Kinh Tế Nga: Phân Tích Hành Trình Quyền Lực, Biến Động Khôn Lường và Những Cú Sốc Định Hình Lịch Sử

Tháng chín 15, 2024

Về lý thuyết, Nga là một cường quốc quân sự. Còn về kinh tế ư? Chúng ta sẽ dần dần khám phá những “bí mật kinh thiên động địa” đó. Chỉ trong vòng nửa thế kỷ ngắn ngủi, Nga đã trải qua nhiều cú sốc chính trị mà nói nghe thôi cũng đã muốn chóng mặt: lạm phát phi mã, các tập đoàn tài phiệt và băng đảng xã hội mọc lên như nấm sau mưa, chiến tranh, khủng hoảng kinh tế, cải cách “bạo tay” và rất nhiều điều hấp dẫn khác.

Tổng quan nền kinh tế – xã hội Liên Xô

Rốt cuộc, đây là chuyện gì vậy? Nếu muốn hiểu kinh tế Nga, chúng ta phải bắt đầu từ giai đoạn… Liên Xô cũ. Tháng 2 năm 1917, cuộc cách mạng tháng 10 Nga đã chính thức làm rung chuyển ngai vàng của Sa hoàng, buộc ông phải thoái vị. Sau đó, Đảng Công nhân Dân chủ Xã hội do Lenin lãnh đạo đã nhanh chóng “hạ bệ” chính phủ lâm thời. Và rồi, sau 5 năm nội chiến “nảy lửa,” Liên Xô ra đời vào năm 1922. Một khởi đầu hoành tráng cho hành trình đầy sóng gió của nước Nga!
Hai năm sau, tức năm 1924, một nhân vật đã nhanh chóng nắm quyền lực tối cao ở Liên Xô: Joseph Stalin. Và từ đó, kinh tế Liên Xô bước vào một thời kỳ mới với nền kinh tế kế hoạch toàn diện. Kinh tế kế hoạch, nói nôm na là kiểu “trên bảo dưới nghe”, nơi tất cả mọi thứ từ sản xuất, phân phối cho đến cả một phần tiêu dùng đều phải tuân theo kế hoạch từ trên xuống. Chẳng hạn, nếu chỗ nào thiếu vật tư? Dễ thôi, chỉ cần một lệnh điều chuyển từ trung ương, tất cả vật tư sẽ được điều động đến ngay. Hoặc giả như muốn đẩy mạnh công nghiệp nặng? Lại một lệnh nữa, công nhân sẽ được huy động khắp nơi để xây dựng nhà máy, khỏi cần thị trường tự điều chỉnh gì cả.

Liên Xô dưới thời Stalin

Từ năm 1928, Stalin đã tung ra ba kế hoạch 5 năm đầu tiên với kỳ vọng tạo nên những kỳ tích kinh tế. Mà đúng là có “kỳ tích” thật, nhưng đáng tiếc thay, những thành tựu kinh tế ấy không bù đắp được cái giá khổng lồ mà nhân dân phải trả. Chuyện này cũng giống như không thể khen Hitler chỉ vì ông ta đã phục hồi kinh tế Đức; bởi Hitler cũng đồng thời là kẻ đã gây ra cái chết của hàng triệu người Do Thái.

