Kinh tế xanh: Hướng đi tất yếu để “đất chín rồng” cất cánh
Kinh tế xanh: Hướng đi tất yếu để “đất chín rồng” cất cánh
(Xây dựng) – Bằng việc triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang tiến tới một nền kinh tế xanh, thuận thiên…
Nông dân phun thuốc bằng thiết bị bay không người lái. (Ảnh: Hoàng Vũ) |
Từ những chuyển đổi trên đồng ruộng
Đây là vụ thứ 6 liên tiếp, nông dân Nguyễn Văn Phương ở ấp Tân Lợi, xã Tân Công Sính (huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) áp dụng thiết bị bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật cho 40 công lúa của mình.
Ông kể: “Thiết bị bay này vừa phun nhanh mà chi phí lại rẻ, chỉ tốn từ 130.000 – 160.000 đồng/lần phun thuốc/ha, tiết kiệm chi phí lên đến 6 triệu đồng/ha/vụ. Hồi trước, tôi làm có 30 công ruộng, xịt thuốc bằng tay tốn nhiều thời gian, công sức lắm. Bây giờ, nhờ có thiết bị bay này tôi nhàn hơn”.
Ông Phương là một trong số hàng nghìn nông hộ ở ĐBSCL đã và đang tham gia vào “chuyển đổi số”. Bằng việc ứng dụng công nghệ, những người nông dân như ông Phương giờ đây có thể ngồi “rung đùi hưởng thành quả”, giảm được sự vất vả nơi ruộng vườn. Từ việc canh tác nông nghiệp truyền thống, phụ thuộc vào thiên nhiên, hiện nông dân ĐBSCL ngày càng thành thạo các thiết bị số. Ở đó, họ có thể giám sát cây trồng, vật nuôi một cách liên tục, phân tích diện rộng tình hình thời tiết, độ ẩm, sâu bệnh… để thực hiện canh tác an toàn.
ĐBSCL với diện tích tự nhiên 4.092 nghìn ha, trong đó 2.575 nghìn ha đất dùng cho sản xuất nông nghiệp, là một trong các vùng sản xuất lúa gạo chính của Việt Nam. Tuy nhiên, là một trong ba đồng bằng lớn trên thế giới dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu, ĐBSCL đang đứng trước những những thách thức to lớn về kinh tế – xã hội – môi trường.
Nền nông nghiệp ĐBSCL đang phát triển theo hướng thuận thiên. (Trong ảnh: Ruộng lúa ĐBSCL nhìn từ trên cao) |
Trước tình trạng trên, trên cơ sở Nghị quyết số 120/NQ-CP năm 2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu và Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; các địa phương trong vùng đang tích cực chuyển đổi, hướng đến nền kinh tế xanh mà trước hết là nền nông nghiệp xanh bền vững.
Theo Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, nông nghiệp là một trong 8 lĩnh vực được ưu tiên thực hiện chuyển đổi số với kỳ vọng mang lại lợi ích cơ bản như: Tăng năng suất và chất lượng, tiết kiệm tài nguyên, giảm chi phí; tạo sản phẩm mới, dịch vụ mới, tăng hiệu quả hoạt động của chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp…
Ngoài ra, Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”.
Đề án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong định hướng chuyển đổi phương thức canh tác lúa bền vững ở ĐBSCL và hình thành, phát triển các vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn ổn định lâu dài, bảo đảm chất lượng canh tác bền vững và hiệu quả.
Ghi nhận tại tỉnh Kiên Giang, tỉnh này có diện tích sản xuất lúa lớn nhất cả nước với trên 700.000ha. Bước đầu có 112 hợp tác xã đủ điều kiện tham gia đề án tại 8 huyện của tỉnh.
