Linh thiêng Đền thờ liệt sỹ Chiến trường Điện Biên Phủ
Linh thiêng Đền thờ liệt sỹ Chiến trường Điện Biên Phủ
(Xây dựng) – Chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” là một sự kiện lịch sử tiêu biểu có giá trị to lớn. Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, thể hiện lòng tri ân các anh hùng liệt sỹ, đồng bào đã hy sinh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng thời đáp ứng nguyện vọng của nhân dân cả nước, đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên, các cựu chiến binh, thân nhân các liệt sỹ… cùng với sự nhất trí của Trung ương Đảng, Chính phủ, các Ban, Bộ, ngành Trung ương và địa phương, tỉnh Điện Biên đã tiến hành xây dựng Đền thờ liệt sỹ tại Chiến trường Điện Biên Phủ.
Đoàn công tác của Bộ Xây dựng thăm Đền thờ liệt sỹ tại Chiến trường Điện Biên Phủ. |
Công trình tâm linh có kiến trúc độc đáo
Đền thờ liệt sỹ Chiến trường Điện Biên Phủ được xây dựng trên Di tích Đồi F thuộc phường Mường Thanh (thành phố Điện Biên). Đây là ngọn đồi lịch sử từng chứng kiến trận đánh ác liệt nhất của các chiến sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam, thể hiện sự trang nghiêm, linh thiêng, xứng tầm với Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 và những hy sinh to lớn của các liệt sỹ, đồng bào cả nước tại Chiến trường Điện Biên Phủ. Đồi F còn là ngọn đồi có diện tích đất rộng, có địa hình dạng đồi lượn sóng chạy dài theo hướng Đông Bắc – Tây Nam, đỉnh đồi tương đối bằng phẳng, rất thuận lợi về địa thế để xây dựng Đền thờ.
Đền thờ được khởi công xây dựng ngày 13/3/2021, đúng ngày kỷ niệm 67 năm mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ. Công trình có tổng mức đầu tư là 105 tỷ đồng từ vốn tài trợ của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bưu điện Liên Việt và nguồn ngân sách địa phương.
Tổng thể không gian Đền thờ liệt sỹ tại Chiến trường Điện Biên Phủ trên Di tích Đồi F có diện tích gần 50.000m2, được thiết kế theo kiến trúc truyền thống, chia thành 03 không gian chính: Không gian dẫn nhập, không gian tĩnh tâm, không gian tâm linh (Đền thờ chính). Kết nối giữa các không gian chính là đường dẫn chuyển tiếp có tác dụng dẫn dắt cảm xúc, đưa du khách từ cuộc sống hiện đại dần tiếp cận với không gian tâm linh.
Việc xây dựng, quy hoạch khu “Đền thờ liệt sỹ Chiến trường Điện Biên Phủ” đã tạo sự kết nối liên hoàn và hoàn chỉnh cho tổng thể khu vực tưởng niệm và di tích lịch sử chung quanh như: Đồi A1, Nghĩa trang liệt sỹ A1, Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ, Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ… Với kiến trúc độc đáo, kết hợp hài hòa giữa các yếu tố lịch sử, văn hóa, cảnh quan và tín ngưỡng truyền thống của dân tộc… Đền thờ được xây dựng thể hiện sự trang nghiêm, linh thiêng, xứng tầm với chiến thắng và những hy sinh to lớn của các liệt sỹ tại Chiến trường Điện Biên Phủ. Đồng thời là nơi giáo dục, bồi dưỡng truyền thống yêu nước của dân tộc đối với các thế hệ hôm nay và mai sau.
Đường dẫn số 1 với kiến trúc là một bức tường uốn tròn dày 1,05m, đường kính 19,2m, bức tường thiết kế cách điệu theo nhịp điệu đặc rỗng có bố trí tiểu cảnh. Đây là đường dẫn chuyển tiếp từ sân dẫn nhập vào không gian tĩnh tâm.
