Kính thông minh có thể quét thông tin cá nhân người lạ gây tranh cãi

Tháng mười 4, 2024

Kính thông minh có thể quét thông tin cá nhân người lạ gây tranh cãi

Hai sinh viên Đại học Harvard, AnhPhu Nguyen – một sinh viên gốc Việt cùng cộng sự Caine Ardayfio, đã phát triển một sản phẩm kính thông minh có khả năng nhận diện khuôn mặt và thu thập thông tin cá nhân người lạ theo thời gian thực. Dự án này, mang tên I-XRAY, đã làm dấy lên những lo ngại sâu sắc về quyền riêng tư trong thời đại công nghệ và trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng phát triển.

I-XRAY được phát triển dựa trên kính thông minh Ray-Ban Stories của Meta, một sản phẩm vốn được thiết kế với mục đích giải trí và ghi lại hình ảnh. Tuy nhiên, nhờ những công cụ sẵn có, nhóm sinh viên đã biến chiếc kính thông minh này thành một thiết bị có khả năng tìm kiếm thông tin cá nhân của người lạ trên đường phố chỉ trong vài giây. Khi một khuôn mặt được phát hiện qua kính, hệ thống sẽ kết nối với điện thoại người dùng và hiển thị thông tin cá nhân của đối tượng, bao gồm tên, địa chỉ, số điện thoại và các chi tiết khác.

Kính thông minh có thể quét thông tin cá nhân người lạ gây tranh cãi- Ảnh 1.

I-XRAY sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt và truy xuất thông tin cá nhân từ các nguồn dữ liệu công khai trong thời gian thực

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

Trong một cuộc phỏng vấn với 404 Media, Ardayfio giải thích: “Để sử dụng, bạn chỉ cần đeo kính lên, khi bạn đi qua người khác, kính sẽ phát hiện khi khuôn mặt của ai đó nằm trong khung hình. Chỉ sau vài giây, thông tin cá nhân của họ sẽ hiện lên điện thoại của bạn”. Chức năng này đã khiến nhiều người lo ngại về sự xâm phạm quyền riêng tư khi mà chỉ cần đeo kính, bất kỳ ai cũng có thể bị dò tìm thông tin cá nhân một cách dễ dàng.

I-XRAY hoạt động dựa trên sự kết hợp của nhiều công nghệ có sẵn trên thị trường. Một trong những công cụ chính là PimEyes, một dịch vụ nhận diện khuôn mặt có khả năng tra cứu hình ảnh và tìm kiếm thông tin liên quan từ các cơ sở dữ liệu công khai. Bên cạnh đó, dự án này còn khai thác các nguồn dữ liệu từ các nhà môi giới thông tin – những công ty thu thập và bán dữ liệu cá nhân từ nhiều nguồn khác nhau. Đặc biệt, nhóm còn sử dụng các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) để suy luận thêm thông tin cá nhân từ các nội dung thu thập trên internet, từ đó tăng cường khả năng cung cấp thông tin chính xác chỉ từ một bức ảnh.

Kính thông minh có thể quét thông tin cá nhân người lạ gây tranh cãi- Ảnh 2.

Dự án I-XRAY của sinh viên Harvard gây tranh cãi về quyền riêng tư, dù mã nguồn không được công bố để tránh lạm dụng

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

Mặc dù dự án I-XRAY gây nhiều tranh cãi, hai sinh viên Harvard quyết định không công bố mã nguồn của hệ thống kính thông minh này. Họ cho rằng việc giữ bí mật mã nguồn là biện pháp để ngăn chặn công nghệ này bị lạm dụng. Tuy nhiên, quyết định này không làm giảm bớt lo ngại về tiềm năng xâm phạm quyền riêng tư từ sản phẩm. Nhiều chuyên gia cho rằng sự tồn tại của I-XRAY là một lời cảnh báo về nguy cơ công nghệ có thể vượt qua ranh giới giữa bảo vệ và xâm phạm đời tư cá nhân.

Dự án này đã châm ngòi cho nhiều cuộc tranh luận về tương lai của công nghệ nhận diện khuôn mặt và sự an toàn của thông tin cá nhân. Trong khi một số ý kiến cho rằng công nghệ này có thể được sử dụng cho mục đích an ninh hoặc thương mại, nhiều người lại lo ngại về khả năng lạm dụng nó trong các hoạt động bất chính. Điều này đặt ra câu hỏi về tính bảo mật và quyền riêng tư cá nhân trong bối cảnh các thiết bị thông minh và trí tuệ nhân tạo đang ngày càng phổ biến.

Câu chuyện của I-XRAY nhấn mạnh một thực tế rằng, trong kỷ nguyên công nghệ hiện đại, ranh giới giữa tiện ích và sự xâm phạm quyền riêng tư ngày càng trở nên mong manh. Việc tìm ra cách bảo vệ quyền riêng tư trong thời đại kỹ thuật số sẽ trở nên cấp bách hơn, khi mà những công nghệ như kính thông minh đang dần trở thành hiện thực trong đời sống hằng ngày.