Tại Cần Thơ, với khoảng 78.000ha đất canh tác lúa, mỗi năm thành phố sản xuất 3 vụ lúa đạt sản lượng từ 2,3 – 2,4 triệu tấn, trong đó lúa chất lượng cao và lúa thơm, đặc sản chiếm tỷ lệ trên 95% và có gần 10.000ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và tương đương. Đây được xem là lợi thế rất lớn của thành phố khi tham gia vào đề án…
Hướng đến nền kinh tế xanh bền vững
Những năm qua, cùng với cả nước, Đồng Tháp đang tập trung thực hiện phát triển kinh tế xanh. Theo đó, UBND tỉnh Đồng Tháp ban hành Kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050. Mục tiêu chung là cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu. Trong đó, mục tiêu đến năm 2030, giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GRDP ít nhất 15% so với năm 2014. Đến năm 2050, cường độ phát thải khí nhà kính trên GRDP giảm ít nhất 30% so với năm 2014…
Quang cảnh buổi họp báo về sự kiện “Diễn đàn Khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long – Lần II năm 2024” diễn ra ngày 25/9 do UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức. |
Nhờ triển khai và tổ chức thực hiện có hiệu quả Kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn năm 2050, bước đầu tỉnh đã đạt được một số kết quả tích cực. Trong lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh triển khai nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến; phát triển mô hình “Cánh đồng sản xuất lúa tiên tiến, tiết kiệm nước ứng dụng các giải pháp công nghệ 4.0”, sử dụng các thiết bị cảm biến tự động trong giám sát sâu rầy, tưới nước tiết kiệm; mô hình nông nghiệp công nghệ cao, mô hình sản xuất hữu cơ, mô hình kinh tế tuần hoàn, mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp khai thác loại hình du lịch sinh thái; chú trọng hỗ trợ nông dân liên kết sản xuất – tiêu thụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng kỹ thuật truy xuất nguồn gốc.
Trong lĩnh vực công nghiệp, tỉnh đã hỗ trợ xây dựng 15 mô hình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (điện mặt trời áp mái, trạm bơm điện an toàn và hiệu quả) và hỗ trợ 11 cơ sở áp dụng giải pháp sản xuất sạch hơn. Kết quả, cơ bản đã giảm khoảng 5,2% mức tiêu thụ năng lượng so với dự báo nhu cầu năng lượng của tỉnh.
Dự kiến, tháng 11 tới, UBND tỉnh Đồng Tháp sẽ tổ chức Diễn đàn Khởi nghiệp ĐBSCL lần 2, với chủ đề “Kinh tế xanh – Động lực mới cho phát triển”, cố vấn nội dung từ Ban IV thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ.
Ông Trần Trí Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: Mục tiêu của Diễn đàn là hiệu triệu, tập hợp, thúc đẩy khí thế hành động của hai khu vực công, tư, đặc biệt là lực lượng doanh nghiệp, khởi nghiệp có yếu tố đổi mới sáng tạo, nhằm cụ thể hóa chủ trương của Chính phủ về Quy hoạch ĐBSCL thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, chú trọng mục tiêu tạo dựng Đồng Tháp là “Trung tâm giải pháp chuyển đổi xanh khu vực ĐBSCL” trong tình hình mới. Đồng thời, duy trì và phát triển Diễn đàn trở thành một nền tảng hợp tác, đối thoại công tư hiệu quả gắn với đổi mới sáng tạo để hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp và thúc đẩy định hướng kinh tế xanh của vùng ĐBSCL.
Sự kiện hội tụ các cá nhân, tổ chức, mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước và quốc tế dành cho cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng ĐBSCL. Đây cũng là dịp để quảng bá hình ảnh hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng ĐBSCL năng động, sẵn sàng chào đón sự hợp tác cùng phát triển khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo từ các đối tác trong nước và quốc tế…
Năm 2022, lần đầu tiên UBND tỉnh Đồng Tháp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Diễn đàn Mekong Startup. Tại đây, các tỉnh ĐBSCL đã cam kết thúc đẩy các mục tiêu “Nông nghiệp hiện đại, tuần hoàn, phát thải thấp” và giảm 30% tổng lượng phát thải khí metan vào năm 2030 so với mức năm 2020 trong các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi. Tiếp nối cam kết trên, Diễn đàn Khởi nghiệp ĐBSCL – Lần II/2024 được tổ chức dưới sự chỉ đạo trực tiếp của UBND tỉnh Đồng Tháp, với chủ đề “Kinh tế xanh – Động lực mới cho phát triển”. Với quy mô mở rộng, đổi mới so với Diễn đàn Mekong Startup Lần I, sự kiện lần năm nay sẽ bao gồm chuỗi hoạt động thiết thực trước thềm diễn đàn từ tháng 9-11/2024, với các nội dung, như: Tập huấn nhằm nâng cao nhận thức và thúc đẩy hành động thích ứng với xu hướng chuyển đổi xanh, giảm phát thải diễn ra từ tháng 9-11/2024; Cuộc thi “Sáng kiến Mekong 2024” (Mekong Innovation Challenges – MIC 2024) diễn ra từ tháng 9 đến tháng 11 năm 2024; Phiên toàn thể Diễn đàn Khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long – Lần II năm 2024 diễn ra từ ngày 29/11 đến ngày 30/11/2024… |