Áp phích cổ vũ nền kinh tế kế hoạch ở Liên Xô
Nói về Stalin, Giáo sư Chư Thiên Lượng trong cuốn Trung Hoa Văn Minh Sử đã nhắc tới “Cuộc vận động thanh trừng” do Stalin thực hiện năm 1937, nhằm tiêu diệt những kẻ bị coi là “phần tử phản cách mạng”. Cao trào của cuộc vận động này diễn ra từ năm 1937 đến 1938, ngay trước Thế chiến thứ hai. Kết quả? Trong số 6 vị lãnh đạo cấp cao của Liên Xô thời đó, 5 người bị Stalin xử tử. Chưa kể, 2/3 ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa 6 của cuộc Cách mạng Tháng 10 Nga cũng bị xử bắn. Còn trong Ban Chấp hành Trung ương khóa 11, 20 trong số 27 người bị thanh trừng, và trong Bộ Chính trị khóa 15, có 7 người cùng chung số phận.
Cuộc đời chính trị dưới thời Stalin đúng là “có chết mới hết chuyện.”
Ngoại trừ Stalin, tất cả 6 người còn lại trong ban lãnh đạo Liên Xô đều bị bắn hoặc ám sát. Trong số 15 thành viên của chính phủ Liên Xô khóa đầu tiên, 5 người đã chết từ trước, 10 người còn lại thì, ngoài Stalin, 9 người đều bị thanh trừng và xử bắn. Trong cuộc Đại thanh trừng đẫm máu ấy, khoảng 40.000 người trong Hồng quân và đội ngũ chính trị bị cuốn vào cuộc thanh lọc. Đáng kể, trong số 5 nguyên soái, có 3 người bị xử bắn; 3 trong 4 tướng lĩnh quân đoàn cấp 1; toàn bộ 12 tướng lĩnh quân đoàn cấp 2; 60 trong số 67 chỉ huy quân đội; 136 trong 199 chỉ huy sư đoàn; và 221 trong 379 chỉ huy lữ đoàn đều chung số phận. Đó là vài con số để hình dung “chút ít” về Stalin – một lãnh đạo không ngại biến chính trị thành sân chơi tử thần.
Tuy nhiên, sau một thời kỳ tăng trưởng nhanh chóng, từ những năm 1960 trở đi, nền kinh tế Liên Xô bắt đầu gặp phải rắc rối. Cơ cấu kinh tế trở nên ngày càng phức tạp, và mô hình kinh tế kế hoạch tập trung cao độ của họ dần trở nên khó duy trì. Không có bàn tay vô hình của thị trường để điều tiết, việc cố gắng điều hành nền kinh tế theo kế hoạch từ trung ương trở nên không thể thực hiện một cách toàn diện và hiệu quả.
Càng tệ hơn, hệ thống này lại có một điểm yếu nghiêm trọng: sự chỉ đạo quá mức từ trên xuống thường dẫn đến tham nhũng tràn lan trong chính phủ Liên Xô, và điều này làm tổn hại nghiêm trọng đến khả năng đổi mới của các doanh nghiệp. Khi quyền lực tuyệt đối rơi vào tay một số ít người, chính hệ thống kinh tế cũng bắt đầu suy yếu.
Người dân Liên Xô bị đẩy tới giới hạn

Người dân Liên Xô bị đẩy tới giới hạn
Vấn đề lớn ở đây là vì sao quyền lực không thể chiến thắng được thị trường? Bởi lẽ thị trường không phải là thứ có thể ra lệnh một cách tùy tiện. Hành vi thị trường là kết quả tích lũy từ hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu quyết định cá nhân. Giá cả thị trường được quyết định bởi cung và cầu, mà nhu cầu của mỗi cá nhân thì lại do chính họ quyết định, dựa trên tâm lý và nhu cầu riêng của họ. Kế hoạch hóa từ trung ương, dù có chi tiết đến đâu, cũng không thể nắm bắt hết những biến số phức tạp này.
Nói cách khác, thị trường chính là tấm gương phản chiếu tâm lý con người. Phản ứng của thị trường thực chất là phản ứng của nhân tâm. Vì vậy, quyền lực dù có mạnh mẽ đến đâu cũng không thể chiến thắng được thị trường, bởi quyền lực không thể áp đặt hay kiểm soát được lòng người. Trong cuộc chơi giữa quyền lực và thị trường, quyền lực có thể giành được chiến thắng tạm thời, nhưng cuối cùng, thị trường – hay nói chính xác hơn là nhân tâm – sẽ là người chiến thắng.

Dấu hiệu của sự thoái trào

Từ năm 1964 đến 1985, Liên Xô rơi vào giai đoạn đình trệ, đồng thời bị áp lực ngày càng gia tăng từ cuộc Chiến tranh Lạnh. Chính phủ Liên Xô phải chi một lượng ngân sách khổng lồ cho quân sự, nhưng lại chìm trong nợ nần. Người dân, trong khi đó, phải xếp hàng dài hàng giờ đồng hồ mỗi ngày chỉ để mua thực phẩm cơ bản. Đến năm 1985, Mikhail Gorbachev lên nắm quyền và nhanh chóng nhận ra rằng tình hình không thể tiếp tục như vậy. Nếu không cải cách, người dân Liên Xô sẽ chết đói.
Trước tình hình bức bách, Gorbachev quyết định tiến hành một loạt cải cách toàn diện. Đầu tiên là tái cơ cấu (perestroika), tức là cải tổ toàn diện từ chính trị đến kinh tế. Ông nới lỏng sự kiểm soát tuyệt đối của Trung ương đối với giá cả và một số ngành công nghiệp, nhằm tạo động lực cho nền kinh tế. Thứ hai là chính sách mở cửa (glasnost), tăng cường tính minh bạch trong chính phủ, chống tham nhũng, và nới lỏng sự kiểm soát đối với truyền thông và công chúng. Gorbachev hy vọng rằng hai biện pháp lớn này sẽ giúp hồi sinh nền kinh tế Liên Xô đang tụt dốc.
Gorbachev

Gorbachev
Tuy nhiên, không ai ngờ rằng cải cách lại dẫn đến sự sụp đổ. Ngày 26 tháng 12 năm 1991, ngay sau lễ Giáng sinh, Liên Xô chính thức giải thể. Vào thời điểm đó, GDP của Mỹ đạt 6,2 nghìn tỷ đô la, trong khi Nga chỉ có vỏn vẹn 520 tỷ đô la – chỉ bằng 1/12 so với Mỹ. Sự chênh lệch quá lớn này khiến Nga gần như không thể sánh vai với siêu cường phương Tây.

