Lạng Sơn: Ổn định đời sống của nhân dân sau mưa lũ

Tháng chín 25, 2024

Lạng Sơn: Ổn định đời sống của nhân dân sau mưa lũ

(Xây dựng) – Cơn bão số 3 vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề cho người dân trên tỉnh Lạng Sơn. Với sự chủ động của tỉnh, sự đồng lòng của người dân, công tác khắc phục hậu quả sau lũ đã được tiến hành khẩn trương, nỗ lực cao nhất để người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống.

Lạng Sơn: Ổn định đời sống của nhân dân sau mưa lũ
Huyện Chi Lăng (Lạng Sơn) hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho người dân do bão số 3 gây ra.

Tính đến nay, do ảnh hưởng của bão số 3 và hoàn lưu sau bão, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã có 13 người thương vong, trong đó 3 người chết, 12.454 hộ gia đình bị thiệt hại. Ngoài ra, còn 80 công trình khác bị thiệt hại như: Trụ sở công an xã, nhà văn hóa thôn, trường học và điểm bưu điện xã.

Hơn 8.172ha nông nghiệp bị ảnh hưởng. Trong đó, 5.108ha lúa, 2.669ha màu, 394ha cây công nghiệp, trên 22.000 cây ăn quả bị gãy đổ hoàn toàn, trên 18.445ha rừng bị ảnh hưởng, gãy đổ (cây bạch đàn, keo, mắc ca, hồi, thông…), 11 hồ chứa thuỷ lợi bị hư hỏng.

Có 43 vị trí tại các Quốc lộ 1B, QL.4A, QL.279, QL 3B bị cây đổ xuống đường, 75 vị trí tỉnh lộ bị ngập úng, 193 vị trí giao thông tuyến huyện bị sạt lở đất. Mưa lớn đã gây ngập úng cục bộ và chia cắt với tổng số 138 điểm trên các tuyến đường tại địa bàn các huyện, thành phố. 150 cột điện cao thế và hạ thế bị gãy đổ, chủ yếu là các cột hạ thế; một số cột thông tin liên lạc bị ảnh hưởng và nhiều thiệt hại về tài sản khác của Nhà nước và nhân dân.

Để chủ động khắc phục hậu quả, cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, đồng thời triển khai các giải pháp khắc phục hậu quả bão số 3, nhanh chóng ổn định đời sống, khôi phục sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế, UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Văn bản số 1343/UBND-KT, theo đó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ phân công chủ động, khẩn trương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ.

Cụ thể: Thông tin, truyền thông, động viên tinh thần, khích lệ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn; phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống chính trị, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tinh thần tương thân, tương ái để đùm bọc, hỗ trợ lẫn nhau trong khó khăn. Kịp thời khen thưởng, động viên các tập thể, cá nhân là tấm gương sáng, điển hình trong phòng, chống, khắc phục bão số 3.

Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo tại Công văn số 1310/UBND-KT ngày 12/9/2024 về việc chủ động khắc phục hậu quả, cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm phục vụ đời sống của người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3. Công văn số 1288/UBND-KT ngày 08/9/2024 về việc tiếp tục tập trung triển khai các biện pháp cấp bách khắc phục hậu quả cơn bão số 3 và các văn bản chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh liên quan.

Lạng Sơn: Ổn định đời sống của nhân dân sau mưa lũ
Lạng Sơn phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tinh thần tương thân, tương ái để đùm bọc, hỗ trợ lẫn nhau trong khó khăn.

Huy động, bố trí đầy đủ lực lượng y tế, bảo đảm thuốc men, vật tư y tế cứu chữa người bị thương, bị bệnh. Làm tốt công tác vệ sinh môi trường, dọn dẹp rác thải, cây gẫy đổ, vệ sinh nguồn nước, tuyệt đối không để bùng phát dịch bệnh sau lũ, tạo “tác động kép” đến đời sống người dân, nhất là tại các vùng bị ngập úng. Tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ cho các gia đình có người thiệt mạng và người bị thương bảo đảm chế độ, chính sách theo quy định hiện hành. Tiếp tế lương thực, thực phẩm, nước sạch, cung ứng nhu yếu phẩm để ổn định đời sống nhân dân, nhất là các khu vực bị ngập úng, các điểm còn bị cô lập, chia cắt.

Hỗ trợ khẩn cấp chính sách đối với các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn để sửa chữa nhà ở bị hư hỏng nặng theo quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ theo phương châm “xác định thiệt hại đến đâu, hỗ trợ kịp thời đến đó”.

Đồng thời, tiếp tục rà soát tất cả các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, bờ sông, suối, tiềm ẩn rủi ro thiên tai, để có phương án di dời dân đến nơi an toàn, bố trí nơi ở tạm thời cho các hộ gia đình buộc phải di dời. Đặc biệt, tại những điểm đã sạt lở và hiện đang tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra sạt lở tiếp, kiên quyết không cho người dân quay lại.

Chủ động sử dụng nguồn dự phòng ngân sách và các nguồn lực huy động hợp pháp khác để sửa chữa, sớm đưa vào sử dụng trở lại các công trình dân sinh, trường học, trạm y tế, nước sinh hoạt, thủy lợi. Tổ chức khắc phục, sửa chữa các công trình giao thông, nhất là các vị trí bị sạt lở, bảo đảm thông tất cả tuyến đường trên địa bàn, bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Khôi phục các hư hỏng của hệ thống cấp điện, viễn thông, để đảm bảo cung ứng điện đầy đủ cho nhu cầu sản xuất, sinh hoạt, thông tin liên lạc của người dân.

Lạng Sơn: Ổn định đời sống của nhân dân sau mưa lũ
Người dân tập trung thu dọn vệ sinh môi trường sau khi nước rút, sớm ổn định cuộc sống, sản xuất.

Hướng dẫn người dân, các doanh nghiệp, hợp tác xã khôi phục sản xuất nông, lâm nghiệp; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi cho cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh, hợp tác xã để tái đàn, tái vụ. Thúc đẩy triển khai, giải ngân các dự án đầu tư công, dự án ngoài ngân sách, các chương trình mục tiêu quốc gia bảo đảm đạt tỷ lệ giải ngân theo chỉ đạo, lấy lại đà tăng trưởng phấn đấu đạt các chỉ tiêu, mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội đề ra của kế hoạch năm 2024.

Yêu cầu UBND các huyện, thành phố khẩn trương tổng hợp tình hình thiên tai, đánh giá thiệt hại theo biểu mẫu quy định tại Thông tư liên tịch số 43/2015/TTLT-BNNPTNT- BKHĐT ngày 23/11/2015. Tổng hợp báo cáo kết quả sử dụng từ nguồn ngân sách địa phương và các nguồn lực hợp pháp khác đã sử dụng để khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn. Chủ động triển khai các giải pháp, chính sách hỗ trợ theo thẩm quyền; kịp thời đề xuất, báo cáo UBND tỉnh hỗ trợ khi cần thiết.

Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể phát động các phong trào vận động quyên góp, ủng hộ, hỗ trợ, giúp đỡ các đoàn viên, hội viên. Đồng thời, kêu gọi các cơ quan Trung ương, doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ, trợ giúp các gia đình bị thiệt hại nhanh chóng khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định đời sống, sản xuất.