La Nina là gì? La Nina xuất hiện ảnh hưởng đến Việt Nam như thế nào?
La Nina là gì? La Nina xuất hiện ảnh hưởng đến Việt Nam như thế nào?
El Nino, La Nina là gì?
El Nino là từ được dùng để chỉ hiện tượng nóng lên của lớp nước biển bề mặt khu vực xích đạo và nhiệt đới đông Thái Bình Dương kéo dài khoảng 5 – 6 tháng trở lên. Trong khi đó, hiện tượng La Nina là pha ngược với El Nino, chỉ hiện tượng khi lớp nước biển bề mặt ở khu vực nói trên lạnh đi dị thường, kéo dài một khoảng thời gian.
Hiện tượng El Nino xảy ra trên khu vực nhiệt đới Thái Bình Dương song phạm vi ảnh hưởng của nó rất rộng lớn, hầu như toàn cầu với mức độ khác nhau và hệ quả tác động cũng rất đa dạng.
Ngược lại, khi xảy ra hiện tượng La Nina, ở vùng phía đông và trung tâm Thái Bình Dương, hoạt động đối lưu yếu hơn bình thường, làm cho vùng này vốn ít mưa càng ít mưa hơn, khô hạn nghiêm trọng hơn. Ở vùng phía tây Thái Bình Dương và lân cận, bao gồm Đông Nam Á, nhìn chung đối lưu tăng lên, hoạt động giông bão mạnh mẽ hơn, mưa nhiều hơn.
Dưới tác động của El Nino trong năm 2023, ngày 12.1.2024, Tổ chức khí tượng thế giới (WMO) đã xác nhận nhiệt độ trung bình toàn cầu năm 2023 là năm nóng nhất trong 174 năm qua.
Trong năm 2023, Việt Nam đã xuất hiện 20 đợt nắng nóng, tính từ năm 2017 đến nay thì năm 2023 xuất hiện nhiều đợt nắng nóng diện rộng nhất và nhiều hơn 5 đợt so với trung bình nhiều năm. Đặc biệt, tại H.Tương Dương (Nghệ An) đã quan trắc được giá trị nhiệt độ cao nhất là 44,2 độ C vào ngày 7.5.2023. Đây là giá trị nhiệt độ ngày cao nhất trên cả nước đã từng được quan trắc.
Tại Việt Nam, các nghiên cứu đều cho thấy, khi xảy ra hiện tượng El Nino, lượng mưa có xu thế thiếu hụt, các đợt mưa lớn ít hơn, nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm, nắng nóng diễn ra gay gắt, kéo dài, các hiện tượng giông lốc gia tăng và gây nhiều thiệt hại, nguy cơ bão và áp thấp nhiệt đới có xu thế thấp hơn các năm La Nina.
Trong khi đó, các năm La Nina nhìn chung nền nhiệt độ có xu thế thấp hơn trung bình nhiều năm, các đợt rét đậm, rét hại xảy ra nhiều hơn, lượng mưa có xu thế gia tăng, nhiều đợt mưa lớn gây lũ lụt nghiêm trọng, nguy cơ bão và áp thấp nhiệt đới có xu thế cao hơn trung bình nhiều năm.
Từ đầu năm 2024, các chuyên gia khí tượng đã nhận định 2024 là năm có sự chuyển pha thời tiết từ El Nino sang La Nina nên thiên tai năm nay sẽ rất phức tạp. Trong quá khứ, điểm chung nhất trong những năm chuyển pha thời tiết từ El Nino sang La Nina (gồm 1998, 2010, 2016 và 2020) là thời tiết thiên tai diễn ra khốc liệt, gây nhiều thiệt hại cả người và tài sản.
Những trận thiên tai từ đầu năm đến nay đã chứng minh điều đó. Trong đợt mưa lũ do ảnh hưởng của bão số 3 vào đầu tháng 9 đã khiến Việt Nam chịu tổn thất nặng nề về người và tài sản.