Liên Bang Nga

Sau khi Liên Xô sụp đổ, Boris Yeltsin trở thành tổng thống đầu tiên của Liên bang Nga. Ông là một người cứng rắn và quyết đoán. Ngay khi vừa lên nắm quyền, Yeltsin hy vọng có thể nhanh chóng khôi phục nền kinh tế Nga, bởi trước đó, dù thế nào đi nữa, Nga từng là một phần của một cường quốc lớn ngang ngửa với Mỹ. Hơn nữa, Boris Yeltsin luôn duy trì mối quan hệ khá gần gũi với phương Tây. Ông có xu hướng ưa chuộng một hệ thống thị trường cực kỳ tự do, nơi chính phủ can thiệp rất ít vào các hoạt động kinh tế. Trong kinh tế học, điều này được gọi là “neoliberalism” – kinh tế học tăng cường tự do.
26/12/1991 - ngày không thể quên của người dân Nga

26/12/1991 – ngày không thể quên của người dân Nga
Năm 1989, để giúp đỡ các cuộc cải cách kinh tế ở Mỹ Latin, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (World Bank), và chính phủ Mỹ đã phát triển một loạt chính sách nhằm thúc đẩy tự do hóa kinh tế. Do những chính sách này được phát triển tại Washington, nên chúng được gọi là “Đồng thuận Washington” (Washington Consensus). Ý chính của Đồng thuận Washington là chính phủ nên giảm bớt can thiệp vào các lĩnh vực như lãi suất, tiền tệ, thương mại, và quyền sở hữu đất đai. Chính phủ cần cắt giảm chi tiêu, thu hẹp quy mô các doanh nghiệp nhà nước, nới lỏng các quy định và hạn chế sự can thiệp vào nền kinh tế. Mọi thứ nên để thị trường tự quyết định.
Mặc dù ban đầu những chính sách này được thiết kế cho các nước Mỹ và Mỹ Latin, nhưng Yeltsin lại rất yêu thích chúng. Ông nghĩ rằng nếu Mỹ đã áp dụng các chính sách này và phát triển tốt, thì Nga cũng có thể học hỏi và thành công. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất ở đây là gì?

Thời kỳ suy thoái

Sau nhiều thập kỷ sống dưới nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung của Liên Xô, nền kinh tế Nga vẫn mang đậm dấu ấn của một cơ chế cứng nhắc, thiếu linh hoạt và quen với sự chỉ đạo từ trên xuống. Điều này khiến Nga không thể dễ dàng áp dụng mô hình kinh tế thị trường tự do một cách trơn tru như Yeltsin kỳ vọng. Tàn dư của nền kinh tế kế hoạch và tình trạng tham nhũng sâu rộng đã khiến những chính sách cải cách theo kiểu “Đồng thuận Washington” trở nên khó áp dụng, và hệ quả là nền kinh tế Nga rơi vào khủng hoảng trầm trọng hơn thay vì được hồi sinh.
Từ tận gốc rễ cho đến bề mặt, nền kinh tế Nga in đậm dấu ấn của mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung. Và giờ đây, khi Nga muốn chuyển sang nền kinh tế thị trường và tự do, thì rõ ràng đây là hai thái cực hoàn toàn khác nhau. Nếu tiến hành cải cách từ một cực sang cực đối lập một cách từ từ và có tính toán, thì chỉ cần một bước chân sai lệch là có thể biến mọi thứ thành thảm họa. Nhận thấy điều này, Boris Yeltsin đã quyết định sử dụng cái mà người ta gọi là “Liệu pháp sốc” (Shock Therapy).
Cụm từ “Liệu pháp sốc” nghe qua đã thấy không mấy dễ chịu, và đúng là đây không phải khái niệm do Yeltsin tự đề xuất. Đây là cách người ta miêu tả những cải cách kinh tế mà Nga đã áp dụng thời kỳ hậu Liên Xô. Vậy “Liệu pháp sốc” thực sự là gì? Đó là phương pháp cải cách mạnh tay, một cú đột phá không khoan nhượng. Khi nền kinh tế thị trường được mở cửa và tự do, Yeltsin cho phép tất cả những yếu tố đó diễn ra. Trước đây, mọi thứ đều được lên kế hoạch từ Trung ương, giờ thì mọi thứ đều tự do. Bạn muốn làm gì thì làm, cứ để cung cầu và thị trường quyết định. Nghe có vẻ cực kỳ quyết liệt, và thực tế, nó là như vậy.
Trong lịch sử, đã có những trường hợp thành công khi áp dụng Liệu pháp sốc. Ví dụ vào năm 1985, Bolivia bị lạm phát phi mã. Khi thủ tướng mới lên nắm quyền, ông đã áp dụng Liệu pháp sốc và kiểm soát lạm phát thành công. Hay vào năm 1989, Ba Lan từ bỏ nền kinh tế kế hoạch và chuyển sang kinh tế thị trường cũng bằng cách áp dụng Liệu pháp sốc. Mặc dù họ trải qua một thời kỳ suy thoái ngắn hạn, nhưng không lâu sau đó, kinh tế Ba Lan đã đi vào quỹ đạo và được coi là một thành công.
Tuy nhiên, đối với một quốc gia lớn như Nga, mọi thứ phức tạp hơn nhiều.
Với tình hình kinh tế phức tạp như vậy, việc Nga áp dụng trực tiếp “Liệu pháp sốc” đã thực sự tạo ra cú sốc khủng khiếp cho nền kinh tế. Việc đột ngột thả nổi giá cả cùng với chính sách vay thêm nợ mới để trả nợ cũ của Liên Xô đã dẫn đến lạm phát phi mã, đến mức không ai ngờ tới. Năm 1992, lạm phát Nga chạm mốc kinh hoàng 2500%. Điều này có nghĩa là, nếu đầu năm, bạn mua một cốc trà sữa với giá 10 rub, thì đến cuối năm, cốc trà sữa đó sẽ có giá 250 rub. Sự biến động này không chỉ ảnh hưởng đến giá cả tiêu dùng mà còn gây ra hàng loạt hệ lụy về kinh tế và xã hội.
Trong vòng 7 năm tiếp theo, tỷ lệ thất nghiệp tại Nga tăng vọt từ 5% lên 14%, và GDP gần như giảm một nửa. Điều này tạo ra sự tụt hậu rõ rệt khi so sánh với nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc, những quốc gia tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong cùng thời gian.
Có thời điểm người dân Nga xuống đường còn nhiều hơn đi làm

