ bên cạnh để ngắm cảnh. Một lựa chọn không tồi.
1.3.Thứ ba, quay lưng với cửa sổ. Không phải 1 góc setup thú vị do không tận dụng được view cửa sổ vì ta bắt buộc phải quay lưng lại màn hình hoặc rời góc làm việc để có thể thấy view của cửa sổ. Đồng thời người của mình sẽ cản ánh sáng ngoài trời chiếu qua cửa sổ, chiếu vào màn hình một cách tự nhiên vào ban ngày.
Lưu ý về ánh nắng: Nắng hè chiếu vào phòng không bật điều hoà sẽ khiến nhiệt độ tăng lên cao, do đó góc setup đồ điện tử quá gần cửa sổ mà không có rèm, dán film cách nhiệt hoặc biện pháp giảm nhiệt độ phòng có thể ảnh hưởng đến tuổi thọ các đồ điện tử về lâu dài.
2.Không ưu tiên: góc trong phòng kín không có cửa sổ
Nếu trong phòng kín không có cửa sổ thì sẽ phù hợp với game thủ chuyên hoạt động đêm, setup theo style full đen, nhiều đèn led trang trí. Vào ban ngày khi không có ánh sáng tự nhiên thì góc nhìn sẽ không được hấp dẫn lắm.
B.Chọn 1 tone màu chủ đạo để phối
1.Hài hoà giữa tường xung quanh, sàn nhà
-Giữ nguyên hiện trạng tường, sàn nhà tại nơi setup, chọn tone màu phù hợp để setup. Ví dụ tường màu trắng hoặc be, sàn gỗ -> chọn setup màu tone sáng, trắng full hoặc trắng be hoặc tone màu gỗ.
-Thay đổi hiện trạng xung quanh để setup theo tone màu mong muốn. Bạn có thể cải tạo lại chút tại nơi setup ví dụ ốp gỗ trên tường với màu tối để setup góc tone màu gỗ hoặc màu tối. Hoặc sơn màu xanh lá nếu thích thiên nhiên và định setup full gỗ, tone chủ đạo gỗ/xanh/trắng.
2.Background tường phía sau góc setup:
Trường hợp không setup tại cửa sổ (tức không lấy view cửa sổ thành background góc setup).
-Style nhiều đồ: peg treo đồ (trên peg sẽ để các đồ công nghệ lỉnh kỉnh như tai nghe chụp tai, tai nghe có dây, phím cơ… các kệ để đồ.
-Style tối giản: để background phía sau là chữ đơn giản hoặc tranh đơn giản hoặc có miếng đèn led decor (nếu setup góc cho hoạt động buổi tối).
C. Đồ
1.Một số loại đồ thường gặp trên 1 góc setup làm việc (tất cả các đối tượng, bên dưới mục 3 về một số style sẽ nói rõ hơn đến 1 số đồ đặc thù cho đối tượng khác nhau):
-Bàn: bàn nâng hạ hoặc bàn truyền thống (có tủ hoặc không tủ), chất liệu đa dạng từ kim loại (thép), gỗ (gỗ nguyên bản, gỗ ép MDF…)
-Màn hình (24,27,32… inch)
-Bộ xử lý (PC, Macmini, Laptop)
-Loa (loa kiểm âm, loa bluetooth, loa có dây truyền thống để bàn)
-Tai nghe (không dây hoặc có dây)
-Micro (rời hoặc mic tích hợp trong tai nghe/laptop)
-Pad chuột/bàn phím
-Bàn phím cơ/giả cơ
-Kê tay bàn phím hoặc kê tay cho chuột
-Chuột (có dây hoặc không dây hoặc tích hợp)
-Kệ để bàn (đặt màn hình lên trên hoặc màn hình có arm thì kệ phía dưới màn hình): để đồ decor, trang trí cho bàn.