Không gian tĩnh tâm gồm sân và Hồ tĩnh tâm được tạo hình bởi các vòng tròn đồng tâm, có ý nghĩa tạo sự tập trung, tĩnh tâm trước khi đến với Không gian tâm linh, diện tích sân là 870m2. Hồ tĩnh tâm với diện tích là 542m2 được thiết kế hình vành khuyên với dung tích khoảng 360m3 nước. Lòng hồ có hệ thống đèn chiếu sáng hình vòng cung ôm lấy sân tĩnh tâm. Ở lõi của mặt nước có đường dốc dẫn xuống sân tĩnh tâm. Trên bức tường bê tông ốp đá hình vòng cung khắc tên các đơn vị tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Ở giữa sân bố trí 56 cây đèn tạo hình ngôi sao vàng 05 cánh, biểu tượng trên Quốc kỳ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đồng thời tượng trưng cho 56 ngày đêm chiến đấu vô cùng anh dũng của thế hệ cha ông ta để làm nên chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Đoàn công tác tham quan khu Không gian tĩnh tâm. |
Đường dẫn số 2 nối giữa Không gian tĩnh tâm để vào đến Không gian tâm linh, với kiến trúc là một đường hầm dốc dài 39m, rộng 7,5m định hướng vào Đền thờ. Khi xây dựng, đường hầm được làm trước, sau đó hai bên đường hầm được đắp đất để tạo thành quả đồi bao phía ngoài đường hầm. Trước đường hầm khắc dòng chữ “Quyết chiến, Quyết thắng”. Đây là dòng chữ được in trên lá cờ Bác Hồ trao cho các đại đoàn quân trước khi lên đường ra mặt trận, lá cờ “Quyết chiến, Quyết thắng” đã trở thành biểu tượng, là kim chỉ nam trong toàn chiến dịch, động viên các đơn vị ra sức thi đua lập công và hoàn thành nhiệm vụ trong mỗi trận đánh.
Đền thờ chính – Không gian linh thiêng nhất được thiết kế 2 tầng, 8 góc mái đao với diện tích 303m2. Nhà Tiền tế với diện tích 137m2. Hai khối Tả vu, Hữu vu được bố trí hai bên sân đền với diện tích mỗi bên là 197m2. Tất cả đều được làm bằng gỗ lim, mái đền lợp ngói mũi hài, trên bậc thềm của sân đền có bố trí trụ biểu, lư hương và 01 bình phong đá. Cổng vào Đền được thiết kế bằng hệ trụ biểu gồm 4 cột trụ bê tông cốt thép ốp đá, hoa văn cách điệu từ họa tiết hoa hồi. Hệ thống đường dẫn, sân Đền được lát đá granit.
Bên trong Đền chính gồm 03 bàn thờ chất liệu gỗ được đặt gian cuối Đền thờ, bước cột chính giữa là Bàn thờ liệt sỹ; bước cột bên trái là Bàn thờ sơn thần, thổ địa; bước cột bên phải là Bàn thờ đồng bào tử nạn trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Với không gian thờ tự tại Đền thờ chính như chiếc cầu nối linh thiêng giữa cuộc sống hiện tại của con người với cõi thiêng của đất trời, là nhịp cầu vô hình nối kết, giao hòa giữa hai cõi âm dương.
Đường hầm được xây dựng với hai bên vách tạo hình gấp khúc. Bề mặt trát đá mài (granito), cốt liệu sỏi phát quang. Ánh sáng trong hầm được tiết chế từ 9 cửa lấy ánh sáng trên mái tạo cảm giác trầm lắng. Ở giữa đường hầm tại hai bên chiếu nghỉ đường dốc được khắc trích lời Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết nhân dịp kỷ niệm 10 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ 07/05/1954.
Đền thờ chính – Không gian tâm linh. |
Dấu ấn oanh liệt hào hùng
Việc đầu tư xây dựng công trình Đền thờ liệt sỹ Chiến trường Điện Biên Phủ đã từng bước góp phần thực hiện Đề án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt. “Chiến trường Điện Biên Phủ” cùng với đặc trưng về sinh thái, cảnh quan, môi trường, văn hóa nhân văn, thể hiện tình cảm, lòng biết ơn sâu sắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước đối với các anh hùng liệt sỹ tại Điện Biên Phủ.