Có thời điểm người dân Nga xuống đường còn nhiều hơn đi làm
Những chính sách mà Yeltsin áp dụng bao gồm: thả nổi nhập khẩu và xuất khẩu, tự do hóa lãi suất và đặc biệt là tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước. Chính sách tư nhân hóa này đã gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng. Theo lý thuyết, việc tư nhân hóa có nghĩa là cho phép người dân mua cổ phần trong các tập đoàn lớn của nhà nước, tưởng như công bằng và hợp lý. Tuy nhiên, thực tế lại hoàn toàn khác. Các tập đoàn lớn của Liên Xô cũ bị bán với giá rẻ mạt cho một nhóm nhỏ những người có quyền lực và ảnh hưởng. Kết quả là, một số ít người này nhanh chóng tích lũy được khối tài sản khổng lồ, trong khi đa số người dân rơi vào cảnh nghèo đói.
Vào năm 1996, khi Yeltsin tái tranh cử tổng thống, tình hình kinh tế Nga đã dang tồi tệ đến mức không thể tệ hơn. Cuộc chiến tranh Chechnya lần thứ nhất diễn ra không như mong đợi, khiến tỷ lệ ủng hộ Yeltsin giảm sút nghiêm trọng. Trong một số cuộc thăm dò, ông chỉ đứng thứ 4 hoặc thứ 5, cơ bản không có cơ hội tái đắc cử.
Nhưng phải thừa nhận, Yeltsin rất khôn ngoan trên mặt trận chính trị. Trong thời điểm then chốt, ông bí mật triệu tập 7 ông trùm ngân hàng hàng đầu của Nga và đạt được một thỏa thuận bí mật. Ông nói với họ rằng: “Các ông giúp tôi tái đắc cử, và tôi sẽ bảo vệ vinh hoa phú quý của các ông.” Vài tháng sau, đúng như kịch bản đã vạch ra, Yeltsin bất ngờ lội ngược dòng và tái đắc cử thành công.
Theo thỏa thuận, 7 ông trùm ngân hàng đó đã trở thành những người nắm trong tay quyền lực kinh tế khổng lồ, kiểm soát gần như nửa bầu trời nước Nga. Họ được gọi là “7 ông trùm ngân hàng,” và thực sự từ đây, họ bắt đầu bước vào thời kỳ hoàng kim của mình.
Vào thời điểm đó, các tài phiệt Nga không chỉ kiểm soát những ngành công nghiệp quan trọng như ngân hàng, khí đốt, dầu mỏ, và truyền thông mà còn thao túng nhiều lĩnh vực khác. Đây đều là những mạch máu của nền kinh tế Nga, và quyền lực của họ lớn đến mức ngay cả Tổng thống Yeltsin cũng phải dè chừng, xem xét thái độ của họ trước khi ra quyết định.
Cấu trúc quyền lực mà các tài phiệt tạo ra không chỉ kiểm soát kinh tế mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến chính trị Nga trong nhiều năm sau. Hậu quả nghiêm trọng của sự thống trị tài phiệt bao gồm:
1. Hạn chế cạnh tranh và kiềm chế sáng tạo: Trong một nền kinh tế thị trường tự do, người ta sẽ luôn cố gắng đổi mới, sáng tạo để giảm chi phí và mở rộng thị trường. Tuy nhiên, trong thị trường do tài phiệt chi phối, mục tiêu chính của họ là loại bỏ đối thủ cạnh tranh thay vì tập trung phát triển sản phẩm tốt hơn. Họ dành phần lớn thời gian để bảo vệ lãnh thổ kinh tế của mình.