-Đèn bàn loại rời, truyền thống (có dây hoặc không dây sạc pin) hoặc loại đèn màn hình (gắn bàn hoặc gắn trực tiếp lên màn)
-Đế để điện thoại, ipad (có thể kiêm sạc không dây)
-Đồ decor: đồng hồ để bàn (truyền thống hoặc đồng hồ điện tử hiện số), lịch để bàn, cây xanh để bàn, máy ảnh…)
-Ghế: ghế gaming hoặc ghế công thái học
-Gác chân: loại công thái học hoặc loại gác chân thông thường
-Cốc nước: làm từ kim loại hoặc gốm sứ hoặc vật liệu xanh tái chế (bã cà phê,…) hoặc nhựa. Cốc có quai hoặc không quai, quay cốc thon hay béo, thân cốc trụ tròn hoặc trụ vuông, thành cốc dày hay mỏng.
-Đồ để cốc nước trên bàn: lót cốc bằng gỗ/vải/đá/mây đan… hoặc tay cầm để cốc gắn bàn.
-Đồ để giấu dây điện: máng/khay giấu dây
-Đồ cá nhân hoá theo sở thích (sưu tầm nước hoa, giày, máy ảnh film, hay khoe bộ sưu tập card đồ hoạ, rubik, lego, figure, robot đồ chơi cơ khí, đồng hồ, sách, truyện manga, anime…)
2.Chi tiết một số đồ quan trọng
2.1.Bàn:
Loại bàn: bàn gỗ truyền thống, bàn kim loại nâng hạ.
2.1.1.Bàn gỗ truyền thống:
-Chất liệu: nếu có điều kiện thì mua loại mặt bàn bằng gỗ thịt, chắc chắn, bền bỉ. Nếu kinh tế hơn thì gỗ MDF, nhưng lưu ý bàn gỗ dạng ikea hay thấy trên mạng mà bàn dài 2m trở lên nên có mặt bàn dày 3cm đổ lên và nên có trụ trợ lực ở giữa, ngoài tủ 2 bên làm chân, nếu không khi tải đồ trên mặt bàn có thể dẫn đến mặt bàn võng xuống vì không chịu được do đặc tính gỗ ép chịu lực kém hơn gỗ thịt.
-Có tủ hoặc không có tủ, với bàn gỗ dài 1m8-2m trở lên nếu có tủ thì nên 2 tủ 2 bên thì tăng thẩm mỹ hơn vì không gian dưới bàn không quá trống trải, trông vững chắc hơn và đồng thời có thêm nhiều không gian để đồ linh tinh, giấy tờ tại góc làm việc. Các bàn ngắn hơn 1m2-1m4 có lẽ không nên có tủ sẽ khiến không gian để chân dưới mặt bàn bị thiếu. Bàn 1m6 có thể chỉ nên có tối đa 1 bên tủ, 1 bên có thể để PC hoặc để trống.
-Hình dạng bàn: do bàn gỗ đóng nên có thể thiết kế theo nhu cầu đa dạng, từ loại bàn dài ngắn đều được, bàn chữ L với các góc setup ở góc nhà hoặc bàn đôi với tủ ở giữa…
2.1.2.Bàn kim loại nâng hạ:
Mình chưa dùng thử nhưng xem các video trên mạng thì vì làm bằng kim loại nên sẽ vững chãi, chịu tải mặt bàn tốt. Mặt bàn sẽ không thể to dài như bàn gỗ đóng. Style setup sẽ nên gọn gàng, tối giản sẽ phù hợp hơn.
-Tủ: Sẽ là tủ rời không liên quan đến bàn hoặc chỉ lắp thêm ngăn kéo nhỏ được do vấn đề thẩm mỹ.
-Hình dạng bàn: Bàn nâng hạ sẽ không có bàn chữ L và các kiểu bàn custom theo hình dạng khác bình thường.
2.2.Màn hình: có 2 vấn đề là loại màn hình đáp ứng nhu cầu gì và số lượng màn hình.
2.2.1. Loại màn hình: sẽ có nhiều loại màn hình đáp ứng các nhu cầu khác nhau:
-Màn hình cho các designer/người làm nhiếp ảnh/nghệ thuật/quay dựng video sẽ cần màn hình chuyên dụng thể hiện màu sắc tốt.
-Game thủ cần màn hình với tần số quét cao, màn hình wide cho một số game đặc biệt như nhập vai, đua xe cho cảm giác đã hơn.
