Lo ngại khi hàng loạt ngành ĐH xét điểm dưới trung bình

Tháng bảy 30, 2024

Lo ngại khi hàng loạt ngành ĐH xét điểm dưới trung bình

ĐIỂM SÀN XÉT TUYỂN ĐH MỖI MÔN CHƯA TỚI 5 ĐIỂM

Điểm sàn xét theo phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT các trường ĐH công bố năm nay trải dài từ 14 – 24,5 điểm. Như vậy, từ mức điểm thấp nhất đến cao nhất có độ chênh tới hơn chục điểm. Đáng chú ý, hàng loạt ngành đào tạo ĐH chỉ nhận hồ sơ ở mức 14 điểm. Đây là tổng điểm 3 môn theo tổ hợp xét tuyển và trung bình mỗi môn chưa tới 5 điểm. Theo thang đo điểm 10 mỗi môn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, có thể nói các trường ĐH đang xét thí sinh (TS) có điểm dưới mức trung bình.

Chẳng hạn, thông báo ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào dựa vào kỳ thi tốt nghiệp THPT của Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Huế) năm nay có tới 4 ngành lấy điểm sàn mức 14 gồm: Việt Nam học, ngôn ngữ Nga, ngôn ngữ Pháp và quốc tế học. Năm ngoái, các ngành này có điểm chuẩn 15 nhưng cũng nhận hồ sơ từ mức 14 điểm. Tương tự, Trường ĐH Quảng Nam cũng có 6 trong tổng 13 ngành nhận hồ sơ từ mức 14. Trong đó, một số ngành “hot” được nhiều TS đăng ký theo học hiện nay như: ngôn ngữ Anh, công nghệ thông tin, quản trị kinh doanh.

Lo ngại khi hàng loạt ngành ĐH xét điểm dưới trung bình- Ảnh 1.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024

ĐÀO NGỌC THẠCH

Năm nay, Trường ĐH Kiên Giang dành tới 85% chỉ tiêu xét học bạ và chỉ 15% chỉ tiêu xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Ở phương thức xét điểm kỳ thi tốt nghiệp, trường thông báo nhận hồ sơ ở mức 14 điểm cho tất cả tổ hợp (trừ ngành đào tạo giáo viên).

Còn Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng đang tuyển sinh 18 ngành thì có tới 16 ngành nhận hồ sơ từ mức 14 điểm theo tổ hợp 3 môn. Một số ngành như kiến trúc, thiết kế nội thất, quy hoạch vùng và đô thị thì điểm vẽ mỹ thuật đủ điều kiện nộp hồ sơ cũng từ 4 điểm. Tương tự, 8 ngành đào tạo của Trường ĐH Xây dựng miền Tây cũng thông báo nhận hồ sơ từ mức 14 điểm.

ĐIỂM CHUẨN CÁC NĂM TRƯỚC Ở MỨC 13 – 14 ĐIỂM

Không chỉ điểm sàn xét tuyển, nhiều ngành thuộc các trường ĐH trên từng xác định điểm chuẩn xét điểm thi tốt nghiệp ở mức 13 – 14 điểm các năm gần đây.

Ví dụ tại Trường ĐH Quảng Nam, năm 2020 ngoài các ngành sư phạm, điểm trúng tuyển 7 ngành cử nhân ngoài sư phạm chỉ ở mức 13 điểm. Trong số đó, 4 ngành dù lấy 13 điểm cho 60 chỉ tiêu nhưng không có TS nhập học, như: vật lý học, bảo vệ thực vật, văn học, lịch sử. Năm 2021, điểm chuẩn các ngành này cũng ở mức 14 (riêng ngành công nghệ thông tin chỉ lấy 12,5 điểm), nhưng một số ngành cũng không có TS trúng tuyển như: lịch sử, văn học, bảo vệ thực vật, vật lý học. Đến năm 2023, với mức điểm chuẩn 14, Trường ĐH Quảng Nam đã tuyển được TS của 5 trong số 6 ngành ngoài sư phạm (ngoại trừ ngành vật lý học không có TS trúng tuyển). Trong đó, hai ngành lên tới trên 70 sinh viên nhập học gồm lịch sử và ngôn ngữ Anh.

Từ năm 2022, hơn chục ngành của Trường ĐH Kiên Giang cũng có điểm chuẩn ở mức 14. Trong đó, nhiều ngành cũng thuộc nhóm ngành thu hút với người học như: công nghệ thông tin, kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, công nghệ kỹ thuật ô tô, du lịch, ngôn ngữ Anh… Các ngành còn lại chủ yếu thuộc nhóm ngành công nghệ kỹ thuật. Năm ngoái, nhiều ngành của trường cũng có điểm chuẩn mức 14.

Tại Trường ĐH Xây dựng miền Tây, tình trạng này cũng không khác nhiều. Năm ngoái, với mức điểm chuẩn từ 15 trở lên, trường tuyển được hơn 340 TS. Năm 2022, dù có ngành điểm chuẩn lấy mức 14 nhưng số TS nhập học cũng chưa tới 390 người.

Như vậy, TS trúng tuyển vào các ngành trên chỉ cần đạt 13 – 14 điểm 3 môn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Chưa tính đến điểm ưu tiên tuyển sinh, TS chỉ cần đạt trung bình trên 4 điểm mỗi môn đã đậu ĐH.

