Lâm Đồng: Phát hiện cơ sở sản xuất bồn chứa nước xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu Sơn Hà

Tháng chín 27, 2024

Lâm Đồng: Phát hiện cơ sở sản xuất bồn chứa nước xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu Sơn Hà

(Xây dựng) – Theo thông tin của Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường (QLTT), sau khi kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, phát hiện Công ty TNHH Minh Tú Anh kinh doanh hàng hóa có nhãn không ghi đủ các nội dung bắt buộc phải thể hiện theo tính chất hàng hóa; Sản xuất hàng hóa mang dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu đã được bảo hộ tại Việt Nam.

Lâm Đồng: Phát hiện cơ sở sản xuất bồn chứa nước xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu Sơn Hà
Một trong những bồn chứa nước có phun sơn nhãn hiệu SÔHA, chi tiết này có dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu SONHA.

Cục Nghiệp vụ QLTT thông tin, ngày 28/8/2024, thực hiện nhiệm vụ của Phòng Nghiệp vụ 3, Tổ Thương mại điện tử đột xuất kiểm tra đối với Công ty TNHH Minh Tú Anh, địa chỉ số 113 đường Thống Nhất, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng do ông Nguyễn Doãn Thiệu làm Giám đốc.

Công ty TNHH Minh Tú Anh là đơn vị chuyên sản xuất, kinh doanh các sản phẩm là bình chứa nước với nhiều thương hiệu khác nhau trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra ghi nhận tại địa điểm sản xuất của Công ty TNHH Minh Tú Anh có 146 chiếc nhãn hàng hóa không ghi đủ các nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa. Số nhãn hàng hóa này chưa được dán lên các sản phẩm bồn chứa nước inox.

Đặc biệt, Đoàn kiểm tra phát hiện Công ty đã sản xuất hoàn thiện 11 chiếc bồn chứa nước inox, trên thân bồn có phun sơn nhãn hiệu SÔHA do Công ty TNHH Minh Tú Anh bảo hộ theo Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu của Cục Sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, trên thân bồn chứa nước inox còn dập nhãn hiệu SÔHA; chi tiết này có dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu SONHA theo Kết luận giám định Sở hữu công nghiệp của Viện Khoa hoạc Sở hữu Trí tuệ. Trị giá lô hàng vi phạm 16,7 triệu đồng.

Ngoài ra, làm việc với Đoàn kiểm tra, chủ cơ sở khai nhận, trong thời gian qua Công ty đã bán ra 10 sản phẩm bồn chứa nước inox mang nhãn hiệu SÔHA xâm phạm quyền như đã nêu trên.

Lâm Đồng: Phát hiện cơ sở sản xuất bồn chứa nước xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu Sơn Hà
Tại thời điểm kiểm tra, trên thân bồn chứa dập nhãn hiệu SÔHA; chi tiết này có dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu SONHA theo Kết luận giám định Sở hữu công nghiệp của Viện Khoa học Sở hữu Trí tuệ.

Với các hành vi vi phạm nêu trên, Đoàn kiểm tra đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền trên 100 triệu đồng đối với các hành vi: Bán hàng hóa có nhãn không ghi đủ các nội dung bắt buộc phải thể hiện theo tính chất hàng hóa theo quy định pháp luật về nhãn hàng hóa; Sản xuất hàng hóa mang dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu.

Đồng thời, Công ty TNHH Minh Tú Anh bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ một phần hoạt động sản xuất hàng hóa vi phạm 02 tháng cho hành vi sản xuất hàng hóa mang dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu theo quy định.

Cơ sở cũng bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “buộc thu hồi hàng hóa và buộc ghi nhãn hàng hóa đúng quy định trước khi tiếp tục lưu thông” đối với lô hàng hóa có nhãn không ghi đủ các nội dung bắt buộc phải thể hiện theo tính chất hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa; buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật vi phạm hành chính đã bị tiêu hủy trái quy định pháp luật; buộc loại bỏ yếu tố vi phạm và tiêu hủy yếu tố vi phạm; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Như vậy, tổng số tiền Công ty TNHH Minh Tú Anh phải nộp vào ngân sách Nhà nước đối với các hành vi vi phạm và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả là trên 209 triệu đồng.

Lâm Đồng: Phát hiện cơ sở sản xuất bồn chứa nước xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu Sơn Hà

Đây là một trong những vụ việc nổi bật mà lực lượng QLTT phát hiện, xử lý liên quan đến sản phẩm xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu đăng ký bảo hộ; bởi các đối tượng chủ yếu quảng cáo, chào bán hàng hóa trên nhiều địa phương khác nhau, thậm chí rải rác trên vùng núi Tây Nguyên nên cán bộ thực thi phải sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh, xác minh các vị trí hàng hóa.

Trong công văn gửi Tổng cục QLTT, bà Ngô Thị Thanh Lan, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sơn Hà Sài Gòn, Chủ thể quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam đối với nhãn hiệu Sơn Hà nhấn mạnh, việc lực lượng QLTT thu giữ nhiều lô sản phẩm xâm phạm nhãn hiệu Sơn Hà đã chứng minh không chỉ năng lực mà còn là những nỗ lực không ngừng nghỉ của các cơ quan thực thi pháp luật trong cuộc chiến chống hàng hóa xâm phạm nhãn hiệu tại Việt Nam.

“Những hỗ trợ của lực lượng QLTT không chỉ góp phần bảo vệ quyền lợi hợp pháp của Sơn Hà với tư cách là Chủ thể quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam, mà còn góp phần rất lớn trong việc bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của người tiêu dùng” – bà Ngô Thị Thanh Lan nhấn mạnh.