LẠI BÀN VỀ ĐƯỜNG XƯA MÂY TRẮNG
Tháng sáu 2, 2024
Có hai dấu ấn rõ nét để chứng tỏ Đường Xưa Mây Trắng đậm màu Đại Thừa. Đây là bài phân tích chứ không phải chê bôi.
Thứ nhất, sách ấy ca ngợi tình thương. Rằng có hiểu mới có thương, muốn thương thì phải hiểu, rằng tình thương là cứu cánh duy nhất và là chân lý bất biến của nhân loại.
Phật giáo nguyên bản có ảnh hưởng bởi Ấn Giáo và Kì Na giáo, cũng ca ngợi tình yêu thương nhưng Phật đẩy mạnh lên yêu thương vạn vật, cây cỏ, muông thú, thậm chí yêu cả côn trùng vi khuẩn. Tuy nhiên, tôi không cho rằng xiển dương tình thương là phát minh lớn của Phật giáo. Tu sỹ Kì Na giáo giữ giới không sát sanh và không hại người còn nghiêm cẩn hơn cả Phật.
Phật giáo nếu có đề cập tình yêu thương thì nó được nhìn ở góc độ triết học hơn là một chủ nghĩa nhân văn thuần túy.
Chủ nghĩa nhân văn không mới. Trên thế giới đã có từ xa xưa. Ở phương Tây có ba cây bút điển hình là Charle Dickens, Victor Hugo và Lev Tolstoy. Charle Dickens gần nhất với đời thực (Oliver Twist, David Copperfield, Đức chúa Jesus). Victor Hugo (Những người khốn khổ) là chủ nghĩa nhân văn lãng mạn. Những nhân cách được ông mô tả không có thực ở ngoài đời: Cao lồng lộng và đầy cảm hứng nhưng không có thật. Resurrection (Lev Tolstoy) là chủ nghĩa nhân văn thống thiết. Tolstol yêu tha thiết nhân loại, phụ nữ và trẻ em, những thành phần bị đẩy vào thế yếu. Thú vị thay, cả ba đại gia này đều tôn thờ Jesus và thuần thành kính Chúa.
Ở Việt Nam, chủ nghĩa nhân văn rõ nét nhất sẽ tìm thấy ở Nguyên Hồng, Trịnh Cộng Sơn và Nguyễn Du. Ngoài ra còn vô số tác giả, tác phẩm khác như Quan Âm Thị Kính, Thạch Sanh, Sự tích Trầu Cau…
Nước ta nhỏ yếu, dân mình đa sầu đa cảm nên chủ nghĩa nhân văn rất dễ có đất sống, đâm chồi nảy lộc ghê gớm. Nhưng xét bản chất, nó là một thứ chủ nghĩa, chứ không phải chân lí tuyệt đối.
Cụ thể, hiếm khi nào tình thương và lòng bác ái lại chiến thắng gươm giáo, súng đạn và bạo quyền. Vấn đề này tôi từng đề cập trong bài RAMBO Ở MIẾN ĐIỆN.
Thêm vào đó, nếu chỉ nói “người yêu người” thì sẽ nảy ra mâu thuẫn: Có cần nhân đạo với con vật không? Con vật thì phải gọi là vật đạo chứ? Nhân đạo, nếu chỉ “người yêu người”, sẽ thành ích kỉ, vị chủng, cũng chả tốt lành gì. Nếu mở rộng yêu thương ra vạn vật thì xa vời quá, loài người không làm theo được. Hóa ra ta ôm ấp thứ nhân đạo viển vông chừng nào ta vẫn phải ăn thịt, ăn rau. Mấy thánh ăn chay đừng tưởng ăn rau là không sát sinh. Rau cũng có xung động tình cảm đấy nhé.
Thêm một ví dụ nữa để hiểu sự bế tắc của chủ nghĩa nhân đạo: Phim Avatar (Waterway) kể về cuộc xâm lược của loài người lên hành tinh khác. Tên thủ lĩnh Người giết hại tàn bạo “người” của hành tinh bạn. Vậy hắn có nhân đạo không? Xét ở định nghĩa nhân đạo là “người yêu người” thì tay thủ lĩnh đó hoàn toàn đúng và nhân ái. Hắn có giết người Trái Đất đâu, hắn giết bọn alien để tìm chỗ sinh sống cho loài người (chuẩn người) chứ? Thật đáng tranh cãi.
Tóm lại: Nhân ái, nhân văn, nhân đạo là một chủ nghĩa đẹp. Nó không phải là chân lí tuyệt đối và cũng không phải là cứu cánh của chúng sinh. Loài người vẫn loay hoay tìm kiếm một con đường chân lý tuyệt đối mà chưa hề hài lòng. Chính Thích Nhất Hạnh và Thích Ca đã khẳng định: YÊU NHIỀU THÌ KHỔ NHIỀU, SỞ HỮU LẮM THÌ ĐAU KHỔ LẮM. Vậy là, chủ nghĩa nhân đạo bỗng thành mâu thuẫn với chủ nghĩa buông xả rồi.
Thứ hai, sách Đường Xưa Mây Trắng kêu gọi hiếu hạnh và xiển dương công cha nghĩa mẹ. Điều này Phật giáo chính tông không hề đề cập. Nó là văn hóa Trung Hoa thấm vào. Nhắc lại, tôi không ca cũng chả chê điểm này. Các bạn có thể tìm các bài về hiếu hạnh của tôi để hiểu thêm.
Chút công phu quê mùa của con khiến các bác chê cười ạ. Đắc tội.
Con xin được các bác chỉ giáo thêm ạ. Biết ơn nhiều. Con viết là để vui vẻ thôi. Con chẳng làm ăn gì được đâu. Con biết ơn rất nhiều