2. Tham nhũng và sự trỗi dậy của băng đảng: Mối quan hệ giữa kinh doanh và chính trị dưới sự kiểm soát của các tài phiệt đã tạo ra một môi trường tham nhũng nghiêm trọng. Chính phủ Nga bị các tài phiệt mua chuộc, và tình trạng này làm cho việc thực thi pháp luật bị tê liệt, khi mà cảnh sát có thể dễ dàng nhắm mắt làm ngơ trước những vụ vi phạm pháp luật. Các tài phiệt thường sử dụng các phương pháp đen tối như ám sát, hối lộ, đe dọa và ép buộc để duy trì sự thống trị và đàn áp các đối thủ cạnh tranh. Điều này tạo ra một xã hội nơi mà ngay cả những doanh nghiệp nhỏ cũng phải trả tiền bảo kê cho các thế lực ngầm để tồn tại.
Một ví dụ điển hình là Roman Abramovich, một trong những tài phiệt mới nổi. Ông từng kiện Boris Berezovsky, một trong 7 ông trùm ngân hàng ban đầu, vì đã chi trả cho Berezovsky 2 tỷ USD tiền bảo kê để thâm nhập vào ngành năng lượng, nhưng Berezovsky lại không thực hiện bất kỳ hỗ trợ nào. Việc kiện cáo về những khoản tiền bảo kê khổng lồ như vậy là khá phổ biến ở Nga thời bấy giờ, và các giao dịch ngầm này không được tính vào GDP chính thức của quốc gia.
3. Sự gia tăng khoảng cách giàu nghèo: Sự thống trị của các tài phiệt còn khiến khoảng cách giàu nghèo ở Nga trở nên nghiêm trọng. 98 người giàu nhất ở Nga kiểm soát hơn 421 tỷ USD, nhiều hơn số tiền của toàn bộ dân số còn lại cộng lại. 10% người giàu nhất chiếm đến 89% tổng tài sản quốc gia. Mặc dù chính phủ Nga công bố chỉ số Gini (đo lường sự chênh lệch giàu nghèo) thấp hơn Mỹ, nhưng điều này là do các giao dịch ngầm và tài sản chuyển ra nước ngoài không được tính vào.
Nhiều người giàu có vào thời điểm đó nhanh chóng chuyển tài sản của mình ra nước ngoài, đặc biệt là trong bối cảnh lạm phát cao và chính trị bất ổn. Việc này không chỉ làm giảm nguồn thu trong nước mà còn làm tăng sự phụ thuộc của Nga vào các thị trường quốc tế. Thực tế, nếu tính tất cả các khoản giao dịch không chính thức và tài sản bị chuyển ra nước ngoài, khoảng cách giàu nghèo ở Nga có lẽ còn lớn hơn nhiều so với con số mà chính phủ công bố.
Sự kết hợp giữa tham nhũng, sự thống trị của tài phiệt và sự bất công trong việc phân phối tài sản đã dẫn đến sự sụp đổ không chỉ về kinh tế mà còn về đạo đức và niềm tin xã hội. Điều này để lại di sản phức tạp và tàn phá đối với Nga trong nhiều năm sau.
Trong những năm 1990, Nga đã trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, với tài sản của những người giàu ước tính từ 800 đến 1000 tỷ USD. Tuy nhiên, những con số này không được đưa vào chỉ số Gini, chỉ số đo lường khoảng cách giàu nghèo, tạo ra một bức tranh thiếu chính xác về tình hình kinh tế thực tế. Tình trạng tài sản chạy ra nước ngoài diễn ra mạnh mẽ, khiến cho khoảng cách giàu nghèo ở Nga trở nên sâu sắc hơn bao giờ hết.
Sự gia tăng khoảng các giàu nghèo ở Nga tăng chóng mặt

