LÀM SAO ĐỂ CHẾ NGỰ CẢM XÚC VÀ DUY TRÌ TÂM LÝ VỮNG CHÃI TRONG GIAO DỊCH?
Tháng chín 15, 2024
Trong giao dịch tài chính, không phải ai cũng có thể kiểm soát cảm xúc của mình một cách dễ dàng. Thị trường biến động hàng ngày, và những biến động đó có thể làm cho trader rơi vào những trạng thái tâm lý tiêu cực như sợ hãi, tham lam, hoặc hoài nghi. Khi cảm xúc chi phối, bạn dễ đưa ra các quyết định thiếu sáng suốt, ảnh hưởng đến hiệu quả giao dịch.
Vậy làm thế nào để giữ được cái đầu lạnh và tâm lý vững chãi giữa những cơn sóng thị trường? Câu trả lời nằm ở việc lập kế hoạch và tuân thủ kỷ luật một cách nghiêm ngặt. Dưới đây là những nguyên tắc giúp bạn chế ngự cảm xúc và duy trì sự ổn định trong giao dịch.
1. Lập kế hoạch trading (Plan your trade):
Bất cứ khi nào bạn vào lệnh, điều quan trọng là phải có lý do rõ ràng. Kế hoạch giao dịch của bạn phải dựa trên các yếu tố khách quan, chứ không chỉ vì cảm giác nhất thời. Một kế hoạch tốt sẽ dựa trên dữ liệu và điều kiện thị trường cụ thể, như các mô hình giá, chỉ báo kỹ thuật, hoặc các sự kiện kinh tế. Điều này giúp bạn tìm ra “điểm lợi thế” (the edge), nơi xác suất thắng cao hơn. Ví dụ, nếu bạn phát hiện ra một mô hình đảo chiều mạnh, đây có thể là tín hiệu cho một cơ hội giao dịch có lợi thế.
2. Giao dịch theo kế hoạch đặt ra (Trade your plan):
Một khi đã xây dựng được kế hoạch, hãy kiên trì theo đuổi nó. Cảm xúc thường khiến trader thay đổi quyết định đột ngột, nhưng việc làm theo kế hoạch sẽ giúp bạn tránh khỏi những quyết định sai lầm do cảm xúc nhất thời. Nếu bạn đã quyết định bán khi cổ phiếu đạt đến một ngưỡng nhất định, đừng để lòng tham giữ bạn lại với hy vọng giá sẽ tăng thêm.
3. Phải giữ kỷ luật bằng cách tuân thủ kế hoạch:
Kỷ luật là yếu tố then chốt trong thành công của một trader. Ngay cả khi thị trường biến động mạnh, bạn phải giữ vững kế hoạch và không để cảm xúc chi phối. Điều này đặc biệt khó khi bạn đang thua lỗ hoặc thắng lớn, nhưng chính việc giữ vững kỷ luật sẽ giúp bạn vượt qua những thời điểm này mà không mắc phải sai lầm lớn.
4. Kế hoạch phải bao gồm 4 điểm chính: Điều kiện (Reason), điểm vào (Entry), điểm dừng lỗ (Stop), và điểm chốt lời (Target) – gọi tắt là REST. Một kế hoạch giao dịch đầy đủ cần có 4 yếu tố quan trọng:
Reason (Điều kiện): Tại sao bạn vào lệnh? Đây là yếu tố quyết định việc bạn có lợi thế hay không.
Entry (Điểm vào): Thời điểm bạn vào lệnh phải đáp ứng với điều kiện bạn đặt ra và thiết lập được lợi thế của một tỷ lệ phần thưởng cao hơn rủi ro. Tuyệt nhiên, không nên ….giao dịch đuổi theo giá (chasing)
Stop (Điểm dừng lỗ): Xác định mức thua lỗ tối đa bạn chấp nhận theo kế hoạch, để bảo vệ nguồn vốn nguyên thủy.
Target (Điểm chốt lời): Mục tiêu lợi nhuận bạn đặt ra phải cụ thể rõ ràng. Việc có điểm chốt lời rõ ràng giúp bạn tránh bị cuốn vào lòng tham và sa đà, nhiều khi dẫn đến thua lỗ trở lại.
Kế hoạch “REST” này sẽ giúp bạn tự động hóa và loại bỏ cảm xúc khỏi quá trình ra quyết định, tạo nên một hệ thống giao dịch kỷ luật, kiểm soát được những thua lỗ trầm trọng đáng tiếc.
5. Tăng xác suất thắng bằng cách thiết lập tỷ lệ thua thấp hơn thắng (Reward/Risk = 2/1, 3/1 …)Một nguyên tắc quan trọng trong trading là luôn đảm bảo phần thưởng tiềm năng (reward) cao hơn rủi ro (risk). Ví dụ, nếu bạn sẵn sàng chấp nhận mất $1 thì lợi nhuận mục tiêu phải ít nhất là $2 hoặc $3. Điều này giúp bạn duy trì khả năng sinh lời ngay cả khi chỉ có 40-50% lệnh thắng (tức vẫn thắng khi win rate thấp).
6. Nhận diện các mô hình nến và biểu đồ giá, cũng như các điểm lợi thế khác (chỉ báo, Fibonacci levels, …) Một trader giỏi phải biết cách đọc biểu đồ và nhận diện các mô hình nến quan trọng như engulfing, doji, hay hammer, những tín hiệu thường chỉ ra xu hướng đảo chiều hoặc tiếp tục. Ngoài ra, việc sử dụng các công cụ như mức Fibonacci, các chỉ báo kỹ thuật (RSI, MACD, …) sẽ giúp bạn xác định các điểm vào lệnh với xác suất cao hơn, giúp bạn có lợi thế trong giao dịch.
Không ai là “thánh” và có thể dự đoán chính xác mọi chuyển động của thị trường và cổ phiếu đang nắm giữ. Điều quan trọng là bạn phải hiểu và áp dụng các quy tắc xác suất, loại bỏ cảm xúc và kiên định với kế hoạch đặt ra của mình. Nếu ai đó tuyên bố lúc nào cũng có thể đoán được thị trường, trăm trận trăm thắng, tốt nhất bạn nên tránh xa họ … 8 thước! Trading là một “trò chơi con số nhận diện mô hình” (“a pattern recognition numbers game”) như tác giả sách nổi tiếng “Trading in the Zone” Mark Douglas từng nói. Chúng ta chỉ vào trận khi xác suất nghiêng phần lợi thế về phía chúng ta và theo kế hoạch của mình chứ không theo cảm tính. Cảm xúc tuyệt đối không có chõ cho các quyết định mua hay bán!