Không chỉ có kiến trúc độc đáo mà mỗi chi tiết thiết kế của công trình dù là nhỏ nhất cũng đều mang một ý nghĩa vô cùng đặc biệt, thể hiện giá trị nhân văn sâu sắc và là sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố lịch sử, văn hóa và tâm linh.
Trên mảnh đất Điện Biên Phủ hôm nay, bên cạnh những mộ phần của các liệt sỹ đã được quy tập về các nghĩa trang vẫn còn rất rất nhiều liệt sỹ đã hy sinh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ chưa được quy tập, số lượng hài cốt của các liệt sỹ vĩnh viễn nằm lại trên các điểm di tích thành phần thuộc Di tích quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ vẫn còn rất lớn, không còn khả năng quy tập.
Vì vậy, Đền thờ liệt sỹ tại Chiến trường Điện Biên Phủ được xây dựng là việc làm rất thiết thực, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tri ân, tưởng nhớ công ơn to lớn của các liệt sỹ đã chiến đấu, hy sinh vì “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc” cho Tổ quốc, cho dân tộc.
Không gian Hồ tưởng niệm. |
Ông Nguyễn Anh Đạo, Giám đốc Ban Quản lý di tích tỉnh Điện Biên cho biết: Đền thờ liệt sỹ tại Chiến trường Điện Biên Phủ được khởi công vào ngày 13/3/2021 và khánh thành vào tháng 5/2022. Dự án được triển khai chủ yếu từ nguồn xã hội hóa đã thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của thế hệ hôm nay đối với công lao to lớn của các anh hùng liệt sỹ trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc nói chung và Chiến thắng Điện Biên Phủ nói riêng, đồng thời thu hút khách tham quan, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, lịch sử ngày càng cao của người dân. Số lượng khách tham quan và chiêm bái từ tháng 1/2024 đến hết tháng 06/2024 khoảng 350 đoàn, 7.000 lượt người.
Ðể phát huy giá trị di tích Chiến trường Ðiện Biên Phủ gắn với phát triển du lịch, Ban Quản lý di tích tỉnh Điện Biên đã tham mưu xây dựng phương án tiếp nhận, quản lý tạm thời công trình Đền thờ. Xây dựng nội quy, quy chế, chuẩn bị cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết cũng như phối hợp thực hiện các nghi thức, nghi lễ dâng hương. Bố trí hướng dẫn viên giới thiệu, thuyết minh cho du khách nội dung tại Di tích Đồi F và công trình Đền thờ liệt sỹ tại Chiến trường Điện Biên Phủ.
Thành lập Tổ quản lý tạm thời công trình Đền thờ liệt sỹ đảm bảo quản lý, bảo vệ toàn bộ cơ sở vật chất, tài sản tại Đền thờ. Thực hiện công tác vệ sinh đảm bảo sạch sẽ, trực bảo vệ 24/24 giờ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, an toàn phòng chống cháy nổ cũng như đón tiếp, phục vụ nhân dân và du khách khi dâng hương, tưởng niệm tại Đền thờ.
Với ý nghĩa và giá trị to lớn của Chiến thắng Điện Biên Phủ, năm 2009, Di tích Chiến trường Điện Biên Phủ được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt. Nơi đây không chỉ là một “Địa chỉ đỏ” ghi dấu ấn oanh liệt của lịch sử mà còn là một tài nguyên du lịch nhân văn quý báu, có ý nghĩa giáo dục tinh thần yêu nước, truyền thống yêu nước cho các thế hệ mai sau, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân cả nước, các cựu chiến binh, người có công với cách mạng và thân nhân liệt sỹ khi đến Điện Biên.
Bạn đang đọc Tin tức xây dựng trên website hungday.com
Anh chị bên phía chủ đầu tư cần tham khảo đơn vị làm nội thất gia đình thì xem tại website này nha Kệ gỗ đựng đồ. Xin cảm ơn.