Theo Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ NN-PTNT), bão số 3 đã làm 344 người chết và mất tích (318 người chết, 26 người mất tích), 1.976 người bị thương; 281.966 nhà hư hỏng, tốc mái; 112.034 nhà bị ngập; 284.472 ha lúa bị ngập úng, thiệt hại; 61.114 ha hoa màu ngập úng; 39.188 ha cây ăn quả bị hư hại; 189.982 ha rừng bị thiệt hại…
La Nina đến chậm, Biển Đông dễ xuất hiện bão
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, hiện tượng ENSO đang trong trạng thái trung tính nhưng nghiêng dần về pha lạnh La Nina (với chuẩn sai nhiệt độ mặt nước biển khu vực xích đạo trung tâm Thái Bình Dương đang thấp hơn trung bình nhiều năm -0,3 độ C vào tuần đầu tháng 10).
Dự báo, thời kỳ từ tháng 11.2024 đến tháng 1.2025, ENSO có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina với xác suất 60 – 70%. Như vậy, La Nina khả năng sẽ xuất hiện muộn hơn những dự báo trước đó khoảng 2 tháng.
Dưới tác động của La Nina, hoạt động của bão, áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng đến đất liền nước ta có khả năng ở mức xấp xỉ đến cao hơn so với trung bình nhiều năm (trung bình nhiều năm trên Biển Đông 2,8 cơn; đổ bộ đất liền 1,1 cơn).
Đặc biệt, bão, áp thấp nhiệt đới đổ bộ đất liền có khả năng tập trung nhiều ở khu vực Trung bộ và các tỉnh phía nam. Đề phòng khả năng bão hoặc áp thấp nhiệt đới hình thành ngay trên khu vực Biển Đông.
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định, thời điểm ENSO chuyển sang pha La Nina trùng với thời điểm mùa mưa lũ tại miền Trung nên mưa lũ, lượng mưa được dự báo ở mức cao hơn bình thường.
Theo ông Khiêm, do vừa trải qua giai đoạn El Nino từ năm 2023 nên nền nhiệt trên nước biển rất cao. Về mặt lý thuyết, nhiệt độ biển càng cao thì năng lượng hình thành dễ hơn, đây là yếu tố bất lợi tạo ra những cơn bão ngay trên Biển Đông.
Trong thời điểm ENSO nghiêng dần về pha lạnh La Nina Việt Nam cũng đã ghi nhận rét đến sớm hơn trung bình nhiều năm. Theo ghi nhận của Thanh Niên, những ngày đầu tháng 10, hàng loạt cây hoa đào tại khu vực 2 xã A Lù, xã Y Tý (H.Bát Xát) bắt đầu bung nở.
Người dân địa phương cho biết, trong vài năm gần đây, năm nào cũng có hoa đào nở sớm nhưng chưa bao giờ nở sớm như năm nay. Cạnh đó, mùa đông năm nay rét đến sớm hơn mọi năm, từ tháng 9 âm lịch. Thông thường các năm, phải đến tháng 10 âm lịch tại địa phương vùng cao này mới có rét.
Cơ quan khí tượng dự báo, rét đậm, rét hại có khả năng xuất hiện nhiều trong tháng 11 – tháng 12.2024. Trong đó, hiện tượng rét đậm ở miền Bắc có khả năng xuất hiện từ nửa cuối tháng 12 (tương đương trung bình nhiều năm).
Việc không khí lạnh hoạt động mạnh trong tháng 11 – tháng 12 năm nay cũng khiến nhiệt độ trung bình năm 2024 thấp hơn mọi năm. Theo đó, từ tháng 11 – 12, nhiệt độ trung bình cả nước phổ biến ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm; riêng khu vực miền Bắc, phía bắc và phía trung của miền Trung có khả năng thấp hơn khoảng 0,5 độ C so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.