Làm sao để thực sự kết nối giữa một thế giới cô đơn?
Tháng chín 4, 2024
Bạn đã từng trải qua câu chuyện này chưa?
– Bạn có một kênh Facebook với vài trăm hoặc vài ngàn người bạn, nhưng khi gặp vấn đề, bạn không biết tìm tới ai để chia sẻ
– Bạn ngồi ở giữa nhiều người, cùng chia sẻ đủ thứ chuyện, nhưng sâu thẳm bên trong vẫn cảm thấy cô đơn, lạc lõng
– Hoặc thậm chí, bạn ở trong một mối quan hệ tình cảm rồi, nhưng khi trò chuyện với người yêu, bạn vẫn thấy cô đơn như thể chỉ có một mình
– Hay bạn luôn than vãn tại sao mãi không có người yêu, vì bạn không chịu được cảm giác cô đơn mỗi khi đêm tới
Nếu câu trả lời là có, thì bạn không hề một mình.
Theo một báo cáo (1), 33% dân số thế giới cảm thấy cô đơn, đặc biệt ở nhóm người trẻ (16-24 tuổi). Và hầu hết bất kỳ ai trong chúng ta trong một giai đoạn nào đó trong cuộc đời đều đã từng cảm thấy cô đơn. Một số người có thể gặp vấn đề cô đơn mãn tính (cảm giác cô đơn kéo dài liên tục trong nhiều năm), một số người khác trải nghiệm sự cô đơn trong một thời gian ngắn, do tác nhân từ hoàn cảnh, môi trường gây ra.
Dù bạn đang gặp phải tình trạng cô đơn trong bao lâu chăng nữa, việc biết cách chia sẻ và xây dựng những kết nối chân thực sẽ giúp xoa dịu, làm lành những cảm xúc cô đơn trong trái tim. Dưới đây là một số hướng dẫn về cách “chia sẻ” hiệu quả dành cho bạn, nếu bạn đang cảm thấy cô đơn:
1. Chia sẻ với chính mình:
Nếu hiện tại bạn chưa nghĩ ra bất kỳ ai để có thể cởi mở chia sẻ những suy nghĩ, cảm xúc bên trong, thì hãy bắt đầu bằng việc chia sẻ và kết nối với chính mình.
Có một sự thật rằng: Việc cố gắng tìm kiếm sự chia sẻ và vỗ về bên ngoài sẽ không hoàn toàn giúp bạn chấm dứt những cảm xúc cô đơn trong trái tim, nếu bạn chưa biết cách ngồi xuống và chăm sóc cho chính mình.
Rất nhiều người trong chúng ta có thói quen tìm đến các mối quan hệ khi cô đơn. Đây là một điều rất tốt và có ích, tuy nhiên đây chưa thể là giải pháp trong mọi trường hợp, đặc biệt khi bạn đi du học xa nhà, bạn đến một vùng đất mới, gặp môi trường mới, hoặc chưa cảm thấy tin tưởng được ai,…
Việc biết cách làm bạn với chính mình, vỗ về, lắng nghe, thấu hiểu bản thân sẽ là nền tảng để bạn khám phá sâu sắc nội tâm của bản thân, những ngóc ngách bên trong chính mình, “chữa lành” cho những ẩn ức, tổn thương sâu kín, điều mà có thể đứa bạn thân chưa đủ hiểu để thấu cảm cho bạn.
Một công cụ hữu ích trong việc kết nối và thấu hiểu chính mình là Viết. Bạn có thể thực hành viết nhật ký: viết ra tất cả mọi cảm xúc, suy nghĩ, ưu tư bên trong, để hiểu thêm tiếng nói nội tâm của mình; hoặc tìm hiểu về Liệu pháp “Viết biểu đạt” (Expressive Writing) nếu bạn cần chữa lành cảm xúc.
Một phương pháp khác để giúp bạn xoa dịu và làm lành nỗi cô đơn là thực hành Thiền Tâm từ. Thiền tâm từ được ghi nhận về lợi ích trong việc giúp con người vượt qua nỗi cô đơn, vì bài thiền dạy chúng ta xây dựng lòng thấu cảm, trắc ẩn với bản thân, và tăng khả năng phát triển kết nối xã hội.
