Lộ tung tích nhóm thợ săn báu vật không cùng loài với chúng ta

Lộ tung tích nhóm thợ săn báu vật không cùng loài với chúng ta

Một “viện bảo tàng” 46.000 năm tuổi với những báu vật ngoạn mục vừa được tìm thấy ở Tây Ban Nha, nhưng chủ nhân của nó mới là điều gây sốc.

Theo Sci-News, một phiên bản cổ xưa của các viện bảo tàng lịch sử tự nhiên thời nay vừa được tìm thấy ở Tây Ban Nha, chứa các báu vật cổ sinh vật học giá trị. Và những thợ săn hóa thạch, nhà sưu tầm đã tạo nên nó là người Neanderthals đã tuyệt chủng.

Neanderthals là “người anh em” khác loài nhưng cùng chi Homo (chi Người) với loài Homo sapiens chúng ta.

Hang động Prado Vargas và những báu vật cổ sinh vật học được loài người cổ Neanderthals
Hang động Prado Vargas và những báu vật cổ sinh vật học được loài người cổ Neanderthals thu thập – (Ảnh: Quaternary).

Trước đó, nhiều di chỉ của loài này cho thấy họ có mức tiến hóa khá cao, đã biết tạo ra các loại bếp thô sơ, dệt sợi, làm trang sức… trước khi tuyệt chủng khoảng hơn 30.000 năm trước.

Họ cũng có bộ não lớn hơn chúng ta, dù được cho là kém hơn nhiều về mặt cấu trúc và chức năng.

Nhưng phát hiện mới tại hang động Prado Vargas ở tỉnh Burgos – Tây Ban Nha cho thấy loài người cổ đại này có thể có cuộc sống không khác nhiều tổ tiên của chúng ta.

Trong nhiều thập kỷ, các nhà khảo cổ đã có bằng chứng về những đồ vật không có giá trị sử dụng trong nhà của người Neanderthals. Nhưng sưu tầm cái gì đó thì là một cấp độ khác, cao hơn nhiều so với việc tạo ra những vật trang trí hay trang sức.

Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà khảo cổ Marta Navazo Ruiz từ Đại học Burgos (Tây Ban Nha) đã tìm thấy một bộ sưu tập gồm 15 báu vật cổ sinh vật học do loài người cổ này tạo nên.

Đó là tàn tích của các sinh vật biển thuộc thế Phấn Trắng muộn của kỷ Phấn Trắng, tức thời mà khủng long còn tồn tại trên Trái Đất.

Tất cả các mẫu vật đều thuộc ngành Thân mềm, ngoại trừ một mẫu vật thuộc ngành có chứa động vật da gai (Echinodermata).

Ngoại trừ một mẫu, 14 mẫu còn lại không chứa bất kỳ dấu hiệu nào khiến chúng bị nghi ngờ là được dùng như công cụ. Điều này chứng minh chúng chỉ đơn giản là được thu thập và trưng bày.

Theo các tác giả, có thể người Neanderthals ở Prado Vargas đã tìm thấy những hóa thạch này một cách cố ý hoặc tình cờ, nhưng điều rõ ràng là việc mang chúng đến hang động là có chủ đích, có hệ thống và được lặp lại, thể hiện nỗ lực và mối quan tâm của họ.

Lớp trầm tích nơi các hóa thạch ẩn mình cho thấy việc sưu tầm này đã được thực hiện từ 46.000 năm trước.

“Vì vậy, người Neanderthals trong hang động này  đã trở thành những người sưu tầm hóa thạch sớm nhất mà chúng ta biết đến ngày nay trong quá trình tiến hóa” – các tác giả kết luận trên tạp chí khoa học Quaternary.

Related Posts

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *