Lâm Vỹ Dạ hát cổ nhạc trong kịch ‘Đứt dây tơ chùng’
Lâm Vỹ Dạ hát cổ nhạc trong kịch ‘Đứt dây tơ chùng’
Lê Hoàng Long hiện ở Mỹ, là giáo sư toán của một trường đại học lớn, nhưng dòng máu nghệ thuật của người cha vẫn chảy trong tim nên anh luôn tận dụng thời gian để viết kịch bản. Đứt dây tơ chùng được dàn dựng nghiêm túc mà vẫn vui vẻ, sinh động, mang đến sự thú vị cho khán giả từ đầu đến cuối vở kịch.
Chuyện trong một gánh cải lương, mối tình tay ba khiến người ta đánh ghen, gây tổn thương cho nhau, cuối cùng để lại 3 đứa trẻ mồ côi Trọng, Nghĩa, Thoa. Ba đứa trẻ sống với bà Lụa, ông Sáu, được nuôi dưỡng và yêu thương như con ruột. Nhưng ông Sáu đã cấm tụi nhỏ đi theo nghệ thuật để tránh những thương tổn cuộc đời như cha mẹ chúng. Mặc dù vậy, thế hệ trẻ vẫn nghe theo tiếng gọi con tim…
Câu chuyện kết thúc có hậu, được dàn dựng ấn tượng khi đan xen chuyện đời, chuyện nghề. Khán giả xao động rưng rưng khi thấy lại những lớp diễn tuyệt đẹp của cố NSƯT Thanh Nga trong vở Bên cầu dệt lụa và cố NSƯT Thanh Sang trong Lục Vân Tiên. Những trích đoạn cải lương kinh điển đưa vào thật đắt giá, khiến người ta phải tin rằng dù đang khó khăn nhưng cải lương cần được gìn giữ, việc lớp trẻ đi theo cải lương là đúng đắn.
Hầu như các diễn viên trong vở đều phải ca cổ nhạc và đã diễn khá êm tai, như Lạc Hoàng Long, Xuân Nghị, Trúc Anh, Bùi Công Danh, Hoàng Yến, Minh Nga, Chí Tâm. Riêng Lâm Vỹ Dạ gây bất ngờ bởi cô có giọng ca rất truyền cảm, vừa ấm vừa có độ rung hay, khiến khán phòng im phắc lắng nghe và vỡ òa những tràng pháo tay. Lâm Vỹ Dạ diễn vai một người mê cải lương nhưng đi theo sân khấu chỉ được làm ô sin giữ con cho ông bà bầu. Chị có một mối tình đơn phương chung thủy. Nhân vật là mảnh đất màu mỡ cho Lâm Vỹ Dạ diễn hài thật duyên dáng, tươi xinh.
Vở kịch Đứt dây tơ chùng bi hài có đủ, mang đến ấn tượng về lớp diễn đẹp, về rung cảm với cải lương, tính nghệ thuật và thị trường hài hòa.