Sự gia tăng khoảng các giàu nghèo ở Nga tăng chóng mặt
Theo báo cáo của Credit Suisse, nếu tính tất cả các khoản thu nhập không chính thức, Nga có thể được xem là quốc gia có khoảng cách giàu nghèo lớn nhất trong các nền kinh tế lớn. Khoảng cách này không chỉ gây ra bất bình đẳng xã hội mà còn dẫn đến sự bất ổn chính trị và xã hội nghiêm trọng. Tỷ lệ tử vong ở Nga liên tục tăng cao trong bối cảnh kinh tế suy thoái và tình hình chính trị hỗn loạn, tạo nên một môi trường như “thùng thuốc súng” chờ châm lửa.
Tuổi thọ Trung bình của Nga giảm đáng kể trong những năm 90

Tuổi thọ Trung bình của Nga giảm đáng kể trong những năm 90
Vào năm 1998, cuộc khủng hoảng tài chính châu Á đã là giọt nước tràn ly đối với nước Nga. Các nhà đầu tư nhanh chóng rút lui khỏi thị trường, làm gia tăng nợ công và dẫn đến tình trạng bán tháo đồng rúp. Lãi suất tăng vọt, gây áp lực nặng nề lên nền kinh tế. Ngày 17 tháng 8 năm 1998, chính phủ Nga tuyên bố vỡ nợ công và phá giá đồng rúp, đánh dấu một cuộc khủng hoảng tài chính sâu sắc.
Từ năm 1991 đến 1998, nền kinh tế Nga đã rơi vào tình trạng tồi tệ, với sản xuất suy giảm, tài phiệt thao túng nền kinh tế, tham nhũng lan rộng, và tỷ lệ thất nghiệp và tử vong liên tục gia tăng. Xung đột với Chechnya cũng làm trầm trọng thêm tình hình, dẫn đến một cuộc diện hỗn loạn không thể kiểm soát.
Cuối cùng, vào ngày 31 tháng 12 năm 1999, Yeltsin bất ngờ tuyên bố từ chức, chỉ còn 6 tháng trước khi nhiệm kỳ kết thúc, và đã bổ nhiệm Vladimir Putin làm tổng thống. Sự chuyển giao quyền lực này đánh dấu sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới cho nước Nga. Putin đã hứa hẹn sẽ đưa đất nước trở lại vị thế mạnh mẽ, và câu nói nổi tiếng của ông: “Hãy cho tôi 20 năm, tôi sẽ đưa lại một nước Nga hùng mạnh,” đã thể hiện sự quyết tâm của ông trong việc tái thiết đất nước sau những khó khăn.

Nước Nga giàu lên có phải nhờ Putin hay nhờ một “phép màu” nào đó?

Trong vòng gần một thập kỷ sau khi Putin lên nắm quyền, nền kinh tế Nga dường như đã trải qua một phép màu khi bất ngờ phục hồi mạnh mẽ. Tốc độ tăng trưởng GDP duy trì ở mức trên 5%, GDP bình quân đầu người tăng vọt từ dưới 2.000 USD năm 1999 lên 10.000 USD vào năm 2008. Tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 13% xuống còn 6%, sản xuất công nghiệp tăng 75%, lương bình quân tăng gấp 8 lần, và tín dụng tiêu dùng mở rộng lên đến 45 lần. Thậm chí tỷ lệ nghèo đói cũng giảm từ 30% xuống còn 14%.
GDP bình quân đầu người của Nga sụt giảm liên tục trong thập niên 1990, tới năm 2005 mới khôi phục lại mức của năm 1990, sau đó tăng trưởng mạnh

GDP bình quân đầu người của Nga sụt giảm liên tục trong thập niên 1990, tới năm 2005 mới khôi phục lại mức của năm 1990, sau đó tăng trưởng mạnh
Chúng ta tự hỏi, Putin đã làm phép gì mà giúp nước Nga có cú bứt phá thần kỳ đến vậy?
Ban đầu, Putin cũng thực hiện một số cải cách thị trường hóa kinh tế. Các biện pháp như giảm thuế thu nhập, giảm thuế doanh nghiệp, bớt quy định rườm rà và giảm sự can thiệp của chính phủ vào kinh tế đã tạo ra môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân. Những chính sách này chắc chắn đã góp phần cải thiện đời sống và thu nhập của người dân Nga.
Thêm vào đó, cuộc khủng hoảng tài chính năm 1998 làm đồng rúp mất giá, giúp hàng xuất khẩu của Nga trở nên cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế. Nhờ đó, xuất khẩu của Nga, đặc biệt là năng lượng và nguyên liệu thô, được đẩy mạnh, góp phần vào sự phục hồi của nền kinh tế.
Tuy nhiên, những yếu tố này chỉ là bề nổi của tảng băng kinh tế. Điều gì mới thực sự giúp nước Nga giàu lên?

Chìa khóa chính nằm ở… Trung Quốc và dầu mỏ!

