Làm sao để ta biết được việc gì là quan trọng nhất?
Tháng tám 8, 2024
Trong cuộc sống bộn bề, ta dễ bị lạc trôi giữa những lực đẩy, sức kéo của cuộc đời. Mỗi người chúng ta đều là một mảnh ghép, phải liên tục thay đổi để thích nghi với các mảnh ghép khác xung quanh.
Biết mình muốn gì đã là cả một sự khó khăn, chưa nói đến việc làm sao để có được những điều mình mong muốn. Mỗi ngày có 24 tiếng, ăn ngủ sinh hoạt có khi đã mất 8-10 tiếng, vậy còn 14 tiếng còn lại, bao nhiêu % bạn dành cho sự nghiệp, cho gia đình, cho phát triển bản thân?
Quản lý thời gian và năng lượng là một điều tối quan trọng trong cuộc sống. Thời gian đã trôi sẽ không dễ gì lấy lại được, và năng lượng của ta trong mỗi ngày là giới hạn.
Làm sao để dành nhiều thời gian và năng lượng tập trung vào những gì quan trọng nhất?
Hay câu hỏi của mình mỗi ngày đấy là ngay bây giờ cần ưu tiên làm việc gì?
Dưới đây là vài suy nghĩ mình suy ngẫm và đúc kết từ việc quản lý thời gian khi làm sản phẩm trong nhiều môi trường, thử nghiệm nhiều phương pháp, framework khác nhau.
1. Cần xác định mục tiêu lớn của cuộc đời – product vision
Trong Alice in Wonderland, cô bé Alice hỏi đường chú mèo Cheshire:
– Bác ơi làm ơn cho cháu hỏi, từ đây cháu nên đi đâu tiếp?
Mèo đáp:
– Tuỳ xem cháu muốn đi đâu
Alice:
– Đi đâu cũng được bác ơi, miễn là tới được đâu đó
Mèo:
– Thế thì cháu đi đường nào cũng được, miễn là cháu đi đủ lâu.
Nếu bạn không biết mình muốn gì, bạn sẽ không thể biết việc nào là quan trọng cần ưu tiên cả.
Tuy nhiên, một trong những câu hỏi khó nhất để trả lời đấy là biết mình muốn gì. Và để câu trả lời tốt nhất là biết/nhận thức mình muốn trở thành ai trong 10 năm nữa.
Nếu bạn dành 1 tiếng mỗi ngày tập trung cho một dự án 10 năm, bạn chắc chắn có một cuộc đời đáng sống – James Clear
Hay tôi gần đây bỏ 5 triệu mua khoá học của bác Hiếu tv cũng chỉ theo 1 chân lý tương tự:
Hãy kiên trì mua một mớ cổ phiếu ETF trong 10-20 năm, bạn sẽ có lãi lớn.
(Cảnh báo: Lời khuyên này đang bị mổ xẻ, lên án vì không áp dụng được ở Việt Nam 🤣).
Tuy nhiên, chắc hẳn bạn nào làm Product lâu năm cũng hiểu về tầm quan trọng của sự kiên định với một định hướng sản phẩm.
Chẳng ai muốn xây rồi đập, làm rồi phá, để rồi “tay không trắng tay lại về không” cả.
Bạn có nhớ câu chuyện Thỏ chạy thi với Rùa không?
Con thỏ thua không phải vì nó chạy chậm hơn, mà vì kém kiên định hơn, vì nó không biết mình muốn đi đâu
Thay vì di chuyển một hướng về đích, nó bị phân tán và để cho Rùa về đích trước, dù Rùa đi chậm hơn.
Biết mình muốn đi đâu thì bạn có đi như Rùa thì cũng sẽ về đích
Bất kể tốc độ của bạn thế nào, sự kiên định khiến cho bạn dù sẽ không đến được mặt trăng, nhưng cũng đủ để bạn đặt chân tới những vì sao.
Ngay bây giờ cần ưu tiên việc gì chỉ là cái nóc nhà, còn móng nhà phải là kế hoạch 10 năm của bạn 👇
Giống như mọi sản phẩm đều cần có sứ mệnh, tầm nhìn, mục tiêu trước khi làm chiến lược sản phẩm, bạn cũng cần phải có đường lối mình muốn trở thành thế nào, để còn biết cái nào là “must have”, hoặc “nice to have”.
Như phương pháp Eisenhower có chỉ ra, sự khác biệt chỉ nằm ở việc làm sao để ưu tiên việc “quan trọng hơn khẩn” so với việc “khẩn mà không quan trọng”. Và sự khác biệt này chỉ có thể đạt được khi bạn biết mình muốn đi hướng nào mà thôi.
Để tìm được việc nhỏ cần ưu tiên trong ngày, ta cần có thông tin để đối chiếu với việc lớn cần ưu tiên trong 10 năm.
2. Cấu trúc và kế hoạch quan trọng hơn kết quả – trust the plan and process
Nếu các bạn đọc các phương pháp của , hay thực hành , thì có một nguyên tắc đơn giản sau của việc thực hành quản lý thời gian.
“Hãy tin vào quá trình” – Trust the process.
Thay vì gồng lên để làm mọi thứ kết thúc đúng deadline mỗi ngày, để rồi cảm thấy chán ghét bản thân mình như một kẻ thất bại, ta cần tạo đà để xử lý những việc quan trọng nhất và cho phép để sau những thứ không quá quan trọng.
Việc thiết lập và làm theo kế hoạch giúp ta tạo được đà và kiểm soát kết quả qua đà (momentum).