-Màn hình cho một số đối tượng cần xoay dọc để hiển thị nội dung theo chiều dọc nhiều hơn
2.2.2. Số lượng màn hình: tuỳ nhu cầu, từ 1 đến nhiều. Có người dùng song song 2 màn lớn, 1 màn phụ phía dưới 2 màn chính. Có người dùng 1 màn chính nằm ngang, 1 màn phụ xoay dọc bên trái hoặc phải (hoặc 2 màn phụ xoay dọc ở 2 bên). Có người dùng 1 màn chính nằm ngang ultra wide, 1 màn phụ bên dưới. Có người dùng 1 màn chính nằm ngang không quá lớn và laptop cắm bên cạnh làm màn phụ. Có người dùng cả màn chính, màn phụ, màn của laptop (màn phụ 2), màn của ipad (màn phụ 3)… Có rất nhiều cách setup nhưng đến cuối cùng, lưu ý đến thực tế sử dụng. Có mấy vấn đề cần lưu ý khi suy nghĩ về số lượng màn sử dụng và setup như nào:
-Thứ nhất, khi đảo mắt từ màn hình này sang màn hình khác, tính liên tục cần được lưu ý, đó là liên quan đến độ sáng màn, profile màu của 2 màn. Cứ tưởng tượng bạn chuyển mắt từ màn hình chất lượng thấp, màu sắc quá rực, hoặc dù đã cố gắng chỉnh profile màu giống nhau nhưng do giới hạn chất lượng màn mà nó không cách nào phù hợp, bạn làm việc chỉnh ảnh, chỉnh màu khi đó sẽ khó chịu như nào. Hay đơn giản bạn chuyển mắt từ 1 màn hình độ sáng cao sang màn hình độ sáng tối đa thấp hơn, khiến mắt phải điều tiết liên tục và gây mỏi mắt nhanh hơn, khó làm việc tập trung trong thời gian dài. Do vậy, sự phù hợp là quan trọng để làm việc không bị gián đoạn và có thể tập trung trong thời gian dài.
-Thứ hai, khoảng cách giữa các màn hình nếu quá xa, ở các góc độ không hợp lý sẽ khiến bạn phải thay đổi tư thế có thể là cả người hoặc đơn giản là cổ của bạn nhiều hơn khiến bạn bị mệt mỏi, thậm chí nếu không đổi tư thế hoặc đổi sai cách còn khiến gây ra hậu quả không tốt (ví dụ mỏi cổ, lệch cột sống…). Do đó sự thuận tiện, thoải mái là rất quan trọng. Bạn cần thiết kế khoa học cho các màn hình. Còn phụ thuộc vào nội dung bạn làm việc theo chiều dọc hay ngang nhiều để thiết kế màn hình ở trên dưới hay ngang bên cạnh nhau. Đây cũng là sự phù hợp.
3.Một số style để lựa chọn:
3.1.Full công nghệ hiện đại, phù hợp với các game thủ hoặc PC thủ với dàn PC khủng: do đã có dàn PC khủng cùng với các thiết bị chơi game cao cấp ví dụ màn hình ultra wide, bàn phím cơ gaming, chuột gaming, thiết bị chơi game cầm tay, game console,… Nhiều game thủ cũng sẽ đồng thời là streamer do đó sẽ cần các thiết bị hỗ trợ stream như webcam, micro xịn, giá đỡ điện thoại/máy quay… do đó đi theo style full công nghệ và hiện đại sẽ phù hợp. Do thường làm việc buổi tối hoặc thường tắt đèn khi làm việc (để tăng tập trung, giảm mỏi mắt) vì vậy các góc setup có thể tăng cường trang trí led, vừa trợ sáng vừa tăng sự hầm hố, hiện đại.
Phối màu ưa thích: đen (với con trai) và hồng/trắng (với con gái).
3.2.Full công nghệ hiện đại nhưng chuyên dụng hơn là coder/developer/designer: thiết bị cần thiết là nhiều màn hình (coder/developer), macmini hay macstudio (dân đồ hoạ, thiết kế, quay chụp),… Với designer có thể cần bảng vẽ điện tử wacom hoặc ipad pro với apple pencil.
3.3.Style tối giản: tối giản nhất có thể, vừa đủ sử dụng theo nhu cầu, vẫn thể hiện gu.