KHÔNG VI PHẠM QUY ĐỊNH, NHƯNG

Theo quy chế tuyển sinh ĐH chính quy hiện hành của Bộ GD-ĐT, hai khối ngành đào tạo đặc thù các trường ĐH phải tuân thủ quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào khi xét tuyển bằng tất cả phương thức gồm: đào tạo giáo viên và khoa học sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề. Các khối ngành còn lại, trường ĐH được tự chủ xác định ngưỡng đầu vào trong tuyển sinh. Trên cơ sở đó, các trường ĐH không đào tạo hai khối ngành đặc thù trên được quyền tự xác định điểm sàn, trong đó có những trường xét TS mức 13 – 14 điểm suốt nhiều năm nay.

Lo ngại khi hàng loạt ngành ĐH xét điểm dưới trung bình- Ảnh 2.

Thí sinh và phụ huynh đến các trường ĐH tìm hiểu thông tin về xét tuyển

ĐÀO NGỌC THẠCH

Bình luận về hiện tượng này, Trưởng phòng Đào tạo một trường ĐH tại TP.HCM cho rằng dù quy định nhà nước không cấm, nhưng các trường ĐH xét trúng tuyển TS có điểm thi trung bình mỗi môn dưới 5 điểm là quá thấp; đặc biệt là trong bối cảnh phổ điểm thi tốt nghiệp THPT các năm gần đây. “Chuẩn đầu vào các trường ĐH này càng thấp khi so sánh với điểm chuẩn trúng tuyển của một số trường CĐ hiện nay. Dù xét tuyển điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT nhưng có ngành ở trường CĐ lấy tới 7 điểm/môn. Với mức điểm đầu vào đó, quá trình đào tạo để đảm bảo được chuẩn đầu ra bậc ĐH sẽ cực kỳ khó khăn”, Trưởng phòng Đào tạo này nói.

Phó hiệu trưởng một trường ĐH địa phương cũng nhìn nhận: “Tính trên thang điểm 10 của kỳ thi tốt nghiệp THPT thì 5 điểm được xem là đạt mức trung bình. Trường ĐH xét TS có điểm dưới 5 là mức thấp”. Một câu hỏi được phó hiệu trưởng này đặt ra: “TS điểm thấp trúng tuyển vào ĐH thì có thể theo học không? Câu trả lời này vẫn “có” với những học sinh khi học ở bậc phổ thông vì hoàn cảnh nào đó chưa thể học tốt, thì lên ĐH nỗ lực phấn đấu vẫn đạt được kết quả tốt. Nhưng về tổng thể thì không ổn, đầu vào quá thấp thì khó có thể có chất lượng đầu ra tốt; đặc biệt là những ngành liên quan đến lĩnh vực kỹ thuật công nghệ. Như trường tôi dù điểm chuẩn cao hơn nhưng không ít sinh viên trúng tuyển ngành công nghệ thông tin buộc phải bỏ việc học giữa chừng vì ngành đào tạo này đòi hỏi năng lực cao về tư duy người học”.

Về tổng thể thì không ổn, đầu vào quá thấp thì khó có thể có chất lượng đầu ra tốt; đặc biệt là những ngành liên quan đến lĩnh vực kỹ thuật công nghệ.

Phó hiệu trưởng một trường ĐH

Phân tích thêm vấn đề, phó hiệu trưởng này cho rằng về mặt lý luận, học sinh tốt nghiệp THPT là đủ điều kiện vào học bậc ĐH. Nhưng trong thực tiễn tất cả học sinh tốt nghiệp THPT có đáp ứng được yêu cầu này chưa thì còn là một câu hỏi. “Trường ĐH nào cũng mong muốn tuyển được người học tốt để chất lượng đầu ra tạo thành thương hiệu. Nhưng không ít trường muốn nhưng không thể làm được, mà với những ngành khó tuyển sinh, trường chấp nhận tuyển người học điểm thấp, sẽ dẫn đến những hệ lụy, trong đó có chuyện sinh viên bỏ học giữa chừng gây lãng phí xã hội”, ông nói.

Từ đó, phó hiệu trưởng này đặt vấn đề: “Thực ra đây là bài toán tổng thể rất lớn, không chỉ liên quan đến một quy định tuyển sinh cụ thể. Bài toán lớn ở đây là sự song hành giữa quyền tự chủ và trách nhiệm của chính các trường ĐH”.

Trung bình điểm thi năm 2024 toàn quốc đạt 6,682

Theo công bố của Bộ GD-ĐT, trung bình điểm thi năm 2024 toàn quốc đạt 6,682; tăng 0,22 điểm so với năm 2023 (6,462 điểm). Năm 2024 số địa phương có trung bình điểm thi đạt từ 7 tăng lên, từ 4 địa phương năm 2023 tăng lên 10 địa phương năm 2024. Số địa phương đạt điểm trung bình từ 6,5 đến dưới 7 điểm tăng từ 23 địa phương năm 2023 lên 35 địa phương năm 2024. Trong khi số địa phương có trung bình điểm thi dưới 6,5 đã giảm từ 36 năm 2023 xuống còn 18 vào năm 2024.


Bạn đang đọc Lo ngại khi hàng loạt ngành ĐH xét điểm dưới trung bình tại website hungday.com