LỊCH SỬ BỊ ĐÁNH MẤT CỦA CHỦ NGHĨA TỰ DO[Phần 1]
Tháng chín 1, 2024
Trích dịch từ The Lost History of Liberalism của Helena Rosenblatt
CHƯƠNG MỘT: LIBERAL CÓ Ý NGHĨA LÀ GÌ?
_TỪ CICERO ĐẾN LAFAYETTE
Liberal(tính từ):
1. Không nhỏ nhen, không thấp kém tự bản chất
2. Biến mình thành một người tôn quý(gentleman)
3. Phóng khoáng, rộng lượng, hào sảng
-TỪ ĐIỂN TIẾNG ANH, 1768
Nếu hỏi bất kì ai ngày nay định nghĩa chủ nghĩa tự do là gì và ta sẽ có vô vàn câu trả lời. Nó là một truyền thống tư tưởng, một hình thức cầm quyền, một hệ thống giá trị, một thái độ, hoặc một hình thái của tinh thần. Mặc dù thế, mọi người đều sẽ đồng ý rằng chủ nghĩa tự do tập trung vào việc bảo vệ các quyền và quyền lợi của cá nhân và rằng các chính quyền tồn tại để bảo vệ những điều này. Các cá nhân phải có quyền tự do tối đa để đưa ra những lựa chọn cho cuộc sống của chính họ và làm những gì họ muốn.
Tuy nhiên, sự thật là việc chú tâm vào cá nhân và lợi ích của họ chỉ mới xuất hiện gần đây. Thuật ngữ “chủ nghĩa tự do” thậm chí còn không tồn tại cho đến đầu thế kỷ 19, và trong hàng trăm năm trước khi nó ra đời, “liberal” có nghĩa là một điều gì đó rất khác. Trong gần hai nghìn năm, nó mô tả đức tính của một công dân, cho thấy sự tận tâm vì lợi ích chung và tôn trọng tầm quan trọng của sự kết nối hỗ tương.
THUỞ BAN MAI CỦA NỀN CỘNG HÒA: MỘT Ý TƯỞNG CÔNG DÂN VÀ ĐẠO ĐỨC
Trước hết, [được] tự do ở La Mã cổ đại nghĩa là [trở thành] một công dân và không phải là một nô lệ
Chúng ta bắt đầu với một tác giả cũng là một chính khách La Mã Marcus Tullius Cicero(106-43 TCN). Là một trong những tác giả được đọc và trích dẫn nhiều nhất trong lịch sử “tư tưởng phương Tây”, Cicero đã viết một cách hùng hồn về tầm quan trọng của sự hào phóng*. Từ này bắt nguồn từ thuật ngữ Latin liber, có nghĩa là cả “tự do”(free) và “hào phóng”(generous) và Liberis, “phù hợp với một người sinh ra với trạng thái tự do [trái ngược với trạng thái bị nô dịch] ”. Dạng danh từ tương ứng với hai từ này là Liberitas, hay “liberality”(tính cách hào phóng).
Trước hết, [được] tự do(being free) ở La Mã cổ đại nghĩa là [trở thành] một công dân và không phải là một nô lệ. Nó có nghĩa là tự do khỏi ý chí chuyên quyền của người chủ hoặc sự thống trị của những người khác. Người La Mã cho rằng một trạng thái tự do như vậy chỉ có thể thực hiện được dưới nền pháp quyền(rule of law) và hiến pháp cộng hòa. Các thỏa thuận về pháp lý và chính trị là cần thiết để đảm bảo rằng chính phủ chú trọng vào lợi ích chung, the res publica. Chỉ trong những điều kiện như vậy, một cá nhân mới có thể hy vọng được tự do.
Tính hào phóng, Cicero viết, chính là “sự ràng buộc của xã hội loài người”. Tính ích kỷ không chỉ đáng ghê tởm về mặt đạo đức mà còn có tính hủy hoại về mặt xã hội.
Nhưng đối với người La Mã cổ đại, việc được tự do đòi hỏi nhiều điều hơn là một hiến pháp cộng hòa; nó cũng yêu cầu những công dân thực hành liberalitas, đề cập đến cách suy nghĩ và hành động cao quý và rộng lượng đối với đồng bào của mình. Ngược lại với nó là tính ích kỷ, hay điều mà người La Mã gọi là “tính cách nô lệ”(slavishness) – một lối suy nghĩ hoặc hành động chỉ quan tâm đến bản thân, lợi ích và khoái lạc riêng. Theo nghĩa rộng nhất, liberalitas bộc lộ thái độ đạo đức và hào hiệp(magnanimous) mà người xưa tin là cần thiết cho sự gắn kết và vận hành trơn tru của một xã hội tự do. Bản dịch tiếng Anh của từ này là “liberality”.
Trong tác phẩm Bàn về nghĩa vụ(44TCN), Cicero đã mô tả tính hào phóng theo cách gây được tiếng vang qua nhiều thế kỷ. Tính hào phóng, Cicero viết, chính là “sự ràng buộc của xã hội loài người”. Tính ích kỷ không chỉ đáng ghê tởm về mặt đạo đức mà còn có tính hủy hoại về mặt xã hội. Nghĩa vụ đạo đức của những người tự do là phải cư xử một cách hào phóng* với nhau. Và có lòng hào phóng có nghĩa là “cho và nhận” theo cách đóng góp cho lợi ích chung.
Cicero khẳng định con người không được sinh ra chỉ cho riêng họ; họ được sinh ra vì lợi ích của những người khác:
Vì chúng ta sinh ra không chỉ cho riêng mình; kể từ đó . . . con người được sinh ra vì lợi ích của con người, để họ có thể làm điều tốt cho nhau, chúng ta phải đóng góp phần của mình cho lợi ích chung, và qua cử chỉ tử tế, cả trong việc cho và nhận, bằng kỹ năng, bằng cách lao động và bằng các nguồn lực mà chúng ta có, củng cố sự đoàn kết xã hội giữa con người với nhau.[1]
Seneca đưa ra một câu chuyện ngụ ngôn về đức tính hào phóng: điệu nhảy xoay tròn của ba nàng tiên duyên dáng, cho đi rồi nhận lại cũng như hoàn trả lợi ích. Đối với những nhà tư tưởng cổ xưa như Cicero và Seneca, tính hào phòng theo đúng nghĩa đen đã khiến thế giới xoay vòng – và gắn kết nó lại với nhau.
Một thế kỷ sau Cicero, một triết gia La Mã nổi tiếng và có ảnh hưởng khác, Lucius Annaeus Seneca (khoảng 4 TCN–65 SCN), đã trình bày chi tiết về nguyên tắc của tính hào phóng trong chuyên luận dài tập Bàn về lợi ích (63 SCN) của ông. Seneca đã mất công giải thích cách tặng, nhận và đáp lại quà tặng, ân huệ và sự phục vụ theo cách có tính đạo đức và do đó cấu thành nên mối quan hệ xã hội. Giống như Cicero, ông tin rằng để một hệ thống dựa trên trao đổi hoạt động hiệu quả, cần có thái độ hào sảng(liberal attitude) ở cả người cho và người nhận, hay nói cách khác là tính vị tha, rộng lượng và biết ơn. Mượn lời Chryssippus khắc kỷ gia của Hy Lạp (khoảng 280–TCN), Seneca đưa ra một câu chuyện ngụ ngôn về đức tính hào phóng(virtue of liberality): điệu nhảy xoay tròn của bộ ba nàng tiên duyên dáng(Three Graces), cho đi rồi nhận lại cũng như hoàn trả lợi ích. Đối với những nhà tư tưởng cổ xưa như Cicero và Seneca, tính hào phòng theo đúng nghĩa đen đã khiến thế giới xoay vòng – và gắn kết nó lại với nhau.
Nền giáo dục khai phóng đã rèn dũa cho họ đức tính đó và đòi hỏi sự giàu có cũng như thời gian rảnh rỗi đáng kể để học tập. Mục đích chính của nó không phải là dạy học sinh cách làm giàu hay chuẩn bị cho họ một nghề nghiệp mà là chuẩn bị cho họ trở thành thành viên tích cực và có đức hạnh trong xã hội
Hào phóng không hề dễ thực hiện. Cicero và Seneca đã giải thích chi tiết về những nguyên tắc cần thiết cho việc cho và nhận. Giống như chính sự tự do(freedom), tính hào phóng đòi hỏi lý luận đúng đắn và nghị lực đạo đức, tính kỷ cương và chỉ huy. Đó rõ ràng cũng là một đặc tính quý tộc. Nó được thiết kế bởi và dành cho những người đàn ông tự do, giàu có và có quan hệ tốt, những người có khả năng cho và nhận lợi ích ở La Mã cổ đại. Nó được coi là một phẩm chất đặc biệt đáng khen ngợi trong tầng lớp quý tộc và giữa những người cai trị, như được thể hiện qua nhiều bản khắc cổ, sự ghi nhận chính thức và văn bản.
Nếu tính hào phóng là một đức tính phù hợp với giới quý tộc và những người cầm quyền, thì nền giáo dục khai phóng(liberal arts) đã rèn dũa cho họ đức tính đó và đòi hỏi sự giàu có cũng như thời gian rảnh rỗi đáng kể để học tập. Mục đích chính của nó không phải là dạy học sinh cách làm giàu hay chuẩn bị cho họ một nghề nghiệp mà là chuẩn bị cho họ trở thành thành viên tích cực và có đức hạnh trong xã hội. Nó nhằm mục đích dạy cho các nhà lãnh đạo tương lai của xã hội cách suy nghĩ đúng đắn và phát biểu rõ ràng trước công chúng, từ đó giúp họ tham gia hiệu quả vào đời sống công dân. Công dân được tạo ra chứ không phải được sinh ra. Cicero thường khẳng định rằng giáo dục khai phóng nên dạy về tính nhân văn (humanitas), một thái độ nhân từ đối với đồng bào. Nhà sử học Hy Lạp và công dân La Mã Plutarch (46–120 SCN) đã viết rằng một nền giáo dục khai phóng nuôi dưỡng một trí tuệ cao thượng và dẫn tới sự cải thiện đạo đức, sự vô tư và tinh thần vì cộng đồng trong những người cai trị.[2] Nói cách khác, nó là điều cần thiết cho việc mài dũa tính cách hào phóng(liberality).