Kỷ vật – Ký ức chiến tranh: Rưng rưng nghe chuyện kỷ vật của liệt sĩ

Tháng bảy 25, 2024

Kỷ vật – Ký ức chiến tranh: Rưng rưng nghe chuyện kỷ vật của liệt sĩ

Bộ kỷ vật của liệt sĩ Phạm Hàng

Trong khu trưng bày kỷ vật chiến tranh ở Tượng đài Mẹ VN anh hùng (Quảng Nam), chúng tôi được tiếp cận với nhiều kỷ vật của liệt sĩ (LS) Phạm Hàng, con trai của Mẹ VN anh hùng Võ Thị Nhiều (xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ), gồm túi xách, bộ kim tiêm, kéo, ram giấy, báo cáo…

Kỷ vật - Ký ức chiến tranh: Rưng rưng nghe chuyện kỷ vật của liệt sĩ- Ảnh 1.

Ram giấy của liệt sĩ Phạm Hàng

Thiên Thảo

Theo Ban Quản lý di tích và danh thắng tỉnh Quảng Nam, LS Phạm Hàng công tác trong Đội công tác an ninh H.Bắc Tam Kỳ. Sau Tết Mậu Thân (1968), anh cùng đồng đội về quê hoạt động. Lúc ấy, mẹ Nhiều làm nhiệm vụ cảnh giới địch và ngụy trang hầm bí mật đào trong vườn nhà. Địch về ban đêm, mẹ thắp ba cây nhang trước bìa sân. Địch về ban ngày, mẹ giả vờ đuổi gà.

Kỷ vật - Ký ức chiến tranh: Rưng rưng nghe chuyện kỷ vật của liệt sĩ- Ảnh 2.

Chiếc đồng hồ Bác Hồ tặng liệt sĩ Nguyễn Thị Triển

Tư liệu Bảo tàng Hồ Chí Minh

Vào một đêm, anh Hàng và đội công tác bí mật về nằm vùng hoạt động. Lúc đó, địch ở trên nổng cát cách nhà mẹ chừng hơn 2 km, anh Hàng cùng đồng đội ở dưới hầm trú ẩn. Không ngờ, nửa khuya địch ập đến phía sau rừng. Mẹ Nhiều phát hiện, báo tin khẩn cấp, đội công tác vội thoát thân, bỏ lại vỏ thùng đạn đại liên đựng nhiều tài liệu tối mật của đội an ninh. Mẹ đào chôn vội vã thùng đạn này ở luống cải sau vườn… Địch ập vào nhà, phát hiện có 3 cái chén và 3 đôi đũa cùng nồi cháo còn dang dở. Biết mẹ Nhiều là cơ sở cách mạng, chúng lục soát, tra hỏi mẹ đủ điều, nhưng mẹ không khai báo. Địch đem mẹ ra bắn giữa sân nhà. Khi địch rút đi, bà con hàng xóm sang chôn cất mẹ. Không có quan tài, thi thể mẹ được bọc bằng tấm chiếu và mấy nẹp tre tươi bó kẹp ở ngoài…

Kỷ vật - Ký ức chiến tranh: Rưng rưng nghe chuyện kỷ vật của liệt sĩ- Ảnh 3.

Túi xách của liệt sĩ Phạm Hàng

Thiên Thảo

Lúc ấy, anh Hàng và đội công tác thoát hiểm, chạy ra hướng xã Bình Sa, H.Thăng Bình, xuống hầm bí mật. Địch lần theo dấu chân các anh, phát hiện được hầm bí mật. Chúng kêu gọi đầu hàng, nhưng anh Hàng cùng đồng đội tung nắp hầm ném lựu đạn mở đường thoát. Không may, anh Hàng trúng đạn của địch, anh dũng hy sinh, được nhân dân Bình Sa mai táng ngay bên hầm bí mật. Chiếc túi xách, bộ kim tiêm, kéo, ram giấy, báo cáo… là vật dụng của LS Phạm Hàng và đồng đội, được mẹ Võ Thị Nhiều cất giấu tại vườn nhà trước lúc mẹ bị bắn chết. Năm 1999, con trai út mẹ Nhiều là Phạm Hồng Yên đã đào được những kỷ vật này và năm 2018 tặng lại Ban Quản lý di tích và danh thắng tỉnh Quảng Nam.