Với style tối giản, phối màu ưa thích có thể là màu thiên nhiên, gỗ (tone be, xanh lá, gỗ), phối màu full trắng (hoặc trắng đen, trắng ghi với trắng chủ đạo), tone đen xanh hoặc tone trắng hồng với nữ. Phù hợp với những đối tượng không phải game thủ. 2 setup sample đơn giản:
-Có màn hình: 1 màn hình, 1 laptop (để xuất màn hình) hoặc 1 màn hình, 1 macmini (PC khiến tổng thể setup khá nặng nề, nếu có PC thì cần giấu xuống dưới bàn). Loa bluetooth như marshall hoặc tai nghe bluetooth tích hợp mic. Nếu mic rời thì dùng arm gắn bàn. 1 cốc nước có lót cốc hoặc tay gắn bàn để cốc. Cây xanh.
-Không có màn hình: siêu tối giản khi dùng combo ipad+bàn phím cho ipad+chuột không dây (optinal, thậm chí không cần). Đây là style dành cho người làm việc nhẹ nhàng thanh cảnh như sếp check email, lướt web, xem bảng giá. Có thêm 1 cốc nước trên bàn nữa là đủ.
3.4.Style cổ điển/retro/vintage (có thể hoặc không kết hợp cùng phong cách tối giản):
Chọn tone màu và đồ style cổ điển/retro/vintage. Ví dụ dùng đèn để bàn pixel với bóng đèn sợi tóc, loa bluetooth marshall, cây xanh để bàn, giá gỗ trên tường để đồ vintage như máy ảnh film và cây xanh rủ (thật hoặc giả), cốc nước retro, lót cốc bằng gỗ,…
4.Lựa chọn của mình:
Cửa sổ bên trái đưa ánh sáng vào phòng, view đẹp nhưng ánh sáng ban ngày là quá nhiều với mình (mình thích đêm hơn) do đó mình đặt góc làm việc bên cạnh chứ không đặt ngay tại vị trí cửa sổ. Tường nhà và nội thất tone màu trắng be do đó mình quyết định setup góc làm việc với tone màu full trắng. Background tường phía sau do có sẵn giá sách treo nên quyết định để nguyên làm background, thêm sách và máy ảnh để giá sách thực hiện chức năng của nó, không cần thêm led hay tranh hoặc giá để đồ.
Mình thích đồ công nghệ nhưng không phải game thủ và đang sử dụng hệ sinh thái của Apple, do đó ưu tiên là dùng MacBook xuất màn hình (do MacBook Pro M1 đủ khoẻ để kéo màn 4K và làm việc), không cần PC. Mình cũng không phải coder/dev hay trader chứng khoán nên không cần quá nhiều màn hình. Mình cũng không phải dân thiết kế/vẽ nên không cần bảng vẽ điện tử. Do đó lựa chọn của mình là style hơi hướng hiện đại nhưng tối giản về đồ setup.
-Bàn ikea gỗ, mình thích 1 chiếc bàn to và dài, do không gian thoải mái, bàn to dài cho cảm giác khoáng đạt, dễ setup theo style tối giản. Bàn dài tới 2m và rộng 70cm. Trước đó mình cân nhắc độ rộng 60, 70 hay 80. Tuy nhiên cuối cùng chọn 70cm và khá hài lòng với lựa chọn của mình. 1 chiếc màn hình, 1 kệ gỗ, 1 pad chuột loại lớn có thể sắp xếp vừa đủ, không chật chội (nếu chọn 60cm) cũng không thừa thãi (nếu chọn 80cm).
-Kệ gỗ trắng mua trên shopee nhưng lưu ý màu trắng hơi ngả xanh, lại hơi lạc màu với bàn màu trắng ngả vàng của bàn. Nhìn chung nếu muốn hoàn hảo, nên lưu ý dù cùng gọi là 1 màu nhưng có thể vẫn lệch nhau về thị giác. Để đồng bộ không phải đơn giản.
