Lấy ý kiến việc giao Sở Giao thông vận tải làm chủ đầu tư dự án do Bộ Giao thông vận tải quản lý
Lấy ý kiến việc giao Sở Giao thông vận tải làm chủ đầu tư dự án do Bộ Giao thông vận tải quản lý
(Xây dựng) – Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có văn bản xin ý kiến các Bộ ngành, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 72/TB-VPCP ngày 28/02/2024 về phiên họp thứ 9 Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm quốc gia, ý kiến của Bộ Tài chính tại văn bản số 5442/BTC-ĐT ngày 28/5/2024, Bộ GTVT đề nghị các Bộ có ý kiến về việc giao Sở GTVT làm chủ đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông do Bộ GTVT quản lý, cụ thể như sau:
Thực hiện chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với tinh thần “Bảo đảm việc nào, cấp nào sát với thực tế hơn, giải quyết kịp thời và phục vụ tốt hơn các yêu cầu của tổ chức và người dân thì giao cho cấp đó thực hiện”, căn cứ quy định của Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công về giao chủ đầu tư, Bộ GTVT giao các Ban QLDA trực thuộc làm chủ đầu tư các dự án. Tuy nhiên, trường hợp xét thấy các Ban QLDA đang triển khai nhiều dự án, vượt quá năng lực tại thời điểm giao chủ đầu tư, Bộ GTVT sẽ giao Sở GTVT làm chủ đầu tư để triển khai chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư một số dự án.
Trong giai đoạn 2021 – 2025, Bộ GTVT được giao khoảng 304.000 tỷ đồng vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 – 2025 và khoảng 87.000 tỷ đồng vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội để thực hiện đầu tư các công trình giao thông theo các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, tạo áp lực rất lớn đối với Bộ GTVT về công tác tổ chức thực hiện, giải ngân; đặc biệt trong giai đoạn 2021 – 2025 phải hoàn thành gần 2.000km đường bộ cao tốc, riêng đầu năm 2023 khởi công 12 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông với tổng chiều dài 721km, kinh phí đầu tư khoảng 146.000 tỷ đồng và yêu cầu hoàn thành năm 2025 dẫn đến vượt quá khả năng triển khai của các Ban QLDA thuộc Bộ (thực tế đã điều chuyển nguồn vốn về các địa phương triển khai thực hiện. Do đó cần thiết phải nghiên cứu, giao các Sở GTVT có năng lực, kinh nghiệm nơi có tuyến đường đi qua làm chủ đầu tư dự án, phù hợp với định hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền bảo đảm phát huy tính chủ động, sáng tạo, trách nhiệm, năng lực và kinh nghiệm quản lý của địa phương, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị chung của ngành GTVT.
Việc giao các Sở GTVT làm chủ đầu tư có các thuận lợi như sau: Các Sở GTVT thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với các công trình giao thông trên địa bàn nên khi được giao làm chủ đầu tư sẽ nắm rõ điều kiện thực tế hiện trường, thuận lợi phối hợp với chính quyền địa phương nơi tuyến đường đi qua trong việc triển khai công tác GPMB, cung ứng vật liệu xây dựng.
Được hỗ trợ của hệ thống chính trị địa phương trong việc phối hợp, triển khai dự án, bảo đảm giao thông và trật tự an toàn công trường; hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ để sớm đưa các tuyến đường vào khai thác, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội địa phương; kết hợp triển khai dự án với việc phát triển công trình giao thông địa phương, phát triển đồng bộ các khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ,… Không phải mở rộng quy mô các Ban QLDA trực thuộc Bộ GTVT.
Quá trình triển khai cho thấy các Sở GTVT đã phát huy được năng lực, kinh nghiệm, tận dụng được các lợi thế nêu trên để thực hiện hoàn thành nhiệm vụ, bảo đảm tiến độ, chất lượng, giá thành; giải ngân, quyết toán vốn đúng quy định; bàn giao lại công trình sau khi hoàn thành cho Bộ GTVT để quản lý khai thác và được các cơ quan thanh tra, kiểm toán thực hiện hậu kiểm, cơ bản không có vướng mắc.
Để bảo đảm công tác quản lý dự án đầu tư công của Bộ GTVT thực hiện đúng quy định của pháp luật, Bộ GTVT đề nghị Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng nghiên cứu, có ý kiến về sự phù hợp của việc giao các Sở GTVT làm chủ đầu tư dự án do Bộ GTVT quản lý làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.
Bạn đang đọc Tin tức xây dựng trên website hungday.com
Anh chị bên phía chủ đầu tư cần tham khảo đơn vị làm nội thất gia đình thì xem tại website này nha Kệ gỗ đựng đồ. Xin cảm ơn.