Chiếc áo lính nhuốm máu

Tại Bảo tàng Lực lượng vũ trang miền Đông Nam bộ (Quân khu 7), nhiều khách tham quan bồi hồi xúc động khi hướng dẫn viên thuyết minh về chiếc áo quân phục của LS Trần Tử Kiện (tên thường gọi Út Khang). Cũng giống như bao chiếc áo quân phục của những người lính đi chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, nhưng chiếc áo được may bằng vải bông màu xanh, kiểu ngắn tay và có một túi trước ngực trái là kỷ vật cuối cùng của người tiểu đội trưởng đội biệt động hoạt động bí mật ở Sài Gòn này. Điều đặc biệt hơn, khiến ai cũng rưng rưng là chiếc áo đã sờn rách, bạc màu còn loang lổ vết máu, qua thời gian đã chuyển màu nâu sẫm. Đó là chiếc áo người tiểu đội trưởng biệt động mặc lần cuối cùng trong đời.

Kỷ vật - Ký ức chiến tranh: Rưng rưng nghe chuyện kỷ vật của liệt sĩ- Ảnh 4.

Bộ dụng cụ y tế của liệt sĩ Phạm Hàng

Thiên Thảo

Theo tư liệu của bảo tàng này, trong một lần tham gia hoạt động giữa lòng địch, anh Kiện không may bị địch phát hiện, bắn trúng chân rồi bị bắt. Nhằm làm nhụt chí lực lượng biệt động Sài Gòn – Gia Định và các lực lượng cách mạng khác, địch đã dùng dây xích buộc chân anh rồi kéo lê từ ấp Bàu Trăn, xã Nhuận Đức, đến Xóm Bưng, xã An Nhơn Tây (H.Củ Chi, TP.HCM) khiến anh hy sinh. Anh được đồng đội an táng, và họ giữ lại chiếc áo của anh, sau này trao tặng cho bảo tàng trưng bày.

Kỷ vật - Ký ức chiến tranh: Rưng rưng nghe chuyện kỷ vật của liệt sĩ- Ảnh 5.

Áo quân phục của liệt sĩ Trần Tử Kiện

Tư liệu Bảo tàng LLVT miền Đông Nam bộ

Kỷ vật là quân phục của một LS khác cũng làm nhiều người xúc động. Đó là bộ quân phục của anh Lê Đình Chinh, người chiến sĩ đầu tiên ngã xuống trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía bắc, khi đó anh mới tròn 18 tuổi. Bộ quân phục này được trưng bày ở Bảo tàng Chiến thắng B52 (Hà Nội).

Kỷ vật - Ký ức chiến tranh: Rưng rưng nghe chuyện kỷ vật của liệt sĩ- Ảnh 6.

Bộ quân phục của liệt sĩ Lê Đình Chinh

Tư liệu Bảo tàng B52

Chiếc đồng hồ quý của Bác Hồ tặng

Năm 2023, Bảo tàng Hồ Chí Minh (Hà Nội) tiếp nhận kỷ vật là chiếc đồng hồ đeo tay của LS Nguyễn Thị Triển, xã đội phó đội dân quân, người đã bắn rơi máy bay trinh sát đầu tiên của quân đội Mỹ vào đêm 27.7.1966. Theo tư liệu của bảo tàng, chị Triển được Bác Hồ tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng ba, cùng với chiếc đồng hồ do Nga sản xuất. Trên mặt số chiếc đồng hồ có dòng chữ tiếng Nga mà các hướng dẫn viên bảo tàng tạm dịch là “Chiến thắng”. Chiếc đồng hồ có chất liệu kim loại màu vàng, loại đồng hồ cơ, vận hành bằng dây cót. Tuy nhiên, rất nhiều khách tham quan đã ngỡ ngàng và xúc động khi biết rằng món quà quý của Bác chưa kịp đến tay người nữ dân quân thì ngày 20.9.1967 chị đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Sau đó vài tháng, chiếc đồng hồ được trao cho gia đình chị Triển và họ gìn giữ nó như một báu vật cho đến khi tặng lại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Bây giờ, chiếc đồng hồ này vẫn còn rất đẹp và chạy bình thường khi được lên dây. (còn tiếp)


Bạn đang đọc Kỷ vật – Ký ức chiến tranh: Rưng rưng nghe chuyện kỷ vật của liệt sĩ tại website hungday.com

Anh chị chuẩn bị mở thẩm mỹ viện hay có người quen làm spa thì giới thiệu giúp em trang Giường spa giá rẻ này với nhé. Xin cảm ơn.