Năm 2001, Trung Quốc gia nhập WTO, mở ra kỷ nguyên bùng nổ sản xuất toàn cầu. Khi ngành công nghiệp sản xuất thế giới bắt đầu hưng khởi tại Trung Quốc, nhu cầu nguyên liệu thô và năng lượng tăng mạnh. Và không ai khác, nước Nga – “đại quốc năng lượng” – chính là nhà cung cấp lớn cho nhu cầu đó.
Nga sở hữu trữ lượng khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới, và xuất khẩu năng lượng hóa thạch hàng năm mang lại cho nước này hàng trăm tỷ USD. Dễ hiểu vì sao nền kinh tế Nga và giá dầu có mối tương quan rất cao: giá dầu tăng thì GDP của Nga cũng tăng vọt.
Có người từng nói vui rằng, nếu như Kim Jong Un được gọi là “Cậu bé tên lửa”, thì Putin có thể xem là “Cậu bé bán dầu”. Thực tế, phần lớn sự giàu có của Nga trong thập niên đầu của thế kỷ 21 đến từ việc bán tài nguyên, đặc biệt là dầu mỏ và khí đốt.
Không khác gì các quốc gia giàu năng lượng như Ả Rập Saudi hay UAE, Nga đã tận dụng cơ hội từ nhu cầu năng lượng toàn cầu để phát tài. Vậy nên, nếu nói Putin có “phép thuật” thì có lẽ đó chính là việc “phù phép” dầu mỏ thành tiền, dựa vào tài nguyên sẵn có và những biến động toàn cầu để thúc đẩy nền kinh tế Nga.
Tóm lại, Nga giàu lên không chỉ nhờ tài năng chính trị của Putin, mà còn nhờ sự hội tụ của nhiều yếu tố bên ngoài, đặc biệt là nhu cầu năng lượng toàn cầu và sự bùng nổ kinh tế của Trung Quốc. Putin đã khéo léo khai thác những cơ hội này để đưa nước Nga ra khỏi khủng hoảng và tận hưởng thời kỳ phát triển mạnh mẽ. Nhưng câu hỏi đặt ra là: liệu sự phụ thuộc vào tài nguyên có bền vững cho tương lai của Nga?
Hơn một nửa thu nhập của chính phủ Nga đến từ năng lượng hóa thạch, đặc biệt là dầu mỏ và khí đốt. Nói một cách đơn giản, nền kinh tế Nga khởi sắc chủ yếu nhờ vào tài nguyên dầu khí nằm sâu dưới lòng đất của họ. Khi giá dầu tăng, Nga với tư cách là một quốc gia xuất khẩu năng lượng lớn, thu về nguồn lợi khổng lồ. Vì lý do này, GDP của Nga và giá dầu luôn gắn bó mật thiết, vinh quang hay suy tàn đều cùng nhau chịu ảnh hưởng.
Phép màu Putin?

Phép màu Putin?
Chúng ta đã biết rằng nền kinh tế Nga từ năm 1980 đến 1998 gặp nhiều khó khăn, và một trong những nguyên nhân quan trọng chính là giá dầu sụt giảm. Tuy nhiên, từ năm 2000 đến 2008, đó là thời kỳ hoàng kim của kinh tế toàn cầu. Tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng dẫn đến nhu cầu dầu mỏ tăng cao, kéo theo giá dầu tăng từ 15 USD một thùng vào năm 1998 lên tới 100 USD một thùng vào năm 2008. Trong suốt 10 năm đó, Nga chỉ cần “ngồi đếm tiền,” vì cả nước đều hưởng lợi lớn từ xuất khẩu dầu mỏ.
Giá dầu thế giới 20 năm qua

Giá dầu thế giới 20 năm qua
Sự phát triển mạnh mẽ của giá dầu cũng góp phần củng cố niềm tin của người dân Nga, mở rộng tín dụng và gia tăng đầu tư. Nhiều từ ngữ miêu tả sự thịnh vượng kinh tế đều có thể được áp dụng cho giai đoạn này của Nga. Với dân số hơn 150 triệu người và cơ sở hạ tầng do Liên Xô để lại, cùng nguồn tài nguyên khổng lồ, nhiều nhà kinh tế dự đoán rằng Nga sẽ trở thành một cường quốc kinh tế toàn cầu.

Nhưng tại sao kỳ vọng này không thành hiện thực?

Nga không tận dụng được thời kỳ vàng son của giá dầu cao vào đầu những năm 2000 để kịp thời tối ưu hóa cơ cấu kinh tế và giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ. Thay vì đẩy mạnh cải cách kinh tế và giảm sự kiểm soát của giới tài phiệt, chính phủ Putin đã chọn một hướng đi khác. Dần dần, Putin thu hồi quyền kiểm soát đối với một số ngành công nghiệp quan trọng mà trước đó đã được tư nhân hóa. Những nhà tài phiệt lớn thời đó tưởng rằng Putin chỉ là một “con rối trẻ tuổi,” nhưng họ không ngờ rằng ông nhanh chóng thực hiện những cải cách mạnh mẽ, xử lý gọn gàng những tài phiệt không nghe lời. Kết quả là, một số bị đày ải, một số bị bỏ tù, và thậm chí có những người đã tự sát.
Putin không chỉ thắt chặt các chính sách kinh tế từ thời Yeltsin, mà ông còn bắt đầu quốc hữu hóa lại nhiều doanh nghiệp lớn. Đồng thời, ông dựng lên những nhà tài phiệt mới, trung thành hơn, để quản lý các tài sản quốc gia. Một ví dụ điển hình là tỷ phú Roman Abramovich, người từng là chủ sở hữu câu lạc bộ bóng đá Chelsea. Abramovich là một trong những tài phiệt mới, được tạo ra dưới sự hỗ trợ của Putin. Nếu không có Putin, Abramovich có lẽ đã không bao giờ có thể sở hữu Chelsea.
Roman Abramovich mua Chelsea năm 2003