Không những vậy, việc cấu trúc hoá các việc quan trọng để xử lý vào các mốc thời gian trong ngày giúp ta học cách rướn và có thêm thời gian xử lý những gì mình chưa biết.
Phần lớn kế hoạch bị phá vỡ vì những điều ta không lường trước, nhưng nếu ta có cấu trúc để đưa những gì quan trọng nhất lên đầu và tập trung năng cho nó, ta sẽ có thể đưa mình vào trạng thái Làm việc sâu và Dòng chảy để xử lý chúng (Deep Work & Flow State).
Ở trong trạng thái tập trung này, não bộ của bạn không còn bị phân tán bởi những thứ bên ngoài, mà có được sự chú tâm sâu sắc để phân tích và giải quyết vấn đề.
Bạn cần cấu trúc ngày làm việc của bạn làm sao để có thể nhanh chóng nhất làm việc được ở trong trạng thái đó.
Một trong những cách làm hay mình học được từ cuốn sổ của Chi Nguyễn – Present Writer, đó là hãy chia nhỏ ngày làm việc của bạn thành các session (phiên) của Pomodoro, và sắp xếp các tasks để gồng cho phù hợp trong từng phiên
Hãy xác định mình như một thợ săn, hôm nay cần vài giờ để săn một vài con thú quan trọng, còn lại để sau cũng được. Trong Getting Things Done, việc để sau sẽ được phân loại và sắp xếp làm vào một ngày phù hợp, đảm bảo việc vẫn sẽ được xử lý mà không bị quên.
Trong Sprint backlog cũng vậy, cần biết gồng những cái có cam kết, còn lại ta để xuống main backlog.
Cấu trúc giúp bạn tự tin rằng mình luôn biết kiểm soát công việc cần xong lúc nào, thay vì chạy theo những deadline ảo.
Phần lớn trường hợp, việc không khẩn như bạn nghĩ đâu.
Và kể cả nếu nó khẩn và bạn đánh giá sai, thì cấu trúc và kế hoạch sẽ cho bạn học cách rút kinh nghiệm, để đà lần sau làm sẽ tốt hơn.
Việc được phân vào nơi có đà từ trước, hiệu quả xử lý sẽ càng cao. Việc còn mới thì sẽ cần nhiều thời gian để làm thử và nghiên cứu hơn.
Hãy tin rằng nếu bạn đã dành đủ thời gian tập trung làm những việc quan trọng nhất, thì những việc chưa xong khác có thể để sau được.
3. Bí kíp võ công chung của các cao thủ – Điền vào chỗ trống – Master your technique
Bruce Lee từng nói:
“Tôi chỉ sợ kẻ luyện 1 cú đá 1000 lần”
Trong bóng đá, nếu mọi người biết đến Arjen Robben, mọi người hiểu rằng tuyệt chiêu in-side cut làm khổ biết bao nhiêu hậu vệ trong suốt thời gian thi đấu
Thời sinh viên, như mọi học sinh châu Á khác, tôi từng ám ảnh với điểm số. Vấn đề của tôi không chỉ là muốn 4.0 tất cả các môn, mà còn muốn trải nghiệm một cuộc sống Mỹ trong đại học. Tôi muốn học hiệu quả nhất có thể, để còn vẫn tham gia tốt các hoạt động ngoại khoá khác. Tôi đã học một lớp đặc biệt, trong đó, được tiếp xúc với cuốn “How to get straight A” của tác giả nổi tiếng Cal Newport. Cô đọng nhất của cuốn sách là một bí kíp đơn giản mà hiệu quả, đã là kim chỉ nam cho tôi suốt thời sinh viên lẫn sau đại học, mà tôi dịch ra là:
“Điền việc vào chỗ trống!!!”
Hãy tận dụng tối đa, tàn nhẫn nhất có thể những khoảng thời gian chết của bạn để làm những việc nhỏ nhưng quan trọng và cần thiết.
Bạn sẽ ngạc nhiên khi có những thời gian chết mỗi ngày của bạn mà bạn không làm gì tốn não: đợi xe buýt, đi bộ, đi toilet, đi xe máy, chờ thang máy, xếp hàng xin giấy tờ, ngồi nghe họp… hoặc đơn giản là ở trường hay ở công ty mà không có việc gì làm cả.
Kế hoạch lớn của bạn quan trọng là bởi vì, khi đời tự dưng cho bạn thời gian trống, thì bạn sẽ dành 1% mỗi ngày phát triển nó, và nhét nó vào thời gian trống đó.
Học SAT, GMAT, mở sổ ra reflect, viết tiểu thuyết, học code, nghiên cứu sản phẩm A, thị trường B, trả lời email… tất cả những thứ khó khăn đều có thể được chia nhỏ và tranh thủ thực hiện khi bạn có thời gian chết.
Thời gian chết là kho báu trời ban tặng, thay vì trừng phạt bạn, để làm những việc quan trọng bạn chưa hoàn thành.
Bí kíp này giúp nhiều sinh viên học nhiều môn mà điểm vẫn tốt, cũng như người làm nhiều việc mà kết quả vẫn cao.
Đừng nghe mấy sếp khuyên OT để thể hiện mình bận rộn và cống hiến, hãy tối ưu thời gian bạn có để đốt cháy công việc trong những thời gian chết.
Đến đây bài đã khá dài, bạn nào muốn đọc tiếp thì ấn vào nhé. Đừng quên Subscribe blog của mình 👆 để không bỏ lỡ các bài viết tương tự mỗi tuần