Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh tăng trưởng tích cực, mục tiêu đạt trên 7,5% năm 2024
Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh tăng trưởng tích cực, mục tiêu đạt trên 7,5% năm 2024
(Xây dựng) – Ngày 1/8, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi chủ trì phiên họp thường kỳ tháng 7 của Thành phố để đánh giá tình hình phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn.
Ông Phan Văn Mãi đặt mục tiêu tăng trưởng của năm 2024 ít nhất 7,5% và thu đạt được chỉ tiêu ngân sách được giao. |
Đặt mục tiêu tăng trưởng ít nhất 7,5% năm 2024
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2024 các lĩnh vực kinh tế về dịch vụ, công nghiệp đều tăng mạnh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 661.521 tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 26,07 tỷ USD, tăng 10%; tổng thu du lịch ước đạt 108.004 tỷ đồng, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp trên địa bàn Thành phố tăng 6,2%. Số doanh nghiệp thành lập mới là 29.991 doanh nghiệp, tăng 8,4% về số lượng.
Tính đến ngày 26/7/2024, tổng vốn kế hoạch đầu tư công năm 2024 của Thành phố đã giải ngân là 11.804,652 tỷ đồng, đạt 14,9% số vốn được giao.
Kết luận phiên họp, ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh, từ đây tới cuối năm, nhiệm vụ tập trung đạt được mục tiêu tăng trưởng của năm 2024 ít nhất 7,5% và thu đạt được chỉ tiêu ngân sách được giao.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra, ông Phan Văn Mãi đề nghị các cơ quan có liên quan tập trung điều hành cụ thể hóa, trong đó tập trung 3 nhóm động lực tăng trưởng là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng. Trong đó, đầu tiên là đầu tư công.
Tập trung giải ngân đầu tư công, tháo gỡ vướng mắc bất động sản
Theo Chủ tịch UBND Thành phố, trong thời gian 6 tháng còn lại, nhiệm vụ của Thành phố là mỗi tháng phải giải ngân 10.000 tỷ đồng. Dù điểm rơi của các dự án bồi thường giải phóng mặt bằng và dự án mới thường vào quý IV/2024 nhưng nếu không theo dõi sát sao sẽ khó đạt tỉ lệ giải ngân 95%.
Vì vậy, người đứng đầu chính quyền thành phố đề nghị các chủ đầu tư tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thiện hồ sơ để giải ngân và có cam kết số lượng giải ngân hằng tháng. Yêu cầu các chủ đầu tư phải cam kết số lượng giải ngân hàng tháng, từ nay đến tháng 1/2025.
Đồng thời, tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thiện hồ sơ để giải ngân, rà soát kỹ “điểm rơi” giải ngân của từng dự án. Thường trực UBND Thành phố tập trung họp tháo gỡ các vướng mắc, tăng cường đi công trường, chỉ đạo để đảm bảo có vướng mắc là tháo gỡ ngay.
Thành phố Hồ Chí Minh đặt ra nhiệm vụ mỗi tháng phải giải ngân 10.000 tỷ đồng. |
Đối với các dự án bất động sản, người đứng đầu chính quyền Thành phố đề nghị Phó Chủ tịch UBND Thành phố Bùi Xuân Cường và Sở Xây dựng phải tập trung tháo gỡ. Trong 6 tháng đầu năm, ban đầu chỉ có 1 – 2 dự án, đến giờ này đã gỡ được 5 dự án. Trong 6 tháng cuối năm, cần tháo gỡ nhiều hơn để các dự án này tiếp tục được xây dựng, triển khai để dòng vốn chảy ngay trong năm nay.
Với các dự án nhà ở xã hội, trong số 47 dự án đang gặp vướng thì những dự án nào có thể tập trung, đề nghị Sở Xây dựng có trao đổi trở lại.
Bên cạnh đó, cần tập trung hoàn thiện và theo dõi các dự án như: Cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Mộc Bài, dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Hoàn thiện và nộp hồ sơ các đề án: Vành đai 4, đề án Đường sắt đô thị, đề án Trung tâm tài chính quốc tế; Trong 3 đề án này phải khẩn trương hoàn thiện hồ sơ báo cáo Chính phủ để Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị và trình Quốc hội tại kỳ họp cuối năm.
Đồng thời, khẩn trương hoàn thiện đề án sắp xếp đơn vị hành chính, chuẩn bị thành lập Viện Công nghệ tiên tiến… Cùng với đó, tập trung hoàn thiện các văn bản thực hiện Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản. Ông Phan Văn Mãi đánh giá, đây là việc có tác động lớn đến người dân và doanh nghiệp nên cần phải thực hiện kỹ lưỡng.
Bạn đang đọc Tin tức xây dựng trên website hungday.com