-Màn hình 27 inch Asus Proart PA279CV. Trải nghiệm của mình thấy màn hình 27inch là đủ to để xử lý thoải mái đa tác vụ. Với khoảng cách mắt từ ghế tới màn hình, nếu màn hình to hơn 27inch cảm giác là quá gần, đồng thời bạn cũng sẽ sử dụng font chữ không thể quá lớn. Màn hình 27inch hoàn toàn có thể đa nhiệm rất nhiều cửa sổ, thoải mái kiểm soát và mở rộng làm việc đa nhiệm. Chọn màn Asus Proart 27inch này vì màn hình dành cho dân đồ hoạ, thiết kế với độ phủ màu và hiển thị màu tốt, góc nhìn rộng, màn hình 4K cho phép Macbook Pro xuất hình ảnh chất lượng cao sang, tốc độ làm tươi 60Hz đủ dùng vì không chơi game. Màn hình này còn hỗ trợ cổng type C xuất hình và sạc đồng thời cho Macbook Pro công suất 65W. Phù hợp với chiếc Macbook Pro M1 14inch của mình.
-Đèn màn hình gắn bàn UPGen Scorpio với chiều dài sải dài, khớp linh hoạt cho phép gia tăng phạm vi chiếu sáng tới hơn 2/3 chiếc bàn dài 2m của mình (vì mình để laptop bên trái màn hình chính, và mình cũng đề phòng trường hợp viết ghi chú hay đọc gì đó thoải mái hơn thay vì chỉ ngồi tại trước màn hình chính (nơi đã có bàn phím cơ tại đó). Đèn có 5 mức sáng và 5 mức nhiệt độ màu, nút bấm điều khiển cảm ứng và có cả chế độ sáng tự thích ứng theo môi trường nhờ có cảm biến ánh sáng.
-Cặp loa kiểm âm Edifier MR4 42W vỏ gỗ trắng với đế loa cũng trắng (mua riêng thêm), vừa nghe đủ tốt (với tai của mình) và decor quá đẹp. Có 2 chế độ: cả chế độ kiểm âm (monitor mode) và chế độ giải trí (music mode).
– Đế sạc Mophie Snap + Stand & Pad: Sạc đôi kiêm đế treo điện thoại (sạc nhanh magsafe 15W cho 2 thiết bị cùng lúc, mình dùng iphone 15 pro và Airpod pro của mình) của Mophie. Sạc không dây luôn nóng và chậm hơn sạc nhanh có dây nhưng khá tiện khi ngồi làm việc sẽ có nơi đặt điện thoại trong tầm mắt lại có thể sạc cho điện thoại khi ngồi máy tính, đồng thời sạc được không dây cho Airpod Pro.
-Cây xanh thuỷ sinh để bàn.
-Cốc gốm sứ màu trắng điểm chấm style Hàn Quốc với quai to. Lót cốc hoa văn trắng đen hợp tone.
-Giá treo tai nghe nhôm tone bạc. Tai nghe bluetooth có tích hợp mic, tiếc là không có màu trắng nên phải mua màu be, nhưng vẫn tạm hợp với tổng thể màu trắng sáng (vẫn tốt hơn tai nghe chụp tai màu đen trước đây của mình)
-Pad chuột loại lớn màu trắng viền đen, hoạ tiết trắng đen.
-Bàn phím cơ FL-Esports FL750 White Olivia tone trắng điểm 1 số phím đen: có nhiều mode, có cả không dây, dùng switch Kailh Box V2 Red gõ thock khá hay. Mình đã dùng qua một số bàn phím cơ, sở hữu thì có 8 bàn phím của Filco, Akko, Leopold, Keydous và giờ là FL thì khá hài lòng với lựa chọn này rất ok chỉ với tầm giá 2 triệu, với tone màu trắng điểm đen thanh lịch và phím gõ khá thocky. Trước đó có xem một số chiếc tone đen trắng nhưng cũng không có nhiều lựa chọn (có chiếc Rainy 75 bản trắng đen, nhìn có style tương tự nhưng chưa được thử).
-Chuột không dây Logi Master 3s: thiết kế công thái học, không dây, thích nhất là tính năng cuộn vô cực, cuộn tự do ngang dọc đều được, sạc type C.
-Gác chân massage chân, công thái học màu trắng.
-Ghế gaming Warrior tone đen trắng: tận dụng từ góc setup cũ full đen, nếu không sẽ mua ghế công thái học cho nhẹ nhàng thanh cảnh.
Trên đây là toàn bộ nội dung bài viết hôm nay. Hẹn gặp lại vào các bài viết khác của mình.