Dưới đây là một bài dẫn Thiền Tâm từ mà bạn có thể thực hành, nếu bạn quan tâm tới liệu pháp Thiền:
2. Chia sẻ cảm xúc và nhu cầu với người khác:
Rất nhiều người trong chúng ta gặp thử thách, khó khăn trong việc chia sẻ những cảm xúc và suy nghĩ chân thực của bản thân với người khác, vì vô vàn những rào cản như: Sợ bị phán xét, sợ mình làm ảnh hưởng tới người kia,… Sự thiếu chân thực trong giao tiếp chính là một nguyên nhân gây ra những sự mất kết nối, cô đơn, dù bạn có đang ở trong bất kỳ mối quan hệ nào.
Và trong trường hợp này, thực hành Giao tiếp trắc ẩn (hay còn gọi là Giao tiếp phi bạo lực) là chìa khóa để giúp bạn có thể kết nối hiệu quả hơn với đối phương.
Giao tiếp trắc ẩn là một phương pháp giúp chúng ta trao đổi thông tin bằng cách tìm thấy điểm chung, khơi gợi lòng trắc ẩn và mong muốn cho đi từ trái tim.
Khi thực hành giao tiếp trắc ẩn, bạn sẽ chia sẻ chân thật những cảm xúc, nhu cầu thật sự của mình với đối phương, cũng như đưa ra những đề xuất, mong muốn của mình trong mối quan hệ, với mẫu câu chủ đạo: “Khi tôi nhìn/nghe/chạm/ngửi (1)…., tôi cảm thấy (2)….. bởi vì tôi có mong muốn (3)….Bạn có thể (4)……?” (Bạn có thể tìm hiểu sâu hơn về Giao tiếp trắc ẩn qua cuốn sách “Giao tiếp bất bạo động – Nonviolent communication” của tiến sĩ Marshall B. Rosenberg)
Khi thực sự thấu hiểu được những cảm xúc và nhu cầu chân thật của chính mình (thông qua bước 1: chia sẻ với chính mình), bạn sẽ biết cách chia sẻ bản thân một cách chân thành và hiệu quả với đối phương, và điều này sẽ giúp các mối quan hệ trở nên sâu sắc, gắn kết, yêu thương chân thành hơn.
Với những bạn đang cảm thấy cô đơn trong thế giới của riêng mình, khi bạn cho phép bản thân được mở lòng đón nhận sự hỗ trợ, lắng nghe, san sẻ từ mọi người; cho phép mình được nói lên những cảm xúc và nhu cầu chân thật của bản thân, điều đó sẽ giúp xoa dịu tâm trạng của bạn hơn rất nhiều lần.
Vốn dĩ, xung quanh chúng ta sẽ luôn có những con người, những mối quan hệ đủ trong lành, đủ bao dung để nâng đỡ chúng ta, khi bản thân bạn mở lòng hơn để sẻ chia bản thân với thế giới. Còn nếu bạn cảm thấy chưa đủ an toàn trong các mối quan hệ hiện tại, bạn có thể tìm đến một nhà tham vấn tâm lý cho mình để được giúp đỡ nhé.
Bởi vậy, hãy cho phép mình được mở lòng kết nối, chia sẻ nhiều hơn những cảm xúc và nhu cầu chân thật của mình với người khác, thay vì che giấu nó sau những lớp phòng vệ của tâm trí. Khi đó, lớp băng tuyết của sự cô đơn sẽ dần tan rã, và tình yêu thương sẽ dần nở hoa trong trái tim bạn.
Chúc bạn bình yên trong giây phút này!
Quỳnh Anh – Mystic Cat Lady
Trích nguồn: (1):
—
BLOG TRÊN FACEBOOK CỦA MÌNH: –
Ghé thăm nếu bạn quan tâm đến vấn đề Tâm lý học, Tâm Linh học, Phát triển/ Thấu hiểu bản thân nhé.
TRANG BLOG TRÊN WORDPRESS:
—
Nếu bạn yêu thích các bài viết và muốn ủng hộ cho blog phát triển, bạn có thể donate cho Mèo theo STK sau:
STK Vietcombank: 0301000388545 (Nguyễn Quỳnh Anh)