Roman Abramovich mua Chelsea năm 2003

Nga dưới thời Putin: Chủ nghĩa tư bản thân hữu (Crony Capitalism)

Hiện nay, hơn một nửa nền kinh tế Nga bị kiểm soát bởi chính phủ, thông qua những nhà tài phiệt trung thành này. Sự liên kết lợi ích giữa chính phủ và giới tài phiệt càng thắt chặt, củng cố tình trạng “chủ nghĩa tư bản thân hữu” (Crony Capitalism) ở Nga. Trong 10 năm đầu tiên Putin cầm quyền, cấu trúc này đã trở thành nền tảng của nền kinh tế Nga, nơi mà quyền lực chính trị và kinh tế được chia sẻ giữa các bên thân cận với chính phủ, chứ không phải qua cạnh tranh tự do và công bằng.
Dưới sự dẫn dắt của Putin, Nga đã biến chuyển từ một nền kinh tế rối ren, bị thao túng bởi các tài phiệt, thành một nền kinh tế tập trung quyền lực dưới tay chính phủ và các đồng minh trung thành.
Mặc dù nền kinh tế Nga từng phát triển nhanh chóng và cơ cấu kinh tế đã được tối ưu hóa phần nào, nhưng sự phụ thuộc vào năng lượng, đặc biệt là dầu mỏ và khí đốt, lại ngày càng sâu sắc. Dẫu Nga có tài nguyên phong phú, nhưng giá dầu không phải lúc nào cũng “cất cánh” như mong đợi.
Putin "Đại Đế"

Putin “Đại Đế”
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 ập đến, kéo theo sự sụt giảm mạnh của giá dầu, khiến Nga rơi vào khủng hoảng tài chính. Kinh tế Nga chật vật phục hồi trong nhiều năm, và phải mất một thời gian dài, giá dầu mới tăng trở lại, giúp nền kinh tế nước này ổn định đôi chút.
Nhưng đến năm 2014, khi Nga xâm lược Crimea, họ lại vấp phải loạt trừng phạt từ phương Tây, kèm theo giá dầu tụt dốc, đưa kinh tế Nga vào một chu kỳ khó khăn mới. Từ đó, nền kinh tế phục hồi khá chậm chạp, nhưng rồi năm 2020 lại bị đại dịch COVID-19 tấn công, khiến mọi thứ càng thêm bấp bênh.
Chưa dừng lại ở đó, năm 2022, Nga tiếp tục gây bão khi xâm lược Ukraine, và lần này phải đối mặt với một làn sóng trừng phạt mới nghiêm trọng hơn. Kết quả là kinh tế Nga không chỉ lao đao mà còn đứng trước nguy cơ suy sụp sâu hơn, khiến tương lai trở nên u ám hơn bao giờ hết.

Tổng kết

Để tóm tắt tình hình kinh tế Nga, có hai điểm nổi bật mà chúng ta không thể không nhắc đến.
Đầu tiên là sự phụ thuộc quá lớn vào ngành năng lượng. Nga sở hữu trữ lượng khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới, cộng với vô số nguồn năng lượng khác. Vì thế, nền kinh tế Nga gắn chặt với việc xuất khẩu năng lượng hóa thạch, đến mức mà GDP của họ gần như “nhảy múa” theo giá dầu. Khi dầu tăng, Nga phất lên, dầu giảm, Nga như “trúng gió”.
Thứ hai là hệ thống tài phiệt. Từ thời Yeltsin, tầng lớp tài phiệt đã mọc lên như nấm sau mưa, và khi Putin lên cầm quyền, ông không chỉ “tưới nước bón phân” mà còn củng cố mối quan hệ mật thiết giữa tài phiệt và chính phủ. Điều này sinh ra một dạng “chủ nghĩa tư bản thân hữu” – nghĩa là tài phiệt thì thân, còn người dân thì chỉ đứng ngoài nhìn. Kết quả là tham nhũng leo thang, các cuộc “đổi mới” chỉ nằm trên giấy, còn chênh lệch giàu nghèo thì ngày càng mở rộng như… khoảng cách từ Trái Đất đến mặt trăng.